Thưa Ngài, không có ai cả.

Đó là câu trả lời người phụ nữ bị các Kinh Sư và người Pharisiêu tố cáo với Đức Kitô về tội ngoại tình, bị bắt quả tang.

Theo luật Môisen thì hạng đàn bà đó phải ném đá chết. Còn Thầy dậy sao? Họ hỏi thế cố ý gài bẫy, tìm bằng cớ tố cáo Người.

Đức Kitô đáp

Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi

Nghe vậy họ lần lượt rút lui, già trước, trẻ sau. Chỉ còn lại một mình Đức Kitô và người phụ nữ, Ngài hỏi chị

Không ai lên án chị sao?

Chị đáp

Thưa Ngài, không có ai

Đức Kitô đáp

Tôi cũng vậy, tôi không kết án chị đâu. Chị về đi và từ nay đừng phạm tội nữa.

Cầu mong

Chúng ta cầu mong người này thay đổi, người khác thống hối. Xin cho người hàng xóm thay đổi, bớt nhậu nhẹt, xóm ngõ có thái bình. Cha mẹ xin Chúa cho con cái ăn năn, quay về đàng lành.

Ước mong người khác thay đổi. Xin cho họ thống hối, ăn năn trở lại là việc làm tốt lành, thánh thiện. Điều này hợp với tinh thần Phúc âm. Cầu cho người thay đổi, nhưng chớ quên ta. Người khác cần thống hối, còn mình thì không. Phải chăng là tự dối lòng. Hoặc tự nhận mình công chính; thiên hạ là phường tội lỗi.

Tự nhận công chính là thái độ của nhóm người tố cáo chị phụ nữ hôm nay Phúc Âm ghi lại. Họ tự nhận mình công chính, sạch tội trước mặt Chúa. Còn chị phụ nữ kia đáng bị ném đá chết. Đây không phải lần đầu nhóm này làm thế. Vài tuần trước đây chính họ vui mừng báo tin cho Đức Kitô biết về cái chết bất ưng của 18 người bị tháp Silôa đè và một số bị Philatô giết lấy máu hoà với con vật làm lễ tế thần.

Đức Kitô bảo họ.

Các ông tưởng mấy người Galilê đó tội lỗi hơn hết mọi người Galilê khác bởi lẽ họ đã chịu đau khổ như vậy sao. Tôi nói cho các ông biết, không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy. Luca 13,2-4

Tố cáo người là tự nhận mình trong sạch hơn người mình tố cáo. Đức Kitô nhìn rõ tâm hồn từng người. Ngài nói với họ. Ai tự nhận vô tội, hay ít tội thì hãy kết án người khác đi.

Câu nói ngắn gọn nhắc họ nhìn lại chính mình, nhớ lại việc cũ đã làm, tự xét mình, tự vấn lương tâm. Hy vọng dẫn đến thống hối.

Thống hối

Tất cả cần thống hối. Không trừ ai. Hãy xét hành vi, quan hệ ta với người, ta với Chúa, để nhận ra khiếm khuyết, sai trái. Hoán cải, thay đổi tâm, tính trở nên tốt hơn. Cuộc sống bên ngoài ồn ào là dấu chỉ quên lãng đời sống thầm lặng nội tâm.

Cải hoá

Thánh Phaolô trong thư gởi cho tín hữu thành Philiphê 3,1-14 cho biết thống hối, ăn năn giúp liên kết mật thiết với Chúa.

Liên kết đến mức vui mừng đau khổ vì Chúa. Theo ngài, hoàn thiện có được là do kết hợp với Đức Kitô. Kết hợp do lòng tin, không phải do lề luật. Lúc thành công, vui sướng đã đành. Khi thất bại, lúc gian truân cần liên kết để nhận thêm nguồn an ủi, trợ lực chống lại cám dỗ nghi ngờ hay bất trung. Theo thánh nhân đau khổ vì Chúa là một vinh dự, một đặc sủng mà chỉ những tâm hồn kết hợp mật thiết với Chúa mới có thể hiểu được và vui mừng đón nhận đặc ân ấy.

Thực ra cuộc đời mấy ai tránh khỏi đau khổ, mệt mỏi, chán chường. Đừng lãng phí, hãy biến chúng thành nguồn ân sủng bằng cách kết hợp với Đức Kitô. Đau khổ cho Ngài và với Ngài. Cải tạo đau khổ biến chúng thành nguồn ân sủng, phúc đức. Điều này có thể làm được vì chính thánh Phaolô đã làm, cách thánh tử đạo đã thực hiện.

Kitô hữu kết hợp với Chúa không phải phấn đấu đơn độc vì có ân sủng Chúa ban, tăng sức giúp chống trả chước cám dỗ của ba thù.

Thánh Phaolô không nhắc lại tội xưa vì mặc cảm. Ngài nhắc lại để thấy tình yêu Chúa vĩ đại hơn tội ta phạm. Dụ ngôn hôm nay cho thấy Đức Kitô có cách đối xử tốt lành dành cho tội nhân thành tâm thống hối, ăn năn. Ngài biết rõ các Kinh Sư và Pharisiêu dùng chị phụ nữ làm cớ để gài bẫy. Tuy thế Ngài không vội kết án họ. Tạo cho họ cơ hội, giúp họ suy nghĩ, hồi tâm, nhớ lại việc đã làm.

Đấng duy nhất có quyền kết án tội nhân là Đấng vô tội. Đấng đó đến từ trời cao xuống thế, không phải để kết án, Ngài đến vực dậy những hối nhân thành tâm quay về.