RÔMA (AsiaNews) – Trung Quốc đang đánh dấu 30 năm ngày ra đời của luật sinh một con. Luật này được thiết lập trong thời gian mà Đặng Tiểu Bình đưa ra bốn giải pháp hiện đại hóa để đưa đất nước thực hiện bước đại nhảy vọt trong phát triển kinh tế. Theo lãnh đạo Đảng CSTQ, việc kiểm soát được dân số là một "thành công" của Trung Quốc và họ luôn khoe như vậy ở tất cả các hội nghị quốc tế.

Luật sinh một con thực sự đã cấm 400 triệu trẻ em được chào đời, đổi lại là một chương trình làm giàu lớn hơn cho các gia đình, giảm chi tiêu của chính phủ về y tế và nhà ở, lên kế hoạch cho một tương lai mà có không ít yếu tố chẳng rõ ràng. Tuy nhiên, ngày càng có những tiếng nói ở Trung Quốc vạch rõ ra rằng, luật sinh một con là thất bại và đang dần phô ra những sai lầm của nó.

Luật này nghiêm cấm các cặp vợ chồng có nhiều hơn một con (gia đình nông dân hoặc sắc tộc thiểu số có thể có hai con nếu đứa đầu tiên là nữ), những ai vi phạm lệnh cấm này sẽ bị trừng phạt với số tiền rất nặng và còn bị phân biệt đối xử tại nơi làm việc.

Nhờ mạng lưới tổ chức rộng dựa trên các quyền kiểm soát của hơn 80 triệu nhân viên, họ đưa ra một hạn ngạch hàng năm cho các cuộc sinh nở mới đến tận mỗi tỉnh thành, và thôn làng. Để đáp ứng hạn ngạch chính thức từ Văn phòng Kiểm soát Dân số, họ đã cưỡng ép thai phụ phá thai (ngay cả khi thai đã trong tháng thứ chín), cưỡng ép phụ nữ và nam giới triệt sản, số tiền phạt khổng lồ lên đến một hoặc hai năm tiền lương cho những ai có thêm đứa con thứ hai.

Lịch sử đương đại Trung Quốc có đầy dẫy các câu chuyện khủng khiếp về trẻ sơ sinh bị bóp chết bởi vì chúng nằm ngoài hạn ngạch này; cha mẹ các bé bị tra tấn bởi vì họ không thể nộp tiền phạt, các phụ nữ bị bắt cóc để buộc phải trải qua triệt sản.

Chính phủ Trung Quốc tự biện hộ bằng cách nói rằng, ngày nay họ "khuyến khích" công dân đừng có hơn một đứa con để có được động lực kinh tế, và pháp luật không còn áp đặt việc này bằng vũ lực nữa. Nhưng các nguồn báo cáo tin tức đã bác bỏ điều này. Chỉ một tháng trước đây, AsiaNews đã công bố câu chuyện của một người phụ nữ 23 tuổi tên là Li Hongmei, chị đã bị bắt cóc và đưa tới bệnh viện để triệt sản cưỡng bức. Chị bị buộc tội vì đã có một đứa con nằm ngoài hạn ngạch.

Theo China Daily, hầu như mỗi năm tại Trung Quốc, có khoảng 13 triệu ca phá thai xảy ra, tất cả đều từ việc ngừa thai - đây là một ước tính mang tính chất bảo thủ. Chai Ling - nữ anh hùng của sự kiện Thiên An Môn, hiện đang tị nạn tại Hoa Kỳ đã trở thành Kitô hữu, chị đã chỉ ra những hậu quả của luật sinh một con như là một vụ thảm sát "Thiên An Môn" diễn ra hằng ngày. Thêm vào đó là một hệ quả xấu từ nó: quan niệm trọng nam - đặc biệt là ở nông thôn – đã thường làm cho các vị cha mẹ thực hiện việc phá thai khi họ biết đó là thai nữ.

Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) đã tính được rằng, trong năm 1980 có ít nhất 20 triệu phụ nữ biến mất khỏi Trung Quốc, đảo ngược tỷ lệ nam giới với phụ nữ. Kết quả là một thương vụ mới được ra đời: đó là việc mang thai hộ, bắt cóc và bán trẻ em gái và phụ nữ v.v.. Có cả một thương vụ như thế từ các phụ nữ đến từ Bắc Triều Tiên, người ta đã đến tiếp thị ở Trung Quốc về tình dục và những giấc mơ của cuộc hôn nhân với người đàn ông địa phương. Thực tế, luật sinh một con ngày nay là một sự tự sát chậm về dân số một cách hiển nhiên đối với nhiều người, nó đã bắt đầu làm suy yếu sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.

Dân số đang già đi nhanh chóng. Theo Bộ trưởng Bộ Lao động và An sinh Xã hội, đến năm 2030 sẽ có 23% dân số trên 60 tuổi. Điều đó nghĩa là có thêm 351 triệu người nghỉ hưu mới, nó sẽ tác động rất nhiều vào ngân khố quốc gia. Do đó, tỷ lệ người phụ thuộc vào lực lượng lao động còn lại sẽ tăng lên. Hiện nay, tỷ lệ này là khoảng 3 người lao động nuôi một người hưu trí, trong 20 năm tới, nó sẽ là 2 nuôi 1. Cần nhớ rằng vào năm 1975, tỷ lệ này là 7.7 nuôi 1.

Nhưng cũng sẽ có vấn đề cho lực lượng lao động trong một đất nước 1 tỷ 300 triệu người ở xuất phát điểm thấp. Chúng ta biết rằng, từ trước đến nay, sự phát triển của Trung Quốc luôn phải dựa vào đội quân trẻ tuổi đến từ nông thôn, họ sẵn sàng làm việc với mức thu nhập vài euro một tháng. Nhưng bây giờ, những người trẻ tuổi đang khan hiếm và các nhà máy đang tranh giành nhau để tìm người lao động. Điều này được cảm nhận đặc biệt là trong "vành đai vàng" của tỉnh Quảng Đông (nơi công nghiệp hóa nhất nước) và Thượng Hải thịnh vượng. Chính vì lý do này mà các dân biểu của Quảng Đông và Thượng Hải tiếp tục tìm cách thay đổi luật này để cho phép các cặp vợ chồng có ít nhất là hai con.

Một số tin đồn - đến nay vẫn chưa chưa được xác nhận - cho thấy chính phủ muốn khởi động một dự án thí điểm tại năm tỉnh loại bỏ luật sinh một con để nghiên cứu sự ảnh hưởng. Tuy nhiên, cho đến nay, Bắc Kinh vẫn luôn phản ứng với những tuyên bố của các nhà khoa học và nhân khẩu học để ca ngợi sự thành công của việc loại trừ 400 triệu người ra khỏi cuộc sống.

(http://www.asianews.it/news-en/The-success-and-failure-of-the-one-child-law-19555.html)