Trong cơn ngủ nửa tỉnh, nửa mơ ông luôn nhắc đến màu sắc. Dường như màu sắc chiếm hết ba phần tư khối óc của ông. Ngay cả trong giấc ngủ ông cũng nói mơ về pha mầu này, trộn màu kia, khuôn mặt rạng rỡ. Không phải ông bị điên loạn. Tâm tính ông rất bình thường, hiền, dễ chịu và vui vẻ với mọi người chung quanh. Những dấu lạ thường xuất hiện trong giấc ngủ. Khi tỉnh dậy ông say sưa kể lại những hình ảnh, màu sắc mơ thấy. Khung cảnh tuyệt trần, màu sắc tuyệt mỹ khiến ông chìm vào giấc chiêm bao hưởng cảnh thần tiên, làm say đắm con tim nhà hoạ sĩ mà lúc bình thường ít thể hiện. Người ta sợ nằm giường bệnh. Riêng đối với ông, dường như cơn mệnh cho ông nhiều giây phút hồn nhiên, thoải mái, thần tiên hơn lúc mạnh khoẻ.

Gia đình tiêu hết số tiền dành dụm cho thầy thuốc. Sức khoẻ vẫn chưa tốt hơn. Phải chạy thêm tiền chữa trị. Đang phân vân không biết làm cách nào. Cơ hội đến. Cậu Hai biết sắp có cuộc triển lãm tranh toàn miền. Nhưng không lẽ lại mang bán những bức tranh cha mình dành riêng thưởng lãm. Suy đi, nghĩ lại, tính tới, tính lui, mông lung lắm cuối cùng chỉ có một cách giải quyết. Bán tranh. Điều khó khăn là phải giải thích với cha cho thoả đáng. Bán tranh với ý tốt nhưng nếu vì thế cha buồn bệnh nặng thêm thì rõ là gây hoạ, không biết ăn nói làm sao.

Những bức tranh cha cất riêng rất đặc biệt. Chúng là hiện thân của những kỉ niệm cá nhân trong đời. Dường như người hoạ sĩ nào cũng cất dấu một số tranh do mình sáng tác để thưởng lãm riêng. Cha cậu cũng không thoát khỏi qui luật bất thành văn này. Không bán tranh thì không có tiền mua thuốc; bán tranh thì làm phật lòng cha.

Lòng tham

Người chủ phòng triển lãm thấy tranh của cha cậu mừng ra mặt vì tranh của cha cậu tăng thêm uy tín cho việc triển lãm. Nhờ những bức tranh này ông mạnh miệng quảng cáo rầm rộ mà không sợ người yêu tranh, thích nghệ thuật phê bình, chỉ trích quảng cáo quá lố, sai sự thật. Lòng tham của con người khó tránh khỏi những thiếu sót. Mặc dù thích tranh của cha cậu Hai nhưng chủ phòng triển lãm không dành cho tranh chỗ đáng giá so với giá trị của tranh vẽ. Lí do đơn giản là cậu Hai không đủ tiền thuê chỗ sáng giá, những nơi đó tiền thuê cao hơn. Ít tiền tranh của cha cậu triển lãm phía cuối phòng. Nơi đây đã thiếu ánh sáng lại không có được những kệ treo tranh cho đàng hoàng và không khí có phần ẩm thấp, thiếu trong lành. Lòng cậu buồn lắm. Biết làm thế là không xứng với tranh của cha. Cậu tự an ủi cha một hoạ sĩ nổi tiếng nên tranh của ông treo chỗ nào cũng được. Những ai có chút máu hội hoạ đều biết đến cha vì thế cậu cho là vị trí trưng tranh không quan trọng, quan trọng là do người vẽ tranh.

Phũ phàng

Cậu đã tính toán, đoán sai tâm lí quần chúng. Số người đi xem tranh về nghệt thuật thì ít. Số người lắm tiền, nhiều của học làm sang lại nhiều. Họ là những người biết ít về nghệ thuật. Họ có tiền. Bây giờ cần chút danh phận. Cần chút tiếng tăm tỏ ra có kiến thức. Có danh, có phận, có tiếng. Bộ ba này luôn đi chung với nhau. Đây chính là điều kẻ học làm sang mong mỏi. Họ không ngại mua những tấm tranh đắt tiền miễn sao hợp nhãn họ. Kết quả suốt kì triển lãm tranh cha cậu không bán được một tấm. Người đi xem, thưởng lãm tranh thường tới những nơi trong sáng ngắm nhìn tranh. Thỉnh thoảng có người lạc bước, đảo qua rồi bước nhanh ra vùng ánh sáng. Một số đi nửa đường vội quay lại. Những người xem tranh vùng tối có lẽ vì tò mò nhiều hơn là thưởng thức nghê thuật. Sự thật là thế, tối om làm sao xem rõ tranh, phân định màu sắc, nghệ thuật trộn màu, phối cảnh và ngay cả tâm tư người hoạ sĩ đặt vào đó.

Tranh thủ

Cha cậu dù bệnh tật, ốm yếu nhưng biết có cuộc triển lãm tranh nên ông không thể bỏ qua. Dù có bệnh thêm cũng quyết đi xem cho bằng được. Ông không nói ý định này với gia đình vì biết thế nào gia đình cũng ngăn cản. Nếu gia đình muốn có lẽ đã báo cho ông biết từ lâu. Đàng này gia đình dấu nhẹm làm như không biết đến triển lãm. Ông ngầm liên lạc với một bạn hoạ sĩ nhờ ông này tới bệnh viện chở đi xem tranh.

Điều làm ông ngạc nhiên là chính những bức tranh ông yêu quí nhất giờ đây treo cô đơn trong góc vừa tối, vừa ẩm, vừa hôi. Điều này khiến ông cảm thấy tranh mình không ra gì. Tranh không được chiếu cố không phải vì xấu, thiếu nghệ thuật hay tầm thường mà chính là người ta để nó vào nơi tối tăm, làm lu mờ cái hay, cái đẹp, cái sắc sảo, nghệ thuật tinh sảo diễn đạt trong tranh. Ông không tự khen mình. Những nhận xét trên do miệng bạn ông nói ra và ông đồng ý với nhận xét chân thực đó.

Đạo tranh

Khi bước vào phòng triển lãm ông không chú ý ngay đến những tranh treo gần lối ra vào định bụng trên đường ra sẽ thưởng lãm. Trên đường ra. Nhìn thoáng qua những bức tranh gần cổng, ông kinh ngạc đến giật mình. Sao lại có người vẽ tranh nét vẽ giống mình vậy? Càng nhìn càng thấy giống. Càng ngắm càng mến phục. Từ phối trí, cảnh trí đến khoảng cách và toàn cảnh khá giống. Ông rất hài lòng với những tấm tranh đó. Thực ra ông đâu biết những bức tranh ông vẽ ít năm trước đây. Một tay hoạ sĩ đạo chích nào đó sửa tranh đó, kí tên nhận là tác phẩm của mình.

Bức tranh tuyệt hảo

Mỗi người chúng ta là một tấm tranh tuyệt kỉ trong tay Đấng tạo hoá Ephesô 2,10. Thánh Phaolô gọi chúng ta là những kì công của Đấng Tạo Hoá, công trình do chính tay Ngài sáng tác. Quả thế chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh Chúa, kẻ thừa tự, hưởng gia tài Chúa để lại. Một trong những gia tài đó là hình ảnh tuyệt vời Chúa dựng nên ta.

Dù là tác phẩm của Thiên Chúa vẫn có người không hài lòng về mình. Họ ước ao và đang tâm đi sửa chỗ này, cắt chỗ nọ, xén chỗ kia cho vừa ý họ. Thực ra không phải là vừa ý họ mà chính là để thoả mãn nhu cầu sắc đẹp xã hội. Họ không ý thức được, họ là một kì công sáng tạo đặc biệt của Thượng Đế. Thiên Chúa không tác tạo con người theo nhu cầu, thị hiếu và định giá sắc đẹp theo khuynh hướng xã hội. Thiên Chúa tạo dựng nên ta theo cái đẹp của Ngài và Ngài luôn tìm cách làm những điều tốt đẹp cho ta. Trong khi ta lại chạy theo xu hướng xã hội, theo quan niệm riêng của loài người chạy theo cái đẹp xu thời, sửa đổi cho phù hợp với quan niệm xã hội đương thời.

Cậu Hai thẩm mỹ

Nhiều người trong chúng ta muốn trở thành cậu Hai thẩm mỹ, dì Hai thẩm mỹ. Vì sao? Vì không hài lòng với hình hài, vóc dáng. Chúng ta muốn sửa chỗ này, sơn chỗ nọ, phết chỗ kia làm cho hình hài thay đổi theo óc thẩm mỹ chung của thời đại. Nghe theo lời khuyên của chuyên gia sắc đẹp. Nếu chúng ta không hài lòng với người đạo tranh, mua tranh người khác về sửa qua loa, kí tên làm chủ chúng ta nghĩ sao khi chính mình thay đổi hình hài con người mình nhờ khoa phẫu thuật. Liệu sau này đủ can đảm xác nhận ta là bức tranh tuyệt hảo do Chúa dựng nên.

Tính toán sai lầm

Chúng ta cũng như cậu Hai kia tính toán hơn thiệt, so đo. Vì tài chánh mà lúc này phạm tội, lúc khác làm gian dối làm cho bức tranh tuyệt vời kia bị lu mờ nơi sân khấu cuộc đời. Tất cả các hình thức lạm dụng quyền thế, lạm dụng tài trí. Mọi hình thức nô lệ mong thu lợi cá nhân, chủ nghĩa đều làm thay đổi hình dạng con người. Những tính toán sai lầm làm hại nhân phẩm, giảm giá trị cuộc sống, hại mạng sống đều là những hình thức khác nhau của cậu mợ Hai thẩm mỹ.

Chúng ta coi trọng tranh của Cha mình nhưng chúng ta tính toán cho ích lợi riêng làm cho bức tranh sống động mất hẳn tính linh hoạt, sức sáng phản chiếu và tính thu hút người yêu nghệ thuật. Chúng ta trả lời sao trước mặt Cha khi phải đối diện với Cha về việc làm lu mờ sáng tạo tuyệt vời của Cha. Liệu khi gặp mặt Cha chúng ta còn đủ can đảm để nói lên câu: cám ơn Cha đã tạo dựng nên con theo hình ảnh Cha và con hãnh diện về hình ảnh Cha ban cho con.

Chân thành cảm tạ Cha.