CLEVELAND (CNS) - Sự chuyển đổi về phương diện dân số trong Giáo hội Công giáo đang làm cho những tiếng nói mới nổi trội lên, nhằm giúp hướng dẫn sự phát triển của nền thần học Công giáo.

Đó là phát biểu của một số nhà thần học trong hội nghị thường niên lần thứ 65 của Hội Thần học Công giáo Hoa kỳ (Catholic Theological Society of America).

Những tiếng nói hình thành nền thần học này gồm có phụ nữ và những người xuất thân từ các nền văn hóa châu Phi, châu Mỹ Latinh và châu Á, đang đưa sự hiểu biết sâu xa hơn về ý nghĩa của Kinh Thánh đến cho một giáo hội đã hàng bao thế kỷ mọi giải thích thần học đều do người châu Âu thống lãnh.

Dàn trải, trong nhiều trường hợp, từ những kinh nghiệm rộng rãi về thực chứng và thực thi sứ vụ trong những cộng đồng nghèo khó và bị đặt ra ngoài lề xã hội, cả ở Hoa kỳ và khắp nơi trên thế giới, những tiếng nói nổi trội này đang mở rộng những tư tưởng thần học truyền thống, đồng thời làm cho nhiều người công nhận rằng tính đa dạng sẽ củng cố giáo hội khi giáo hội phải đương đầu với những thử thách không ngừng trong thế kỷ thứ 21 này.

Lời cha Bryan Massingale, giáo sư thần học tại trường Đại học Marquette và mãn nhiệm kỳ làm chủ tịch Hội Thần học Công giáo Hoa kỳ hôm 13 tháng 6, đúng vào dịp hội nghị của tổ chức này: Nỗ lực là để cho người Công giáo thuộc mọi thành phần xã hội có thể đi vào “cảm nghiệm phổ quát của con người.”

Cha giải thích: “Chúng tôi cố gắng tạo nên một nền thần học Công giáo không còn là thần học Công giáo châu Âu hay đặt trọng tâm vào châu Âu nữa. Tôi muốn nói là chúng ta đang nỗ lực tạo ra một nền thần học Công giáo đích thực là Công giáo, đích thực là phổ quát. Và nếu chúng ta là Công giáo, là phổ quát chân chính, thế thì bao gồm không phải là điều gì phù hợp với những đổi thay về mọi mặt. Mà điều bao gồm là nhu cầu đức tin của chúng ta.”

Phát biểu của nữ tu Jamie Phelps dòng Đa minh, giám đốc Viện Nghiên cứu Người Công giáo Da đen tại trường Đại học Xavier ở Louisiana: Nỗ lực nhằm bao gồm thêm những tiếng nói trước kia không có trong sự phát triển nền thần học ở Hoa kỳ, là điều bắt nguồn từ nhu cầu, bởi vì những người Công giáo gốc châu Âu nay không còn chiếm đa số trong Giáo hội Công giáo ở Mỹ nữa.

Bà nói với thông tấn xã Catholic News Service: “Một khi bạn lâm vào vị trí thiểu số, và tuy bạn có quyền có thế nhưng bạn không có nhân lực để phụ trách… thế thì bắt buộc phải làm điều mà Công đồng Vatican II từ lâu dạy chúng ta phải làm: đó là mọi người được kêu gọi hiệp thông với nhau. Có nghĩa là kêu gọi sự lãnh đạo từ mỗi gia đình văn hóa.”

Sự lãnh đạo đó trải rộng ra, không chỉ ở những chức vị trong giáo hội và nơi các sứ vụ khác nhau, mà cũng còn ở sự phát triển nền thần học nữa.

Nữ tu Jamie nói thêm: “Những điều Công đồng Vatican II đã làm nay vẫn chưa được bộc lộ ra hết. Chúng tôi, trong vai trò những nhà thần học, đang nỗ lực đọc ra các dấu chỉ của thời đại. Bạn phải nhìn vào các diễn biến văn hóa, lịch sử, thiên nhiên và tự hỏi: Chúa đang nói với chúng ta điều gì qua những diễn biến này về phương diện chúng ta là ai và chúng ta sẽ làm gì để tiếp tục sứ vụ của Chúa Giêsu Kitô?”

Fernando Segovia, một người Mỹ gốc Cuba và là giáo sư dạy Tân Ước và thời sơ khai của Kitô giáo tại phân khoa Thần tính trường Đại học Vanderbilt, giải thích rằng các tiếng nói mới nổi lên là do được tiếp cận nhiều hơn với nền giáo dục, và sự đảo ngược được chủ nghĩa biểu tượng (tokenism) thực thi hàng bao nhiêu thập niên do những nhà quản trị các chương trình thần học. Ở những nơi mà, trong quá khứ không xa xôi lắm, một người Hispanic hay một người Mỹ gốc Phi châu khó được thu nhận để có thể tốt nghiệp hay nghiên cứu về thần học ở cấp độ tiến sĩ, thì nay tình hình đã đổi khác.

Ông Segovia đã nghiên cứu về sự phát triển của vai trò thiểu số trong những nền thần học Kitô giáo nơi các nền văn hóa Tây phương. Ông nói: “Có thêm nhiều tiếng nói, nhiều khuôn mặt, là có thêm quyền lực. Quả thực, các cơ chế đáp ứng nhiều cho một nhóm cá nhân hơn là chỉ cho một cá nhân đơn độc.”

“Dân số (đổi thay) vào những năm cuối thế kỷ 20, cả ở đây lẫn ở nước ngoài, sẽ tiếp tục làm thay đổi bộ mặt của Kitô giáo, thay đổi rất mực đáng kể.”

Về phần mình, Hội Thần học Công giáo Hoa kỳ năm 1988 đã thành lập một Ủy ban phụ trách các Nhóm Chủng tộc ít được đại diện. Cha Peter Phan đình Cho, giáo sư về tư tưởng xã hội Công giáo tại trường Đại học Georgetown, là đồng chủ tịch Ủy ban này. Ủy ban hoạt động thay phiên để đưa lên những tiếng nói của người Công giáo mà theo truyền thống đã không có vai trò xuất sắc trong nền thần học Công giáo.

Trong một phiên nhóm của hội nghị, cha Phan phát biểu rằng nền thần học của giáo hội châu Á xuất phát từ các hoạt động nơi cơ sở hạ tầng của thường dân hơn là từ các môi trưòng học thuật.

Cha nói: “Chúng tôi coi thần học như là một cảm nghiệm của giáo hội trong phạm vi sinh hoạt thường ngày.”

Cha giải thích: “Giáo hội châu Á là dân Chúa trong các dân của Chúa, vì thế, luôn luôn có sự hiểu biết rằng chúng tôi hiện hữu không phải cho chính chúng tôi. Mục tiêu của giáo hội không phải là cải đạo để đưa người vào giáo hội nhằm gia tăng con số giáo dân, cũng chẳng phải là xây dựng thêm nhiều nhà thờ, mà là, bằng chứng nhân ngôn sứ này, ý thức ngôn sứ này, mà nơi đây nước Chúa được hiện diện bằng sinh hoạt trong đời sống.”

Trong cuộc phỏng vấn dành cho thông tấn xã Catholic News Service, cha Phan nói rằng cha đã thấy các vị giám mục châu Á tự đắm mình vào các cộng đồng Kitô giáo địa phương để hiểu được một giáo xứ sinh hoạt ra sao, sứ vụ được thực thi như thế nào trong nỗ lực hiểu biết sâu xa hơn về nền thần học Công giáo.

“Mỗi khi các vị đó tới đâu để bàn thảo, bó buộc họ phải ở lại đó một khoảng thời gian với giáo dân, cùng ăn cùng uống với họ.”

Vì con người tiếp tục di cư quanh thế giới và tham gia vào sinh hoạt trong giáo xứ Công giáo, nữ tu Jamie nói bà chắc là nền thần học sẽ phản ảnh nhiều hơn những kinh nghiệm của con người trong cuộc sống. Bà phát biểu:

“Tính đa dạng ở giáo hội địa phương cũng như trong giáo hội toàn cầu không phải là chuyện tình cờ. Mà đó là một thiết kế. Tôi dã từng nói với sinh viên của tôi, tính đa dạng là một khía cạnh của thiên nhiên. Giả như chúng ta chỉ có một loại cây, một loại chim thôi, thì sẽ như thế nào?

“Vậy nếu như đa dạng là một khía cạnh của thiên nhiên, thì chúng ta phải thấy đó là một quà tặng của Thiên Chúa, và thay vì sợ sự đa dạng, hay sợ người khác biệt với chúng ta, chúng ta cần phải nhận thấy đó là một cơ hội. Có ý nghĩa thế nào nếu chúng ta có thể học hỏi từ nền văn hóa khác biệt đó?”