CHÚA NHẬT 18 TN (B 2009)

Bức thư tình bên trong chiếc bánh

Có một thời dân Miền Nam rất thích tiểu thuyết bụi đời của nhà văn Duyên Anh. Tiểu thuyết và truyện của ông phản ảnh rất thật bối cảnh xã hội Miền Nam vào thời chiến tranh nam Bắc, nhất là môi trường “xã hội đen”, môi trường của cuộc sống vĩa hè, cuộc sống của những người vô gia cư nghèo khó, những trẻ em bất hạnh, những thanh niên thiếu nữ du đảng bụi đời…Nhân vật trong các tác phẩm như “Sa mạc tuổi trẻ”, “Dũng Đa-kao”, “Vết hằn thù trên lưng ngựa hoang”…hay “Thằng Vũ, Thằng Côn, Con Thúy, Bồn lừa, Con sáo của em tôi…” đã để lại trong lòng độc giả những dấu ấn dễ thương và đầy tính nhân văn sâu sắc.

Vì đọc đã quá lâu không nhớ rõ lắm, nhưng nhớ có một trích đoạn đại ý thế nầy: Có một anh chàng du đảng bị bắt ngồi tù. Ngày ngày cứ mong được ai đó bên ngoài gởi dồ tiếp tế. Rồi một ngày kia, khi nhận được một ổ bánh mì. Anh ta hồi hộp bẻ bánh và lục tìm cái gì trong đó. Thì ra ai đó đã gởi cho anh một mảnh giấy nhỏ với những hàng chữ cũng không lấy gì đẹp lắm. Anh chăm chú đọc từng chữ một như uống lấy những giọt mật ong, như đang nhâm nhi một thứ rượu hảo hạng. Rồi cuối cùng anh nhắm mắt, vò viên mảnh giấy, bỏ vào miệng nhai ngấu nghiến và nuốt ửng xuống bụng. Sau đó anh cười lên một tràng thoải mái..và..cắn lưởi tự tử với nụ cười mãn nguyện còn nở trên môi. Thì ra mảnh giấy nhỏ đó là một bức thư của người con gái tỏ tình yêu anh, một lời tỏ tình mà anh tưởng không bao giờ được nghe…

Với người du đảng ấy, bánh mì, thuốc men, tự do, danh vọng, tiền bạc…tất cả đều không đáng kể. Với anh, điều hạnh phúc nhất, món quà giá trị nhất mà anh khao khát, kiếm tìm, và mãn nguyện “cho tới chết”, đó chính là Tình Yêu, là lời tỏ tình của người yêu…

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay cũng muốn chúng ta xuyên qua “những tấm bánh mì trần tục” để kiếm tìm cho được “sứ điệp tình yêu” hay những giá trị thiêng liêng cao cả là hồng ân của Thiên Chúa, là quà tặng cứu độ mà Thiên Chúa đã thương ban, như lời của Đức Kitô nhắc bảo dân Galilê thuở nào:

“Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê. Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con người là Đấng Thiên Chúa Cha đã xác nhận”

Thiên Chúa luôn là Đấng tế nhị tuyệt vời: Để giải quyết nạn đói trong những ngày hoang mạc, Ngài đã ban Manna, đã cung ứng thịt chim cút, đã cho nước vọt ra từ tảng đá. Đức Kitô, vị Mục Tử nhân lành, vì “xót thương đám dân bơ vơ như chiên không người chăn dẫn”, Ngài đã lệnh cho các tông đồ “Các con hãy lo cho họ ăn đi”. Và với 5 chiếc bánh và 2 con cá, Ngài đã làm nên một bữa tiệc đã đời, đãi tới bến cho hơn 5 ngàn thực khách. Nhưng cũng chính Thiên Chúa đó, đã chấp nhận chịu đói, chịu khát, chịu lầm than vất vả, chịu săn đuổi bách hại, chịu kết án bất công và cuối cùng, chịu chết trần truồng trên cây thập giá.

Chính vì thế, điều cốt yếu cuối cùng Thiên Chúa nhắm đến lại vượt lên trên những “tấm bánh mì trần tục”, vượt lên trên những giá trị phàm trần, mà chỉ với những con mắt đức tin tinh ròng mới nhận thấy, chỉ với những tâm hồn trong sạch mới kịp nhận ra. Chúa Giêsu đòi hỏi những người Galilê phải đi qua nẻo đường vượt qua ấy mới gặp được Bánh Trường Sinh:

Họ liền nói: “Thưa Ngài, xin cho chúng tôi được ăn mãi thứ bánh ấy” Đức Giêsu bảo họ:

“Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, sẽ chẳng khát bao giờ.

Vâng, ở bên kia “những chiếc bánh và con cá” làm tan đi cơn đói vật chất của cái bụng, Đức Kitô muốn người ta đi xa hơn, tìm kiếm thứ “bánh quí giá hơn”, thứ lương thực trường sinh là chính Ngài, chính Thân mình Ngài được bẻ ra, chính chân lý Ngài được chuyển tải. Yêu cầu nầy của Đức Kitô xem ra không mấy người đạt được. Chính trong hàng ngủ các môn đệ mà cũng có kẻ càm ràm “Lời gì mà khó nghe thế” và đã quay lưng bỏ cuộc. May mắn cho Ngài, vẫn còn có Phêrô với nhóm Mười Hai vẫn trung thành, vì như Phêrô phát biểu: “Bỏ Thầy chúng con biết đến cùng ai ? Thầy có lời ban sự sống đời đời”.

Phần chúng ta, trước lời mời gọi đó, chúng ta phải đáp trả làm sao ? Vì thật ra, chính hôm nay và giờ nầy, ở giữa chúng ta, tấm Bánh ấy và Lời chân lý ấy lại một lần nữa được bẽ ra, được công bố. Không lẽ chúng ta đến đây chỉ để khoe khoang chiếc áo đẹp, mái tóc thời trang, hay đơn giản chỉ để xin xỏ sao cho được trúng số, nhiều tiền, làm ăn phát đạt…! Không, phải dứt khoát nghe lời Thánh Phaolô hôm nay: “đừng ăn ở như dân ngoại nữa, vì họ sống theo tư tưởng phù phiếm của họ…phải cở bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát vì bị nững ham muốn lừa dối…” (BĐ 2). Hy vong hôm nay, trong bàn tiệc Thánh Thể nầy, mọi người chúng ta sẽ tìm gặp được “bức thư tình của Thiên Chúa trong chính Tấm bánh Thánh Thể Ngài ban tặng”. Amen.