KÝ SỰ TÂY NGUYÊN

GIALAI - KONTUM - Thưa quý độc giả, tôi là một nhà báo chuyên viết phóng sự để kiếm cơm qua ngày, nhân tiện chuyến đi viết phóng sự Tây Nguyên về rừng. Tôi thấy nhiều điều còn uất ức, nên tạm giấu tên vì “nồi cơm manh áo” để viết Ký Sự Tây Nguyên hầu quý độc giả.

Ngày 1: Bắt đầu sang Đông, trời lành lạnh khi tôi bước chân xuống sân bay Pleiku vào lúc 15h55’ trên chuyến bay VN342. Ra khỏi phòng nhận hành lý, bạn tôi đã đợi ở cửa, hai bạn bè lâu ngày gặp nhau, tay bắt mặt mừng, thay vì đến khách sạn ở theo diện đi công tác, tôi đến nhà bạn tôi nghỉ đêm. Sau khi cất đồ đặc và tắm rửa, chúng tôi đi ăn tối và đến uống trà ở quán Trà Cung Đình. Đi dạo thành phố Pleiku thật thơ mộng, cái rét nhẹ của Mùa Đông ở xứ sương mù này thật thú vị.

Sau khi dạo một vòng Phố núi, chúng tôi về nhà, bạn tôi bảo tôi đưa giấy chứng minh nhân dân để đi báo với công an phường, cho hợp với luật lưu trú. Tôi bảo bạn gọi điện thoại cho công an là được rồi, bạn tôi cự lại, phải đi báo chứ, làm sao mà báo qua điện thoại được; tôi nói với bạn tôi: “Ông chưa cập nhật luật đó thôi, cứ gọi là được”. Bạn tôi nói lại: “Ông à, phiền lắm, lần nào có ai nghỉ nhà tôi đều đích thân cầm giấy CMND ra công an hết”. Tôi bảo: “Ông cứ gọi đi, công an có hỏi thì bảo giùm là: Luật cư trú, Chủ tịch quốc hội đã ký ngày 29-11-2006, áp dụng ngày 1-7-2007, điều 31, khoản 2, báo trực tiếp hoặc gián tiếp qua điện thoại”. Và y như rằng, bạn tôi đã bị công an phường mắng cho, ông phải đưa CMND ra đây. Bạn tôi giở luật ra ngay, công an viên này đà đuối lý “ừhm ừhm, àh àh” gì đó với bạn tôi. Tôi nghĩ trong đầu “Công an phường của Thành phố mà sao làm việc còn thiếu hiểu biết thế nhỉ, hay là…”.

Ngày 2: Ngày hôm sau, tôi đi viết phóng sự về rừng ở tỉnh Gialai, nhiều khu rừng bị chặt phá, bình địa, có nơi đến cả hàng ngàn héc-ta, để trồng cao su, làm cà phê, hỏi ra mới biết đó là của những ông chủ tu bản đỏ… nhưng đi đâu cũng bị công an theo giỏi, hỏi thăm, khi thấy đưa thẻ nhà báo, họ mới cho đi.

Ngày 3: Ngày thứ ba trong hành trình viết phóng sự này, tôi lên tỉnh Kontum… những hình ảnh về rừng đầu nguồn bị tàn phá, làm tôi đau xót… nghĩ về trận lũ lịch sử cơn bão 9 và 11, tôi thấy không sai với phán đoán của tôi: Rừng phá, lũ về, là hợp với lẽ tự nhiên.

Ngày 4: Nghe một người bạn ở Kontum nói hôm nay có lễ do Đức Cha Micae chủ sự mừng lễ Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội ở Măng Đen, huyện Kon Plông, tôi thắc mắc: “Làm sao ngày này 12.12 mà là lễ Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội được, phải mừng 8.12 chứ?” Bạn tôi trả lời: “Theo truyền thống Giáo phận Kontum, ngày 8.12 là mừng lễ tại Giáo xứ của mình, ngày 9.12 theo Lịch Giáo phận là mừng lễ tại Đức Mẹ Măng Đen; nhưng hôm 9.12 bà con đi dự lễ, thì cầu phao bị chính quyền tháo gở vào ngay sáng hôm đó, nên Đức Cha quyết định dời lại ngày 12.12”. Tôi buột miệng: “À, thì ra vậy!”

Vì là một người Công Giáo nòi, tôi dành ra ngày hôm nay để đi lễ. Bạn tôi bảo: “Ông nhà báo, nên cũng xem, xét mà viết bài đăng về lễ này cho bà con ở xa biết!”.

Thánh lễ tuy không được thông báo rộng rãi trong các Giáo xứ, nhưng cũng khá đông xe ô tô, xe máy nượm nượp kéo về, ước tính khoảng trên 2000 người. Đông đảo linh mục, tu sĩ cùng tham dự.

Quan sát tổng thể phải nói đây là một thánh lễ đông đảo ở miền rừng núi hoang dã này, không bóng nhà xung quanh, chỉ thấy khu bãi đậu xe thu phí và mấy căn nhà của Công ty Sài Gòn – Măng Đen dựng nên, khi họ thấy có khách hành hương hằng ngày rãi rác về viếng mẹ, đây là cơ hội làm ăn, nên họ đã mua Nhà Nước mấy chục héc-ta nơi này.

Tôi hỏi bạn tôi, tại sao Giáo phận không mua hay xin đất Nhà Nước cấp cho mà làm trung tâm hành hương như ở Bãi Dâu – Vũng Tàu, như Đức Mẹ Tà Pao hay Đức Mẹ La Vang. Bạn tôi đã cho biết cách đây 3 năm (2006) Đức Giám mục đã xin nhà nước 4 héc-ta để làm trung tâm hành hương, nhưng họ không trả lời, sau đó họ đã bán cho công ty du lịch Sài Gòn – Măng Đen này. Thật là buồn. Nếu Nhà Nước có cái đầu nhìn xa trông rộng, mà để cho Giáo Hội quản lý thì chắc chắn tiềm năng phát triển du lịch nơi huyện Kon Plông này sẽ rất lớn.

Khi tôi đến khu tượng đài Đức Mẹ, tôi quan sát thấy khuôn mặt của Mẹ không giống ai “rất xấu”, hỏi ra mới biết khuôn mặt nguyên thuỷ của Mẹ bị ai đó bắn phá rồi, khuôn mặt hiện nay là do một người thợ hồ nắn lại, không chuyên nghiệp, nên chẳng giống ai. Đôi đàn tay thì không còn. Đức Mẹ ở đây phải nói là có một không hai, Đức mẹ cụt tay. Nhưng người ta bảo Đức Mẹ linh lắm, nhiều người được ơn lắm. Vợ con cán bộ đi khấn vái Mẹ vào ban đêm cũng được nhiều ơn. Gần giờ lễ, khoảng 8g30, tôi thấy một số giáo dân đang dựng khung sắt và chuẩn bị phủ bạt để bớt nắng cho đoàn đồng tế, vì thánh lễ gần trưa, nên che bạt cho mát thì thật tốt cho Đức Cha và giáo dân dự lễ, nhưng sau đó tôi thấy tháo dở ra hết, hỏi ra mới biết: Chính Quyền địa phương yêu cầu tháo dở. “Thật hết biết!”. Nhưng mẹ thương, quang cảnh hôm nay mây che thật mát. Mẹ ban ơn rõ ràng.

Đến giờ lễ, Đức Giám Micae Hoàng Đức Oanh chủ sự, tôi thấy thật xúc động và ấn tượng. Nhìn chung quanh, bà con giáo dân thành kính dự lễ trang nghiêm. Một số công an mặc sắc phục đứng vòng ngoài “bảo vệ”, vòng trong mặc đồ thường dân theo dõi. Nhìn bản mặt các anh, các chị đứng trơ trơ, không biết làm dấu, không biết đọc kinh và hát thánh ca là biết ngay.

Trong bài giảng, tôi chăm chú nghe Đức Cha Micae giảng, thật thú vị và bổ ích cho tôi, nhất là cho “mọi người”.

Bài giảng hôm nay Đức Cha nêu 2 điểm chính:

- Tại sao chúng ta đến đây? Đức tin dẫn chúng ta đến.
- Đến rồi, được gì? Được rồi, làm gì? Đến với anh chị em, không trừ một ai.

Phần thứ nhất, ngài nói về đức tin. Con người thì phải có lòng tin, lòng tin đó giúp con người hướng về trời cao, nơi đó con người tin nhận Ông Trời, Thượng Đế, Thần Linh của mình, nơi đó con người sẽ đến, đó là cõi vĩnh hằng. Vì thế con người khao khát sống niềm tin đó. Người ta có thể bỏ tất cả mọi sự, ngay cả mạng sống vì niềm tin; để mong có được niềm tin mà mình tin nhận. Ngài kể một câu chuyện xưa: Có một vị thiền sư nổi tiếng là đức hạnh và khôn ngoan. Ông có nhiều đệ tử theo học. Trong số các đệ tử có một đệ tử, hơn một lần cậu đệ tử này đã thắc mắc với ông về “Hạnh phúc là gì?” Ông chẳng trả lời. Một hôm ông rủ chú đệ tử này đi dạo trong rừng, hai thầy trò vừa đi dạo, vừa ngắm cảnh… đến gần trưa mồ hôi nhễ nhải, thầy trò cùng xuống suối tắm. Tắm một lúc, vị thiền sư nắm đầu đệ tử dìm xuống nước, thiếu không khí thở, cậu ta ngoi lên; lần thứ hai bị dìm xuống, cậu ta cũng cố gắng ngoi lên mặt nước; lần thứ ba bị dìm, cậu ta thở không được nữa, bèn tức quá đạp thầy mình để ngoi lên mà thở. Và vị thiền sư đã dạy cho đệ tử mình biết: hạnh phúc là thế! là tìm tự do sống! Và Đức Cha kết luận, đức tin cũng thế, ai cản đức tin mình lắm lúc mình cũng phải đạp thế để có đức tin, đức tin đó được ví như không khí để cậu đệ tử thở mà sống, để có đức tin mà sống cho thoải mái tự do. Ngài cũng nói thêm, đây là câu chuyện nhiều lần Ngài đã có dịp kể cho cán bộ trung ương nhà nước nghe. Khi mà đức tin bị o ép, bị đàn áp, thì họ vùng lên đòi quyền sống đức tin đó, quý vị đừng “chụp cho cái mũ” là “phản động” chống lại chính quyền, mà tội cho họ. Vậy, là tín hữu khi có đức tin, lòng tin vào Chúa là cái phúc, cái phúc được biết Chúa là Cha là anh em với nhau, thì hãy sống vui, sống hạnh phúc với ơn mà mình đã có; và loan tin mừng cho mọi người về lòng tin nầy, cho dù phải khó khăn thử thách hay cái chết.

Phần thứ hai, Ngài khuyên nhủ giáo dân hãy học gương mẹ mà sống. Mẹ đã đón nhận ý Thiên Chúa và làm mẹ Thiên Chúa qua lời thưa “xin vâng”, Mẹ đã thực hành lời Chúa mỗi ngày sống… Là con cái Mẹ, hãy bắt chước mẹ suy niệm Lời Chúa hằng ngày, vì “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, ánh sáng chỉ đường con đi”. Khi có được hạnh phúc làm Con Thiên Chúa, có tin vui, Tin Mừng đó rồi thì đem đến với mọi người như Mẹ đã từng đem tin vui đó đến với chị họ Elisabeth. Đến với mọi người bằng cách phục vụ, hy sinh, yêu thương. Với mọi người nghĩa là không trừ một ai, là anh em đồng đạo, khác đạo, và ngay kẻ thù, kẻ luôn rình rập bắt bớ hành hạ chúng ta. Hiểu theo nghĩa nào đó thì Đức Cha đã nói về hoàn cảnh sống đạo của chúng ta trên đất nước này, cho dù bị kỳ thị, phân biệt đối với tôn giáo; nhưng hãy minh chứng cho họ thấy, mình luôn yêu thương và phục vụ mọi người, nhất là phục vụ “họ”.

Thật là một bài giảng thấm thía cho hoàn cảnh sống của Giáo Hội Công Giáo nói chung và giáo phận Kontum nói riêng hôm nay.
Sau lễ, chúng tôi ra về theo lời dặn dò của Đức Cha là tuân hành luật giao thông và giữ gìn vệ sinh môi trường ngay nơi cử hành thánh lễ, cho dù đó không phải là đất của Giáo Hội.
Đêm nay là đêm ngon giấc để chuẩn bị cho hành trình ngày mai đi về Đăk Lắk, Đăk Nông và Lâm Đồng.