Hồi Ký: Câu chuyện về một thời: Ba chủng viện: Hoàng Nguyên, Kẻ Non, Vĩnh Trị phải triệt hạ 1857-1858

(Trích một đoạn, Đoạn 8 trong Truyện Cố Thánh Vê-na)

Cố Ven không muốn nghỉ, chỉ muốn đi làm phúc liên, các họ đạo sợ hãi không dám rước. Song Ngài đi làm phúc họ Hoàng Nguyên, Lảnh Trì, Bút Đông, đoạn về nhà trường Hoàng Nguyên nghỉ. Độ ấy Ngài và Cố Đông là Bề Trên nhà trường sai một người đem những thư tây xuống Nam Định, cậy những lái buôn Tàu có cửa hàng ở đấy gửi sang cho Cố giữ việc ở Hương Cảng như đã quen xưa nay. Chẳng may, người mang thư ấy bị bắt cùng phải giải nộp cho quan Nam Định. Quan tra tấn dữ lắm cho nên nó xưng ra những làng Hoàng Nguyên, Kẻ Non, Kẻ Vĩnh, có Nhà Chung, Nhà Trường và có Trưởng đạo Tây ở đấy nữa.

Vì vậy tối ngày 10 tháng 05 có kẻ đưa tin cho Cố Đông và Cố Ven rằng: “Quan Hà Nội đem quân xuống vây bọc Nhà Trường đã đến nửa đường rồi”. Cố Đông truyền cho Nhà Trường phải chạy cả đồ, cả người ngay trong đêm hôm ấy, chỉ để xác nhà không. Học trò chạy đồ gửi nhà bổn đạo ngoài làng rồi đi. Cố Đông và Cố Ven cùng lo trốn.

Sáng sớm ngày mai, quân quan và phu hai ba Tổng, hơn 2000 người đến vây bọc làng Hoàng Nguyên. Chúng nó đã chắc sẽ bắt được hết mọi người Nhà Trường. Song chỉ bắt được có hai Chú và một Bõ mù canh cổng, hai chị em con nhà Sãi, còn về của cải thì không lấy được gì!

Quan quân không bắt được gì thì nổi giận, bèn kéo nhau vây bọc Bái Đô, Bái Vàng, Đồng Tứ, Chằm Thượng, Chằm Hạ, Cổ Liêu, song chỉ bắt được một thày già sáu tên là Tư đã 70 tuổi và 9 người học trò đang chạy ngoài đồng. Nó đóng gông bấy nhiêu người giải về Hà Nội. Ông già Tư phải giam cùng chết rũ tù, còn những người kia không chịu đạp ảnh thì phải lưu đầy Tuyên Quang, Thái Nguyên. Các quan đốt Nhà Trường, chặt các luỹ tre, cùng giao vườn đất đồng điền của Nhà Trường cho kẻ ngoại nhận cày cấy nộp thuế, còn nhà thờ Hoàng Nguyên và những nhà thờ các làng nó đã vây bọc thì nó dỡ xuống hết.

Ngày 15 tháng ấy, các quan vây bọc làng Kẻ Non, lấy hết đồ vật của cải. Đoạn phá đốt Nhà Trường, cắm lấy vườn đất ruộng nương của nhà trường phát cho kẻ ngoại nhận canh tác. Đức Cha Khiêm và cả Nhà Trường chạy được hết. Các quan chỉ bắt được có một chú học trò và mấy người bổn đạo mà thôi.

Ngày 19 tháng ấy, Nhà Trường cùng Nhà Chung Vĩnh Trị phải phá. Làng Kẻ Vĩnh đi đạo từ đời vua Vĩnh Thịnh nhà Lê (Vua Dụ Tông năm 1750) đến năm Cảnh Hưng 1765 Đức Cha Bêtrandô lập Nhà Chung, Nhà Tràng ở đấy. Vì làng ấy trung độ, ở chính giữa địa phận Tây. Địa thế rộng rãi, đường thuỷ bộ cả Hà Nội, Ninh Bình, Thanh Hoá, tiếp giáp Ninh Bình thông ra Sông Cái, dễ ẩn, dễ chạy lúc cấm cách. Cũng vì xã ấy toàn tòng đạo, và dân cứng cát táo bạo, có lòng mến đạo, mến các Đấng, và có công chịu khó giúp các Đấng lúc ngặt nghèo khốn khó.

Vì vậy các Đấng các Bậc có lòng thương làng Kẻ Vĩnh cách riêng. Năm Tự Đức thập niên, khi Cụ Tịnh phải bắt vừa xong, thì quan đem 200 quân có ý phá Nhà Chung, Nhà Trường. Song dân đút bạc, thì quan chỉ phá Đạo Đường, còn bốn chiếc Đạo Quán thì để lại, và Nhà Chung, Nhà Trường ba phần thì dỡ xuống một, còn hai phần thì để nguyên. Cho nên khi quan đi rồi, thỉnh thoảng Đức Cha Liêu còn lai vãng.

Đến tháng Tư năm sau, các quan bắt được thư Đức Cha Liêu gửi về Tây, thì quan Nam Định là Nguyễn Đình Tân là người ghét và phá đạo, giết nhiều người, dân gọi ông là con hùm con cọp, đem quân vây bọc làng Vĩnh Trị, bắt được sách kinh sách đạo, đồ đạo nhiều lắm. Lấy của cải phá phách Nhà Chung, Nhà Trường, triệt hạ các đạo quản, bắt 37 người dân giải về tỉnh Nam Định, rồi chẳng những là buộc tội cho dân Vĩnh Trị là che giấu các Đạo Trưởng đã lâu năm, lại gọi làng ấy là đại đô nhà đạo, là chốn các Đạo Trưởng các đạo đồ tụ hội giảng đạo tụng kinh, tích trữ lúa thóc tiền bạc, và còn vu cho dân Vĩnh Trị đã biết Đạo Trưởng Liêu, Đạo Trưởng Thế gửi tờ xin Tây đánh An Nam, cứu chữa bổn đạo, mà chẳng tố giác với vua quan, cho nên làm án cho dân Vĩnh Trị là “Âm thông ngoại quốc mống lòng khởi ngụy với triều đình”.

Tóm lại, án quan thượng Tân làm như sau: “Chánh phó lý trưởng và hai người đầu mục phải giảo quyết, 23 người bất khẳng quá khoá thập tự phải phát lưu, 10 người xuất giáo thì phạt 100 trượng rồi tha về, còn bao nhiêu người xã ấy, đàn ông, đàn bà phải tháp nhập các dân vô tòng Giatô đạo quản thúc”.

Điền thổ thì chia ra, giao các xã phụ cận nhận canh thu thuế, còn xã hiệu Vĩnh Trị thì bỏ đi cho hẳn, chẳng còn có xã ấy nữa. Quan Thượng Tân đệ án này vào kinh mà vua châu phê rồi, gửi ra Nam Định.

Tiếng Nhà Chung, Nhà Trường cùng làng Kẻ Vĩnh phải phá tan khốn nạn làm vậy, thì răn dạy khắp cả mọi nơi như tiếng sấm sét, những kẻ có đạo nghe thấy thì giật mình, sợ hãi kinh khiếp. Giáo dân lo sợ chẳng khỏi bao lâu mình sẽ phải phá như làm vậy. Các Cố, các Cụ cùng những người nhà Đức Chúa Trời, đã ở, đã học lâu năm trong Nhà Trường Kẻ Vĩnh, vui vẻ sầm uất dường ấy, thì lo buồn thương tiếc là dường nào!

Nhất là dân Kẻ Vĩnh phải bỏ quê cha đất tổ, mồ mả của ông bà cha mẹ, mà phiêu lưu đến đất quê người, cổ thì mang gông, con thì tay bồng tay dắt, mẹ nào con ấy phải giải đi như lũ tù phạm, vừa đi vừa khóc thật là thảm thiết đắng cay! Song dân không ngã lòng, một trông cậy Chúa lòng lành phép tắc sẽ thương đến dân Vĩnh Trị như xưa đã thương dân Israel phải chịu lưu đầy sang Babylon và lại được về bản quán vậy.

Về sau có người dân Vĩnh Trị làm bài thơ than khóc Vĩnh Trị như sau:

“ớ cha! ớ mẹ! ớ trời ơi!
Vĩnh đường cảnh sắc thật là vui
Phong ba một trận liền tan tác
Nam Bắc đôi phương cũng ngậm ngùi
Nhớ đến ngày xưa sa nước mắt
Trông về đất tổ đổ mồ hôi
Đã hay: Khi bỉ còn khi thái
Đến vận hanh, gia cảnh lại hồi”.