LÉOPOLD MICHEL CADIÈRE (1869-1955)

Trong nửa đầu của thế kỷ 20, lịch sử VN là một chuỗi dài những biến động: từ biến động chính trị kéo theo những biến động dân sự dân sinh dân cư và cả dân tộc nữa. Trong hoàn cảnh đó, ít có ai yên ổn để quan tâm đến văn hóa dân gian thuần túy và đặc biệt đến vấn đề nhân chủng tôn giáo một cách miệt mài.
Nhưng cũng chính vào thời điểm đó, có một người đã âm thầm chọn Việt Nam làm quê hương của mình, đã chăm chút với công việc tỉ mỉ của con ong cái kiến để ghi chép mô tả cũng như để giới thiệu với thế giới về nhiều lãnh vực văn hóa của dân tộc Việt Nam, một dân tộc dẫu gặp nhiều đau khổ và trắc trở nhưng luôn hồn nhiên và đáng kinh ngạc với tín ngưỡng gia đình. Con người đáng trân trọng ấy hôm nay chúng ta nhớ đến cách đặc biệt, dịp lễ giỗ 55 năm, bằng một cuộc hội thảo nhiều tính nhân văn “uống nước nhớ nguồn”, giầu tính văn hóa “ôn cố tri tân” và đậm tính tâm linh muốn để người đã khuất “nối linh thiêng vào đời” của người đương đại. Con người ấy chính là Cố Cả Léopold Michel Cadière.

1. Léopold Cadière trước hết là một nhà truyền giáo

Thời của ngài là tiền bán thế kỷ 20 vốn thích thú với những cuộc mạo hiểm, hoặc bằng chinh phạt đem về cho mẫu quốc những vùng thuộc địa khuyếch trương buôn bán, hoặc bằng chinh phục đem về cho Chúa những tâm hồn đón nhận ơn trời. Là linh mục công giáo thuộc Hội Thừa sai Ba-lê, Léopold Cadière chỉ có một lý tưởng cao nhất cũng là ước mơ mạo hiểm một đời là được đặt chân tới miền đất lạ mà đem cái đẹp cái sáng của Phúc Âm gieo vãi vào tận lòng người, biến họ nên con cái của Cha trên trời. Việt Nam thời ấy được xem như vùng sâu vùng xa đúng với tên gọi lấy châu Au làm trung tâm, vùng Viễn Đông, l’Extrême-Orient.

Giã từ quê hương ở tuổi 22 tràn đầy sinh lực, Léopold Cadière đến Việt Nam và bắt đầu sự nghiệp truyền giáo từ Huế đến các vùng phụ cận, trong tư cách là môt mục tử nhiệt thành chăm lo đến đời sống tinh thần cũng như thể chất của mọi tín hữu thuộc quyền. Giáo phận Huế là nơi ngài đã trải ra đời sống truyền giáo và mục vụ, chắc hẳn còn nhiều kỷ niệm với những dấu ấn không quên, nơi các giáo xứ thuộc tỉnh Quảng Bình (Tam Tòa, Cù Lạc, Gò khế, Cổ Vưu 14/15 năm), hay không xa Cửa Tùng (Di Loan 27/28 năm). Léopold Cadière trên nửa thế kỷ tại Việt Nam trước hết trong tư cách là nhà truyền giáo không mỏi mệt.

2. Nhưng Léopold Cadière còn là một nhà khoa học say mê trong các lãnh vực ngôn ngữ học, nhân chủng học, thực vật học.

Thật vậy, đọc lại tiểu sử đời ngài qua những thời điểm gắn liền với những địa danh và địa bàn dân cư, người ta không biết khi nào ngài làm việc truyền giáo và lúc nào ngài nghiên cứu khoa học; nơi ngài, người ta cũng chẳng biết đâu là chỗ việc truyền giáo dừng lại và đâu là nơi việc nghiên cứu khoa học khởi đầu. Ngài nhiệt huyết với công cuộc truyền giáo và ngài cũng đầy khả năng trong công trình khoa học. Chắc chắn do say mê truyền giáo, ngài đã đến Việt Nam, và một khi được gửi đến một vùng phong phú chất liệu khoa học, ngài đã vận dụng khéo léo cân đối nhuần nhị niềm say mê vốn có kia vào cả trong lãnh vực nghiên cứu khoa học nữa. Có thể nói nơi LÉOPOLD CADIÈRE, truyền giáo đã gợi hứng và cung cấp điều kiện cho khoa học, và tới phiên mình, khoa học lại nâng đỡ và làm phong phú cho truyền giáo. Mượn ngữ vựng của ngành kim khí điện máy, có thể ví truyền giáo là mạch ALéopold Cadière (Auto Level Control) cho khoa học, và khoa học là mạch Feedback cho truyền giáo.

Rảo qua danh mục 250 bài viết, thuyết trình và tác phẩm của ngài, nhất là tên tuổi của ngài trên tập san Đô thành hiếu cổ (Bulletin des Amis du Vieux Hue) hay tại trường Viễn Đông Pháp ở Hà Nội (l’Ecole Francaise d’Extrême-Orient), người ta không ngớt kinh ngạc vì tài năng khoa học và vì sự hài hòa giữa 2 lãnh vực khác nhau trong một con người. Léopold Cadière là nhà truyền giáo say mê nghiên cứu, đồng thời cũng là nhà nghiên cứu say mê truyền giáo.

3. Cuối cùng, Léopold Cadière còn là một nhà thực hiện việc hội nhập văn hóa hết mình.

Trên mạng lưới thông tin điện tử, dịp này, người ta cho phát đi hình ảnh của Léopold Cadière, khiến nhiều người ở thế hệ sau như chúng tôi, nhìn vào dễ nhận ra một dáng đứng văn hóa lớn, đã đến và hội nhập vào trong văn hóa Việt Nam hết mình, cũng như đã nghiên cứu văn hóa Việt Nam và đem vào đó những yếu tố độc sáng của Kitô giáo.

Ngài hội nhập bằng cách mang tên Việt Nam theo cách Việt Nam: linh mục được gọi là Cố; còn danh xưng Cả là hình thức tĩnh lược của tên gọi Cadière. Ngài còn hội nhập bằng cách phục sức hoàn toàn giống như các vị bô lão làng quê Việt Nam: cũng quần trắng áo thâm, cũng râu chòm hiền hậu, cũng thực phẩm địa phương, nhất là nói tiếng Việt chẳng thua kém ai. Có thể nước da vẫn cứ là Tây, nhưng tâm hồn đã là Việt nam trọn vẹn, như ngài bộc bạch lúc bị cầm cố tại Vinh (7 năm 1945-1953) về ký ức không phải của một người bị Việt Nam hóa, mà là ký ức của một người tự nguyện trở thành Việt Nam (Souvenirs non d’un vieil annamitisé, mais d’un vieil annamitisant).

Cách riêng khi soi rọi nhiều góc cạnh trong lối sống dân gian để mở đường suy tư về tôn giáo, như chủ đề “Gia đình và tôn giáo ở VN” hoặc “Tín ngưỡng và cách hành đạo của người VN”, Cố Cả đã xa gần gieo một nhịp cầu từ văn hóa sang đức tin Công giáo, được gọi đơn giản là sự gặp gỡ, điều mà sau này thần học Công giáo mệnh danh là “hội nhập văn hóa”.

Phác vẽ lại chân dung Cố Cả theo kỹ thật 3D: truyền giáo, khoa học và văn hóa như trên không có tham vọng bao trùm, mà chỉ muốn như một chiếc giá ba chân nâng lên chân dung của Cố nhân dịp tưởng nhớ 55 năm ngày tạ thế. Cuộc đời và hoạt động của Cố còn nhiều khía cạnh độc sáng khác, mà hôm nay cũng như những ngày kế tiếp, các thuyết trình viên sẽ sẵn lòng trình bày và chắc chắn sẽ dẫn cử tọa đến với những khám phá bất ngờ thú vị.

Trong niềm lâng lâng tưởng nhớ một con người đáng kính bằng một cuộc hội thảo đặc biệt tại Tòa Giám Mục Huế, với tư cách chủ tịch UBVH trực thuộc HĐGM.VN, xin được cùng với Đức Tổng Stêphanô, chủ nhà, hân hạnh tuyên bố khai mạc hội thảo.

Chúc quý vị một ngày thật đẹp và thật ý nghĩa.