Nhân đọc ‘Hồi ký của một thằng hèn’ của nhạc sĩ Tô Hải vào dịp 2/9 này, đoạn kể về cái khí thế hừng hực của những ngày đi theo cách mạng năm xưa. Dân chúng tay cũng cầm cờ đỏ sao vàng miệng hò hét điên cuồng “đấu tranh này là trận cuối cùng… quyết phen này sống chết mà thôi…” mà chẳng ai ý thức được mình đang làm gì, lợi hại / xấu tốt cho ai bỗng làm tôi cảm thấy ‘nổi da gà’ khi nhớ lại bản nhạc này: ‘Quốc tế ca’ với những lời lẽ cực kỳ phản động đã khuấy động cuộc sống bình yên của dân chúng miền Nam sau 1975. Nhưng nay thì… không biết nó đã bị Csvn âm thầm quẳng vô cái xó xỉnh nào rồi. Chung số phận với nó còn là vô số những khẩu hiệu “Chủ nghĩa Mác-Lê bách chiến bách thắng” cũng được treo lủng lẳng khắp các ngã 3 ngã 4 đường phố Sàigòn khi ấy.

Tôi nhớ có một cái bảng rất lớn như vậy đặt ngay Ngã 6 Hiền Vương (nay là Võ Thị Sáu) choán hết cả một khoảng đất trống tại nơi nay là cửa hàng đại lý Honda. Thế rồi bỗng chỉ sau một đêm khoảng đầu những năm 90s, (chắc lại là cái đêm giống như lời một bài thơ của Phan Khôi “hai mươi bốn năm xưa, Một đêm vừa gió, vừa mưa…”?) một sáng ngủ dậy đi làm ngang qua đây cảm thấy trống vắng thiêu thiếu mất cái gì!? Nhớ lại thì ra chính là nó: cái tấm bảng “bách chiến bách thắng” ấy đã ‘rút quân’ không kèn chẳng trống hồi nào không ai hay biết?

Về bản ‘Quốc tế ca’ hồi ấy tôi đã từng thắc mắc vì sao một bản nhạc một khi được tất cả các chính thể cộng sản tôn vinh lên tới hàng ‘quốc tế’ hẳn phải là có gì đó vĩ đại và cao quí lắm! Vậy mà chưa bao giờ được hân hạnh nghe mấy bác đảng mấy anh đoàn nói về lý lịch của nó bao giờ. Kể cũng lạ! Chỉ mãi đến sau này nhờ có internet thắc mắc này mới được tự mình đi tìm lời giải đáp.

Hóa ra đúng như người ta thường bảo “tốt khoe xấu che”. Quốc tế ca vì có những chuyện chẳng hay ho ngay từ thủa nó mới chào đời, vì thế quốc tế cộng sản đã phải ém nhẹm luôn cái bản lý lịch đen của nó.

‘Quốc tế ca’ và những điều còn ít người biết đến

Bản nhạc này từng có thời được phe XHCN xem như một di sản tinh thần quí giá tượng trưng cho tinh thần đoàn kết vô sản của giữa các nước. Vì thế, nó chỉ được xướng lên trong các buổi lễ lớn tầm vóc quốc tế với đầy đủ các nghi thức trang trọng bậc nhất.

Quốc tế ca còn vinh dự được Liên bang Xô Viết, đàn anh lớn nhất trong khối cộng sản chọn làm quốc ca trong hơn 20 năm, từ 1922-1944 dưới thời lãnh tụ J.Stalin.

Về khía cạnh âm nhạc, có một chi tiết đáng chú ý, đó là về tác giả của nó, Pierre De Geyter (1848-1932) một người Pháp, mặc dù chỉ là một người chơi nhạc nghiệp dư không tên tuổi, nhưng không hiểu nhờ nguồn cảm hứng nào mà ông ta đã viết ra được một bản nhạc giai điệu khi sâu lắng lúc hùng hồn, rất phù hợp với cảnh quằn quại bi thương của những số phận thân nô lệ, khiến cho người ta khi nghe nó rất dễ bị… ‘điên tiết’ lên với lũ tư bản bóc lột.

Có thể nói, đây là trường hợp thành công hiếm thấy trong lịch sử âm nhạc thế giới khiến nhiều người từng ngạc nhiên.

Một trường hợp thành công khác không phải là nhạc sĩ sáng tác chuyên nghiệp đó chính là bản ‘Silent Night’ mà chúng ta vẫn còn được nghe vào mỗi dịp Noel.

Tác giả của bản nhạc này, Franz Xaver Gruber tuy chỉ là một thầy giáo dạy nhạc trường làng nhưng trước lời khẩn khoản đề nghị của bạn là thầy tu Joseph Mors cần phải sáng tác gấp một bản nhạc mừng Noel vào năm 1818 cho nhà thờ Hallein (Salzburg-Áo), do chẳng may cây đàn organ đã của nhà thờ này bị lũ chuột cắn khiến hư hỏng nặng, nhưng lại được phát hiện quá trễ. F.Bruber và J.Mors cả hai đều là dân chơi nhạc amater thôi vậy không hiểu sao đã làm nên chuyện. Ngày nay với nhiều người, Noel mà thiếu ‘Silent Night’ là chưa trọn vẹn.

Nhưng không giống như sự êm đềm của Silent Night, sự bất ngờ được nổi tiếng của bản ‘Quốc tế ca’ đầy chất bạo lực cũng đã nảy sinh ra một loạt các ‘điểm đen’ khác trong bản lý lịch của nó: Một cuộc chiến giành giưt bản quyền giữa chính hai anh em ruột thịt của tác giả trong nhiều năm trời. Tuy nhiên, chuyện xấu xa bỉ ổi này đã bị các lãnh tụ cộng sản quốc tế lờ đi mà không bao giờ kể ra cho dân chúng biết.

Phải chăng cái sự khởi nghiệp của chủ nghĩa cộng sản vì có dính dáng với điều trái đạo lý từ sự ra đời bản quốc tế ca này, đã trở thành điềm báo về những bất hạnh và sự tàn ác mà nó gây ra cho nhân loại trong gần suốt thế kỷ 20 vừa qua?

Thời thế tạo… nhạc sĩ?

Nguồn gốc ra đời của bản nhạc này có gắn liền với biến cố “Công xã Paris” vào năm 1871 mà theo các tài liệu thì “…đó là một nhà nước vô sản đầu tiên trong lịch sử loài người, gồm đại biểu công nhân, tiểu tư sản và trí thức tiến bộ. Công xã đã ban hành sắc lệnh thủ tiêu quân đội và cảnh sát thường trực của chế độ cũ, thành lập các đơn vị vệ quốc quân; tách hoạt động của nhà thờ khỏi chính quyền và giáo dục, tổ chức hệ thống giáo dục mới; chuyển quyền quản lí xí nghiệp vào tay công nhân, thi hành một số biện pháp cải thiện đời sống dân nghèo về lương bổng, nhà ở, hoãn trả nợ, hạ giá vé xem nghệ thuật”.

Những trích dẫn từ Tự Điển Bách Khoa Việt Nam như trên cho thấy đó chính xác là một vụ cướp chính quyền thực sự do phe chủ nghĩa xã hội (socialism) Pháp, tiền thân của quốc tế cộng sản sau này, lợi dụng tình thế rối ren của nước Pháp khi chính phủ Adolphe Thiers vừa bị bại trận trước quân Phổ (Đức) đã nhanh tay chớp lấy thời cơ tiếm quyền.

Nhắc lại bản quốc tế ca cùng sự kiện Công xã Paris vào những ngày tháng Tám này còn là dịp để chúng ta thấy rằng, những gì xảy ra với nước Pháp năm 1871 và với Việt Nam ta năm 1945 với việc Việt Minh “cướp chính quyền” từ tay chính phủ Trần Trọng Kim 1945 không khác nhau là mấy. Ở bất cứ đâu chủ nghĩa xã hội leo lên nắm quyền là ở đó liền xuất hiện một loạt những việc làm ngu xuẩn, kênh kiệu và tàn ác như trên. Thậm chí cả với Sàigòn 1975 sau này cũng vậy. Bảo là ‘giải phóng’ mà lại trục xuất dân chúng ra khỏi thành phố đến các vùng ‘kinh tế mới’ rừng sâu nước độc để nhường nhà cửa cho họ vào ở.?!

Ở chỗ khác chúng tôi còn đọc được “Tất cả tài sản của các giáo hội trở thành tài sản quốc gia, giáo dục cũng tách khỏi nhà thờ.” Nếu Công xã Paris ngày ấy mà thành công không chừng nước Pháp cũng sẽ có những vụ Thái Hà, Tòa Khâm, Tam Tòa y hệt như VN ta hiện nay.

Nhưng rất may cho nước Pháp, quốc gia này xứng đáng là một trong những cái nôi văn minh của nhân loại, nhờ có trình độ cao hơn nên dân chúng không dễ nghe lời đường mật của cộng sản như dân VN mình. Sau một loạt những biểu hiện cai trị ‘quái gở’ trên, nhà nước vô sản của “Công xã Paris” chỉ tồn tại được đúng hai tháng đã bị dập tắt tức thì.

Sau vụ cướp chính quyền bất thành, một thủ lĩnh phe xã hội tại Lille một tỉnh nhỏ miền Bắc nước Pháp đã nhờ nhạc sĩ nghiệp dư tên Pierre De Geyter phổ một số bài thơ do Eugène Edine Pottier viết trong “tuần lễ máu” (22/5 – 28/5) cuối cùng của Công xã Paris để công chúng tưởng nhớ các “đồng chí” của họ đã ngã xuống và một trong số các ca khúc đó là “Quốc tế ca” (L’Internationale / The Internationale) được Pierre sáng tác vào năm 1888.

Khi nhận lời phổ nhạc những bài thơ của Eugène, anh nhạc sĩ nghèo miệt tỉnh lẻ Pierre De Geyter chắc chắn không nghĩ đến điều gì khác ngoài việc “ủng hộ cách mạng”. Bởi nếu không vì lý do này thì chắc Pierre đã phải giữ lấy bản thảo. Và cả sự sốt sắng của ông ‘cán bộ’ đặt hàng Gustave Delory có lẽ cũng vậy, “lý tưởng” vẫn là trên hết. Một sự giác ngộ lý tưởng cộng sản “trên cả tuyệt vời” không xa lạ gì với với nhiều trí thức VN mình trước 1975!

Thế nhưng ‘trời xui đất khiến’ không may làm sao bản nhạc này bỗng dưng được nhiều người yêu thích (có thể do dân Pháp khi ấy đã quá chán loại nhạc ủy mị chăng?) khiến nó trở nên rất nổi tiếng. In ra bao nhiêu cũng không đủ bán đã khiến nhiều nhà xuất bản muốn mua đứt bản quyền để tính chuyện kinh doanh lâu dài. Và thế là cách mạng thì thất bại nhưng một cuộc ‘đấu đá’ mới để đòi ăn theo bản nhạc tưởng nhớ các chiến sĩ cách mạng đã nảy sinh. Oái oăm hơn nữa là nó lại xảy ra ngay trong gia đình tác giả đã sáng tác ra nó.

Âm nhạc chân chính đâu thể nảy sinh tội ác!

Thấy tiền liền tối mắt! Vào năm 1901 không ai khác mà chính một ngưòi anh em ruột của tác giả, Adolphe De Geyter, người mà Pierre trong khi phổ nhạc hay nhờ vả anh này chơi thử trên chiếc kèn Bugle cho mình nghe thử, đã nhanh tay chớp thời cơ tuyên bố chính anh ta mới là tác giả của Quốc tế ca.

Khi Pierre hay tin anh này anh chợt nhớ đến ông bạn ‘cán bộ’ nhân chứng Gustave Delory ngày trước đã đến nhờ mình phổ nhạc hồi năm 1888, vì chỉ có mỗi mình ông ta là người biết rõ đầu đuôi câu chuyện, may ra có thể giúp chứng minh mình mới là tác giả. Nhưng trớ trêu thay, khi Pierre đến xin gặp ông ta để đề nghị thì liền bị ông ta phủi tay vì đã… ‘lỡ’ ủng hộ Adolphe De Geyter rồi! (nghe sao mà giống cái cách giải quyết của đảng ta bây giờ đang làm thế nhỉ: lịch sử đã làm ‘lỡ làng’ cả rồi, nên nhà nước ta xin khóa sổ bằng nghị quyết 23/QH-11/ 2003 và hẹn gặp các nạn nhân ở kiếp sau để trả nợ đất đai vậy!)

Và thế là Pierre sau hơn chục năm đeo đuổi kiện tụng trong vô vọng, đến năm 1914 đành phải ‘ngậm đắng nuốt cay’ tuyên bố bỏ cuộc chơi vì ‘lực nay đã bất tòng tâm’, anh biết chắc không còn thể nào chứng minh cho mọi người biết chính mình mới là tác giả. (Điều có lẽ là an ủi duy nhất với Pierre là ‘lọt sàn xuống nia’ mình không thắng thì em mình cũng hưởng chứ còn ai vào đây, thôi thì… thua cũng được?).

Tưởng đã xác định vậy và bỏ xứ đi nơi khác làm ăn là xong chuyện, thì nào ngờ đến đầu năm 1916 Adolphe De Geyter bất ngờ treo cổ tự tử để lại bức thư tạ lỗi cùng ông anh Pierre và tiết lộ chuyện cướp công là do bị áp lực của người khác.

Mặc dù các tài liệu về vụ án tranh giành tác quyền này mà chúng tôi truy tìm không thấy nêu ai là đồng phạm của Adolphe, nhưng nhìn vào điều xấu xa sự tệ hại ngấm ngầm xảy ra trong các xã hội cộng sản, chúng ta có thể suy đoán nếu không phải là ông ‘cán bộ’ Gustave Delory thì ‘còn ai trồng khoai đất này?’.

Do chuyện tử tự của Adolphe xảy ra vào thời điểm bùng nổ Chiến Tranh Thế Giới I, Pierre lại không có mặt ở Pháp nên phải mãi đến năm 1922 sau khi chiến tranh kết thúc anh mới nhận được thư của người em và khi ấy tác quyền mới được chuyển sang cho anh.

Rõ khổ! Chỉ vì tiền mà anh em Geyter bị lâm vào cảnh huynh đệ tương tàn, nhưng ngẫm nghĩ các kết cục thảm thương của họ chẳng phải không có lý do ‘chính đáng’.

J.S.Bach (1685-1750) người được thế giới xem là nhạc sĩ vĩ đại của mọi thời đại từng nói một câu ngụ ý ‘Âm nhạc là quà tặng hết sức đẹp đẽ Thiên Chúa ban tặng cho con người, nhưng nếu không biết dùng chúng sẽ nghe không khác gì những tiếng phèng la than khóc từ nơi địa ngục’.

Nếu Pierre De Geyter không dùng khả năng âm nhạc Chúa ban cho anh để đi viết ra cái loại nhạc xách động quần chúng “vùng lên hỡi các nô lệ ở thế gian…” vô tình tạo thêm vây cánh cho cộng sản quốc tế có thêm phương tiện đi gieo gắc tội ác, mà để sáng tác ra những ca khúc thánh thiện nhân từ như Silent Night “Đêm thánh vô cùng, giấy phú tưng bừng…” thì chắc đâu đã có chuyện gì xảy ra như chúng ta thấy đấy, ngay cả khi đồng tác giả của bản Thánh ca này là Franz Xaver Gruber và Joseph Mors chỉ là hai người dưng nước lã với nhau.

Xin xem thêm: L’Internationale http://www.youtube.com/watch?v=EpgrO-tieGM, http://en.wikipedia.org/wiki/The_Internationale .

Sàigòn, 02/9/2009