Câu chuyện dối trá, gian xảo của Kì Mục và Thượng tế đền thờ lừa đảo dư luận xưa, không ngờ trở thành khuôn mẫu cho khá nhiều bài vĩnh biệt người thân thương.

Nhận tin cấp báo Đức Kitô sống lại từ cõi chết. Các Kì mục, Thượng tế đền thờ bàn bạc, hối lộ cho lính một số tiền lớn và bảo

Các anh hãy nói như thế này. Ban đêm chúng tôi đang ngủ, các môn đệ hắn đến lấy trộm hắn đi. Nếu sự việc này đến quan tổng trấn, chính chúng tôi sẽ dàn xếp với quan và lo cho các anh được vô sự. Lính đã nhận tiền và làm theo lời họ dạy Mat 28,13-15

Chiến tranh vừa chấm dứt. Kẻ chiến thắng nhảy mừng. Người thất trận trốn chạy. Nhóm tự nhận là Trí Tuệ lên làm chủ. Nhóm bị chê là Thủ Cựu thất thế. Gia đình nhà họ Mạc thuộc nhóm Thủ Cựu ngày đêm phập phồng lo sợ bị trả thù. Kinh nghiệm các nơi cho biết nhóm Trí Tuệ có cả một sách lược trả thù. Để thực hiện tốt đẹp kế hoạch đòn thù. Món mồi béo bở vẫn là tiền và chức. Dùng tiền làm mồi nhử là nhậy hơn cả. Với dân chúng tiền khó kiếm, khan hiếm. Với lãnh đạo Trí Tuệ tiền rẻ mạt vì in ra được. Cần bao nhiêu cứ việc in thêm.

Mỗi bước đòn thù có bài bản hẳn hoi, lớp lang, thứ tự. Bước nào đi trước, bước nào sau. Thành phần xã hội nào phải gạt bỏ trước. Thành phần xã hội nào được lợi dụng áp chế, tiêu diệt thành phần kia. Cứ tuần tự như thế cho đến khi tất cả mọi người được hoá kiếp, thuần nhất, khuất phục. Trí Tuệ con người ai kiểm soát nổi, nhưng người ta có thể kiểm soát lời phát ra. Ít nhất cũng phải phát ngôn, rập khuôn cùng loại ngôn từ.

Nhóm Trí Tuệ chủ trương độc quyền giải thích chân lí và tình yêu dựa vào khả năng trí tuệ, và theo nhãn quan riêng của họ. Những giải thích khác đều bị gạt bỏ. Không chấp nhận lối giải thích mới được liệt vào thành phần chống đối. Chống đối ít là kẻ thù nhỏ. Chống đối nhiều là kẻ thù lớn. Đã là kẻ thù thì không thể tha thứ. Phải trừng trị. Một khi trừng trị thì không thể nương tay. Bởi vì nương tay là hủ lậu. Mà hủ lậu là con nuôi của Thủ Cựu. Vì thế thành phần Thủ Cựu là kẻ thù cần phải tiêu diệt. Giết Thủ Cựu bị mang tiếng tàn ác, trả thù. Giết kẻ thù nghe có vẻ hợp lí hơn. Vì thế mà không có lằn ranh giữa Thủ Cựu và kẻ thù.

Hai quan điểm

Trí Tuệ giải thích chân lí và tình yêu dựa vào lí trí. Trí Tuệ cho là chân lí và tình yêu đặt cơ sở trên lợi nhuận vật chất và trí tuệ con người. Những gì lí trí con người không lí giải được bị gạt sang một bên. Trí Tuệ không chấp nhận thần linh vì không lí giải, cân đo và chứng minh được. Trái lại Thủ Cựu cho là tình yêu và chân lí cao trọng, vượt hơn hẳn vật chất và lí trí vì đến từ Thượng Đế.

Thủ Cựu xác định rõ ràng. Tình yêu và công lí phải song hành. Công lí chân chính không thể sống độc thân mà phải sống chung với tình yêu. Mà tình yêu chân chính đến từ Thượng Đế. Tình yêu ngoài Thượng Đế không thể là tình yêu chân chính bởi con người không chung định nghĩa tình yêu. Mỗi phe nhóm đều có giải thích khác nhau.

Nền công lí Thủ Cựu coi trọng nay bị đào thải, không còn nữa. Mọi người nếu muốn tồn tại phải sống chung với loại công lí Trí Tuệ. Trí Tuệ chủ trương công lí được uốn nắn phục vụ chủ trương riêng. Vì thế ai cổ võ, đề cao nền công lí phục vụ Trí Tuệ đều là bạn. Mọi giải thích không hợp Trí Tuệ đều bị liệt vào chống đối, hỗ trợ Thủ Cựu. Đã là cổ hủ thì phải triệt để loại bỏ.

Trí Tuệ và Thủ Cựu không đội trời chung. Ở đâu có Trí Tuệ nơi đó Thủ Cựu không tồn tại. Nếu có cũng sống vất vưởng như ma trơi, ẩn hiện trong đêm mưa to, gió lớn. Trí Tuệ trao quyền sinh sát cho mọi tầng lớp phục vụ Trí Tuệ. Nhóm trí tuệ cao hơn chỉ đạo tập thể trí tuệ thấp hơn và tập thể này cứ thế mà thi hành. Thắc mắc là thiếu tin tưởng chỉ đạo. Thiếu tin tưởng đương nhiên bị loại trừ. Muốn tồn tại cần tin tưởng tuyêt đối. Mọi nghi ngờ đều bị khai trừ. Trí Tuệ sẵn sàng tạo luật lệ uốn nắn công lí cho thích hợp hoàn cảnh. Tất cả đều phải qui phục, thuận theo Trí Tuệ, kể cả công lí. Khác biệt với Trí Tuệ đều là trọng tội. Đã là trọng tội thì mất luôn cả quyền sống. Công lí Trí Tuệ không trừ ai, kể cả tư tưởng khác biệt. Khác biệt phải khai trừ tận gốc rễ bằng cách bỏ tù cho đến chết.

Mối lo chung

Nhiều gia đình trở thành đối tượng cho chủ trương khai trừ của nhóm Trí Tuệ. Trường hợp điển hình là trường hợp gia đình họ Mạc bị chính sách Trí Tuệ dằn vặt ngày đêm giết chết trong lo sợ. Người mẹ buồn rầu ngày đêm. Một phần lo cho sự an toàn của chồng, phần khác cho các con và cho chính bà. Không phải họ Mạc lo ngại quá đáng, hay tưởng tượng ra mà là một thực tế. Trí Tuệ chủ trương gây ra và khai thác sợ hãi theo bài bản. Họ có biệt tài tạo nghi kị và rành rẽ dùng thủ đoạn. Biết rõ đường đi nước bước như thế mà không tránh được. Chính vì biết rõ như thế mà cả ông lẫn bà đều lo sợ. Ông sợ đến độ mất ăn, mất ngủ hoá điên trước khi chết.

Trước đây còn ông, còn người tâm sự. Đêm hôm động tĩnh có người đàn ông trong nhà bớt lo. Đàng này ông mất đi để lại cho bà một gánh nặng ngày bất an; đêm bất ổn. Bà lo ngay ngáy từ ngày ông mất đi. Sự việc trở nên tồi tệ hơn, niềm đau tăng lên khi có người phao tin bà giết chồng hy vọng ông tránh công lí Trí Tuệ xét xử. Bà biết rõ tin đồn này phát ra từ miệng kẻ có quyền, có thế. Biết thế nhưng làm gì được. Đây là bước đầu trong việc giết chết bà bằng việc lợi dụng môi miệng kẻ buôn điều.

Những ai có kinh nghiệm sống với Trí Tuệ đều rõ Trí Tuệ đầy đọa trước khi tiêu diệt. Mục đích gây kinh hoàng càng nhiều cho thành phần họ không ưa càng tốt vì như thế dễ sai khiến kẻ sống phập phồng trong lo sợ.

Biết mình không còn sống được bao lâu nữa bà chia của cho hai con. Mạc Cả và Mạc Thứ nhận đồng đều phần gia tài.

Sống trong một chế độ hà khắc, mạng sống bị coi thường. Mọi người đều có bản án treo sẵn trên cổ. Khi nào muốn thi hành chỉ việc chỉ đạo tập thể trí tuệ thấp thi hành. Vì thế những ai có chút lí trí, tin vào Đấng Tối Cao đều muốn chạy trốn lối sống chỉ đạo của Trí Tuệ. Số người muốn trốn khỏi nước trở thành một phong trào. Mạc Thứ là một trong số những người muốn bỏ nước ra đi. Để làm được việc này Mạc Thứ bán hết tài sản thuê người dẫn đi. Không may cho anh, bị lợi dụng gạt mất sạch. Tay trắng lại trắng tay. Mất của vẫn chưa xong, vì nghèo đói lợi dụng người khác làm tiền, kiếm sống trở thành một phong trào mới. Tha hoá hay thất đức không bằng đói.

Mạc Thứ đi hụt, không bị bắt nhưng phải trốn tránh. Trong khi đó tin đồn lan ra, Mạc Thứ bị chết gần biên giới. Bán tín, bán nghi. Chưa biết hỏi ai để xác định nguồn tin. Một hôm có người lạ mặt vào gạ bán đôi giầy và mớ quần áo cũ. Lại vào đúng ngay bà Mạc đang mong tin con. Nhận ra di vật của Mạc Thứ bà run run gạ chuyện. Người lạ mặt thản nhiên rót vào tai bà hung tin. Mỗi câu nói là một nhát dao đâm ngay tim. Người lạ xác nhận chính bà lượm đám vật dụng này cạnh một xác chết nơi bìa rừng trong lần đi lượm củi về bán. Mớ quần áo và giầy hẳn nhiên thuộc về chủ nhân của xác chết. Bà bán mớ quần áo cũ lấy tiền đong gạo. Nhờ thản nhiên thuật chuyện, bà Mạc không chút nghi ngờ. Bằng chứng trong tay. Nghe hung tin bà ngã đầu đập cạnh bục gỗ, ngất xỉu. Ít giờ sau thì mất. Mất chồng, mất con, mất hy vọng, bà chết mắt mở nhìn cõi đời ô trọc.

Mạc Thứ tin lầm tên gian phi, chuyên môn gạt người khác lấy của. Bị gạt, Mạc Thứ bỏ đám quần áo, giầy dép lại chạy thoát thân. Vợ tên gian phi biết mẹ Mạc Thứ có của nên đem đám quần áo đến làm tiền. Không ngờ chi tiết câu chuyện thêu dệt quá tang thương bà Mạc xúc động chết tại chỗ. Mất cả chì lẫn chài.

Mạc Thứ chạy thoát, không bị tù tội nhưng phải trốn chui, trốn nhủi một thời gian khá lâu mới dám về nhà. Sau thời gian dài âm thầm nghe ngóng, Mạc Thứ về sống chung với gia đình người anh. Ít lâu sau Mạc Thứ lại tìm cách thực hiện mộng đi trốn. Nhờ anh giúp vốn mua chiếc xe làm nghề xe ôm vừa độ nhật vừa nghe ngóng tìm kiếm manh mối.

Rình rập mãi tìm được mối. Mạc Thứ liều bỏ cả xe đi theo. Chuyến đi bất thành. Tất cả đều lọt lưới. Với nhiều người đây là điều may mắn vì tù tội, khổ thật nhưng vẫn còn hơn là chết. Mạc Thứ mất cả gia tài, vốn liếng làm ăn, sinh sống. Từ nay chiếc xe của anh có chủ mới. Lại tay trắng. Xe đổi chủ chắc chắn nó hoá kiếp, đổi hình hài, màu sắc, không thể nhận diện.

Mất xe nhưng Mạc Thứ cũng tìm cách níu kéo, vớt vát được chút nào hay chút ấy. Trong phần điều tra Mạc Thứ khai là không có í định di dân bất hợp pháp. Làm nghề lái xe ôm, khách đón thì đi. Không ngờ sợ bại lộ khách bắt đi theo. Lời khai nghe hợp lí nhưng làm cách nào chỉ điểm người khách kia. Chỉ được, khách sẽ gánh hết tội. Anh được tha. Không chỉ được ráng ngồi tù gợi trí nhớ. Mấy tháng sau có người tù nhân chết. Cơ hội đến anh đổ lên đầu người chết tội ép anh đi. Người biết chuyện tức thay cho người chết nhưng lên tiếng chẳng ích gì. Lợi chắc chắn không có, hại thì không biết đâu mà lường. Ức mà không nói được.

Mạc Thứ được tha không phải vì đổ tội cho người quá cố mà thực ra cai tù nhận số tiền lớn Mạc Cả bỏ ra chuộc em. Nhờ tiền mà cai tù nhẹ tay, chờ cơ hội thả.

Hoá kiếp

Mạc Thứ buồn đời, chán nản, tương lai mù tối, suốt ngày than vắn, thở dài. Cuối cùng mượn rượu giải sầu. Ăn uống chung chạ đủ thành phần. Có tiền ăn sang, uống rượu tốt. Hết tiền rượu xoàng hơn. Khánh kiệt thì bất kể. Ít năm sau chết bệnh viêm gan.

Điếu Văn

Trong bài điếu văn vĩnh biệt, Mạc Cả hoá kiếp cuộc đời Mạc Thứ. Đời Mạc Thứ được sơn phết thành cuộc sống chứng nhân. Nhiều đoạn trong điếu văn kể lại chi tiết cuộc sống Mạc Thứ dưới nhãn quan phản thực tế. Tiêu biểu nhất là những đoạn.

Vắng mặt không dự đám táng mẹ vì ngay khi biết mẹ lâm trọng bệnh Mạc Thứ ẩn tu cầu nguyện cho mẹ bình phục. Khi nhận hung tin mẹ qua đời, thay vì về chịu tang, Mạc Thứ kéo dài thời gian ẩn tu cầu cho hồn mẹ mau siêu thoát. Thực tế Mạc Thứ đi trốn, sợ tù về tội di dân bất hợp pháp.

Bán gia tài đi trốn thành câu chuyện thương người. Coi mạng sống dân nghèo trên vật chất. Mạc Thứ dùng tiền mẹ cho giúp cho người nghèo.

Mạc Thứ uống rượu chung với kẻ cô đơn, lẻ loi để an ủi, nghe những tâm sự u buồn của họ.

Lợi dụng xác chết một tù nhân để được tha tù hoá thành câu chuyện chôn cất người bạn tù. Một cử chỉ bác ái có một không hai trên đời.

Toàn là những tư tưởng của các thầy Thượng Tế và Kì Mục. Những người uốn nắn, lừa đảo, giải thích sự thật cho phù hợp với nhãn quan, phục vụ mục đích riêng.