HIỆN RA VỚI CÁC MÔN ĐỆ

Sau nhiều biến cố xảy ra, các môn đệ sống trong một tâm trạng hoang mang cao độ. Mọi sinh hoạt chung, hội họp, cử hành phụng vụ đều hết sức dè dặt. Các ông sợ người Do Thái. Bởi vì tất cả họ đều có mối liên hệ đến cuộc đời của Chúa Giê-su. Người mà sau khi chết, ai cũng chú ý đến Ngài, bởi lẻ, Chúa Giê-su nói Ngài sẽ sống lại.

Chúa hiện đến với mười môn đệ (không có Tô-ma)

Giữa lúc cửa đóng, then cài, các môn đệ không dám công khai bày tỏ niềm tin. Họ lén lút và nhát đảm. Tâm hồn các ông thiếu vắng sự bình an. Chúa Giê-su đến, như thuở sinh thời, là nguồn bình an. Ngài vượt lên cả tất cả những giới hạn về thể lý, những trói buộc của những điều kiện tự nhiên. Không thấy nói Chúa đi xuyên qua tường: đơn giản Ngài có thể hiện diện cách khác với loài người. “Chúc anh em được bình an”, Chúa nói. Đây không chỉ là lời chúc xã giao như trong những lần gặp gỡ, mà còn có nghĩa là một quà tặng của ân sủng, ơn cứu độ, sự bình an của Đấng Phục Sinh. Có một sự biến đổi lạ lùng của Chúa Giê-su. Tuy nhiên các dấu đinh trên tay và cạnh sườn chứng tỏ Ngài là Chúa Giê-su trong cuộc Tử nạn và nay đã phục sinh.

Chúa hiện đến với mười một môn đệ, có cả Tô-ma

Nếu như lần hiện ra trước, Tô-ma không tin vào lời chứng của mười môn đệ kia, thì lần này, chính Chúa Giê-su đã giải đáp mọi nghi vấn của ông: “ Rồi Người bảo Tô-ma: “ Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” (Ga 20, 27). Ông Tô-ma muốn kiểm chứng bằng thực nghiệm, và cả kinh nghiệm. Không thể dễ dàng chấp nhận một sự kiện hết sức lớn lao mà chỉ bằng lời chứng của các bạn hữu. Tô-ma đòi cho bằng được những sự kiện cụ thể, mắt thấy, tai nghe, và đụng chạm bằng xúc giác: “ Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sười Người, tôi chẳng có tin” (Ga 20, 25). Như vậy, nếu xét tội của Tô-ma, thì ông có hai tội:

Trước hết là không tin vào lời chứng của các môn đệ.

Sau nữa, ông nghi ngờ Chúa Giê-su sống lại

Tuy nhiên sự cứng tin của Tô-ma cũng cho ta thấy hai điều:

Khi nhấn mạnh đến những vết thương trên Thân Thể Chúa Giê-su, làm cho ta thấy có sự kết hợp mật thiết giữa Chúa Giê-su chịu đóng đinh và Chúa Giê-su được tôn vinh. Và riêng với Tô-ma người cứng tin lại cho chúng ta thấy một đức tin trỗi vượt khi Tô-ma dành cho Chúa Giê-su một tước hiệu vĩ đại: “ Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con” (Ga 20, 28).

Trao ban Sứ vụ

Không chỉ dừng lại ở những gặp gỡ, tay bắt, mặt mừng nhưng Chúa Giê-su Phục sinh còn trao ban cho các môn đệ một Sứ vụ mới, xuất phát từ Chúa Cha, và trong hơi thở của Thần Khí: “ Như Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em”, nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “ Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần.” (Ga, 21-22). Gặp gỡ Đấng Phục Sinh là để làm chứng cho Ngài trước mặt toàn thể mọi người, điều này các môn đệ đã làm. Cụ thể trong một vài ngày, các ông đã gầy dựng được một cộng đoàn tín hữu hơn 3000 người ở Giêrusalem sống trong niềm vui và tình huynh đệ tha thiết. Đó là khởi đầu của Giáo hội, một Giáo hội đang tồn tại cho tới ngày hôm nay.

Đón nhận đức tin vào Đấng Phục Sinh có lẽ không ai giống ai, nhưng có một điều xác tín là trải qua dòng thời gian hơn hai mươi thế kỷ, Danh Đức Giê-su vẫn rạng ngời nơi tâm hồn của các tín hữu, và các môn đệ, trong cuộc sống ngày hôm nay vẫn rao truyền Tin Mừng Phục sinh cho con người trong thế giới hôm nay.