THANH HÓA - “Nơi cánh đồng lúa chín vàng, kìa có những hạt trĩu nặng đang chờ người thợ gặt…”, đó như một cách nói ví von về công cuộc truyền giáo nơi Giáo phận Thanh Hóa, nơi mà hiện tại có rất nhiều những ưu tư, cần nhiều hành động thiết thực, cần nhiều sự dấn thân, cần nhiều sự giúp đỡ và đồng hành để đem Đức tin và tái truyền giáo lại cho những anh em dân tộc sống ở các vùng núi cao giáp nước Lào, nơi mà có một thời bước chân của các nhà thừa sai đã kinh qua và hoa Tin mừng nỡ rộ, nhưng vì thời cuộc, nhiều xứ đạo vùng cao đã bị mất, nhiều giáo dân vì không có linh mục coi sóc đã phai mờ đức tin. Cũng trong những ưu tư như vậy, Đức cha giáo phận khuyến khích các linh mục hãy đến với họ. Trong đó, có một điểm đến luôn chiếm ưu tiên hàng đầu của bước chân truyền giáo là những bản vùng cao thuộc các huyện Quan Hóa, Quan Sơn, Mường Lát… của tỉnh Thanh Hóa và một phần của tỉnh Hòa Bình, nơi có những người anh em tín hữu dân tộc H’mông sinh sống.

Hình ảnh chuyến thăm viếng

Chuyến đi hôm nay cũng là một trong những chuyến đi mang theo những tình cảm tốt đẹp nhất của Giáo phận gửi đến những người con nơi vùng cao hẻo lánh này. Xuất phát từ Tòa Giám Mục Thanh Hóa 3g00 sáng, chúng tôi tiến tới giáo xứ Phong ý, giáo xứ xa xôi nhất và cũng là một địa điểm truyền giáo của Giáo phận. Chuyến hành trình gồm có 3 tân linh mục, cha phó xứ Chính Toà, cha phó xứ Phong Ý, các ân nhân và một số bạn sinh viên công giáo Thanh hóa.

Cũng cần nói thêm chút về “những người làm nên” chuyến đi. Sau ngày lãnh chức linh mục, thay vì đi nghỉ “tuần trăng mật”, 3 tân linh mục đã quyết đi đến với các anh em dân tộc Hmong và dành những món quà của quý ân nhân là tiền mừng trong ngày tiến chức để tặng quà cho bà con dân tộc, tặng bút sách cho các em thiếu nhi chuẩn bị bước vào năm học mới.

6h30, xe chuyển bánh đưa chúng tôi rời giáo xứ Phong ý hướng tới bản Mông đầu tiên đó là bản Suối Tôn, một bản thuộc địa phận của huyện Quan Hoá. Vượt qua đoạn đường dài hơn 150km với con đường đi đầy quanh co, trắc trở, thế nhưng sự nhiệt huyết vẫn cháy bừng trên gương mặt mỗi người.

11h00 trưa, phái đoàn chúng tôi đến bản Suối Tôn, đón phái đoàn là cha Giuse Phạm Văn Nhân, chính xứ Phong Ý, hiện nay cha cũng là trưởng ban truyền giáo của GP Thanh Hoá. Với những ưu tư, trăn trở, Ngài cùng những người phụ tá luôn cất bước ra đi, để mong tìm gặp những trái tim khao khát tình Chúa. Như đã biết trước kế hoạch của chuyến đi, Ngài cũng với bà con dân bản ra đón chúng tôi trong niềm hân hoan, xúc động.

Sau một khoảng thời gian gặp gỡ, nói chuyện và chia sẻ với những giáo dân ở đây, chúng tôi gửi đến họ những món quà là tình cảm mà những vị tân Linh mục, các Linh Mục và quý vị ân nhân gửi đến. Niềm vui thực sự được thể hiện rõ trên gương mặt khắc khổ của họ, hết thảy từ người già đến trẻ em.

Nơi đây, cuộc sống thiều thốn vật chất luôn đeo bám con người, thiếu thốn từ những nhu cầu căn bản nhất, một căn nhà trống trơn, không đèn, không điện, không chăn, không mùng và không… không; một nồi cơm với sắn độn, rau rừng và….thiếu thốn. Thế nhưng điều mà mỗi chúng tôi thấy được chính là những nụ cười tỏa rạng, những nụ cười đơn sơ của người dân vùng núi cao chưa từng tắt trên môi những con người nghèo khổ ấy. Đôi mắt trẻ thơ sáng lên vì những món quà bình thường, giản dị; người lớn thì cảm ơn bằng những câu lơ lớ tiếng Kinh; người già không nói được tiếng kinh thì bắt tay tỏ dấu cảm ơn với những giọt nước mắt…

11h50, chúng tôi dùng cơm trưa để tiếp tục cuộc hành trình đến với địa điểm thứ hai.

12h30, xe lăn bánh tiến thẳng tới bản Trung Thành, thuộc địa phận của Tỉnh Hoà Bình. Quãng đường đi dài và đầy khó khăn thực sự, trời lại đổ mưa nên xe không thể vào nơi gần nhất để đi xe máy, chúng tôi quyết định đi thuyền vượt sông Mã để vào bản. Quãng sông phải vượt có khoảng 4 km nhưng chúng tôi phải đi gần 3 giờ đồng hồ, vì chạy ngược dòng và nước lũ thượng ngồn đổ về mạnh sau cơn mưa.

Đến tới bản thì trời đã ngã về chiều. Cũng như ở bản Suối Tôn, những lời chia sẻ của các tân Linh mục, của các Linh mục và vị ân nhân đã thực sự cho thấy được tấm lòng của các Ngài hướng tới những bà con dân tộc ở đây đầy yêu mến. Sau đó, chúng tôi phát quà cho họ và vội vàng trở lại thuyền để về nơi gửi xe vì trời đã tối và lại còn đổ mưa.

Sau những giờ phút bồng bềnh, gà gật… trên sông Mã, chúng tôi lên xe trở về cho kịp giờ lễ sáng hôm sau. Không gian chiều thấm đượm sự mờ ảo, bởi thiếu những ánh đèn điện chiếu sáng. Cuộc sống nơi đây là vậy, đầy những thiếu thốn, vất vả. Thế nhưng những người dân tộc này lại thể hiện được một niềm tin sâu sắc, mãnh liệt không dễ gì mà có được.

Về gần tới Tòa giám mục, trời đông đã hửng sáng, cũng là lúc chuyến hành trình khép lại đầy ân nghĩa mà các vị Mục tử và quý ân nhân dành cho những con người miền sơn cước, nhưng nó mở ra trong lòng mỗi người tiếng gọi thôi thúc dấn thân vì anh em đồng loại đang cần bàn tay và tấm lòng sưởi ấm…