Cái chết và sự sống đời đời

Sống và chết có lẽ là mối ưu tư của mỗi con người khi được sinh ra sống trên dương thế. Có nhiều câu hỏi đặt ra, có nhiều cách suy nghĩ cho câu trả lời về vấn đề này. Sống sao cho vừa lòng người, sống sao cho xứng đáng một đời người để trọn kiếp nhân sinh? Chết rồi đời người sẽ đi về đâu, linh hồn và thể xác rồi sẽ ra sao? Từ thời tạo dựng đến nay, có biết bao nhiêu nỗ lực để kéo dài sự sống, để thân xác được trường sinh bất tử nhưng rồi cũng hoài công vô ích. Đối với người Công Giáo, Thiên Chúa là sự sống và là sự sống lại, vì thế sống trên dương thế cần phải có sự kết hợp với Chúa Giêsu, tin rằng Chúa hiện diện và đồng hành với mình cho đến tận thế. Khi lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy, người Kitô đã thật sự tham dự vào đời sống trên trời của Chúa Kitô Phục Sinh và phải kiên vững đời sống đức tin đến lúc nhắm mắt lìa đời, bằng không nếu sống mà không có sự kết hợp với Đức Giêsu, ngay bây giờ đã là chết. Chết về thể lý chỉ là một sự chấm dứt cuộc lữ thứ trần gian để bắt đầu một cuộc sống mới, cuộc sống đời sau trên Thiên Quốc.

“NÓI VỀ CHẾT & SỐNG” là đề tài mà Linh mục Giuse Lê Minh Thông, OP – Tiến sĩ Thần học Kinh Thánh tại Université Catholique de Lyon, Pháp – đã chọn để thuyết trình tại Trung Tâm Mục Vụ TGP. Sài Gòn chiều hôm thứ Bảy 6/11/2010 do Ban Mục Vụ Gia Đình tổ chức. Bằng cách trình bày mô tả thật sinh động bức tranh của đoạn Tin Mừng Gioan 11,1-54, cha đã làm do các tham dự viên được học thêm một cách đọc Tin Mừng, theo đó có thể hiểu được câu chuyện Đức Giêsu làm cho Lazarô sống lại, một câu chuyện xảy ra trước khi Đức Giêsu bước vào cuộc thương khó, biết được sứ điệp viết cho ai và nhận ra sứ điệp nói với chúng ta, những người đọc.

Xem hình buổi thuyết trình

Mở đầu buổi thuyết trình cha Giuse cho hay cần phải nhìn thẳng vào cái chết để mà vui sống, cái chết không ghê sợ đối với người chết nhưng lại ghê sợ đối với người sống. Cần nhìn lại điều mà Đức Giêsu nói về chết và sống như thế nào.

Trước khi phân tích vấn đề cần phải nói đến cách đọc Kinh Thánh: Hãy nhìn vào bản văn như một bức tranh để rồi chiêm ngắm, thưởng thức và cảm nhận bức tranh đó. Khi nghe đọc Kinh Thánh, lắng nghe từng câu từng chữ của đoạn Kinh Thánh nhưng cảm nhận đó là một bức tranh với từng chi tiết một, không chi tiết nào dư thừa, trong đó có chỗ tối, có chỗ sáng, có nhân vật nói nhưng cũng có nhân vật im lặng và làm sao nối kết từng chi tiết nhỏ đó với nhau. Cần phải nhận biết rằng mỗi câu chuyện trong Kinh Thánh luôn chuyển tải một sứ điệp nào nào đó cho người đọc.

Trong đoạn văn Ga 1,11-54, chuyện Lazarô ra khỏi mồ chỉ là ánh sáng lóe lên trong đêm tối khi mà xuyên suốt đoạn văn chỉ nói về cái chết. Không phải chỉ có Lazarô chết, Đức Giêsu làm cho Lazarô sống lại để rồi người ta quyết định giết Đức Giêsu. Bản văn cho thấy đó không phải là cái chết bình thường, mà là nói về cái chết còn khủng khiếp hơn cái chết thể lý, và bản văn cũng nói nến sự sống nào đó còn có giá trị hơn nhiều sự sống thể lý.

Bản văn Ga 11,1-54 nhìn ở mức độ câu chuyện, đó có thể là câu chuyện buồn, vì từ cái chết của Lazarô kéo dài, rồi lóe lên Lazarô sống lại để rồi chính Đức Giêsu lại phải đối diện với cái chết. Tính hài hước của đoạn văn nằm ở chỗ người làm cho người khác sống lại nhưng lại không giữ được mạng sống của mình. Chưa hết, qua đến chương 12, các Thượng Tế quyết định giết cả Lazarô bởi vì anh mà nhiều người đã tin vào Đức Giêsu. Lazarô là nhân vật trọng tâm vì tất cả mọi người nói về anh, nói với nhau về sự chết của anh nhưng anh lại là nhân vật không hề lên tiếng. Tính hài hước ở nhân vật này nằm ở chỗ đau ốm, chết, được Đức Giêsu kêu ra khỏi mồ, sống lại, ăn một bữa, sau đó lại chết. Ở Cấp độ mạc khải thì trả lời cho bế tắc của cái chết, câu trả lời mà ngay cả chúng ta cũng không dám nghĩ tới. Đức Giêsu đến Bêtania để cứu người nhưng lại đi vào chỗ chết. Người ta chỉ nghĩ rằng Đức Giêsu đã không làm cho Lazarô khỏi phải chết chứ không nghĩ rằng làm cho Lazarô sống lại.

Bản văn đã dùng từ ngữ rất phong phú khi nói về sự chết và sự chết được nói rất nhiều, rất chi tiết: bệnh, ngủ, chết, giấc ngủ, ném đá, phá hủy, hủy diệt, sự chết, giết chết, xác chết, người chết, khóc lóc, khóc thương... Ngược lại sự sống được nói đến rất ít nhưng rất quan trọng: sống lại, sự sống lại, sống, sự sống, bên cạnh đó là một số từ cũng liên quan đến sự sống: vinh quang, tôn vinh, yêu mến, thương mến. Trong khi sự chết bao trùm lên các nhân vật trong bản văn, Đức Giêsu minh chứng sự sống mạnh hơn cái chết bằng cách gọi Lazarô ra khỏi mồ trên cái nền là sự khóc thương, sự khát khao của người còn sống. Làm thế nào để chuyển biến từ sự chết thành sự sống? Tin là đề tài trọng tâm của đoạn văn, chỉ nhờ hành động tin mới có thể cho phép đi từ sự chết đến sự sống và không bao giờ chết hay không phải chết đời đời.

Có thể nói, qua đoạn văn, “chết” và “sống” mang hai ý nghĩa là “chết” và “sống” về thể lý, nó nói đến nỗi đau khi chết về thể lý và ước ao được sống về thể lý, nhấn mạnh đến việc kêu Lazarô ra khỏi mồ là làm cho Lazarô sống lại về thể lý. Nhưng sứ điệp ở bên trong là “chết” và “sống” liên quan đến tin hay không tin vào Đức Giêsu.

Đức Giêsu bị những người chống đối dọa giết và Thượng Hội Đồng quyết định giết Người là chết về thể lý. Nhưng khi Đức Giêsu tuyên bố: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống” (11, 25) thì sự sống ở đây không còn là sự sống thể lý nữa mà là sự sống đời đời. Đối với những người tin vào Đức Giêsu cũng vậy, họ “sẽ không bao giờ chết nữa” (11,26),

Chết và sống của Lazarô là dấu chỉ, tuy nhân vật này không nói lời nào nhưng hiện diện khắp nơi trong bản văn: bị bệnh, chết, sống lại, ăn rồi chết (Ga 12,10). Lazarô hiện diện như là dấu chấm hỏi cho người đọc. Cái chết và sống lại về thể lý của Lazarô là vô ý nghĩa khi sống lại rồi sau đó lại chết.

Chết và sống của Đức Giêsu: Khi Đức Giêsu đi về Giuđê là đi về chỗ chết. Qua câu chuyện làm cho Lazarô sống lại Đức Giêsu đã trả lời, đã giải thích về cái chết của chính mình. Đức Giêsu nói về ý nghĩa của sự sống và sự chết, nói về quyền của mình trên sự chết và sự sống. Về mặt mạc khải đây là điểm rất quan trọng, Đức Giêsu nói về ý nghĩa cái chết của Người cho chúng ta có niềm tin: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống”, mạch văn cho thấy Đức Giêsu nói về cái chết của chính mình trước khi Người bước vào cái chết, vì phải chết thì mới sống lại được. Đề tài sự sống được Đức Giêsu khẳng định một cách mạnh mẽ ở 11,23-26 với các từ liên quan đến sự sống như tôn vinh, tình yêu. Đức Giêsu đã không sống lại theo kiểu Lazarô, không đề cao sự sống và sự chết về thể lý, nhưng đề cao một sự sống khác, đề cao một cái chết khác. Đức Giêsu sống lại là sự sống không lệ thuộc vào thời gian và không gian, sự sống của Thiên Chúa, Người về với Cha nhưng mà Người đồng thời ở với các môn đệ.

Chết và sống của người tin: Sự thật lịch sử là Đức Giêsu đã chết trên thập giá, sự thật này có thể giết chết người tin, làm cho niềm tin bị lung lay, người tin phải là người chấp nhận lịch sử, chính niềm tin là chìa khoá đón nhận mạc khải giúp cho chúng ta đón nhận mạc khải. Bản văn còn nói cho người đọc, chính chúng ta cũng như Mácta và Maria về khát vọng sống. Cuộc sống của con người như ngọn đèn trước gió, rất mong manh, phải ý thức được sứ điệp của bản văn là mời gọi chúng ta chấp nhận cái chết thể lý cũng như Đức Giêsu đã chấp nhận cái chết thể lý trên thập giá. Đức Giêsu đã nói đến cái chết của Lazarô như là giấc ngủ của người đã chết thì nhờ chính niềm tin của chúng ta làm cho cái chết thể lý trở thành giấc ngủ, con người vẫn sống nếu tin vào Đức Giêsu.

Dấu lạ Lazarô ra khỏi mồ là một bảo chứng cho sự sống lại của người tin, ai tin thì sẽ không bao giờ chết nữa vì đã có sự sống đời đời nơi mình và đây là mạc khải lớn lao cho con người trước bế tắc của sự chết.

Sứ điệp từ bản văn cho thấy: ban đầu Đức Giêsu không đến cứu Lazarô mời gọi chúng ta chấp nhận thân phận con người; Đức Giê su làm cho Lazarô sống lại vì dấu lạ đó nói về cái chết và sự sống của chính Người, dấu lạ ra khỏi mồ là một dấu chỉ cho người tin. Đức Giêsu trao cho chúng ta sự sống mà cái chết chỉ là giấc ngủ.

“Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, dù đã chết cũng sẽ được sống và tất cả những ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết. Chị có tin điều đó không?”. Nếu tin và sống lời này thì ngay bây giờ chúng ta đã được giải thoát khỏi sự chết, ngay bây giờ đã có sự sống của Thiên Chúa, nhờ niềm tin mà chúng ta sống cuộc đời nhẹ nhàng ở đời này. Cái chết thể lý có thể là nỗi đau lớn cho con người nhưng câu trả lời của Đức Giêsu lại càng lớn hơn nữa.

Tin Mừng Gioan mời gọi chúng ta sinh nhiều hoa trái nghĩa là giữ vững niềm tin và sống niềm tin trong cuộc đời. Ngay bây giờ những người tin vào Đức Giêsu đã có sự sống đời đời, chúng ta có dám tin và làm cho người khác cũng tin như vậy không?

Tham khảo: Bản văn Gioan 1,1-54 do Cha Lê Minh Thông dịch sát bản văn Hy Lạp

1 Có một người bệnh là La-da-rô ở Bê-ta-ni-a, làng của Mác-ta và Ma-ri-a, em chị ấy.

2 Ma-ri-a là người đã xức dầu thơm cho Chúa, và lau chân Người bằng tóc của mình. Em của cô ấy là La-da-rô bị bệnh.

3 Vậy các chị sai người đến nói với Người: "Thưa Thầy, người Thầy thương mến bị bệnh".

4 Nghe vậy, Đức Giê-su nói: "Bệnh này không đến nỗi chết, nhưng vì vinh quang của Thiên Chúa, để qua đó Con Người được tôn vinh",

5 Đức Giê-su yêu mến Mác-ta, em cô ấy và La-da-rô.

6 Tuy nhiên, sau khi nghe tin anh ấy bệnh, Người còn ở lại nơi Người nơi đang ở thêm hai ngày.

7 Sau điều đó, Người nói với các môn đệ: "Chúng ta cùng trở lại Giu-đê".

8 Các môn đệ nói với Người: "Thưa Ráppi, mới đây những người Do-thái tìm ném đá Thầy, mà Thầy lại đi đến đó sao?"

9 Đức Giê-su trả lời: "Ban ngày chẳng có mười hai giờ sao? Ai đi ban ngày thì không vấp ngã, vì thấy ánh sáng của thế gian này.

10 Còn nếu ai đi ban đêm, thì vấp ngã vì không có ánh sáng ở nơi mình".

11 Người đã nói những điều ấy, và sau đó, Người nói với các ông: "La-da-rô, bạn của chúng ta, đang yên giấc; nhưng Thầy đi để đánh thức anh ấy".

12 Các môn đệ nói với Người: "Thưa Thầy, nếu anh ấy yên giấc, anh ấy sẽ được cứu",

13 Đức Giê-su nói về cái chết của anh ta, nhưng họ tưởng rằng Người nói về giấc ngủ thường.

14 Bấy giờ Người mới nói rõ ràng với các ông: "La-da-rô đã chết.

15 Thầy mừng cho anh em, để anh em tin, Thầy đã không có mặt ở đó. Nhưng chúng ta cùng đi đến với anh ấy".

16 Tô-ma, gọi là Đi-đy-mô, nói với đồng môn: "Cả chúng ta nữa, chúng ta cùng đi để chết với Thầy!"

17 Khi đến nơi, Đức Giê-su nhận thấy anh ấy đã ở trong trong mồ bốn ngày rồi.

18 Bê-ta-ni-a cách Giê-ru-sa-lem khoảng 15 dặm.

19 Nhiều người trong những người Do-thái đến với Mác-ta và Ma-ri-a để an ủi các cô về người em.

20 Vậy khi Mác-ta nghe biết Đức Giê-su đến, cô ấy ra gặp Người. Còn Ma-ri-a ngồi ở nhà.

21 Mác-ta nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết.

22 [Nhưng] bây giờ con biết rằng: Bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ ban cho Thầy.”

23 Đức Giê-su nói với chị ấy: “Em chị sẽ sống lại.”

24 Mác-ta nói với Người: “Con biết rằng em con sẽ sống lại, trong sự sống lại vào ngày sau hết.”

25 Đức Giê-su nói với chị ấy: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, dù đã chết cũng sẽ được sống,

26 và tất cả những ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết. Chị có tin điều đó không?”

27 Chị ấy nói với Người: “Thưa Thầy, có. Con vẫn tin rằng Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian.”

28 Nói xong điều đó, cô ấy đi và gọi Ma-ri-a, em của cô. Cô ấy nói nhỏ: "Thầy đến rồi và Thầy gọi em".

29 Nghe vậy, cô Ma-ri-a vội đứng lên và đến với Người.

30 Lúc đó, Đức Giêsu chưa vào làng, nhưng Người vẫn ở chỗ cô Mác-ta đã gặp Người.

31 Vậy những người Do-thái đang ở với Ma-ri-a trong nhà chia buồn với cô ấy, thấy Ma-ri-a vội vã đứng dậy đi ra, họ đi theo cô ấy, vì tưởng cô ấy đi ra mộ để khóc.

32 Khi Ma-ri-a đến gần Đức Giê-su, vừa thấy Người, cô ấy liền phủ phục dưới chân Người và nói: "Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết".

33 Khi Đức Giê-su thấy cô ấy khóc, và những người Do-thái đi với cô ấy cũng khóc, Người thổn thức trong tâm trí và xao xuyến.

34 Người nói: "Các người đặt anh ấy ở đâu? " Họ nói với người: "Thưa Thầy, hãy đến và hãy xem."

35 Đức Giê-su khóc.

36 Vậy những người Do-thái nói: "Xem kìa! Ông ta thương anh ấy biết mấy!"

37 Nhưng vài người trong nhóm họ nói: "Ông ấy đã mở mắt cho người mù, lại không thể làm cho anh ấy khỏi chết sao?"

38 Đức Giê-su lại thổn thức trong lòng. Người đi tới mộ. Đó là một cái hang và có phiến đá đậy lại.

39 Đức Giê-su nói: "Đem phiến đá này đi". Mác-ta, chị người chết, nói với Người: "Thưa Thầy, nặng mùi rồi, vì đã bốn ngày".

40 Đức Giê-su nói với chị ấy: "Thầy đã chẳng nói với chị rằng nếu chị tin, chị sẽ được thấy vinh quang của Thiên Chúa sao?"

41 Vậy họ đem phiến đá đi. Đức Giê-su ngước mắt lên và nói: "Lạy Cha, con cảm tạ Cha, vì Cha đã lắng nghe con.

42 Phần con, con biết rằng: Cha hằng lắng nghe con, nhưng vì đám đông đứng quanh đây, nên con đã nói để họ tin là Cha đã sai con".

43 Nói xong điều đó, Người kêu lớn tiếng: "La-da-rô, hãy ra ngoài".

44 Người chết liền ra, chân và tay còn quấn vải, và mặt còn phủ khăn. Đức Giê-su nói với họ: "Hãy cởi ra cho anh ấy, và hãy để cho anh ấy đi".

45 Nhiều người trong những người Do-thái – những người đến với – thấy những gì Người đã làm, đã tin vào Người.

46 Nhưng vài người trong nhóm họ đến với những người Pha-ri-sêu và nói cho họ những gì Đức Giê-su đã làm.

47 Vậy các thượng tế và các người Pha-ri-sêu triệu tập Thượng Hội Đồng và nói: "Chúng ta phải làm gì đây vì người này làm nhiều dấu lạ?

48 Nếu chúng ta cứ để ông ấy như thế tất cả sẽ tin vào Ông ấy, và người Rô-ma sẽ đến, họ sẽ hủy diệt nơi thánh và dân tộc chúng ta”

49 Một người giữa họ là Cai-pha, thượng tế năm ấy, nói với họ: "Các ông không biết gì cả,

50 các ông cũng chẳng nghĩ rằng: Điều lợi cho các ông là một người chết cho dân và toàn thể dân tộc không bị tiêu diệt."

51 Điều đó, ông ấy không tự mình nói ra, nhưng vì là thượng tế năm ấy, ông ấy tiên báo là Đức Giê-su sắp phải chết cho dân tộc,

52 và không chỉ cho dân tộc mà thôi, nhưng còn để con cái Thiên Chúa tản mác khắp nơi quy tụ về một mối.

53 Vậy từ ngày đó, họ quyết định giết Người.

54 Vậy Đức Giê-su không đi lại công khai giữa những người Do-thái nữa; nhưng từ nơi ấy, Người đến một vùng gần hoang địa, vào một thành gọi là Ép-ra-im, và Người ở lại đó với các môn đệ.

Sài Gòn, ngày 10/11/2010,