Cuộc đời nông gia vui buồn lệ thuộc rất nhiều vào mùa gặt. Mùa gặt thu hoạch kết quả tốt năm đó coi như sống thảnh thơi, thoải mái. Trái lại thất thu hay tệ hơn nữa mất mùa coi như lo lắng cả năm. Mọi chi tiêu trong năm lệ thuộc vào mùa thu hoạch. Tiền chi tiêu ăn uống, hạt giống, phân bón, tiền học phí, tiền thuốc, đám cưới, tang chế và ngay cả tiền biếu xén cũng từ kết quả vụ mùa quyết định.

Trái với mùa gặt nông dân mong đợi. Đức Kitô trong bài Phúc âm hôm nay cho biết

Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít c.2

Nông gia không lo lắng ít thợ, nhiều thợ. Họ quan tâm hơn về được mùa hay thất thu. Ít thợ hay nhiều thợ vẫn còn cách giải quyết bằng cách làm thêm giờ. Thất thu coi như vô phương cứu chữa, ngoại trừ nuôi hy vọng cho vụ mùa kế tiếp. Xưa kia vụ mùa kế tiếp phải đợi mất một năm. Đợi trong hy vọng và lo lắng. Hy vọng vụ mùa tới sẽ tốt hơn, trả bớt được công nợ. Lo nếu vụ mùa tới thất thu sẽ sạt nghiệp, trắng tay. Lấy vốn đâu bỏ ra cho vụ tới. Lo lắng xảy đến ngày đêm. Hạn quá, mưa to, gió lớn, lạnh hoặc sương muối là những mối lo rất gần, rất thực cho nông gia.

Lo lắng

Vấn đề lo lắng đầu tiên trong bài Phúc âm hôm nay là thiếu thợ gặt. Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít. Lời tiên đoán này rất thực với những quốc gia kĩ nghệ. Ngày nay số người đi làm thợ gặt giảm rõ rệt. Giảm đến độ không kiếm đủ ơn gọi. Các nhà lãnh đạo giáo hội địa phương kêu réo bằng nhiều cách. Ơn gọi vẫn khan hiếm. Số thợ đang có thì già nua, lớp hưu dưỡng, kẻ tù tội cộng thêm chán nản bỏ cuộc và chết dần mòn.

Lí do

Phúc Âm không đưa lí do giải thích tình trạng khan hiếm thợ gặt. Điều mà bài đọc nhắc đến là thợ gặt sẽ gặp phải hai thái cực. Một bên là chống đối; bên kia là đón chào. Hình ảnh chống đối mạnh bạo, tàn ác, khốc liệt được ví như cảnh lang sói cấu xé.

Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói. c.4

Chiên con thiếu hẳn kinh nghiệm sống giữa bầy sói. Thực ra không chiên nào có thể thắng được sói rừng khi nó tấn công. Chiên mẹ hay chiên con đều chết dưới nanh vuốt sói. Điều khác biệt là chiên mẹ có nhiều kinh nghiệm sống. Chiên mẹ biết cách xa lánh những nơi nguy hiểm, nhiều cám dỗ, dễ bị sập bẫy. Chiên con háo thắng hơn, thiếu kinh nghiệm sống nên xông xáo, thiếu tỉnh táo và do đó cơ hội gặp nạn nhiều hơn. Hầu như các nhà truyền giáo trong lịch sử Giáo Hội không bao giờ coi nhẹ lời cảnh báo này. Lịch sử Giáo Hội chứng minh lời cảnh báo này từ xưa đến nay luôn đúng. Cả Giáo Hội Chúa lẫn người rao giảng Tin Mừng đều bị tấn công dưới mọi hình thức, phương cách. Không trực tiếp thì giám tiếp. Nơi thì chịu phê bình, chỉ trích. Chỗ khác bị cấm cách, tù đầy và bị giết. Có ngay cả sói rừng đội lốt chiên, nằm trong bầy chiên âm thầm cắn phá.

Phản ứng

Đức Kitô kêu gọi các môn đệ Ngài dùng phương pháp bất bạo động để đối xử với tình thế bất lợi. Công việc của các môn đệ là làm tròn nhiệm vụ của thợ gặt, không phải công việc trả thù, trả đũa kẻ bách hại mình. Đối xử với họ lành dữ thế nào Thiên Chúa có cách của Ngài. Thợ nên khôn ngoan dời chỗ. Nơi nào chào đón thì lưu lại rao giảng Lời Chúa. Nơi nào không đón chào, phủi bụi chân ra đi.

Người môn đệ cũng ra đi với lòng tín thác vào Chúa và sống cùng điều kiện như chủ nhà đón nhận họ. Chủ sống sao thợ sống vậy. Đói ăn đói, no ăn no. Chia sẻ vui buồn trong cuộc sống. Chủ nhà đón nhận thợ là dấu chỉ chủ nhà sẵn sàng đón nhận tin vui thợ mang theo. Hành trang của thợ không có gì ngoài lời Chúa và món quà bình an Chúa ban cho thợ khi rao giảng.

Triều đại Thiên Chúa đã đến gần các ông.

Điều kì lạ là người đón thợ và người xua đuổi thợ nhận cùng món quà thợ mang theo. Khi chủ nhà không nhận món quà bình an thợ tặng, quà đó không mất đi mà trở về với thợ. Như thế thợ không bao giờ mất quà bình an. Luôn mang trong mình quà bình an Thiên Chúa trao tặng.

Lời Chúa dậy đúng mọi nơi, mọi thời. Khi sói bao vây hành hạ, đức tin thợ chân chính rực sáng. Thợ run sợ trước nanh vuốt sói, tâm hồn vẫn bình an. Sói bủa vây được thợ, không bao vây được Tin Mừng. Không được rao giảng bằng lời thì thể hiện niềm tin qua cuộc sống, cách đối xử với cai tù và tù nhân khác. Chính lối sống Tin Mừng trong gian khổ đã cảm hoá, thức tỉnh lương tâm nhiều cai tù.

Có những cai tù nhận ra chân lí và âm thầm trở lại; có những cai tù bịt tai, ngoảng mặt làm ngơ. Dù cai tù phản ứng thế nào thì lời rao giảng của thợ qua cuộc sống cũng luôn bên cạnh cai tù, sống cạnh cai tù. Họ chấp nhận hay từ chối là quyền tự do của họ. Tuy nhiên bao lâu họ còn coi tù, bấy lâu họ còn sống gần người rao giảng về nước Thiên Chúa. Cai tù cấm rao giảng Phúc Âm, sức mạnh Phúc Âm trở nên thực tế hơn, mạnh và gần hơn khi tù sống thực hành Phúc Âm bằng hành động, trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn.

Thành quả

Xã hội dựa vào số lượng định thành quả. Thành quả Tin Mừng không đong đo bằng con số. Phúc Âm đặt giá trị trên phẩm chất. Phẩm chất đây là tình yêu mến. Thành quả vụ thu hoạch đo bằng tâm tình yêu mến đón nhận Lời Chúa và thái độ chân thành trong việc đón nhận món quà bình an thợ trao tặng.