DÒNG CHẢY CỦA TÌNH YÊU MỞ

Có một bà người lương dân bị bệnh liệt, bà có một đức tin mạnh mẽ khác thường vì thầm nguyện trong lòng rằng dù chết bà cũng không đi đâu khác mà chỉ đến xin khấn ở đền Công giáo. Bà đã được khỏi bệnh và đi được cách lạ lùng. Bà ra đứng giữa đường và la lớn: “Đức Chúa Trời đã cứu tôi, tôi được làm con của Đức Chúa Trời”.

Câu chuyện hiện tại giúp ta hiểu trường hợp người ngoại giáo bị bệnh phong cùi đã được Chúa Giêsu chữa khỏi cùng với chín người Do thái khác, nhưng chỉ có một người ngoại này quay trở lại tạ ơn Thiên Chúa, đến nỗi Chúa Giêsu phải thốt lên: “Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?” (Lc 17, 17). Người ngoại bang tạ ơn Chúa vì họ cảm nghiệm sâu sắc ân huệ Chúa ban. Họ là người Dân ngoại chưa nhận biết Chúa, họ chẳng có công trạng gì để cậy dựa và có lý do gì để đòi hỏi…tất cả đều là tình thương và ân huệ Chúa ban vì thế lời tạ ơn của họ là từ đáy lòng chân thành và thốt lên trong đức tin vào Thiên Chúa, đức tin mà họ được chính Chúa Giêsu xác nhận: “Lòng tin của anh đã cứu chữa anh” (Lc 17,19). Người Do thái thì không thế. Vì họ nghĩ họ là Dân riêng của Chúa nên họ đáng hưởng ân huệ Chúa ban. Với lối cảm nghĩ này, ân huệ chỉ trở thành sự công bằng có trao có đổi và Chúa chữa lành vì họ đáng được như vậy. Việc họ không trở lại tạ ơn Thiên Chúa diễn tả lối suy nghĩ thiển cận trên đây.

Từ hai cách nhìn nhận vấn đề này, ta rút ra hệ luận: Thiên Chúa luôn yêu thương và đi bước trước với con người. Thánh Phaolô diễn tả: “Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5,8). Nhưng con người luôn lạm dụng tình yêu Thiên Chúa. Đó là thái độ vô ơn, tệ bạc và tự mãn. Thánh Augustino nhận xét: “Những kẻ tự mãn làm cho Chúa bất mãn rất nhiều, vì những ơn lành Chúa ban thì kẻ tự mãn coi là của họ”. Thái độ này dẫn đến lối hành xử không cần quay lại tạ ơn Thiên Chúa như trong trường hợp của chín người phong cùi Do thái trên. Điều đáng tiếc là số người vô ơn nhiều gấp chín lần số người biết ơn, và người vô ơn lại là người “trong nhà” nghĩa là người nhận được nhiều ơn hơn cả. Ý thức về vấn đề này, thánh Phaolô đưa ra lời khuyên cho mọi thời đại: “Anh em đừng mắc nợ gì ai; ngoài món nợ tương thân tương ái; vì ai yêu người thì đã chu toàn Lề Luật (Rm 13,8).

Nhìn vào gương Mẹ Maria, chúng ta thấy Mẹ “Vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa. Bà vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào hỏi bà Ê-li-sa-bét. (Lc 1, 39-40). Đó không phải là cuộc thăm viếng bình thường, nhưng đó là thái độ mau mắn lên đường để loan truyền ơn trọng đại của Chúa và cộng hưởng tâm tình với ai có lòng biết ơn để cùng hoà vang cung cảm tạ: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi” (Lc 1, 46-47). Thái độ mau mắn này dẫn đến ân huệ tiếp theo: “Từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc. Bởi Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả” (Lc 1, 48). Thiên Chúa không đòi hỏi lời tạ ơn như một hình thức “đóng thuế” vinh quang, nhưng để qua đó tràn trào ơn khác cho người có lòng biết ơn. Lòng biết ơn chính là dòng chảy của tình yêu mở, qua đó hai tấm lòng gặp nhau. Tình yêu đáp đền bằng tình yêu, lời tạ ơn là lời xin ơn đẹp nhất !.

Lạy Chúa Giêsu Kitô,

Từ trên Thánh giá,

máu Chúa đã tuôn trào qua trái tim rộng mở.

Đó là một vết tử thương.

Nhưng đúng hơn lại là nguồn ơn cứu độ,

Là tình yêu tràn tuôn.

Những người nhận ra nguồn suối ơn phúc ấy

phải là người có đức tin và cảm nhận được ơn thánh Chúa.

Xin cho chúng con được ghi tên trong số ít những người đó,

Cũng như chỉ một người ngoại giáo đã biết trở về tạ ơn Chúa

trong Tin Mừng hôm nay.

Xin được Chúa xác nhận lại cho mỗi người chúng con rằng:

Lòng tin của con đã cứu con. Amen.