Hà Nội - Bắc Ninh - Hương La, 30 tháng 01 năm 2011. Hôm nay chỉ còn vỏn vẹn vài ngày nữa là hết năm âm lịch và quả là một ngày đầy ý nghĩa với chúng tôi trong việc thi hành đức ái và đến thăm người bệnh tật. Chúng tôi đã thức dậy từ rất sớm để chuẩn bị cho chuyến đi từ Hà Nội đến Bắc Ninh. Xe buýt nhỏ đón chúng tôi ngoài cổng Nhà Dòng tại Hàng Bột vào đúng 6 giờ sáng. Đoàn chúng tôi có 26 người, gồm: Hai Sơ phụ trách và 24 em đệ tử Dòng Thánh Phaolô. Xe của chúng tôi đi về hướng Long Biên để đón 3 nhân vật quan trọng. Đó là Cha Phaolô Phạm Văn Tuấn – Người đã tổ chức chuyến đi ủy lạo ngày hôm nay.

Hình ảnh thăm trại phong Quả Cảm

Hình ảnh thăm nhà khuyết tật Hương La

Cha Tuấn là người Việt đang sống và phục vụ ở Đức, nhưng Cha cũng thi thoảng về thăm quê hương và sinh hoạt cùng nhà dòng chúng tôi. Một người nữa cũng rất quen thuộc với chúng tôi là nhà nhiếp ảnh trẻ Xuân Hòa. Người ta hay nhầm gọi anh là Thầy mà thực ra anh đã là “ông bố” được gần năm rồi, người cộng tác với cha Tuấn đã nhiều năm mang quà của C.Đ Bắc Đức vào trại phong. Đặc biệt hơn, đồng hành cùng chúng tôi hôm nay còn có một sinh viên y khoa năm cuối đang thực tập ở bệnh viện Chợ Rẫy Sài Gòn, chị là một Việt kiều đang sinh sống và học tập tại Đức, tên chị là Linh. Chị cũng là một thành viên trong nhóm từ thiện Bắc Đức, một con người rất năng động, sôi nổi và hát rất hay. Vậy là đoàn chúng tôi đã đông đủ 29 thành viên. Hành trang lần này của chúng tôi mang theo lỉnh kỉnh rất nhiều thứ chất chật cả thùng xe và gầm để chân: từ gạo, mì, dầu ăn, thuốc men đến những gói bánh cho các em nhỏ mừng Tết. Đặc biệt, lần này chúng tôi mang theo cả những nhạc cụ dân tộc của nhóm chúng tôi. Riêng cha, cha không quên mang theo bên mình chiếc đàn ghita để sinh hoạt và hát lễ.

Khi đã ổn định xong, xe chúng tôi chuyển bánh trong sự phó thác cho Thiên Chúa và Mẹ Maria để chuyến đi được các Ngài dẫn đưa bình an và chúng tôi mang được chút niềm vui bé nhỏ cho những người ở những ngôi làng ấy. Những tiếng ca bằng tiếng Đức được cha Tuấn dạy hát trên xe “Halleluja… Preiset den Herrn!” mỗi lúc một rõ ràng và chuẩn xác hơn của giọng Việt Nam chúng tôi hòa với tiếng đàn ghita đầy sức trẻ của cha làm cho quãng đường vốn dài lê thê trong chờ đợi mong ngóng dường như ngắn lại. Xen giữa những bài hát là những câu chuyện Cha kể về những người bệnh tật trong ngôi làng Quả Cảm, tôi thầm trách mình vô tâm quá vì Cha ở xa xôi vậy mà còn biết rõ về họ còn mình thì chỉ cách những người anh em đó chưa đầy 3 giờ đi ô tô mà chẳng biết chút xíu nào… Tôi cảm phục hơn nữa khi biết rằng cha đến đây đã 3 lần rồi.

Mải miết với những dòng suy tư và những tiếng hát, xe buýt đã đến trước cổng “Bệnh viện Da Liễu Quả Cảm”, trước đó chúng tôi đã ghé thăm ngắn ngủi Tòa Giám Mục Bắc Ninh. Vừa bước xuống, tôi đã gặp những ánh mắt, những nụ cười như là đã để dành cho tôi từ rất lâu rồi, bà con bệnh nhân sống trong làng phong đã họp nhau lại từ rất sớm để đón chúng tôi. Tôi thầm thĩ lời tạ ơn.

Tôi đã học được rằng: Mỗi người khi sinh ra đều có một ơn gọi. Có người được chọn lựa ơn gọi đó, có người may mắn, còn có người thì số phận đã được an bài. Có người chọn bậc sống tu trì, có người chọn đời sống hôn nhân, có người chọn đời sống độc thân... Họ chọn điều mang lại cho họ hạnh phúc. Và còn có người lựa chọn ơn gọi sống cùng và chăm sóc các bệnh nhân phong như Sơ Xuân, Sơ đã ở trại phong Quả Cảm 23 năm. Sơ lấy công việc của họ làm công việc của mình, lấy niềm vui của họ làm niềm vui cho chính mình. Sơ còn muốn chọn phần mộ cuối cùng ở đây để luôn ở cùng bệnh nhân. Ngược lại, có những người bất hạnh lại không được phép lựa chọn cuộc sống mà bị phụ thuộc vào người khác như các bệnh nhân Phong. Từ khi mắc bệnh họ phải cách ly với mọi người và xã hội. Có người phải sống xa gia đình và người thân đã 5 năm, 10 năm, có người 20 năm, 50 năm và cũng có người phải cách xa cả đời… Họ buồn, họ tủi thân vì họ bị lãng quên.

Đứng cùng các bệnh nhân chờ đón chúng tôi, Sơ Xuân chạy lại gần hơn, trông thấy làm lòng tôi ấm lạ. Sơ và bà con đưa chúng tôi vào hội trường. Tôi thấy nơi ấy ấm áp một tình gia đình. Các cụ ông cụ bà, anh chị, các em nhỏ đã có mặt đông đủ chờ đợi đoàn chúng tôi như là người con đi học xa quê. Đã lâu tôi không về quê nên tôi cảm thấy đây là nhà mình và ông bà bố mẹ anh em đang đón tôi về. Tôi thấy mình thật hạnh phúc được ngồi cạnh ông bà, được nói chuyện với mọi người, được bồng bế em cháu mình. Còn các con em của bệnh nhân vui mừng và hạnh phúc hơn vì được ngồi bên cha, được cha bế ẵm, hơn nữa được cha lì xì phát quà đầu xuân.

Tôi ngồi cạnh một cụ lớn tuổi, nói chuyện và hỏi thăm sức khỏe ông “Ông có lạnh không? Ông có đau lắm không?” Tôi thấy chân ông không đi tất và tay ông lạnh vì không có găng tay, làm sao được đây? Ông đã nhiều tuổi, chắc ông lạnh lắm. Tôi chẳng có gì, chỉ biết trao tặng cho ông đôi găng tay của mình và giúp ông đeo vào vì đôi bàn tay của ông không còn nguyên vẹn mà đã trở thành thương tật cong queo suốt đời. Ông ngỏ lời cám ơn tôi và hỏi tên tôi nhưng tôi thầm nghĩ: Con phải là người cám ơn ông mới phải vì ông đã chịu đau đớn phần của con để con được lành lặn. Nhiều thứ cảm xúc lẫn lộn xâm chiếm lòng tôi.

Trong cuộc gặp mặt chia sẻ, cha nói chuyện với các cụ đồng thời có một chút quà tết bằng bao lì xì màu đỏ và Cha chuyển giúp nhiều phần quà của bao người giáo dân Việt Nam thuộc vùng Bắc Đức nhưng lòng luôn hướng về Quả Cảm. Chị Linh đại diện cho những người bạn Đức tặng quà cho các cụ. Còn nhóm đệ tử Dòng Thánh Phaolô chúng tôi thì thể hiện chút “tài năng âm nhạc” của mình cho các cụ thưởng thức với những nhạc cụ dân tộc. Khi những ca từ của bài hát “Tình Gia Đình” vang lên ở cả hội trường với những cái nắm tay, những cái ôm đầy tình yêu thương, tôi thấy ánh mắt hạnh phúc của tất cả mọi người hiện diện, không phải vì chút vật chất bé nhỏ họ nhận được nhưng là tình yêu tình người đang làm ấm lên xua tan đi cái lạnh giá của những ngày rét tăng cường…

Niềm vui dâng tràn cho chúng tôi khi nghe nhiều cụ chia sẻ đây là lần đầu tiên được thấy tận mắt cây đàn bầu, đàn tranh, hạnh phúc chúng tôi nhận được thì vượt xa những cố gắng của chúng tôi… Các em nhỏ cũng hát tặng chúng tôi những làn điệu Quan Họ Bắc Ninh. Các em làm tôi nhớ lại tuổi thơ của mình, nhưng tôi thì có quá nhiều điều kiện để phát triển hơn các em. Và tôi thương các em thật nhiều. Sau khi mọi người nói chuyện, phát biểu, chúng tôi phụ giúp chuyển quà đến tận gia đình các cụ, mỗi người 1 thùng mì tôm, 1 gói đường, 1 bánh mỳ và 1 bao lì xì cho Năm Mới.

Sau cuộc gặp gỡ các cụ tại hội trường, chúng tôi đã dâng Thánh Lễ Chúa nhật với cha Phaolô Tuấn tại nhà nguyện bé nhỏ trong trại phong cùng với các bệnh nhân Công Giáo. Thánh lễ Tạ ơn thật sốt sắng, trang nghiêm nhưng đầy ấm áp trong ngôi nguyện đường làm cho tiếng hát lễ của chúng tôi như được mọc thêm cánh bay cao lên trước thiên tòa vậy. Vâng, không lúc nào Chúa ngừng yêu thương chúng ta, cả khi mà bên ngoài tuy có vẻ bất hạnh nhưng niềm tin là động lực giúp con người ta sống an vui. Thánh Lễ kết thúc, chúng tôi có cơ hội chụp chung tấm hình với các cụ và thăm hỏi từng cụ một. Qua chia sẻ bộc phát ngoài nhà nguyện chúng tôi biết có cụ đã 62, 50, 38.. năm gắn bó với mảnh đất Quả Cảm này. Cha Tuấn nhắc nhở chúng tôi phải nhìn vào gương các cụ mà sống sao cho xứng đáng với nén bạc mà Thiên Chúa đang trao cho mọi người trong cuộc sống.

Đã đến giữa trưa, thời gian không cho phép nên chúng tôi phải chia tay các cụ để tiếp tục đi đến làng Hương La, ở đây có “Trung tâm chăm sóc trẻ khuyết tật” của các Sơ thuộc tu hôi Hiệp Nhất Bắc Ninh. Trên xe cho đoạn đường này anh Hòa đã chuẩn bị xôi và giò, thế là cha, hai Sơ và đàn con tận tình thưởng thức bữa ăn trưa.

Đến trung tâm Hương La, chúng tôi được gặp gỡ và sinh hoạt với các em khuyết tật. Các em kém may mắn hơn chúng tôi, các em không thể đi được, thậm chí không thể ngồi dậy được, cuộc sống phải gắn liền với chiếc giường từ rất lâu rồi. Có em thì chẳng nhớ tên mình, quê quán hay cha mẹ mình là ai như trường hợp của em Hà. Hoặc có em bị cha mẹ vất bên vệ đường đi vì yếu đau, bệnh tật như trường hợp của Phúc giờ đây đã gần 20 tuổi mà chưa đếm được các con số trên đầu ngón tay.

Nhìn đến những người tật nguyền ở Hương La chúng tôi thấy: Họ chẳng có gì, họ chẳng có tự do, chẳng có cơ hội để lựa chọn ơn gọi của mình. Họ bị bố mẹ bỏ rơi, họ hàng anh em không biết đến sự tồn tại của họ, họ sống mà như đã chết, chỉ có một vài tấm lòng quảng đại đỡ nâng họ. Họ chẳng cần gì, họ chỉ cần tình thương và sự tôn trọng. Và nếu có ai một lúc nào đó nhớ đến họ thì có thể liên kết với họ trong lời cầu nguyện của mình.

Có nhiều hoàn cảnh trong nhà khuyết tật mà chúng tôi được chia sẻ, tôi thấy mình hạnh phúc vì có một gia đình yêu thương… Ngoài những tạ gạo, dầu ăn chúng tôi phát kẹo bánh cho các em, trò chuyện với các em và cùng các em hát một cách hạnh phúc như tình anh em trong một gia đình. Các em đã được các Sơ chăm sóc, nâng niu, người thì tật nguyền đã 39 năm, người 20, 10, 8… năm. Tôi cảm nhận tấm lòng các Sơ ở đây thật cao rộng. Hỏi cảm nhận, các Sơ chỉ cười, nói rằng thương các em thôi, chứ vất vả thì cũng có thấm vào đâu so với biết bao đau khổ các em đang phải chịu đựng trong thân xác dán chặt trên chiếc giường. Lúc này, trong tôi có một tâm tư riêng. Đây là lần thứ 2 tôi được đi thăm các em có nhu cầu đặc biệt. Năm 2008, tôi được đi thăm các em ở Phú Nhai - Bùi Chu. Lần đó, tôi cũng có một nguyện ước, một quyết tâm và hôm nay tôi đang thực hiện, đó là học về ngành Giáo dục Đặc biệt, hy vọng tôi có thể giúp các em một chút. Còn hôm nay tôi cũng có một quyết tâm là sẽ học tập thật tốt để tôi có thể can thiệp, giúp đỡ các em để các em có thể được hòa đồng, có thể được hưởng đầy đủ các quyền mà các em phải được phục vụ.

Cha Tuân cho biết Cộng Đoàn Wedel tại Bắc Đức vào dịp Giáng Sinh đã quyên góp được 1.030 Euro để giúp mua gạo và thực phẩm cho nhà khuyết tật Hương La. Ủy lạo các trại phong một chị ngoài công giáo có cửa hàng tại Bắc Ninh cũng góp vào 5 triệu đồng, một gia đình trẻ ở Hà Nội tặng cho chuyến xe buýt đi hôm nay, một cửa hàng tại Long Biên tặng thêm 600 bao lì xì 10 ngàn cho các trại phong ở Sóc Sơn và Văn Môn. Một gia đình ở Bắc Đức tặng 500 Euro để cho những bữa ăn 3 ngày tết thêm đậm đà trong trại phong.

Thời gian trôi đi thật nhanh, quá trưa chúng tôi lại phải chia tay các em để tiếp tục hành trình. Chúng tôi đi tiếp về Hưng Yên quê cha Tuấn để thăm lại mộ tổ tiên của cha. Tại đây, chúng tôi thăm viếng nghĩa trang và dâng Thánh Lễ cầu nguyện cho cụ cố của cha mới qua đời.

Chuyến đi thăm trại Phong Quả Cảm và Trung tâm chăm sóc trẻ khuyết tật Hương La đã để lại cho mỗi người chúng tôi những ấn tượng, những niềm vui, những cảm xúc và cả những thao thức và cả những quyết tâm, đồng thời cũng là lúc nhìn lại bản thân và thầm tiếc cho những ngày sống trì trệ của mình. Với ơn Chúa, chúng tôi ai cũng thầm vươn mình trở dậy. Chúng tôi cũng thấy hình ảnh Chúa Kitô thật rõ ràng qua nhiều bàn tay đóng góp kín đáo của giáo dân Việt Nam tại vùng Bắc Đức từ nhiều năm qua, những cưu mang đầy ắp tình thương và tình người của các Sơ và cha Phaolô Tuấn, những chia sẻ rộng lượng của các ân nhân tại Miền Bắc cho dù họ đang gặp muôn vàn khó khăn trong cuộc sống hằng ngày, và qua cả những người anh chị em bệnh tật mà chúng tôi đã gặp gỡ hôm nay.

Chiều tối trở về thủ đô Hà Nội thì phố xá đã lên đèn, dòng người vẫn tất tật vội vã như đan cửi, có lẽ sống trong vòng xoáy náo động này ít ai một lần để tâm nhớ đến những bệnh nhân đang côi cút chấp nhận số phận hẩm hiu cho chính mình. Chúng tôi thầm dâng lời nguyện: “Để con có trái tim của Chúa, trái tim đầy ắp yêu thương nồng nàn. Để con có đôi tay của Chúa, đôi tay trìu mến đỡ nâng dịu dàng…”