Nói đến Biển Chết người ta nghĩ ngay đến đất thánh. Nơi miền đất thánh có Biển Chết. Biển Chết nổi tiếng không phải vì biển hùng vĩ, to lớn, cũng không phải chiều sâu, sóng to, gió lớn, hay lượng thực phẩm vô tận biển cung cấp. Gọi là Biển Chết làm gì có tôm cá mà cung cấp. Thông thường chết là chấm dứt, là hết chuyện. Người ta kể lại quá khứ để thương, để nhớ, để tiếc nuối. Biển Chết nổi tiếng vì nó chết. Chết từ lúc nào không thấy nhắc đến. Người ta nhắc nhiều đến sự kiện quanh biển. Không ai nhắc lại quá khứ của biển để nhớ tích xưa mà học hỏi sống sao cho thắm tình Chúa, tình người. Người ta nói nhiều đến lợi nhuận và sự sống Biển Chết đem lại. Biển mang lại sự sống vì Biển Chết không nằm trong phạm trù chết thối, tan nát mà trái lại mang sự sống động, hữu dụng cho nhân loại.

Biển có chiều dài 80 cây số và rộng khoảng 14 cây. Phía bắc rộng lớn, độ sâu nhất khoảng 430 thước. Phía nam thu nhỏ hơn, nông cạn. Có chỗ chỉ sâu độ 4 thước.

Cựu Ước ghi lại biến cố phá huỷ năm thành quách quanh bờ biển. Thành Sodom, Gormorrah trong Sáng Thế Kí 19,21 thuật lại sự kiện hai thành bị phá huỷ vì lối ăn chơi trác táng. Thành Zoar kế bên thoát nạn vì cháu của tổ phụ Abraham là gia đình ông Lot bỏ thành Sodom sang lưu trú tại đó. Trên đường lánh nạn, vợ ông do tò mò, ngoái lại nhìn, biến thành diêm sinh.

Môisen trong sách Dân Số 29,23 cảnh cáo toàn dân nếu không hối cải, cứ xem gương hai thành Admah, Zaboiim đang từ đất mầu mỡ biến thành đất khô cằn, cỏ cháy, đồng chua vì thái độ bất trung, coi thường Giao Ước thánh, thờ ngẫu tượng, mà ra nông nỗi đó.

Ngoài năm thành kể trên, thung lũng quanh Biển Chết chứa đựng di tích hành trình đức tin. Nơi đây Thượng Đế ban Mười Điều Răn cho tổ phụ Môisen. Nơi đây ông Gióp chịu thử thách và được thưởng vì lòng trung kiên của ông. Nơi đây tổ phụ Giacóp vật lộn với sứ thần Thiên Chúa. Cũng tại nơi đây vua Đavít trốn tránh vua Saolô tầm nã.

Nơi đầu nguồn sông Giođan, cách Biển Chết 55 cây số đường xe, thánh Gioan Tiền Hô làm phép rửa cho Đấng Cứu Thế. Sông Giođan là nguồn nước chính chảy vào Biển Chết.

Ích lợi thiêng liêng

Điều dường như ít người bàn tới là ích lợi tâm linh Biển Chết mang lại. Thiên Chúa không tạo dựng Biển Chết mà không có công dụng tâm linh. Hơn nữa đây là nơi ghi đậm di tích lịch sử dân Chúa Chọn. Cộng đoàn Qumram sống cách đây vài ba ngàn năm chọn Biển Chết làm chốn định cư mà ngày nay Thánh tích ghi trên bảng da còn sót lại. Đâu là ích lợi thiêng liêng của Biển Chết.

Thập giá Đức Kitô mang lại vô vàn ơn ích thiêng liêng cho Kitô hữu. Biển Chết được ví như thập giá thiên nhiên của nhân loại. Người bám víu vào thập giá đã không chết mà còn được cứu sống. Trường hợp rõ ràng nhất là của hai tên trộm. Tên toan tính xuống khỏi thập giá bị chết; trái lại tên bám vào thập giá được cứu sống.

Phần chúng ta như vầy là xứng tội.

Hắn nói với bạn hắn rồi quay sang thưa cùng Đức Kitô.

Khi nào về nước Ngài xin nhớ đến tôi.

Không ngần ngại Chúa tha thứ cho anh và hứa

‘Ngay hôm nay ngươi sẽ ở trên thiên đàng với ta’.

Thập giá biểu tượng của sự chết. Người bám vào thập giá lại tìm được sự sống.

Biển Chết cũng vậy, không loài cá nào sống sót trong biển nước cực mặn đó nhưng con người vào đó đã không chết còn tìm được giây phút thảnh thơi thoải mái. Biển Chết ban sự sống cho con người, làm tăng sức sống cho ai tắm gội trong Biển Chết và ban cho giây phút thoải mái. Với người có niềm tin Biển Chết ban cho nội tâm bình an.

Gioan làm phép rửa đầu nguồn sông Giođan và nước chảy xuống cuối nguồn ngưng tụ lại Biển Chết. Nước không có chỗ thoát ngoại trừ nước bốc hơi. Một cách nào đó có thể nói Biển Chết là ‘bãi rác’ tội gian trần. Một cách nào đó Biển Chết diễn tả trung thực và rõ ràng nhất hình ảnh Đức Kitô khổ nạn. Trên thập tự Đức Kitô trở thành ‘bãi rác’ gánh tội nhân trần. Ngài dù vô tội nhưng nhận tất cả lỗi lầm lớn nhỏ của nhân loại. Ngài không từ chối bất cứ lời thống hối ăn năn nào. Ngài cũng không đổ lỗi cho ai khác. Một mình Ngài gánh chịu mọi lỗi lầm. Tội lỗi đi vào con người, con người đổ lỗi cho người khác, trốn tránh, chối tội, chối quanh và cuối cùng con người để tội tiếp tục lan sang người khác như một loại dịch truyền nhiễm, lan đi hết người này đến người khác. Khi tội đến tới Đức Kitô nó bị đóng kín, không thể thoát ra và cũng chẳng thể tiếp tục tung hoành trên nhân gian nữa. Nơi Đức Kitô là đường cụt của tội lỗi. Đường cụt một chiều này khiến tội bị đóng cứng nơi thập giá Đức Kitô. Tiến không được, thoái không xong.

Biển chết diễn tả hình ảnh Đức Kitô tử nạn trên thập tự. Tất cả rác rưởi dân chúng thảy xuống sông Giođan chảy tới biển chết ngưng lại đó. Chúng không còn lối thoát. Tội lỗi con người nhận phép rửa do Gioan cũng chảy xuống Biển Chết và chôn vùi tại đó. Rác rưởi quanh vùng đồng bằng sông Giođan cũng chảy xuống sông và cuối cùng đóng chết cứng tại Biển Chết. mọi tội của nhân loại, kể cả tội tổ tông đều bị đóng đanh chết khô trên thập giá.

Sinh tội

Tội sinh ra tội. Hình ảnh thánh Phaolô nói rõ. Tội vào một người rồi từ đó biến sang người khác. Nhìn vào câu nói của Thánh Phaolô chúng ta hiểu được hình ảnh tội lan từ người này qua người khác. Cũng cùng hình ảnh đó tội đến đường cùng là chính Đức Kitô.

Vì một người duy nhất, mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết, như thế sự chết đã lan tràn tới mọi người, bởi vì mọi người đã phạm tội. Rom 5,12

Sự sa ngã của Ađam không thể nào sánh được với ân huệ của Thiên Chúa. Thật vậy, nếu vì một người duy nhất đã sa ngã, mà muôn người phải chết, thì ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Đức Giêsu Kitô, còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người Rom 5,15


Biển Chết chính là hình ảnh Đức Kitô sáng tạo nơi tạo vật của Ngài giúp chúng ta hiểu đường cụt của tội. Con đường dẫn đến sự chết, tội biết điều đó nhưng nó không thể trốn thoát. Tương tự như giòng nước sông Giođan biết đến cuối nguồn là Biển Chết nhưng nó không có cách nào trốn thoát, cứ phải xuống dù xuống để chết. Tội cũng vậy nó biết nó bị đóng đinh trên thập giá với Đức Kitô. Đức Kitô sống lại từ cõi chết và ban sự sống cho những ai thống hối ăn năn. Riêng tội bị chết treo trên thập giá muôn đời.

Lợi của tội

Nơi đâu tội lỗi càng nhiều nơi đó càng nhiều ân sủng. Tội lỗi mang lại sự chết và tàn phá, chết chóc. Nhân loại hứng chịu mọi đau khổ do tội gây nên. Nhân loại cũng không có đường thoát ngoại trừ chạy trốn hoặc chịu chết. Những ai tin vào Chúa may mắn hơn còn đường thoát, có nơi tín thác nhưng cũng vẫn trải qua đau khổ mới đến vinh quang. Thiên Chúa là Đấng duy nhất biến tội thành lợi cho con người. Ngài là Đấng duy nhất không những bắt tội qui phục, đóng đinh nó chết khô trên thập giá. Ngài là Đấng duy nhất bắt tội biến thành ân sủng cho con người hưởng nhờ. Làm sao có thể mường tượng ra điều đó. Hình ảnh Biển Chết giúp chúng ta phần nào hiểu được tội biến thành ân sủng.

Biển Chết có độ muối khoảng 300 gram cho một kilo lít nước biển và 330 gram muối cho nước ở sâu. Lượng muối này có khả năng giữ cho người không chìm trong nước. Xưa dân Egyp lấy chất sáp trong nước dùng để ướp giữ xác vua và con cháu hoàng tộc. Ngày nay người ta biết nước biển chứa hơn 35 loại tinh khoáng rất hữu dụng. Tinh khoáng có công dụng làm giảm sưng khớp xương, chữa lành các chứng bệnh da cho những ai tắm trong nước đó. Khoa học gia tinh lọc nước biển lấy các khoáng chất dùng vào việc chế tạo dược phẩm và mĩ phẩm cho đại gia. Người ta tiên đoán nếu không hạn chế lượng nước lấy đi, năm 2050 biển bị khô cạn.

Biển Chết thu hút khách du lịch, nhờ đó nhiều dịch vụ cung cấp việc làm cho dân. Ngoại cảnh thu hút khách cũng mang lại nguồn lợi đáng kể. Biển Chết lợi cho cả kinh tế lẫn xã hội. Có lợi cho sức khoẻ, tạo công ăn và mang sức sống lại cho nhiều thành phần.

Nguồn nước sông Giođan chứa tất cả mọi sự, từ sạch đến dơ, từ chất tốt lành đến cặn bã cho đến nước mưa trong vùng. Cặn bã dư thừa này làm cho biển trở thành Biển Chết đồng thời chúng trở thành nguồn lợi lớn cho dân quanh vùng. Nguồn lợi này cung cấp công ăn việc làm, bảo đảm sự sống và làm cho nền kinh tế trong vùng sinh động.

Hiểu như thế chúng ta có thể hiểu được tội lỗi con người khi bị treo khô trên thập tự cách nào đó, do quyền phép Chúa, biến chúng thành ân sủng cho nhân loại. Khi tội bị treo trên thập giá chúng phải đền bù cho nhân loại những đau khổ, tai ương, tệ nạn chúng gây ra. Ai làm được điều đó ngoại trừ Thiên Chúa. Ngài là Đấng duy nhất bắt tội phải đền bù xứng đáng, lấy lại công đạo cho con người. Tội kiềm chế con người. Chúa kiềm chế tội. Ngài bắt tội phải trả giá tàn phá nó gây ra. Ngài không huỷ diệt tội nhưng dùng vào công trình sáng tạo của Chúa. Vì thế mà thánh Phaolô khẳng định

Ở đâu tội tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội Rom 5,20

Không nơi nào nhiều tội hơn thập giá Đức Kitô vì nơi đó Ngài lãnh tội trần gian. Cũng chính nơi đó có nhiều ân sủng và bình an của Chúa.