ĐỀN HÙNG VƯƠNG - “Đại hội Giới trẻ Tổng giáo phận Hà Nội năm nay được Giáo phận Hưng Hóa đăng cai tổ chức, nơi diễn ra Đại hội là Trung tâm lễ hội Đền Hùng”. Nhận được thông tin đó, chúng tôi khá ngỡ ngàng và đầy tò mò, quyết sẽ đến tham dự để tìm hiểu.

Trở lại đất tổ Hùng Vương

Chiều 26/11/2009, chúng tôi lên xe ngược con đường lên Phú Thọ, trở về đất tổ Vua Hùng để cảm nhận bầu không khí tươi vui, cảm nhận sự tươi trẻ, nồng nhiệt của tuổi trẻ Công giáo ở Đại hội này.

Xe đưa chúng tôi theo con đường quanh co mềm mại của miền trung du dẫn đến Trung tâm lễ hội đền Hùng thì trời đã tối khá lâu.

Đã vài lần về đất tổ Hùng Vương, nhưng lần này về đây, chúng tôi mang trong mình một tâm trạng khác.

Khi chúng tôi đến, Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt đã khai mạc Đại hội từ chiều. Từng đoàn bạn trẻ từ khắp 10 giáo phận Miền Bắc đang tập trung vui chơi, sinh hoạt trong các lều lán tạm. Một cảnh tượng diễn ra hết sức sôi động và an bình, thân ái.

Cả khu vực quảng trường của Trung tâm lễ hội Đền Hùng tràn ngập màu mũ trắng, tràn ngập các tấm khăn đủ màu sắc và hàng vạn khuôn mặt tươi trẻ bên các linh mục dẫn đoàn đến Đại hội từ các Giáo phận khác nhau.

Những cuộc làm quen chóng vánh, những câu chuyện vui, những cuộc giao lưu ấm tình yêu thương anh em một nhà đã làm chúng tôi xúc động. Chưa bao giờ chúng tôi cảm nhận được một không khí đặc biệt như nơi đây. Càng xúc động hơn khi nhớ về những năm tháng sinh viên tuổi trẻ của chúng tôi nơi mái trường Đại học, cả toàn bộ các trường Đại học ở Hà Nội, chúng tôi chỉ có tập trung được 34 sinh viên Công giáo, tất cả mọi hành động, mọi cử chỉ đều được các cán bộ an ninh ghi chép cụ thể, tỉ mỉ và trong số đó, vài người được mời vào nghỉ mát tại nhà tù đến tận ba năm, không án, không tòa, lấy đâu ra những cuộc tập trung với số người và quy mô vĩ đại như thế này.

Hàng bóng đèn pha rực rỡ chiếu xuống quảng trường sôi động, cờ vàng trắng và băng rôn ghi tên các đoàn được các bạn hò nhau chạy từ giữa sân đến cuối, hàng loạt bạn trẻ đồng nhịp theo sau… cảnh cứ như thật, như mơ.

Anh bạn đi cùng tôi, một người bạn đồng niên, đồng tín ngưỡng nhưng không thể biết nhau trong thời kỳ học Đại học ở miền Bắc đã thốt lên rằng: “Các bạn trẻ bây giờ thật sung sướng và hạnh phúc, vị thế của bạn trẻ công giáo đã thay đổi, các bạn cần thể hiện đúng mình hơn”.

Trên lễ đài, logo của Đại hội được đặt bên chủ đề “Thắp sáng niềm tin yêu gia đình”. Các Giám mục, linh mục từ các giáo phận đang ngồi cùng tham dự các sinh hoạt với cộng đồng tuổi trẻ nơi đây. Hai bên sườn đồi, từng đoàn dân địa phương đến xem những tiết mục “lạ” là những tiết mục của người công giáo mà họ chưa bao giờ được xem, được nghe nói đến.

Câu chuyện cổ tích thời hiện đại nơi thôn Cổ Tích.

Đền Hùng là một di tích tại chân núi Ngũ Lĩnh, thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, Thành phố Việt Trì, Tỉnh Phú Thọ. Đây được xem là cội nguồn của dân tộc Việt Nam kể từ thời dựng nước Văn Lang.

Với một người Công giáo trong đất nước Việt Nam sống trong thời kỳ Cộng sản, vẫn được kêu gọi cùng “đồng hành với dân tộc” đã bao năm nay, nhưng vẫn đang là chuyện trên giấy tờ, văn bản. Bởi trong thực tế đã chứng minh rất rõ ràng vị thế “công dân hạng hai” của họ. Việc dấn thân cho công cuộc bảo vệ và kiến thiết nước nhà luôn được người Công giáo thực hiện trọn vẹn như một nghĩa vụ, biết bao người con mang trong mình niềm tin vào Thiên Chúa đã ngã xuống trên mọi miền đất nước. Biết bao người Công giáo lao động quên mình xây dựng xã hội với 1/10 dân số Việt Nam.

Nhưng hầu như trong các lĩnh vực xã hội, họ được liệt kê vào những phần tử đáng được “cảnh giác” khi đi học, khi đi làm, khi bố trí cất nhắc công việc. Thậm chí, có những người có chức sắc hẳn hoi vẫn không giấu được não trạng phân biệt tôn giáo với họ. Vì vậy, nhiều người vẫn muốn họ bị tách ra khỏi cộng đồng đất nước.

Nhưng rồi thời cuộc đã khác khi đất nước buộc phải vào hội nhập, ánh sáng văn minh đã tràn đến mọi nhà, mọi con người bằng nhiều lối đi khác nhau mà có ai muốn cũng không thể ngăn chặn. Người công giáo Việt Nam dần dần lấy lại vị trí của mình trong xã hội bằng những nỗ lực và tinh thần hi sinh dần dần được xã hội công nhận dù còn hết sức khiêm tốn và chịu nhiều thiệt thòi.

Khi đất nước đứng trước họa ngoại xâm từ những thế lực bành trướng Trung Cộng phía Bắc, cả dân tộc bừng lên lửa hận. Những hành động “kỳ quặc và khó hiểu” của nhà cầm quyền trong thái độ đối với ngoại xâm đã làm nhiều trái tim Việt Nam vốn giàu truyền thống yêu nước thương nòi phải cất lên những tiếng nói phẫn uất và sự lo lắng cho tiền đồ dân tộc, tương lai đất nước trước thái độ ươn hèn đó.

Những người Công giáo Việt Nam cũng không ngoài những suy nghĩ và tinh thần hành động của những con người Việt Nam, những trái tim Việt Nam luôn yêu nước, thương nòi, muốn xây dựng một xã hội luôn an bình, tốt đẹp.

Nhưng, việc đưa cả hàng vạn bạn trẻ trở về nơi cội nguồn dân tộc để hiểu hơn về lịch sử, truyền thống dân tộc này từ thời Hùng Vương dựng nước là điều chúng tôi không thể tưởng tượng được. Có lẽ người giàu trí tưởng tượng nhất cũng không thể nghĩ rằng giới trẻ Công giáo được tập trung về đây để cùng sinh hoạt, cùng giao lưu và trên hết là cảm nhận sự linh thiêng của mảnh đất thiêng này để xác định được những giá trị văn hóa mà mỗi người dân Việt Nam yêu thương giống nòi cần có.

Phải chăng đó là do ý Chúa nhiệm mầu để thế hệ trẻ Công giáo hiểu hơn, đi tiên phong hơn trên con đường yêu thương mà trước hết là yêu thương đồng bào, dân tộc và đất nước mình?

Thánh lễ sáng 27/11/2009 được các Giám mục Giáo tỉnh Hà Nội cùng đồng tế trọng thể và hoành tráng tại nơi đất thiêng Hùng Vương đã có một ý nghĩa hết sức lớn lao.

Trong bài giảng, Giám mục chủ nhà Antôn Vũ Huy Chương đã nói về tình yêu gia đình, cội nguồn của hạnh phúc từng con người và là sự vững bền của xã hội. Ngài cũng đã nêu lên ý nghĩa khi giới trẻ về đây để “thắp sáng tình yêu gia đình” nơi cội nguồn dân tộc, vì từ gia đình đến xã hội là một lộ trình, một con đường cho từng cá nhân trong xã hội.

Giám mục Giuse Vũ Văn Thiên, Chủ tịch Ủy ban giới trẻ của HĐGM Việt Nam đã tâm sự, căn dặn và chia sẻ cùng giới trẻ những ưu tư, những lo lắng của Giáo hội đối với giới trẻ ngày nay. Ngài cũng hân hoan thông báo tin mừng: Nếu điều kiện xã hội và nếu được chính quyền Thanh Hóa đồng ý, năm 2010, sẽ diễn ra Đại hội Giới trẻ Toàn quốc tại Thanh Hóa, tin này làm nức lòng các bạn trẻ bằng những tràng vỗ tay nồng nhiệt không dứt.

Cuộc tập trung và Thánh lễ nơi đây có một ý nghĩa hết sức lớn lao mà nhiều khi khó có thể thấy hết bằng những cảm nhận và suy tư bình thường.

Lần đầu tiên, các Giám mục Việt Nam thuộc Giáo tỉnh Hà Nội và hàng ngũ linh mục, tu sĩ giáo dân đã tập trung đông đủ nơi đất tổ Hùng Vương, cùng cất lên tiếng nói, cùng cất lên lời nguyện cầu cho đất nước được an bình, được thịnh vượng, cho các gia đình được vững bền trong tình yêu được thắp sáng bởi ánh sáng Đức Tin Công giáo.

Lần đầu tiên, tại đất tổ Hùng Vương, Thánh Giá và Kinh Thánh được cung nghinh một cách trọng thể, tỏa ánh sáng đến nơi cội nguồn dân tộc.

Cũng lần đầu tiên bên cạnh những chiếc trống đồng từ thời Hùng Vương dựng nước nơi đền Hùng, đội kèn đồng cất lên những bài Thánh ca hùng tráng ca ngợi Tình yêu Thiên Chúa.

Lần đầu tiên, nơi đất tổ Hùng Vương, lời Chúa được cất lên bởi những chiếc loa công suất lớn nhất bằng cả tiếng dân tộc và tiếng Việt một cách đàng hoàng, đĩnh đạc và đầy kiêu hãnh như để tấu lên đến các Vua Hùng rằng: “Những người con đất Việt mang dòng máu Lạc Hồng với niềm tin vào Thiên Chúa đã và sẽ là những người làm rạng danh non sông nước Việt bằng tinh thần bác ái, tinh thần yêu thương đúng như truyền thống cha ông ngàn đời để lại mà không phải bằng bạo lực, súng đạn, sức mạnh bạo tàn”.

Đây cũng là lần đầu tiên, sau gần 500 năm ánh sáng Tin Mừng vào Việt Nam bánh miến và rượu nho đã biến thành Mình và Máu thánh Chúa Giêsu trong một Thánh lễ cực kỳ trọng thể ngay trên đất Hùng Vương với lịch sử mấy ngàn năm để lại.

Với những người ngoài tôn giáo nơi đây, đây là lần đầu tiên, họ được chứng kiến một cuộc tập trung vĩ đại. Vĩ đại không ở qui mô, mức độ con người tham gia đến hàng vạn người, mà sự vĩ đại ở chỗ tình đoàn kết, yêu thương được thể hiện trọn vẹn nhất từ những người trẻ Công giáo.

Tham dự Thánh lễ mà chúng tôi không thể nào tập trung tất cả tư tưởng cần thiết. Chúng tôi cứ như bay trong mơ khi nghĩ về ý nghĩa của cuộc tập trung vĩ đại này.

Chúng tôi không khỏi thắc mắc vì sao có sự tuyệt vời đến thế khi chọn nơi đây để giới trẻ Công giáo miền Bắc được tập trung về nơi cội nguồn dân tộc, thể hiện tinh thần Công giáo như để được các Vua Hùng chứng kiến một giá trị đạo đức mẫu mực với bác ái, yêu thương của mình.

Tìm hiểu ra thì được biết: Giáo phận Hưng Hóa đã có hợp đồng với Thành phố Việt Trì thuê sân vận động Thành phố làm nơi tập trung, nhưng đến phút cuối, thì hợp đồng bị hủy bỏ với một lý do nào đó (?) nên chính quyền đành đồng ý thu xếp cho Đại hội về nơi đây?

Thông tin này chúng tôi chưa kiểm chứng, nhưng nếu đúng như vậy, thì quả là “Người tính không bằng Trời tính”.

Chính nơi đây, Đại hội giới trẻ Công giáo Giáo tỉnh Hà Nội mới có ý nghĩa đặc biệt như thế. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi mà tương lai đất nước, tiền đồ dân tộc đang bị ngoại xâm lấn chiếm hàng ngày, hàng giờ mà mọi người con đất Việt đang ngày đêm lo lắng, day dứt.

Trong khi nhiều nơi, nhiều bạn trẻ trong đất nước đang lao vào con đường hưởng thụ, lao theo lối sống thực dụng, vật chất và băng hoại đời sống xã hội bằng xì ke, ma túy cũng như muôn vàn sự tha hóa khác đến mức báo động, thì các bạn trẻ Công giáo đang tập trung về nguồn cội của dân tộc để cùng nhau “Thắp sáng tình yêu gia đình” – cơ sở vững chắc cho xã hội vững bền.

Bài hát chia tay khi ra về với tất cả sự lưu luyến, nồng nhiệt với hàng vạn cánh tay giơ lên vẫy mũ, vẫy khăn hẹn ngày gặp lại.

Phải chăng, đây là câu chuyện cổ tích của thế kỷ 21 đã xảy ra nơi thôn Cổ Tích này?