Trong quá khứ, cũng như tại nhiều giáo hội khác, người Công Giáo Úc thường cố gắng giữ cho đức tin của họ tách rời khỏi môi trường xã hội. Nhưng hiện nay, họ buộc phải sống trong một thế giới có những giá trị và hoài mong lẫn lộn, do nhiều nền triết lý và phản triết lý nuôi dưỡng. Họ đang sống trong một thế kỷ liên lỉ gửi đi những sứ điệp trái ngược nhau. Điển hình cho cái hệ thống giá trị mơ hồ ấy là các quan điểm về sự sống con người. Một đàng sự sống ấy sẵn sàng bị hy sinh cho các nguyên cớ chính trị hay kinh tế, nhưng mặt khác, các cố gắng y khoa lại đang tìm mọi cách để cứu vớt nó.

Ngoài ra, nhờ tiến bộ vượt bậc của truyền thông hoàn cầu, người ta có được những kiến thức phổ quát, nhưng khá phiến diện về tôn giáo. Hậu quả thứ nhất là nhiều khía cạnh trong mọi tín ngưỡng vừa được tiếp nhận vừa bị phê phán. Hậu quả thứ hai, con số những người quan tâm tới cuộc sống tâm linh dần dần giảm đi và nhân loại càng ngày càng tự coi mình là tâm điểm của cứu rỗi. Nhưng điều khó khăn là: nhân loại không có khả năng tự cứu mình.

Thời buổi này cũng là thời buổi của vũ lực (violence). Mà vũ lực đầu tiên là vũ lực của chiến tranh, của vũ khí và khủng bố. Hình thức vũ lực này đang làm rúng động hết quốc gia này đến quốc gia khác và cản trở mọi cố gắng hòa bình của các tổ chức quốc tế, vùng, quốc gia, và của các cá nhân thiện chí. Nhưng cũng có một hình thức vũ lực khác, vũ lực chống lại hủy diệt và thất vọng, vũ lực chống đối sự ác và thách thức nó. Hình thức vũ lực này được Phúc Âm nhắc tới khi thuật lại lời Chúa Kitô: “Nước Thiên Chúa có tính vũ lực và người vũ lực sẽ chiếm được nó” (1). Đã đành, Nước Thiên Chúa là Nước của hòa bình, của công lý, của giải thoát và yêu thương. Nhưng Nước này được thiết lập gồm những người sẵn sàng hy sinh mạng sống mình để thách thức xã hội đương thời. Khi lý do của thách thức ấy nằm trong đức tin của những người tin vào Thiên Chúa yêu thương và khả thể một nhân loại yêu thương vì Chúa Kitô cho rằng điều đó có thể có được; khi những người này vận dụng hết cuộc đời họ để làm cho khả thể ấy thành hiện thực thì người Công Giáo gọi họ là thánh vì họ đã sống một cuộc sống đạo hạnh anh hùng.

Thánh không phải là những người duy chủ hòa (pacifists) ngồi đó, không làm gì cả, để mặc tình thế giới diễu hành qua, trong khi mình chỉ biết “ngất trí chiêm niệm”. Họ là những người có linh đạo riêng, nối kết với Thiên Chúa, nhưng cũng biết mình là những con người nhân bản, tùy thuộc vào cùng một Thiên Chúa ấy. Cái nhìn của họ đem họ ra ngoài chính họ để phục vụ gia đình nhân loại bất luận ở đâu. Lý do để họ hành động phát sinh từ chính đức tin và tình yêu Chúa và tha nhân nơi họ.

Trong “The Prophetic Horizon of Religious Life” (2), Diamuid O’Murchu miêu tả các thánh không phải chỉ như những cá nhân mà còn như các nhóm sống trong các cộng đoàn: “Trong nền văn hóa nhân bản, dường như đang có khuynh hướng muốn nhập thân một cách triệt để và sâu sắc các giá trị được chúng ta trân qúy sâu xa nhất. Một cách vô thức chứ không hẳn ý thức, xã hội đang để riêng ra một số cá nhân và một số nhóm, và phó thác cho họ các hệ thống giá trị thâm hậu. Xã hội phóng chiếu trên những nhóm “ngưỡng cửa” (liminal) này các niềm hy vọng, các giấc mơ và hoài mong sâu sắc nhất của mình, và theo một nghĩa nào đó, yêu cầu những người hay những nhóm “ngưỡng cửa” này nhập thân và nói lên, nhân danh xã hội nói chung, các giá trị sâu sắc nhất mà xã hội cho là thân thiết và thánh thiêng”.

Khi miêu tả các thánh như trên, O’Murchu muốn trở lại với ý niệm của Phúc Âm nói về các cộng đoàn các thánh rải rác khắp các giáo hội thời sơ khai. Tuy nhiên, bên trong các cộng đoàn này, cũng có những cá nhân vươn đầu và vai lên khỏi người khác và được nhìn nhận vì sự sâu sắc trong linh đạo và tầm nhìn tiên tri của họ. Và kể từ lúc Giáo Hội Công Giáo xuất hiện cho tới nay, những người như thế liên tiếp được tuyên dương nhiều lần, bởi nhiều quốc gia và thời đại khác nhau. Hạn từ thánh nhân dần dà biến hóa để cuối cùng có nghĩa: các cá nhân được Đức Giáo Hoàng nhìn nhận chính thức là đang được kết hợp với Thiên Chúa. Quyền của dân trong việc tuyên xưng những bậc thánh nhân như thế vẫn là một phần chủ yếu trong diễn trình Giáo Hội chính thức ban bố tước hiệu ấy cho họ.

Đối với Giáo Hội Công Giáo Úc, một Giáo Hội đang sống trong một nền văn hóa khó cho phép các cá nhân được nhìn nhận cao hơn người khác, thì việc công nhận sự thánh thiện là điều khó khăn. Ấy thế nhưng, trong một số năm gần đây, người Úc đã được dịp ca ngợi cuộc sống và việc làm của nhiều người đàn bà và đàn ông hiến thân cho người khác và cho phép họ được nhìn nhận như các cá nhân xuất chúng cả về phương diện bản thân lẫn phương diện yêu người. Fred Hollows (3), Weary Dunlop (4), Mum Shirl (5), Daisy Bates (6)… là một số điển hình. Thành thử tiến thêm bước nữa để ca ngợi các cá nhân không phải vì hành động xã hội mà vì sự sâu sắc về linh đạo có lẽ không khó khăn bao nhiêu nữa.

Bởi thế, báo chí bắt đầu ca ngợi người tu nữ xuất thân từ một thế kỷ vũ bão của Úc như một sức mạnh tâm linh hàng đầu. Mary MacKillop sống trọn đời mình trong Giáo Hội Công Giáo Úc như một người con hết dạ trung thành dù đã trở thành nạn nhân của lòng trung thành ấy. Sau đó, bà dẫn đầu một nhóm tu nữ hiện hữu trên tuyến đầu của một xã hội cũng đang ở tuyến đầu thế giới khai phá. Người phụ nữ này cũng xuất thân từ một hậu cảnh Victoria không có thật (pseudo-Victorian). Bà gần như gặp đủ mọi thứ chống đối bất lợi, nhưng cùng với nhiều người đàn ông và đàn bà tận tụy khác, Bà đã thiết lập ra một hệ thống giáo dục phát triển khắp lãnh thổ Úc và nâng đỡ niềm tin Công Giáo cho nhiều thế hệ. Làm được điều đó là do đức tin sống động sâu sắc của Bà, một đức tin giúp bà luôn sống các giá trị của mình bất kể không gian và thời gian.

Ngày 17 tháng 10 này, Bà là người Úc đầu tiên được liệt vào danh sách dài những người được Giáo Hội, được Dân Thánh Thiên Chúa, coi là xứng đáng để được tuyên dương là thánh. Điều ấy đem lại ý nghĩa thật nhiều cho một nước Úc vốn thường hay chối từ chính nền linh đạo của mình. Ở đây và ngay lúc này, ngay trong thế kỷ bạo lực này, một người đàn bà xuất thân từ hậu cảnh đau thương của một lãnh thổ tù đày lớn tiếng nói cho người Úc thấy: có, có những giá trị thiêng liêng đáng để họ đau khổ và hy sinh mạng sống cho.

Trong lòng Giáo Hội Công Giáo, Mary MacKillop lặp lại cùng một ý nghĩa ấy nhưng bà nói với người Công Giáo Úc bằng một giọng được họ nhận ra như tiếng nói đức tin của chính họ và đồng thời cũng là tiếng nói của truyền thống thánh thiện từng hiện diện trong Giáo Hội từ những ngày đầu hết.

Những người như Mary MacKillop nói với người Công Giáo Úc ngày nay cách nào? Bà cho họ thấy nhu cầu phải nhìn trở lui thực thể thiêng liêng và cách thế thực thể ấy tác động trên đời sống họ. Bà biết rõ thực tại tính của sự thiện và sự ác. Đối với Bà, thực tại ấy hiện hữu thực sự, chứ không xa lạ gì đối với Giáo Hội thời bà.

Tới năm 1871, Mary MacKillop và linh mục Julian Tenison Woods đã mở được 45 trường học cho trẻ em nghèo tại Adelaide và các khu nông nghiệp chung quanh. Điều quan trọng là ngoài việc chăm lo cho các trẻ em nghèo có đủ phương tiện để theo đuổi việc học, ngay trong hoàn cảnh chính phủ rút lại việc tài trợ cho các trường tôn giáo, Mary MacKillop và các nữ tu của Bà còn chú trọng đến khía cạnh quan trọng nhất đó là “triết lý của người Công Giáo coi giáo dục không phải chỉ là việc học hành mà còn là việc thông truyền trong yêu thương các giá trị chuẩn bị chúng cho đời sống hiện nay và mai hậu” (Tờ The Advocate, Melbourne, ngày 3 tháng 4 năm 1869).

Đáng lý ra, Giáo Hội phải biết ơn công trình trên. Nhưng, vì một đàng, bộ mặt nhân bản của Giáo Hội cũng đầy bạo lực như chính xã hội mà Giáo Hội vốn là thành phần. Giáo Phận Adelaide lúc đó gặp đủ thứ bất ổn, trong đó có việc nợ nần. Mary MacKillop trở thành con dê thế tội cho cảnh bất ổn và căng thẳng hiện có. Kết quả: Bà bị vạ tuyệt thông, dựa vào cớ là bất hợp tác với giám mục bản quyền. Mary MacKillop không mắc lỗi lầm đó, nhưng vị giám mục bản quyền chỉ rút lại vạ tuyệt thông khi gần hấp hối 6 tháng sau.

Thực ra, việc phạt vạ tuyệt thông là do hành động của những người nghĩ rằng mục đích biện minh cho phương tiện. Các vị linh mục muốn lập trường Công Giáo nhưng cần tài trợ của chính phủ phải loại bỏ khỏi thẩm quyền bất cứ ai muốn có những trường chủ trương bao gồm việc dạy giáo lý vào học trình của trường. Những trường như thế chỉ có nghĩa là loại bỏ tài trợ của chính phủ và tạo ra nhiều khó khăn cho các giáo xứ nghèo nơi có các trường dành cho trẻ em nghèo. Đối với các linh mục kia, giáo dục cái đã, còn đức tin thì có thể xử lý ở nơi khác, miễn sao nhận được tài trợ của nhà nước.

Các sứ điệp lẫn lộn và dối trá ấy góp phần tạo ra bất công khiến không những người đứng giữa cuộc đấu tranh kia phải đau khổ, mà cả học sinh nghèo, các nữ tu, phụ huynh và Giáo Hội Công Giáo bị vạ lây. Sử gia Công Giáo Patrick O’Farrell cho hay: khi ra vạ tuyệt thông cho Mary MacKillop, Đức Cha Sheil đã gây hiệt hại lớn lao cho Giáo Hội.

Trong tình huống trên, Mary MacKillop và những người hỗ trợ Bà có thể có nhiều giải pháp. Giải pháp con người có thể là nổi loạn chống lại thẩm quyền bất công; thu thập sự hỗ trợ để biện minh cho Bà; rút lui hẳn khỏi sân khấu và chọn lối sống bên ngoài Giáo Hội. Mary MacKillop từ khước giải pháp ấy, mà chọn giải pháp chờ đợi, nhưng không chờ đợi trong cô lập. Tiếp nhận sự trợ giúp tự nguyện và nhất định không đứng ngoài hệ thống bí tích dù vạ tuyệt thông ngăn cấm Bà không được nhận lãnh các bí tích. Bà biết bà không làm bất cứ hành vi gì đáng bị án tử hình về thiêng liêng. Các linh mục Dòng Tên biết chắc vạ tuyệt thông kia vô giá trị. Nhờ thế Mary MacKillop được các ngài cho rước lễ. Bà khuyến khích các nữ tu của Bà và với tay tới những người ngoài Giáo Hội, như nghị viên gốc Do Thái, Emmanuel Solomon, người đã giúp Bà rất nhiều.

Tuy nhiên, không phải tình thế làm Bà trở thành thánh mà là động lực khiến bà hành động cũng như tầm nhìn vượt quá tình thế kia. Ý niệm về ý Chúa, cộng với niềm tin rằng phục vụ người nghèo vốn là số phận của mình, đã giúp bà tập chú quá bên kia chính bà và các khó khăn của bà. Thánh, vì thế, hẳn phải là người giúp người Úc ngày nay tìm được một tập chú giúp họ nhìn đời một cách rõ ràng. Nhiều người nhìn đời xuyên qua viễn kính hay hiển vi kính, một cái nhìn thường chỉ đem đến sự lý tưởng hóa chính con người mình. Chỉ những ai biết nhìn nhận các giới hạn của mình mới có khả năng nhìn thấy người khác cách rõ ràng. Chỉ có tầm nhìn bằng đức tin mới có thể yêu thương người khác trong con người thật của họ mà vẫn không quên họ có tương lai vĩnh cửu. Đôi lúc, tầm nhìn của các thánh có thể bị méo mó, nhưng tình yêu Chúa và tha nhân là đá mài để trắc nghiệm hành động của họ. Đối với Mary MacKillop. Hòn đá mài đó chính là tình yêu Bà dành cho Chúa và người nghèo. Động lực của Bà được phát biểu qua chính lời Bà rằng “người nghèo đáng được những cái tốt nhất của ta”. Đó chính là luật sống được Bà sống và dạy các nữ tu của mình sống.

Là người Công Giáo, các thánh dạy ta nhìn nhận điều ta rất dễ từ khước, đó là có một Thiên Chúa, ta được cứu chuộc và có một tâm điểm thiêng liêng có khả năng khởi động. Các thánh thách thức ta dám nhìn nhận cái tâm điểm đó ngay trong chính ta và sống theo nó.

Trong một thời gian quá lâu trước đây, người Công Giáo vốn coi các thánh như ở tít tắp đâu xa, khác hẳn với những con người tầm thường. Huyền thoại và dã sử mọc quanh các thánh thường củng cố loại suy tư ấy. Thực ra, các thánh cũng chỉ là những con người nhân bản, chịu chung số phận với nhân loại. Một số thông minh, một số không. Một số ăn nói ngon lành, một số ngượng ngịu. Một số có năng khiếu linh đạo sâu sắc, một số phải vật lộn lắm mới tìm ra được một nền linh đạo giúp họ giao tiếp với Thiên Chúa. Một số được thị kiến, một số không. Nhưng sự thánh thiện, sự nên thánh, thì không hề có tính biệt ưu dù việc phong thánh đôi khi bị nhìn như một thứ biệt ưu (elitism) nào đó. Người được phong thánh nói về khả thể giống các nhà vô địch thế vận hội nói về khả thể với giới trẻ vốn coi họ như thần tượng. Vị thánh sinh ra vốn là con người nhân bản bất kể huyền thoại vẽ vời ra sao về họ.

Sẽ không có thành phẩm ngoại trừ đâu đó trên qui trình, ba nhân đức tin, cậy và mến của Phép Rửa được khởi động. Mary MacKillop xuất thân từ một gia đình Úc đầy chạy vạy. Cha của Bà đi tu làm linh mục, nhưng đã bỏ cuộc nửa chừng. Ông không có khả năng cung ứng đủ cho gia đình và mẹ Bà phải chạy vạy mới đương đầu được với khó khăn. Và vì thế, ngay từ tuổi 11, Mary MacKillop đã phải lãnh nhận trách nhiệm của một người trưởng thành. Và cho tới tuổi 24, cuộc sống của Bà phần lớn dành cho việc kiếm kế sinh nhai cho 7 đứa em. Công việc Bà tìm được chỉ là những công việc tầm thường và khá đặc trưng đối với một thiếu nữ thuộc giai cấp lao động ở thời Bà: gia sư, phụ bán hàng, cô giáo. Dù không luôn hài lòng, nhưng Bà cho hay: “bà trở thành cô giáo là do hoàn cảnh và lựa chọn bản thân”. Khả năng biết lựa chọn này không bao giờ rời xa Bà nhưng cách Bà thực hiện nó phát sinh từ chính cái nhìn đức tin nơi Bà. Thánh thiện có thể xuất hiện ngay trong những rắc rối tầm thường của đời người bất kể bạn ở đâu. Các bậc thánh nhân nam nữ trong quá khứ chứng tỏ rằng ta có thể tìm thấy Thiên Chúa ở trại tập trung, ở trại phong cùi, ở đền đài gác tía, ở khách sạn quán trọ. Và trong thời hiện đại này, Mary MacKillop dạy cho người Úc thấy linh đạo và sự thánh thiện của họ còn có thể tìm thấy nơi các gia đình tan vỡ, nơi học đường, nơi nhà trọ, phía sau quày hàng, tại các phố thị và vùng quê.

Sự chọn lựa của người đời thường đặt căn bản trên sự kiện này: con người bị phân xẻ thành các yếu tố cấu thành ra họ. Tại Úc, việc nhấn mạnh tới thể thao và thân xác thường mang tới những lựa chọn chỉ nhắm những khía cạnh đó mà thôi, và quên đi nhiều khía cạnh khác của con người nhân bản như trí hiểu, khả năng tạo ra các mối liên hệ, vui hưởng cuộc đời sao cho yếu tố này không loại bỏ yếu tố kia. Chỉ có đức tin mới thống nhất hóa con người và giúp họ nhìn ra họ trong toàn bộ. Những người như Mary MacKillop có một tập chú sâu sắc vào đức tin và đã thực hiện các lựa chọn của mình từ tâm điểm sâu sắc của họ. Các thánh là người có khả năng bỏ qua những điều chẳng ăn nhằm gì với sự lựa chọn của mình và chỉ giữ lại những điều có liên quan. Một trong các quà phúc quí giá nhất mà các thánh có thể ban cho con người hiện đại chính là giữ vững cam kết bất chấp mọi điều xẩy ra. Người đưa ra lời hứa và nhất định không nuốt lời hứa ấy, chính là người ta ngưỡng mộ. Đối với phần đông chúng ta, người gây cảm hứng nhất cho ta ở thế vận hội không hẳn là người thắng giải cho bằng những người hoàn tất cuộc đua. Những người trí chí về chót trong cuộc đua Marathon bao giờ cũng được hoan hô vang dội không kém người về đầu. Họ nhất định giữ vững cam kết lúc khởi sự. Ta rất dễ đồng hóa với những người như thế, vì biết rằng ngay cả lúc thất bại, con người nhân bản vẫn có tiềm năng trở thành vĩ đại. Các thánh là người cho thấy cái tiềm năng ấy.

Người Úc luôn tôn vinh những người biết trì chí chiến đấu trong tư cách cá nhân hay trong tư cách một thành phần của cộng đoàn. Không phải chỉ có thành công mới thúc đẩy tinh thần Úc mà còn là người không chịu khuất phục trước bất công và người trì chí trước các khó khăn ở đời. Người Úc cũng ca ngợi những người thành công mà không quên cội nguồn, không phản bội gốc rễ.

Xã hội Úc có nhiều điều để sợ và nổi đóa hơn là để cử hành mừng vui: cảm giác vô vọng của thất nghiệp, ý nghĩ về tương lai mù mịt, hôn nhân tan vỡ hay gặp khó khăn, cảm tưởng bị xã hội đầy đọa và ý nghĩ cho rằng nếu nó không cho ta điều gì thì ta có thể lấy bất cứ điều gì của nó, không cần đền đáp. Vị thánh như Mary MacKillop và các phụ nữ theo Bà xuất thân từ một xã hội vô ơn hơn xã hội ta nhiều. Xã hội ấy cũng ít có cơ may sống thoát hơn xã hội bây giờ. Nhưng Mary MacKillop cũng đã thành lập được một cộng đoàn gồm các phụ nữ biết đương đầu với nhiều vấn đề xã hội trong khuôn khổ giáo huấn Công Giáo. Các thánh là người có khả năng lôi cuốn người khác theo mình và các việc mình làm. Họ biến thành sinh động một đức tin vốn tiềm tàng trong xã hội, nhất là xã hội đang đau thương và họ đặc biệt thách thức ta nhìn vào các ý nghĩa ta hiến cho đời. Vì đối với các thánh, cuộc sống không phải tự nó là cùng đích. Đối với các ngài, câu cuối cùng của Kinh Tin Kính mới nổi bật: “Tôi tin các thánh thông công, tin sự sống lại và sự sống đời đời”. Dĩ nhiên, cuộc hiện hữu của đời người và công việc thúc đẩy họ lên đường nhưng đời người không phải là đích cuối.

Đức tin không đồng nghĩa với tưởng tượng. Các thánh có thể dùng trí tưởng tượng để tiếp xúc với Thiên Chúa nhưng họ không lẫn lộn giữa hai yếu tố ấy. Đức tin bao giờ cũng sắc cạnh và khó khăn. Nó hiện hữu với ta trong những lúc khó khăn và biểu thức của nó luôn là tình yêu. Mary MacKillop không cho rằng cách thế Bà chọn để sống đức tin của mình là cách thế dễ dãi. Bà không thể có vị trí ngày nay nếu cuộc sống của bà không anh hùng. Có lúc bà đã mô tả về mình như người đang chao đảo, sắp rơi vào tuyệt vọng và niềm tin vào thánh ý Thiên Chúa chính là sợi dây cuối cùng Bà nắm vào. Mọi trợ giúp khác đều đã biến mất. Bà đem đến cho ta, những người luôn gặp khó khăn, một gương sáng của lòng hy vọng.

Chú thích

(1) Dịch theo Colleen O’Sullivan, What Does Sainthood Mean for Australian Catholics Today đăng trên The Australasian Catholic Records, January 1995: “The Kingdom of God is violent and the violent will bear it away”. Phần lớn các bản dịch dịch câu này như sau: “Nước trời ở dưới sức cường bạo và những kẻ cường bạo chiếm đoạt lấy” (Cha Nguyễn Thế Thuấn). Đây cũng là lối dịch của Bản Phổ Thông “a diebus autem Iohannis Baptistae usque nunc regnum caelorum vim patitur et violenti rapiunt illud”. Dịch như thế là theo nghĩa tiêu cực của “violenti”, và hình như không chính xác vì những kẻ cường bạo thì làm sao chiếm được Nước Thiên Chúa? “Violenti” ở đây hẳn phải có nghĩa tích cực.

(2) London, Excalibur Press, tr.37

(3) Frederick "Fred" Cossom Hollows, AC (9 April 1929 – 10 February 1993) là một bác sĩ nhãn khoa, nổi tiếng đã phục hồi thị lực cho rất nhiều người Úc và các nước khác, trong đó có Việt Nam. Người ta ước lượng rằng ông đã giúp hơn 1 triệu người trên khắp thế giới nhìn lại được nhờ các sáng kiến cho ông khởi xướng trong đó có Qũy Fred Hollows.

(4) Lieutenant Colonel Sir Ernest Edward "Weary" Dunlop, AC, CMG, OBE (12 July 1907 – 2 July 1993) là một bác sĩ giải phẫu Úc, nổi tiếng về tài lãnh đạo khi bị bắt làm tù binh Nhật trong Thế Chiến II.

(5) Shirley Smith (22 November 1921 – 28 April 1998), thường được biết nhiều hơn dưới tên Mum Shirl (Má Shirl), là một người Thổ Dân và tranh đấu nổi tiếng của Úc, hoàn toàn dấn thân cho công lý và phúc lợi người Thổ Dân. Bà là thành viên sáng lập ra các cơ quan: Dịch Vụ Luật Pháp Thổ Dân, Dịch Vụ Y Tế Thổ Dân, Tòa Đại Sứ Lều Thổ Dân (Aboriginal Tent Embassy), Dịch Vụ Trẻ Em Thổ Dân và Công Ty Nhà Ở Thổ Dân tại Redfern, Sydney.

(6) Daisy May Bates, CBE (16 October 1859 – 18 April 1951) là một nhà báo và nhà hoạt động xã hội người Úc gốc Ái Nhĩ Lan, suốt đời nghiên cứu văn hóa và xã hội Thổ Dân Úc. Bà được người Thổ Dân Úc gọi là 'Kabbarli' (bà nội).