Ngày thứ ba hay số ba đóng một vai trò quan trọng trong chương trình cứu độ của Đức Kitô.

Ngày thứ ba không nhất thiết phải là sau ngày thứ hai trong tuần. Ngày thứ ba có một nghĩa khác là sau ba ngày. Sau ba ngày có thể là bất cứ ngày nào trong tuần kể từ khi sự việc xảy ra. Có cách diễn tả khác đó là ba ngày sau.

Đức Kitô làm phép lạ đầu tiên tại tiệc cưới Cana tại Galilê vào ngày Thứ Ba. Quan trọng hơn nữa Ngài sống lại từ cõi chết sau ba ngày. Cũng là con số ba. Quan trọng nhất là tín điều Một Thiên Chúa Ba Ngôi: Cha, Con và Thánh Thần.

Đổi mới

Ngày thứ ba trong tiệc cưới Cana có đổi mới. Nước lã biến thành rượu ngon.

Bầu cũ, bình da cũ tượng trưng cho một dân tộc, cá nhân, mà tinh thần bạc nhược, hèn nhát, không còn minh mẫn, sáng suốt nhận biết chân giả, đúng sai. Để phân biệt hư thực đúng sai, điều tốt lành, trọn hảo dân tộc đó, cá nhân đó, cần một tinh thần mới, sức sống mới. Đó là loại rượu mới.

Rượu mới tượng trưng cho trật tự mới. Một trật tự có nguồn gốc phát xuất từ tình yêu. Mọi lời nói, cử chỉ, việc làm do tình yêu chân thành thúc đẩy, hướng dẫn, đều bắt nguồn từ trật tự mới. Đó là đạo lí mới, cách sống mới, được Lời Chúa hướng dẫn, chỉ dậy cách sống, cách thờ phượng mới.

Trật tự mới rút ra từ trật tự cũ đó là nước lã. Châm ngôn ‘lạt như nước ốc’ diễn tả một tấm lòng thiếu chân thành, tự nguyện, một tình cảm nhạt nhẽo, không ân cần, săn đón, chăm sóc.

Rượu mới, đạo lí mới, cách sống mới Đức Kitô rao giảng tốt hơn đạo lí cũ, cách xử thế cũ. Cách xử thế cũ nặng hình thức, trình diễn bên ngoài được thay thế bằng cách sống mới đầy yêu thương.

Cựu Ước cũng nhắc đến tầm quan trọng của con số ba. Sách Xuất Hành chương 19 nhắc lại biến cố dân Israel sau ba tháng bỏ đất cũ Ai Cập đến miền đất mới Sinai. Tại nơi đây Môsê nhận lệnh từ Giavê Thiên Chúa, sau ba ngày Ngài thiết lập Giao Ước, Môsê nhận Mười Điều răn.

Đức Kitô chịu phép rửa tại sông Giođan, ba ngày sau Ngài nhận hai môn đệ là Philiphê và Nathanaen.

Ngày thứ ba trong cuộc Phục Sinh của Đức Kitô mang đến cho nhân loại một chiến thắng khải hoàn. Qua đó những ai tin sẽ nhận ơn cứu độ, thoát ách xiềng xích của ma quỉ do tội lỗi gây nên và trở nên con Thiên Chúa, dân tuyển chọn. Đây là một đổi mới toàn diện con người, bắt đầu từ trong tâm, tràn đầy yêu thương, cảm thông và tha thứ. Thành quả sau ba ngày mai táng trong mồ. Ngài sống lại ban cho nhân loại sự sống mới.

Tiệc cưới

Kinh thánh dùng hình ảnh ngày vui tiệc cưới nói về niềm vui nước trời cho những ai đáp lại lời Đức Kitô mời gọi. Người tham dự tiệc cưới cần có sốt sắng tham dự và tinh thần sẵn sàng. Dụ ngôn mười trinh nữ dự tiệc cưới cho thấy chuẩn bị và sẵn sàng là thiết yếu. Thiếu chuẩn bị sẽ thua thiệt vì bị từ chối nhập tiệc Mt 25.

Dự tiệc cưới nước trời cần mặc áo cưới. Trước khi dự tiệc cưới mặc áo nào cũng được mời. Sau khi vào tiệc, cần phải mặc áo cưới.

Đây là điều bắt buộc.

Bấy giờ nhà vua tiến vào phòng quan sát khách dự tiệc, thấy ở đó có một người không mặc y phục lễ cưới, mới hỏi người ấy. Này bạn, làm sao bạn vào đây mà lại không có y phục lễ cưới. Người ấy câm miệng không nói được gì. Bấy giờ nhà vua bảo gia nhân trói tay chân nó lại, quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng. Mat 22, 11

Bài học cần lưu ý cho những ai ăn bận, diêm dúa, loè loẹt, thiếu kín đáo và thiếu chuẩn bị khi tham dự thánh lễ. Họ trả lời thế nào về tinh thần và thái độ sẵn sàng tham dự tiệc cưới. Vẫn biết quyền phán xét dành riêng cho Chúa nhưng nhìn y phục khó tránh khỏi nhận xét về tư cách.

Tinh thần

Tinh thần đóng một vai trò quan trọng liên quan đến y phục. Đây không phải là cơ hội trưng diện, khoe khoang. Cần ăn mặc lịch sự thích hợp cho việc tham dự thánh lễ. Như thế nào là lịch sự, thích hợp?

Một tấm lòng yêu mến thiết tha, biết ăn mặc thế nào cho xứng khi đón nhận Chúa vào lòng. Cần chuẩn bị kĩ trong ngoài trước khi đến gặp Chúa. Đến với Chúa trong tâm tình khiêm nhường, lòng thiết tha và tinh thần vui tươi. Đến với Chúa với tâm tình đơn hèn vui thích, không cảm thấy dự lễ là điều bắt buộc, chu toàn lề luật. Đến do lòng mong ước, tâm tình yêu mến, sẵn sàng tham dự các nghi thức một cách chân thành, vui vẻ và hoà đồng với những anh chị em khác.

Quí bạn dự lễ đứng ngoài thánh đường cần xét lại cách thờ phượng riêng mình. Lí do giải thích cho việc đứng ngoài có nhiều. Chính đáng hay không mình bạn biết. Thực tế việc làm gây nên một số điều không hay. Vì nhiều lí do.
  • Dễ bị chia trí khi dự lễ.
  • Khó tập trung khi nghe các bài đọc và bài giảng.
  • Tâm tình cầu nguyện bị chi phối bởi hoàn cảnh.
  • Đôi khi vừa dự lễ vừa chuyện vãn.
  • Là gương mù cho người khác bắt chước.
Bạn nghĩ thế nào khi mình là duyên cớ cho người khác vấp phạm.