Chiều mùng 4 Tết, Lễ xong, đường Sài Thành còn vắng, chạy một vòng thư giãn.

Giao nhau với ngã tư lớn nên đèn đỏ phải chờ hơi lâu. Mọi người đang lặng lẽ đợi chờ đồng hồ báo số giây còn lại để đi qua. Dẫu không muốn nghe nhưng cũng phải nghe giọng tức giận của người phụ nữ ngồi sau xe của người con gái: “Mẹ nó ! Tao có nhiêu tiền xài hết chứ đưa cho tụi nó ăn chơi chi cho phí. Chia nhau rồi còn đánh nhau, chém nhau nữa. Chết rồi đến cái nút áo cũng bị cắt để lại, ham hố chi cho mệt xác. Tụi nó tranh giành ghê quá !. ..”

Đánh, chém, tranh giành, … những lời người phụ nữ ấy sao mà chua chát, mà cay đắng quá ! Ngày nay sao những từ ấy cứ xuất hiện nhan nhãn như thế !

Cái nút áo nữa ! À ! Đúng như lời bà ấy nói. Dù giàu, dù nghèo, dù sang, dù hèn, dù mọn … khi nằm xuống được gửi vào chiếc quan tài. May lắm thì được chiếc quan tài đẹp, kém may mắn thì cũng được chiếc quan tài vừa ôm trọn cái hình hài cát bụi nhưng có một điểm chung là cả đến cái nút áo cũng bị cắt để lại !

Bước vào cõi nhân gian này, con người chẳng mang theo gì để rồi khi nằm xuống xuôi hai tay cũng chẳng mang theo được gì hết. Cái nhỏ bé nhất là cái nút áo, nó là vật bảo vệ cho chiếc áo của con người chẳng đáng là gì cả nhưng khi nhắm mắt chia tay cõi tạm nó cũng bị để lại.

Ai cũng biết cái chân lý ấy, ai cũng biết cái sự thật ấy nhưng nhìn vào nhân tình thế thái ta thấy làm sao ấy. Không phải bỗng dưng mà người phụ nữ thốt lên những lời cay nghiệt ấy. Chắc có lẽ trong cuộc sống của bà, trong thực tại gia đình bà đã xảy ra chuyện tranh giành đấu đá để rồi bà có cái suy nghĩ ấy.

Cái nhìn, suy nghĩ của bà không phải là cá biệt trong xã hội hôm nay. Đành biết xã hội lúc nào nó cũng có vấn đề của nó nhưng rồi nếu nhìn lại thì ngày hôm nay vấn đề gia đình, vấn đề tương quan trong xã hội đang ở mức báo động đỏ. Ngày hôm nay, đời sống kinh tế quá cao, đời sống vật chất dư đầy nhưng tình người, tình làng nghĩa xóm nó cứ như làm sao đó. Vì người ta không còn biết yêu nhau nữa để rồi cứ giành giật. Bi đát là những thứ mà người ta giành giật sẽ mất vào ngày mai khi người ta nằm xuống. Cả cuộc đời người ta ky cóp nào là nhà, nào là xe, nào là danh, nào là danh, nào là vọng nhưng khi nằm xuống thử hỏi người ta có mang theo được gì ?

Không có tình yêu trong lòng nên con người cứ hơn thua, cứ chà đạp, cứ tranh giành.

Suy nghĩ miên mang về đời, về người, về câu nói của người phụ nữ ấy trong quãng đường dài về nhà. Về đến nhà, bỗng nhớ đến bài hát “Mùa Xuân đầu tiên” máy của Văn Cao mình rất thích mà khi chuông điện thoại của mình đổ thì người bên kia sẽ nghe:

… Ôi giờ phút yêu quê hương làm sao trong xuân vui đầu tiên.

Ôi giờ phút trong tay anh đầu tiên một cuộc đời êm ấm

Từ đây người biết quê người

Từ đây người biết thương người

Từ đây người biết yêu người. ..

Sau những năm dài của chiến tranh, của hận thù, Văn Cao mong ước, mơ ước con người từ đây biết yêu người, biết thương người. Lẽ ra cảm nhận được bài học đau thương của chiến tranh, của chết chóc, của hận thù con người sẽ biết yêu nhau hơn nhưng hình như nguyện ước của Văn Cao cũng chỉ là ước nguyện.

Chỉ xin cho mình ngày mỗi ngày bớt đi những cái tham sân si, những cái hơn thua, những cái tranh chấp trong lòng mình để mình biết yêu người hơn một chút.

Nếu cứ mãi khư khư giữ cho riêng mình, nếu cứ mãi tranh giành chà đạp thì khi nằm xuống sẽ mang được gì. Ngay cả chiếc nút áo nhỏ xíu xiu cũng bị người ta bỏ lại.