Cũng khá lâu, hôm nay mới có dịp ghé lại thăm Văn Chương - một người bạn, một người anh đã đi chung một quãng đường ơn gọi – Doanh nghiệp chuyên sản xuất các “sản phẩm” phục vụ cho nền nghệ thuật Thánh. Những ngày đầu, chỉ là một căn phòng nho nhỏ anh tạm thuê ở đường Nguyễn Văn Đậu, nay đã trở thành một “cơ ngơi rộng lớn” nằm cạnh quốc lộ 13 – Bình Triệu.

Xem các các phẩm của nghệ sĩ Văn Chương

Sinh ra ở vùng đất đậm chất “Thánh” Bùi Chua, vì hoàn cảnh sinh nhai, Văn Chương lặn lội lên Hà Thành tìm đất sống. Nảy sinh ý tưởng dâng mình cho Chúa, Văn Chương đã gặp Cha giáo Giuse Trịnh Ngọc Hiên để tìm hiểu ơn gọi trong Dòng Chúa Cứu Thế (nay Cha Giuse Trịnh Ngọc Hiên là Giám Đốc Học Viện Dòng Chúa Cứu Thế). Sau một thời gian tìm hiểu ơn gọi, lại vì kế sinh nhai, Văn Chương lại khăn gói vào Nam. Dù cuộc sống đầy bôn ba thử thách, Văn Chương vẫn tìm đến với ơn gọi Dòng Chúa Cứu Thế qua sự dìu dắt của Cha Giám đốc ơn gọi Giuse Nguyễn Ngọc Bích (nay Cha Bích là Cố Vấn Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế).

Với năng khiếu bẩm sinh từ bé và lòng yêu thích mỹ thuật, Văn Chương đã miệt mài sáng tác những tác phẩm Thánh. Vừa sáng tác vừa tìm hiểu ơn gọi. Đến một ngày kia, anh phải lựa chọn cho mình một con đường: theo nghệ thuật hay theo ơn gọi tu trì. Sau khi suy nghĩ và cầu nguyện nhiều, anh và Cha Giuse Nguyễn Ngọc Bích cùng vui vẻ đi đến quyết định là anh Văn Chương chuyển hướng nhận đi theo con đường nghệ thuật.

Ơn gọi nào cũng cao quý cả nếu như ta sống đúng, sống đẹp với ơn gọi ấy. Dù sống đời tận hiến, dù sống đời đôi bạn nhưng nếu ta hoàn trành trách nhiệm và ơn gọi với bậc sống ấy ta sẽ phát triển đời mình cách tròn vẹn như lòng Chúa mong muốn. Đến ngày hôm nay, Văn Chương mỉm cười thật bình an với con đường Chúa mời anh đi.

Anh mỉm cười với con đường anh đi vì lẽ anh đã góp một chút gì cho nền nghệ thuật Thánh. Nghệ thuật Thánh - con đường anh chọn - một cách nào đó cũng góp vào việc tôn vinh và thờ phượng Chúa cho phải lẽ.

Nhìn lại con đường hơn chục năm qua, không phải là “khai công kể trạng” nhưng dấu chân anh, bàn tay của Văn Chương đã ghi dấu trên mọi miền đất nước.

Một chút gì đó tình riêng với Đền Mẹ Hằng Cứư Giúp Thái Hà, Văn Chương đã sáng tác bức phù điêu kính mừng Các Thánh Tử Đạo Việt Nam như là một tác phẩm có một không hai để tạ ơn Chúa, tri ân Mẹ.

Một chút gì đó tình riêng với người dân tộc, Văn Chương đã miệt mài ngày đêm với hai tác phẩm lớn hoành tráng ở nhà thờ Plei-chuet do anh em Dòng Chúa Cứu Thế phụ trách cho anh chị em dân tộc thiểu số, cách riêng cho anh chị em dân tộc J’rai.

Một chút tình riêng với người nghèo, Văn Chương đã để lại dấu ấn ở giáo xứ Phú Lý, ở giáo điểm An Thới Đông …

Và, với tấm lòng yêu Mẹ, Hai Lúa Tô-ma Trần Quốc Hùng đang mời Văn Chương về thiết kế Hang Đá kính Mẹ ở Đền Mẹ Hằng Cứư Giúp La Mã Bến Tre.

Ai đã một lần tiếp xúc với Văn Chương, sẽ thấy anh có một lòng đam mê nghệ thuật thật lạ lùng. Dẫu biết rằng cũng cần phải có một chút đầu óc kinh tế mới có thể làm ăn, cũng cần một chút gì đó vốn liếng để cho doanh nghiệp của mình hoạt động và phát triển nhưng đối với Văn Chương, tất cả những chuyện kinh doanh và tiền bạc ấy anh hoàn toàn “khoán trắng” cho chị Sương - người vợ hiền dấu yêu của anh. Anh muốn dành tất cả tâm trí, thời gian, sức lực để đầu tư cho bộ môn nghệ thuật mà anh đang theo. Bên dưới niềm đam mê, nỗi khát khao sáng tác ấy đã là anh muốn gửi tâm tình mình qua những bức phù điêu, qua những bức tượng do anh sáng tác.

Thật ra mà nói, cái gì nó cũng ảnh hưởng đến kinh tế, đến đồng tiền. May mắn cho anh là anh có người vợ hiền và “cánh tay” mặt là chị Phương, người đồng vai sát cánh với anh trong việc điều hành và phân phối tượng ảnh hơn chục năm qua. Nhờ người vợ đảm đang và người quản lý trung tín mà Doanh nghiệp của anh không ngừng phát triển.

Hỏi đến sự phát triển của Doanh nghiệp mình, Văn Chương chỉ mỉm cười và nói: “Tất cả là hồng ân”.

Vâng ! Đối với Văn Chương: “Tất cả là hồng ân”, điều này chính xác và hoàn toàn chính xác khi nhìn thấy những công việc anh làm. Với ý thức “”Tất cả là hồng ân” nên Văn Chương đã chia sẻ hồng ân ấy cho những người nghèo khó tất bạt. Doanh nghiệp của anh hiện đang là nơi cưu mang của trên dưới bảy mươi nhân sự. Phải nói là góp phần giúp công ăn việc làm cho hơn bảy mươi con người không phải là đơn giản và điều lạ là những người ấy là những người nhà quê, những người nghèo. Những người nhà quê, những người nghèo ấy ban đầu chỉ với hai bàn tay trắng nhưng nay nhờ sự huấn luyện và đào tạo của anh, họ đã có công ăn việc làm ổn định. Những người nghèo ấy sống chung với anh dưới một mái nhà, dưới một mái ấm hơn là những người làm công, những người giúp việc.

Với một chút “máu” mà anh thừa hưởng nơi Dòng Chúa Cứu Thế - nơi anh có những năm tháng tu học – anh không chỉ cưu mang những người nghèo, những người xa quê mà còn cưu mang những đứa trẻ mồ côi, không nhà không cửa.

Trên lầu văn phòng của Văn Chương hình như lúc nào cũng tíu tít tiếng của trẻ con. Hoá ra là anh đang cưu mang hơn hai chục trẻ mồ côi. Xin phép anh để viết một chút về tấm lòng của anh với những đứa trẻ mồ côi nhưng anh bảo đừng. Anh bảo là mình làm gì mình vẫn thích âm thầm và lặng lẽ. Thế nhưng, đứng trước tấm lòng của người nghệ sĩ hết lòng vì Chúa, vì người nghèo, lẽ nào ta chẳng ghi nhận, chẳng trân trọng ấy sao ?

Phải nói là ngoài sức tưởng tượng của nhiều người. Chẳng ai hiểu một Văn Chương ngày ấy và Văn Chương bây giờ. Văn Chương ngày ấy mang trong mình dòng máu yêu người nghèo như Thánh Tổ phụ Anphongsô - Đấng sáng lập Dòng Chúa Cứu Thế - Dòng mà anh theo đuổi ơn gọi. Văn Chương ngày nay vẫn mang trong mình dòng máu yêu người nghèo.

Trong tình thân của người một thời tìm hiểu ơn gọi, anh cũng không ngần ngại chia sẻ niềm mơ nỗi ước của anh là anh đang dự định làm một văn phòng cho thuê để lấy cái phần cho thuê ấy mà nuôi những đứa trẻ mồ côi, những cụ già neo đơn không nơi nương tựa. Khi nghe tâm tư ấy, tôi cảm nhận nơi anh có một cái ơn thật lạ. Hiện tại, anh đã cưu mang nhiều rồi, đã là gánh nặng rồi nhưng hình như anh vẫn thấy người nghèo còn đến với anh, trẻ mồ côi vẫn cứ quấn bên anh để rồi mỗi lần nhìn những đứa trẻ mồ côi mà anh đang cưu mang vui vẻ nô đùa phần nào xoa dịu nỗi vất vả của anh.

Anh cũng không giấu được cảm xúc của anh là anh vẫn không thể nào quên được những ngày tháng được ẩn náu trong Dòng Thánh, anh vẫn không thể nào quên được hình ảnh của các cha như cha Giuse Trịnh Ngọc Hiên, Giuse Nguyễn Ngọc Bích, Đaminh Nguyễn Đức Thông, Phêrô Đinh Ngọc Lâm … và nhất là anh không quên được dòng máu yêu người nghèo. Những bài học, những tâm thức từ các cha giáo anh vẫn ủ ấp cho đến ngày hôm nay. Anh bộc bạch: “Nhờ những năm tháng được học trong nhà dòng mà ra đời mình “biết” cách sống với người khác hơn. Nhờ lối sống ấy, mọi người yêu và quý mình hơn …”.

Thật vậy, ai đã hơn một lần tiếp xúc với Văn Chương sẽ thấy trên anh một nụ cười hồn nhiên và sâu lắng. Chắc có lẽ luôn mang trong mình niềm vui, niềm hạnh phúc nhờ ơn Chúa nên tất cả các tác phẩm của anh đều ghi lại dấu ấn trong lòng người tín hữu. Đặc biệt, những bức tượng Mẹ La Vang của anh đã góp phần nào đó cho tình Mẹ và tình con được đầm ấm hơn nhờ cách “diễn đạt” của anh nơi ánh mắt của Mẹ hiền.

Chắc chắc, tương lai còn mở ngõ và cũng sẽ còn nhiều và nhiều khó khăn nhưng trong lòng tin mà anh từng ủ ấp “Tất cả là hồng ân” sẽ luôn ở mãi với anh và gia đình.

Sự rẽ hướng của Văn Chương, thoạt đầu cũng để lại nhiều nuối tiếc cho các cha giáo, cho anh em cùng lớp nhưng nay nhìn vào hoạt động của anh, các cha giáo và bạn bè cùng lớp cảm thấy an tâm hơn. Văn Chương không phục vụ ơn cứu độ bằng con đường tu trì nhưng Văn Chương đã phục vụ ơn cứu độ bằng cách góp “một chút gì gọi là” cho nền nghệ thuật Thánh. Một cách nào đó, qua bàn tay nghệ thuật của anh, anh đã làm cho tình Chúa – tình con, tình Mẹ tình con ngày một khăng khít hơn, trìu mến hơn qua ánh mắt của Chúa và Mẹ.

Qua bàn tay tuyệt tác của anh, anh đã “tạo” ra Chúa và Mẹ thật tuyệt vời. Lẽ nào, Chúa và Mẹ lại để cho anh phải bơ vơ tất bạt sao ?