20 năm về trước, nước Đức thu hút sự chú ý của người Âu Châu.

Ngày mồng 9 tháng mười năm đó, bỗng dưng có tin là 70 ngàn người cầm nến, đọc kinh, ra cửa nhà thờ thánh Nicolas ở Leipzig (Nicolaïkirche). Họ thản nhiên đi lại trên phố phường, không bị nao núng vì Egon Krenz, đứng đầu đảng cộng sản sau Erich Honnecker, đã đe dọa sẽ phản ứng như quân đội Trung Quốc ở Thiên An Môn. Nhưng cảnh sát của Stasi lại có thái độ thân thiện. Từ đó làn sóng biểu tình lại rầm rộ thêm, có lúc tới 320 ngàn người sau 2 tuần lễ vùng dậy.

Nước vỡ bờ. Chúng tôi là dân chúng.Wir sind das Wolf. Chúng tôi muốn tự do, tự do bình thường như người dân của chúng tôi bên kia tường Berlin. Chúng tôi nói lên lời yêu cầu từ đáy lòng, không phải ngoại bang giật dây. Lý luận đơn sơ như vậy, mà sức thuyết phục thì vô biên. Một tháng sau, đến lượt người Berlin phất cờ.

Người cộng sản đã nghĩ ra nhiều thủ đoạn đối phó, nhưng họ không mường tường được sự xuất hiện của những đoàn người nhu mì, tay cầm nến, miệng đọc kinh. Cầu nguyện cho tự đo! Hành động như vậy thật là đi ngược với lịch sử tiến bộ của nhân loại. Quê hương của Karl Marx đã đón nhận lý thuyết vô tôn giáo. Một nửa dân số Đông Đức đã đoạn tuyệt với quá khứ, bằng cách từ chối vào nhà thờ chịu phép thánh tẩy. Vô đạo như vậy mà lại bỏ ra đọc kinh, dưới sự hướng dẫn của một mục sư, Christian Führer, thì thật là không bình thường. Nhưng có gì bình thường hơn khát vọng tự do, mà lời cầu kinh du dương, lời ca tha thiết trong thánh đường, biểu lộ ra mãnh liệt như những luồng gió từ bốn phương trời ập lại. Tâm hồn người Đức thật sâu thẳm. Chỉ có những bản nhạc râm rì, hùng tráng của Bach mới cho ta một ý niệm đầy đủ. Ta nghe những điệu hát thánh thót, trìu mến của tụi thiếu niêm từ lòng đất bay vút lên trời, ta cảm thấy sức mầu nhiệm tiềm tàng trong cuộc sống của con người. Đó là khía cạnh thiêng liêng của trời, đất và nhân loại. Người Đức đã minh chứng cho sự thật đó, định mệnh của họ gắn liền với số phận của chúng ta.

20 năm về trước, tôi miệt mài theo dõi trào lưu trí thức bên Đức, xem họ phản ứng thế nào trước thời cuộc. Nhưng Christa Wolf cũng như Habermas đã không tìm một thái độ dứt khoát. Bỏ hẳn Karl Marx thì họ không đành lòng, như phải bước ra khỏi nhà cha mẹ. Mà vô ích nếu tìm cách hàn gắng cái lưới trải dài nhưng mong manh của một học thuyết Đức có một thời thích dùng những phạm trù vĩ đại vì hiếu thắng hơn là vì nhu cầu của nhân loại. Fichte, Hieidegger, hay Bultmann là những người ý thức tới dân tộc tính của nước Đức, và có lẽ họ dễ để ý đến người Do Thái, người tự cho dân tộc mình đã được trời chọn lựa. Nhưng vì một lẽ bí ẩn nào mà gìớì trí thức bên Đức không nhận ra nơi Karl Marx bộ mặt của người Do Thái. Có thể đó là một khuyết điểm lớn. Ý tưởng về lịch sử nhân loại theo một hướng đi, một finalité, không có trong Aristode, Cicéron, Descrates hay Kant. Nhưng nó là một tín điều của Marx.

Khổng học dựa vào kinh dịch chỉ nhìn thời gian luôn biến hoá, nhưng không có đi tới một kết thúc nào. Marx thì trái lại. Lịch sử loài ngườì sẽ đến một thiên đàng không có bóc lột. Viễn cảnh huy hoàng đó làm nhiều trí thức mê mẩn, thực ra dựa theo các huyền thuyết Do Thái.

Theo truyền thống Do Thái, ta đang chờ đợi thời an bình của vị Cứu Thế mà các tiên tri đã từng loan báo. Marx thay ý niệm đấng cứu thế bằng giai cấp vô sản. Với sự thành hình của một xã hội tuyệt hảo, hoàn toàn ra ngoài các mâu thuẫn kinh tế. Vô sản là vị cứu tinh toàn vũ, là mẫu chốt của thời gian. Chữ Cứu thế hay Cứu tinh gọi là Messiah, dịch thành Christos, Christus. Christ, Messie. Dân Do Thái ngay từ đầu coi Đức Giêsu là một cứu tinh mạo danh. Vị cứu thế đích thực chưa tới, nhưng chắc chắn sẽ tới.

Thay vì ngồi đó mà mong chờ, Marx khuyên ta hãy đi vào thực tiễn, tranh đấu cho tương lai, cho sự cứu rỗi tất yếu của giai cấp vô sản, vị cứu tinh mới. Phải là người sống trong truyền thống Do Thái như Marx mới sáng tạo ra một huyền thoại vô căn cứ như vậy nhưng đầy hấp dẫn. Chứng tỏ nhân loại sống một phần vì tưởng tuợng. Mỗi thời có huyền thoại riêng.

Người Đức có truyền thống triết học. Ho có đủ thời gian để đối chiếu sự thật trông thấy được với những uớc mơ hão huyền. Phải có những thúc đẩy huyền diệu lắm mới làm người Đức tìm lại thánh đường. Tìm lại trong chính tâm hồn mình sức mạnh cần thiết để tự vệ trước bạo lực.

Ngày nay người Việt Nam cũng mang tâm trạng tương tựa. Thái Hà cũng rập theo gót chân của Leipzig. Cũng là lòng tin của dân chúng. Cũng là cử chỉ bình thường của người tín hữu. Còn về ý nghiã lịch sử của các cuộc vận động thiêng liêng này, mà người Mác xít coi là duy tâm, ta hãy chờ thời gian để đo lường.

Paris 9-10- 2009