Đọc truyện “Một tâm hồn” của Thánh Nữ Têrêsa Hài Đồng ta mới thấy được một tính cách phi thường của những việc xem ra như bình thường, nhưng lại chẳng mấy ai có thể vui vẻ làm nếu không có một tâm hồn phi thường. Nên chính tâm hồn phi thường, với tấm lòng hiếu thảo thì các việc xem ra nhỏ bé lại có giá trị lớn lao đối với Chúa. Trong cuộc sống, Thiên Chúa vẫn luôn có sẵn một chương trình để dẫn dắt chúng ta đi trong tin yêu và đạt được tình yêu hoàn hảo. Công đồng Vatican II đã mở ra một kỷ nguyên mới, đã mang đến cho Giáo hội và cho mọi tín hữu nhiều cơ hội để biểu lộ niềm tin qua hành động sống đạo của mình trong mọi lúc và trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống.

Một sĩ quan quân đội Nga đến gặp một vị mục dư Hungary và xin được nói chuyện riêng với ông. Viên sĩ quan là một chàng trai trẻ tướng khí hung hãn vẻ dương dương tự đắc trong tư thế của kẻ chiến thắng.

Khi cửa phòng khách đã được đóng lại rồi, viên sĩ quan chỉ cây thánh giá treo trên tường và nói với vị mục sư rằng: “Ông biết không, cái đó là sự dối trá do các mục sư bày đặt ra để làm mê hoặc đám dân nghèo, để giúp những người giàu đễ dàng kềm hãm họ trong tình trạng ngu dốt. Bây giờ chỉ có tôi và ông, ông hãy thú nhận với tôi rằng: ông không hề bao giờ tin Chúa Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa”

Vị mục sư cười và trả lời rằng: “Ông bạn ơi, tôi tin thật đấy, vì đó là sự thật”. Viên sĩ quan hét lên: “Ông đừng có lừa dối tôi, cũng đừng diễu cợt tôi”. Nói xong, anh ta rút ra một khẩu súng lục, chĩa vào vị mục sư và hăm dọa: “Nếu ông không nhận rằng đó chỉ là một sự dối trá, thì tôi sẻ nổ súng”.

Vị mục sư điềm tĩnh trả lời: Tôi không thể nói như thế, vì không đúng, Đức Giêsu thật sự là Con Thiên Chúa”

Viên sĩ quan vứt khẩu súng xuống sàn nhà và chạy đến ôm vị mục sư. Anh ta vừa khóc vừa nói: “Đúng thế, đúng thế. Tôi cũng tin như vậy, nhưng tôi đã không thể tin rằng có những người dám chết vì đức tin cho đến khi chính tôi khám phá ra điều này. Tôi xin cảm ơn ngài. Ngài đã củng cố lòng tin của tôi. Bây giờ chính tôi cũng có thể chết cho Đức Kitô. Ngài đã chứng minh cho tôi rằng: Điều này ai cũng có thể làm được”.

Các vị tử đạo nhắc nhở chúng ta rằng: chết vì niềm tin là hồng ân được trao ban cho thiểu số, nhưng sống niềm tin là ơn gọi của tất cả mọi người Kitô hữu. Như thế, đời sống tôn giáo và đạo đức của chúng ta hiện nay là đời sống đức tin chân thật. Dù nhỏ bé nhưng đích thực là hạt cải chứ không phải là hạt bụi mơ hồ. Theo đó, ta chân thành tìm kiếm, học hỏi và cầu nguyện chắc chắn sẽ dẫn đến đức tin thiện hảo.

Trước tiên có bài sách Habacuc (1,2-3; 2,2-4), là một nhà tiên tri sống khoàng 600 năm trước Chúa Giêsu giáng sinh. Đó là thời buổi nước Juđa trải qua nhiều hoàn cảnh éo le. Trong nước triều đình suy yếu, ngoại giáo xâm nhập, đạo đức suy đồi. Bên ngoài, sức ép của các nước lân bang ngày càng mạnh và càng gần. Đặc biệt một cuộc xâm lăng của đế quốc Babylon dường như là việc không tránh khỏi.

Các tiên tri đã nhìn thấy hoàn cảnh như vậy, họ chấp nhận sống với những thử thách chính đáng. Nhưng khi các sự việc xảy ra, nhiều tiên tri có tâm tư bất ổn, mà tác gỉa sách Habacuc là một. Ông sống trong thử thách mà tội lỗi của dân cứng cổ đã gây ra. Ông chấp nhận hoàn cảnh hiện tại như là roi trừng phạt của Thiên Chúa muốn cảm hóa con cái mình. Nhưng vì cuộc lưu đày Babylon quá lâu, kéo dài khoảng 70 năm trong đau khổ triền miên. Do đó mới có câu đầu tiên trong sách bài đọc: “Cho đến bao giờ, lạy Đức Chúa, con kêu cứu mà Ngài chẳng đoái nghe”. Đó là tiếng kêu của kẻ hầu như sắp chịu hết nổi các khổ cực đang giáng xuống mình. Niềm tin của con người nhiều khi phải khủng hoảng như vậy. Nhưng các tiên tri không phải chỉ biết nói lên những điều về thân phận con người, mà còn biết nhận ra các phán quyết của Thiên Chúa, để hướng dẫn chúng ta khám phá thánh ý Ngài. Habacuc đã làm công việc này trong phần để Thiên Chúa trả lời các tâm tư của người tín hữu đau khổ: “ai không có tâm hồn ngay thẳng sẽ ngã gục, còn người công chính thì sẽ được sống, nhờ lòng thành tín của mình”. Đời sống đức tin là một sự lựa chọn: tin hoặc không tin Lời Thiên Chúa. Ai tin là người tín nghĩa, còn kẻ không tin sẽ vứt bỏ Lời Ngài và cậy dựa vào sự an ủi của trần gian chóng qua. Ngay cả trong đám những người Do thái lưu vong cũng đã không lựa chọn niềm tin. Vì họ muốn có một Thiên Chúa như họ, giải quyết tức khắc các vấn đề theo suy nghĩ của họ. Họ không muốn tin Thiên Chúa mà chỉ muốn dùng Người phục vụ các tham vọng ích kỷ của họ. Những người có niềm tin trái lại nhận ra các giới hạn của mình nên phó thác tất cả trong tay Chúa. Họ tin Lời Người nên chỉ lo giữ tín nghĩa vì họ chắc chắn Thiên Chúa là Đấng Trung Thành, không thể lừa dối ai. Cuộc đời của những người suy nghĩ như vậy mới là sống đức tin.

Tiên tri Habacuc đã dạy chúng ta bài học sơ đẳng này. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta có chấp nhận để Thiên Chúa hướng dẫn, hay chúng ta bắt Người chiều theo ý chúng ta? Có lẽ chúng ta phải theo gương các Tông đồ xưa:”Xin Chúa thêm lòng tin cho chúng con!”. Và Chúa Giêsu đã đáp lại lời cầu xin của các ông bằng cách khơi thêm lòng tin ấy. Chúa nói:”Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc, nó cũng sẽ vâng lời anh em.” Chúa Giêsu khẳng định với các Tông đồ về sức mạnh phi thường của lòng tin. Tuy nhiên Chúa cũng cho thấy đòi hỏi phải có sự đáp trả mạnh mẽ bằng cả tấm lòng của người tôi trung. Nghĩa là người có đức tin phải sống đúng và làm việc hết khả năng theo như phận sự đòi buộc thì rồi sẽ thấy những kết quả lạ lùng. Giống như người đầy tớ làm hết công việc cày bừa ngoài đồng, rồi lại về làm các việc trong nhà. Anh không đòi được trả công tức thì. Lòng tín nghĩa bảo anh làm hết mọi công việc đã được phân chia. Tất nhiên anh chắc chắn chủ sẽ thi hành phận sự của chủ. Người có đức tin cũng phải như vậy. Ngày xưa, Tổ phụ Abraham 90 tuổi, già nua nhưng khi nhận biết thánh ý Chúa, đã bình tâm ra đi với lòng tin tưởng. Thánh Augustino thời trẻ đã sai lầm mà coi thường Chúa, nhưng nhờ nghe giảng giải, đọc và tìm hiểu Tin mừng, ngài đã từ bỏ con đường lầm lạc…

Như vậy niềm tin thật là cần thiết, không những trong các hoàn cảnh éo le như bài đọc 1 gợi lên, ngay cả trong đời sống hàng ngày để làm được mọi công việc theo khả năng và ơn gọi. Điều này khiến chúng ta thấy lời Thánh Phaolô nhắn nhủ Timôthê rất thực tế. Thánh Tông đồ khuyến khích nhà truyền giáo trẻ khơi dậy đặc sủng Thiên Chúa đã ban cho ông. Lời đó cũng nói với chúng ta. Hãy xin Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta các ân huệ là sức mạnh, tình thương và lòng tự chủ, để chúng ta có khả năng sống cuộc đời khiêm nhường phục vụ Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần cũng sẽ giúp chúng ta can đảm chịu đựng những khi gặp khó khăn, thử thách.

Lạy Chúa,

Xin cho con lòng tin
Dù âm thầm nhỏ bé,
Nhưng rạng rỡ một niềm
Vui an bình con sống
Trọn vẹn nghĩa tôi trung.