RIMINI, Italy (Zenit.org).- Hội nghị Tình Hữu nghị giữa các Dân tộc lần thứ 30, được phong trào Giải phóng và Hiệp thông của giáo dân Công giáo bảo trợ, đã lôi cuốn được số người tham dự đạt tới mức kỷ lục

Hôm Chủ nhật vừa qua, một Thánh lễ khai mạc đã cử hành để mở đầu cho cuộc họp kéo dài suốt một tuần lễ. Cuộc họp này tổ chức hàng năm vào mùa hè tại Rimini (Ý). Thánh lễ khai mạc đã có tới hơn 10 ngàn người tham dự, được coi như đông đảo nhất kể từ 30 năm nay.

Đức Giám mục Rimini là Francesco Lambiasi, trong bài giảng Thánh lễ đã khẳng định rằng “Chúa Giêsu Kitô là điểm tựa của toàn bộ lịch sử nhân loại.”

“Chúng ta những tín hữu Thiên Chúa giáo đã tin và nhận biết yếu tố cơ bản của đức tin Kitô giáo là tình yêu; tình yêu này nuôi dưỡng niềm cậy trông và nhận thức của chúng ta.”

Ngài nói thêm: “Đức tin là ánh sáng và là nhận thức.” Do đó, có thể nói được rằng “ai không có niềm tin vào Chúa Giêsu thì quả thực không có nhận thức về thực tại.”

Cuộc hội nghị khai mạc hôm Chủ nhật và sẽ kéo dài cho tới ngày thứ Bẩy, tập trung vào chủ đề: “Nhận thức Luôn luôn là một Biến cố.”

Bản thông cáo báo chí đăng trên mạng lưới điện toán của hội nghị giải thích rằng chủ đề này sẽ khảo sát về “con người, sự liên hệ của con người với thế giới và những động lực làm cho con người biết được thực tại.”

Trên 700 ngàn người được dự đoán sẽ tham dự hội nghị, với sự phục vụ của hơn 3100 thiện nguyện viên.

Ngoài cư dân Ý, những người thiện nguyện khác đến từ Nga, Tây ban nha, Bồ đào nha, Lithuania, Kosovo, Pháp, Anh, Thụy sĩ, Kazakhstan, Canada, Hoa kỳ và Paraguay.

Theo lời giải thích của ban tổ chức, cuộc hội ngộ Rimini nhằm tìm cách “kiến tạo những điểm tiếp xúc giữa kinh nghiệm và con người thuộc nhiều niềm tin và nền văn hóa khác biệt nhưng cùng chia sẻ ước muốn tích cực được hiểu biết và thăng tiến lẫn nhau.”

Người Công giáo bất hợp pháp

Trong bối cảnh đó, một trong những thuyết trình viên hôm Chủ nhật là ông Harry Wu, bị tù đầy suốt 19 năm trường trong những trại lao động “cải tạo”, đã tố cáo rằng xứ sở ông không có tự do tôn giáo.

Ông than vãn rằng ở Trung quốc, người ta không được tự do thờ phượng, và “Công giáo vẫn còn là bất hợp pháp.”

Ông nói tiếp: “Mọi thánh đường và chùa chiền đều là tải sản của chính quyền. Có một tôn giáo của cả nước, đó là chủ nghĩa Cộng sản. Vì tôi là người Công giáo nên tôi bị bách hại.”

Dưới chế độ cộng sản này, theo ông cho biết, đã có hơn 50 triệu người bị giết; con số đó nhiều hơn số người bị tàn sát do nạn diệt chủng của Quốc xã và dưới chính quyền của Stalin.

Ông Wu là người sáng lập Cơ sở Nghiên cứu về Laogai, một tổ chức bất vụ lợi đang thiết lập hồ sơ về những tội ác và hành động vi phạm nhân quyền trong các trại tập trung. Ông đã mô tả tình cảnh của những người phải sống và chết trong các “laogai”. (Laogai là từ thu gọn của “lao động cải tạo”).

Ông giải thích: “Năm 1950, các chuyên viên của Stalin đến Trung quốc để lập các trại tập trung, và hệ thống đó còn tồn tại cho mãi đến bây giờ.”

“Hiện nay chúng tôi đếm được có ít nhất khoảng một ngàn “laogai”. Ở đó, tù nhân phải làm việc suốt 12 giờ một ngày mà không được đồng lương nào của chính phủ; họ sản xuất những hàng hóa bán sang các thị trường Tây phương.”

Ông cũng đề cập đến các vấn đề khó khăn khác tại xứ sở ông, kể cả chuyện có tới “30 ngàn vụ giải phẫu để thay thế các cơ phận nơi thân thể trong năm 2006 và 95% những bộ phận này lấy từ những người bị án tử hình.”

Ngoài ra ông cho biết rằng người đàn bà Trung quốc bị bó buộc phải phá thai nếu họ có bầu đứa con thứ hai, do đó đã có tới 30 triệu vụ phá thai mỗi năm.

Ông Wu cũng tố cáo chính sách của Trung quốc “đàn áp và tàn sát” người Tây tạng và Uyghurs.

Chính quyền “không phải là một đảng phái của người vô sản nhưng là một tổ chức làm thương mại với phương Tây để kiếm lời.”

Ông thúc giục mọi người Tây phương: “Khi quý vị ăn uống no đủ thừa thãi, xin hãy nhớ rằng người Trung quốc không được đi nhà thờ, không được tự do truy cập Internet hoặc chỉ trích chính quyền của họ. Nói đến bầu cử ở Trung quốc là điều vô nghĩa. Không có chuyện đầu phiếu ở Trung quốc, người ta chỉ nói đến kinh tế, đến tiền bạc.”

Được biết Đức giáo hoàng Benedict XVI đã gửi một điện văn đến cuộc hội ngộ Rimini, đề cập đến chủ đề của cuộc tụ hội với lời khẳng định rằng gặp gỡ Đức Kitô là một “biến cố” tạo ra thông hiệp. Điện văn do Hồng y Tarcisio Bertone bộ trưởng ngoại giao Tòa thánh gửi, được tuyên đọc tại thánh lễ khai mạc.

Trong các vị diễn giả năm nay người ta thấy có Tony Blair, cựuThủ tướng Anh; Jeb Bush, cựu thống đốc bang Florida; hồng y Antonio María Rouco Varela, tổng giám mục Madrid và chủ tịch hội đồng giám mục Tân ban nha; John Milbank, nhà văn và giáo sư Đại học Nottingham; Carl Anderson, hiệp sĩ tối cao của Hội Hiệp sĩ Columbus.