Mấy đứa học trò miền quê ra tỉnh trọ học, cuối tuần không về nhà nhưng đi làm kiếm thêm tiền. Chúng tôi may mắn kiếm được nghề lột vỏ cây. Lột chẳng bao nhiêu nhưng vẫn mang tiếng tay dính chàm. Chán nhất là cái nhìn khinh bỉ của kẻ qua đường, họ coi thường nghề này, cho là nghề dơ bẩn, của những kẻ mù chữ. Mù thật, bởi vì không biết chữ nên chúng tôi phải đi học. Từ ‘dính chàm’ dùng để chỉ người sống nghề lột vỏ cây. Dù ít nhiều khi lột vỏ cây bị nhựa dính tay, trước xanh sau đổi thành xám, màu chàm nên danh từ ‘dính chàm’ chỉ người sống nghề lột vỏ cây. Lột vỏ cây thì dễ, gột chàm dính tay rất khó vì thế từ dính chàm còn ngụ í chỉ tội phạm. Một khi có án, việc gội, lột bản án khỏi cuộc đời không phải dễ nên có câu đời dính chàm.

Để lột được những cây tràm, người ta thường ngâm nước vài ba ngày cho cây tràm ngấm đều nước, nhựa của nó tương đối quánh lại, vừa dễ lột lại không bị nhựa ăn tay. Ngâm nước đúng mức chỉ cần dùng dao róc một miếng vỏ tràm sát vào thân mộc rồi dùng sức kéo mạnh cái vỏ tràm bị xước ngược từ gốc đến ngọn, trông vừa gọn vừa đẹp mắt, công việc lại mau. Khi đã lột xong được sợi đầu tiên, phần còn lại coi như không đáng kể vì chỉ cần dùng mũi dao nảy nhẹ toàn bộ vỏ tràm bung ra theo đường tiến của lưỡi dao.

Nếu không biết lột cây tràm sẽ nhôm nhem, nhựa dính tèm lem, trông vừa xấu, vừa bẩn khách hàng khó tánh chê, vần tới vần lui, xem xong, không mua, bỏ đi. Bán không được hàng là mối lo lớn cho chủ vì vốn nằm ì ra đó, lấy công làm lời, làm dở mất công, mất cả lời.

Sau này nghề lột tràm trở thành phổ thông, người nào cũng lột tràm nên không đủ tràm để lột, người ta quay ra cạo vỏ tre. Cạo da tre vất vả hơn nhiều vì mỗi lần cạo da tre tạo nên tiếng gai người đến ớn lạnh. Dường như tiếng xé da tre rất gần với âm thanh thanh tre cứa tay, chính vì thế mà người cạo da tre cảm thấy ớn lạnh khi nghe tiếng da tre rít lên. Ác nghiệt nhất là vỏ tre bén vô cùng. Chưa người nào cạo da tre mà không lãnh thẹo.

Lột vỏ cây khô

Lột tràm, nhựa ra tay vì cây tươi, nhựa sống tiềm ẩn trong thân mộc. Một số cây ngâm nước còn mọc lên nhánh nhỏ xinh, thật dễ thương.

Điều làm tôi kinh ngạc khi lột vỏ cây khô, cây chết. Bên ngoài cây khô, gần mục, nhiều nơi vỏ đổi mầu nấm. Nơi cây khô không còn nhựa sống. Sự chết quá rõ. Nếu có sự sống cũng chỉ là sống gởi, kí thác của nấm. Nấm xuất hiện sau cơn mưa do khí trời ẩm ướt. Nắng đến chúng khô quánh, toàn cây một màu chết, mục rữa, tang thương.

Mấy ai để ý nhận biết sau lớp vỏ chết, thân mộc trên đà mục nát kia ngầm chứa sức sống mãnh liệt. Tôi phát giác sau lớp vỏ cây khô là một thành phố náo nhiệt, tràn đầy sự sống của các loại côn trùng lớn nhỏ. Chúng di chuyển tấp nập, khoan thai, thảnh thơi hưởng cảnh thanh bình sau lớp vỏ khô. Chính khám phá mới lạ, tình cờ này làm tôi suy nghĩ nhiều về sự chết. Đây không phải là khám phá vĩ đại. Đúng ra là một nhận thức mới. Nhận thức này khơi dậy trong tôi một tư tưởng kì lạ. Tư tưởng liên quan đến cây ban sự sống.

Thành phố êm đềm

Người ta diễn tả cây thập giá, cây treo Đức Kitô là cây mang lại sự sống trường sinh cho nhân loại. Đọc hết sách này, giải thích nọ vẫn không cảm thấy mạch lạc, rõ ràng cho bằng chính mắt nhìn thấy cảnh sống động, sinh hoạt náo nhiệt, bận bộn, chạy tấp nập, tứ tán của lũ côn trùng di động sau lớp vỏ cây khô. Chú giải cây trường sinh do các học giả Kinh Thánh đưa ra, đến từ suy luận của lí trí. Suy luận có giới hạn của suy luận. Hơn nữa có sự phân biệt nhận thức khác nhau giữa tác giả và độc giả. Khó khăn khác nữa là giới hạn của ngôn từ. Những lí do trên cho thấy việc hiểu ý nghĩa cây thập tự mang lại sự sống trường sinh không phải là vấn đề đơn giản. Làm sao cây đóng đinh người mang án tử có thể mang lại sự sống. Hình ảnh linh hoạt, sống động của lũ côn trùng, sau lớp vỏ cây cho biết sau lớp vỏ cây mục rữa kia có thể vô ích cho con người, nhưng rất cần thiết cho thiên nhiên, cho loài côn trùng. Chính nơi đây chúng sinh sản, nơi nuôi dưỡng mầm truyền sinh. Cây chết ban cho chúng tổ làm nhà. Cây chết bảo vệ chúng tránh khỏi thiên tai và cây chết cũng là nguồn cung cấp thực phẩm cho côn trùng. Tất nhiên không phải tất cả các côn trùng đều sống nhờ cây chết. Chỉ loài côn trùng nào đến nương nhờ mới tìm được sự bảo vệ, sự sống và sống mãnh liệt nơi cây chết.

Mấy năm trước, gió đánh bật tung rễ, cây ngã gục bờ rẫy. Không ai thèm cưa vì nó nằm dọc hàng dậu. Không cản trở việc đi lại, cũng chẳng làm phiền cây khác, ngoại trừ một số cành nhỏ văng ra được dọn sạch. Toàn thân cây nằm dọc bờ rào, ai thèm ngó ngàng. Đến khi lột vỏ mới thấy sức sống mãnh liệt sau lớp vỏ mục. Nhiều loại côn trùng khác nhau chọn cây khô mục làm nơi cư trú. Có ai ngờ đâu cây mục là nơi côn trùng nương thân, là nơi truyền sinh cho đời sau. Những con nhộng sâu, da căng cứng, mập tròn, trắng nõn đến độ nhìn thấu ruột. Những con sâu nhỏ tí như sợi tơ ngọ ngoạy chui sâu vào thân mộc trốn ánh sáng. Con rận li ti trắng mượt ra sức chạy trốn. Con thằn lằn thơ dại nhướng mắt nhìn như thầm trách kẻ nào vô tình phá cảnh thanh bình. Tổ kén trốn sau mọt gỗ do cha mẹ nó cắn tạo tổ. Lại có những lỗ nho nhỏ ăn sâu vào thân mộc. Cửa lỗ thập thò con ruồi nhỏ tí, nửa muốn vùng bay, dời tổ thoát thân, nửa sợ không dám bay. Vài con rết mình trắng toát từ đầu đến chân, giữa lưng có đốm đỏ, ra sức chạy trốn. Chúng đi thoăn thoắt như sợi chỉ đỏ trong tay thợ thêu.

Sau lớp vỏ cây chết có sức sống mãnh liệt. Mãnh liệt vì côn trùng, sâu bọ đều non, nhỏ, tràn đầy nhựa sống. Với con người, cây chết mục thành bùn đất, ích chi. Với côn trùng, cây chết là cả một thành phố bình yên. Cây lớn chết đổ xuống biến ra thành dẫy phố. Cây nhỏ chết trở thành thôn làng. Cành nhỏ xíu coi như khu xóm và lá cây toàn vùng là hình ảnh quốc gia côn trùng. Chúng sống yên bình. Không có dấu hiệu tranh sống, giành giật, cấu xé nhau. Bởi vì nếu có tranh sống, cấu xé có lẽ những con nhộng ngon lành kia không sống sót, không béo mập, tươi mát như nhìn thấy. Chúng xa lạ với thế giới loài người, thế giới bên ngoài. Ngay cả ánh nắng mặt trời còn làm chúng chạy loạn xạ, nói chi đến các loài ăn sâu, bọ.

Cây sự sống

Cây chết trong thiên nhiên trở thành nơi nương thân, cung cấp thực phẩm cho côn trùng. Nơi đây chúng vừa làm nơi trú ngụ, vừa làm nơi sinh hoạt thường ngày, vừa là nơi truyền sinh cho thế hệ sau nối tiếp kiếp côn trùng. Nhìn qua bên ngoài người ta không thể biết được lớp vỏ chết kia đóng vai trò vừa bảo vệ vừa là nguồn cung cấp thực phẩm cho bao côn trùng lớn nhỏ. Lớp vỏ chết là tường thành vững chắc bảo vệ, che chở lũ côn trùng, ngày tránh nắng, đêm an toàn khỏi gió lạnh. Khi mưa sa có vỏ cây bảo vệ, khi sương lạnh có vỏ cây chống đỡ. Thân mộc vừa là nơi trú ẩn vừa là nơi cung cấp thực phẩm, nguồn sống phát sinh từ cây chết.

Người Kitô giáo, nhìn cây sự sống, cây thập tự dưới hai khía cạnh. Ý nghĩa rõ ràng nhất là hình ảnh của sự dữ, sự chết. Hiện thân của đau khổ, bằng chứng của tàn sát, ác độc, thù hằn. Nơi đây sự chết quá rõ ràng, chết tràn đầy niềm đau, chết treo, chết đóng đinh chân tay. Chết người thân không dám cứu; người thương không dám khóc nức nở, cố câm nín, giữ không cho tiếng nấc phát ra vì sợ, cùng lắm là để nước mắt lăn dài, tuôn rơi.

Khía cạnh khác cây thập tự mang lại sự sống. Sự sống trường sinh, sung mãn tràn đầy. Cây vừa bảo bọc, che chở vừa nâng đỡ, soi đường, chỉ lối vừa thêm sức giúp ta tiến bước. Cây mà những ai đặt trọn niềm tin vào Đấng treo trên cây sẽ được lôi kéo lên cùng, được vinh thăng, được nhận vinh quang Phục Sinh. Cảm nghiệm được Đấng sống lại từ cõi chết cùng đồng hành, cùng sinh hoạt trong mọi trạng huống cuộc đời. Cây mà những ai đặt trọn niềm tin sẽ nhận biết sau đau khổ là chiến thắng vinh quang, sau vị đắng là hương vị ngọt ngào, thơm ngon tràn đầy.

Hình ảnh sinh hoạt rộn ràng, sống động, linh hoạt của lũ côn trùng chính là hình ảnh người Kitô hữu đón nhận sự sống mãnh liệt và nguồn ơn phúc cho những ai tin tưởng, phó thác đời mình vào thập giá Chúa. Liên kết thập giá đời mình với thập giá Đức Kitô là con đường dẫn đến sự sống trường sinh, đầy hoan lạc, hạnh phúc, bình an vô tận.