Nghe lầm, hiểu lầm xảy ra cho mọi lứa tuổi, tầng lớp. Lắng nghe để học hỏi, cảm thông, nhận biết. Không nghe thì thôi, đã nghe thế nào cũng có lúc nghe sai, không thể tránh khỏi.

Nguyên nhân

Có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến thính giác. Mạnh khoẻ, tỉnh táo nghe chính xác hơn khi mệt mỏi, đau bệnh. Giọng quen thuộc dễ nắm bắt ý chính hơn giọng lạ.

Nói thong thả dễ hiểu hơn nói nhanh. Nói thẳng hễ hiểu hơn nói mánh hay dụ ngôn.

Trình bày vấn đề trong sáng, mạch lạc, khúc chiết giúp người nghe hiểu dễ hơn.

Nghe đề tài thông thường, quen thuộc dễ hiểu hơn đề tài phức tạp, xa lạ.

Đề tài trừu tượng, cần tưởng tượng, suy đoán, vượt quá trí hiểu dễ hiểu sai. Đây là vấn nạn, phức tạp cho cả người nghe lẫn người trình bày.

Các tông đồ nghe Chúa giảng Kinh Thánh lúc hiểu sai, lúc không rõ. Có trường hợp hiểu trái điều Chúa dậy vì giáo huấn của Chúa quá mới lạ, ngoài sức tưởng tượng của các ông. Hiểu lầm gây nên bởi định chế xã hội. Phần khác do giới hạn của trí khôn. Không phải tất cả lí luận hợp lí luôn đúng, phù hợp niềm tin. Niềm tin vượt lên trên khối óc. Đức tin non, yếu, thiếu chiều sâu dễ bị kẻ khác lợi dụng, lung lạc niềm tin.

Định chế xã hội

Cuộc sống mỗi người ảnh hưởng bởi các định chế xã hội, nơi sinh ra và lớn lên. Chúng bàng bạc trong cuộc sống, liên quan đến nếp sống, xã giao, phép lịch sự, cách ăn, nết uống và ngay cả trong thơ phú và âm nhạc. Một cách nào đó chúng ảnh hưởng đến cách nhìn, lối sống, suy nghĩ và nhận xét của con người.

Định chế xã hội vì thế hội đủ hai yếu tố: truyền thống và văn hóa. Văn hoá và truyền thống đóng vai trò nối kết giữa thế hệ hiện tại với quá khứ và tương lai. Truyền thống mang sức sống cho xã hội. Tự chúng không thể sống mà sống dựa, nhờ vào con người. Phán đoán dựa vào văn hoá và định chế xã hội làm nền tảng. Chúng giúp đưa ra nhận định, chọn lựa, phân biệt đúng sai, phải trái, nghe hay không, chấp nhận hay loại bỏ ý kiến, tư tưởng mới, bao gồm cả chọn lựa niềm tin.

Định chế xã hội và văn hoá đều là sản phẩm của con người. Sản phẩm con người chế tạo luôn ngầm chứa những bất toàn. Biết thế nhưng vẫn phải dựa vào chúng để nhận xét. Con người không còn chọn lựa nào tốt hơn. Chọn lựa, hướng dẫn trái nghịch với định kiến văn hoá đương thời sẽ gặp phải chống đối, kết án. Thay đổi những định kiến này hẳn không thể một sớm, một chiều, mà cần rất nhiều thời gian.

Giáo huấn của Đức Kitô bị chống đối, hiểu lầm, nhận những kết án gắt gao từ giới lãnh đạo đền thờ. Họ kết án Ngài phản lại truyền thống của tiền nhân vì giáo huấn của Chúa đưa ra điều mới lạ, giải thích trái với lối giải thích truyền thống.

Đường lối xã hội

Các tông đồ thường lầm lẫn giữa ánh sáng đức tin và hướng dẫn truyền thống. Theo truyền thống kẻ lãnh đạo có quyền hành trong tay, lắm lợi, nhiều lộc. Giacôbê và Gioan xin ngồi bên tay trái và tay phải Đức Kitô vì các ông muốn lợi danh.

Các tông đồ khác không hài lòng, cũng vì lợi danh, ghen tức. Chung lối suy nghĩ. Các ông tin là muốn chiến thắng phải dùng đến sức mạnh, quyền bính: mạnh được, yếu thua. Vì thế muốn chiến thắng phải chiến đấu, giành giật và ngay cả dùng thủ đoạn.

Đường lối Chúa

Đức Kitô đáp lại các Tông đồ bằng phương thức riêng của Ngài. Một phương thức khác lạ, trái ngược với khôn ngoan loài người. Phương thức mà loài người chê là dại dột. Đường lối tân thời, không theo khuôn mẫu định sẵn của xã hội gây nên hiểu lầm cho các tông đồ và những kẻ tin theo Đức Kitô.

‘Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người’. c.45

Hiến mạng sống làm giá chuộc không phải là cách tranh đấu của chính trị gia, của các lãnh tụ xã hội. Theo xã hội, hy sinh, làm giá chuộc cho người lãnh đạo bắt đầu từ kẻ nhỏ, dưới quyền. Người lãnh đạo nói là hy sinh thực ra là hưởng lợi. Đường lối Đức Kitô trái lại dậy hy sinh bắt đầu từ người lãnh đạo. Đứng mũi, chịu sào cho cả con tầu. Là người giữ cửa chuồng chiên bảo vệ đàn chiên. Đức Kitô thể hiện tình yêu thương bằng tự nguyện chết trên thập giá để biệu lộ tình Chúa yêu ta.

Phương thế lãnh đạo của Ngài là phục vụ, làm đầy tớ cho anh em.

Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em. Ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người. c.42

Đường Chúa đi

Tình thương, lòng mến thể hiện qua từng hơi thở mệt mỏi, từng bước chân vấp té, vai thập giá đè nặng, mắt đẫm lệ nhoà. Toàn thân run lên, oằn oại sau mỗi roi đòn quất mạnh của bọn lính canh. Trong hoàn cảnh đó mà vẫn trung tín, vẫn giữ trọn câu thề, vẫn thương mến, vẫn thứ tha và vẫn muốn phục vụ. Đó mới là yêu thương chân thành, lòng mến thiết tha. Ngoài cách đó ra khó tìm được cách nào khác vẹn toàn hơn, bộc lộ tấm lòng chân thành từ bên trong.