III. Văn chương tiên tri

Các điều nói trên đây là những dẫn nhập sơ khởi để chúng ta khảo sát nền văn chương tiên tri của Cựu Ước. Chỉ dưới ánh sáng này, ta mới có thể hiểu nền văn chương này có nghĩa gì, ai sản xuất ra nó, và nhằm mục đích gì. Dĩ nhiên, chúng ta quan tâm đến nền văn chương tiên tri như đã được định nghĩa, nghĩa là, một nền văn chương do các tiên tri cổ điền có văn bản sản xuất ra. Qui điển Do Thái có tính bao gồm hơn khi kể là “các tiên tri sơ khởi” những gì chúng ta vẫn coi là các sách lịch sử (tức các sách đệ nhị luật). Chúng ta cũng không quan tâm tới các loại văn chương khác mà vì các lý do khác nhau người ta vốn kể có tính tiên tri, được đại diện bởi Ai Ca, Barúc, Đanien và Giôna.

(I) Các tiên tri có văn bản và các tiên tri không có văn bản

Theo một nghĩa, sự phân biệt giữa các tiên tri có văn bản và các tiên tri không có văn bản dựa trên một quan niệm sai lầm về lịch sử các tiên tri có văn bản, và dù sao, cũng có tính cách ngẫu nhiên. Vì phần lớn là nhờ các môn đệ của các tiên tri lớn mà ta có được các văn bản của các vị tiên tri lớn này.

Đàng khác, văn chương tiên tri không bao gồm các sách viết bởi các tác giả có văn bản cùng một cách như sách Rút, chẳng hạn, là sách được viết bởi một tác giả nhất định, hay cả như Sách Tin Mừng Gioan. Tên tuổi xuất hiện ở đầu các sách tiên tri quả đồng nhất một cách có thực chất với lời lẽ của một tiên tri riêng biệt. Tuy nhiên, các lời tiên tri này, phần lớn, là những lời đáng ghi nhớ được thu thập và hiệu đính từ các tiên tri, chứ không phải là các trước tác văn bản của chính các tiên tri. Chúng là kết quả của việc nối kết có tính biên tập những sưu tập nhỏ hơn gồm các lời tiên tri được nối với nhau nhờ các khẩu hiệu, sự giống nhau trong chủ đề, các thể văn hay sự tương tự về một khía cạnh nào đó.



Các sưu tập trên có thể do chính các tiên tri thực hiện không? Có thể lắm, nhưng không chắc chắn, như việc khảo sát từng “sách” tiên tri cá thể đã cho thấy. Trong nhiều điển hình, các nhà sưu tập các lời tiên tri kia hiển nhiên thiếu các tín liệu chỉ có các tác giả mới có thể có được. Một điều nữa là tư liệu về tiểu sử ở ngôi thứ ba đã tạo nên phần chủ yếu của nhiều sách tiên tri. Cả ở đây nữa, các tiên tri rất có thể viết về mình ở ngôi thứ ba; tuy nhiên, sẽ hợp lý hơn nhiều khi cho rằng tư liệu này phát xuất từ cùng một nguồn có trách nhiệm đối với sưu tập, tức các môn đệ của các tiên tri. Chúng ta đã được minh nhiên cho hay về sự hiện hữu của các môn đệ này và về vai trò của họ trong việc duy trì và thông truyền lời lẽ của thầy mình – thí dụ Is 8:16-20, Giêrêmia 36 cũng là một nguồn thông tin qúy giá, miêu tả giai đoạn đầu trong việc thu thập Sách Giêrêmia khi một số các lời tiên tri của Giêrêmia đã được viết xuống bởi lời ông đọc cho môn đệ Barúc. Tương tự như thế, nhiều lời tiên tri trong các sách tiên tri khác cho thấy các dấu hiệu chúng đã được đọc để được viết xuống. Ngay đối với Sách Amốt cũng thế: vị này vốn được coi như một tiên tri thuộc loại riêng biệt, nhưng trong Sách này, ta thấy không những có các tư liệu thuộc ngôi thứ ba (7:10-17) mà cả các trình thuật ở ngôi thứ nhất nhưng giả thiết có sự hiện diện của những thính giả thân hữu có nhiệm vụ ghi nhớ và ghi chép (xem 7: 1,4,7: 8:1-2). Cũng chính trong vòng các môn đệ mà khởi nguyên các tư liệu riêng, như “các lời thú tội” của Giêrêmia (12:1-6; 15:15-21…) đã được duy trì và được thầy tiết lộ cho trò và thoạt đầu không có ý định phổ biến cho công chúng.

Khả thể trên nêu lên câu hỏi về ipsissima verba (chính lời lẽ) của các tiên tri. Đến mức nào các lời tiên tri của Amốt, Hôsê, Isaia và các tiên tri khác xem ra y hệt như đã nói ra ngay từ đầu? Câu trả lời cho câu hỏi này không hề đơn giản, mà một câu trả lời đơn độc cũng không đủ cho mọi trường hợp.

Nói chung, chúng ta có đủ lý do để nghĩ rằng trong phần lớn các bản văn thi ca quan trọng hàng đầu đối với một sách tiên tri nhất định, chúng ta có sự chép lại theo thực chất chính lời lẽ nguyên thủy của vị tiên tri. Ta có thể nghĩ rằng trong một vài điển hình, những lời lẽ này đã được chính vị tiên tri ghi lại, trên các vỏ hào (ostraca) hay các phương tiện ghi chép quen thuộc khác. Tuy nhiên, điều này không nhất thiết, xét vì cấu trúc thi ca có bản chất làm dễ dàng việc nhớ và lưu truyền chính xác. Thực vậy, từ các tư liệu thi ca này thấy xuất hiện nhiều văn phong và hằng số khác biệt, để có thể nói đến một đặc điểm Amốt hay Isaia để dễ dàng tách biệt tư liệu của Giêrêmia khỏi tư liệu của Barúc v.v…

Các tư liệu văn xuôi cho ta nhiều khó khăn phụ trội. Dĩ nhiên, một tiên tri có thể sản xuất ra cả thi ca lẫn văn xuôi và có nhiều liều lượng văn xuôi trong các sách tiên tri chắc chắn có hoàn cảnh đời thực chân chính trong thừa tác vụ của các tiên tri cá thể. Tuy nhiên, những gì chúng ta biết được về diễn trình nói tiên tri thông thường khuyến khích ta nghĩ rằng hình thức thông thường của nó là việc nói ra những câu quả quyết tương đối ngắn bằng thi ca. Các phần văn xuôi trong văn chương tiên tri thường có dáng dấp sản phẩm văn chương hơn là các lời nói với cử tọa. Do đó, chúng thường là những câu dẫn giải hay tóm tắt các lời tiên tri chứ không hẳn là chính các lời tiên tri. Các lời dẫn giải này cũng có thể là công trình của vị tiên tri, giống như Thánh Gioan Thánh Giá viết những câu văn xuôi giải thích các kinh nghiệm thi ca của ngài; nhưng thông thường hơn, chúng là các lời nhắc lại ý nghĩa lời tiên tri, đôi khi duy trì được các trích đoạn ngắn chính các lời lẽ nguyên thủy như truyền thống đã truyền lại. Giả thuyết này xem ra được đặc biệt xác nhận trong trường hợp Giêrêmia; nhiều lời tiên tri của sách này hiển nhiên đã được truyền tụng trong các giới chịu ảnh hưởng nặng nể của văn phong và ngữ vựng đệ nhị luật.

(II) Các hình thức văn chương tiên tri

Tư liệu đặc biệt có tính tiên tri hơn cả tìm thấy trong các sách tiên tri là sấm ngôn, nghĩa là mạc khải của Thiên Chúa. Như chúng ta đã chỉ ra trên đây, sấm ngôn thường là một câu thơ ngắn, mặc dù, trong văn chương tiên tri, các sấm ngôn thuộc loại tương tự thường được nối kết với nhau để trở thành một đơn vị lớn hơn, đôi khi do chính vị tiên tri, nhưng thường là do một người hiệu đính. Để làm nổi bật nguồn gốc thần linh của sấm ngôn, tiên tri thường có lời phi lộ, lời kết luận hay xen vào đó những nhắc nhở thích hợp: “Giavê phán thế”; “Giavê nói” v.v… Tuy nhiên, tiên tri cũng có thể nói nhân danh mình như là phát ngôn viên của Thiên Chúa.

Các tác giả có thói quen phân biệt nhiều loại sấm ngôn khác nhau tùy thuộc bản chất chính xác của lời Chúa đang được thông truyền. Nó có thể được phân biệt thành lời tiên tri bất hạnh hay lời tiên tri hạnh phước, cho biết sự ác sắp đến hay việc tốt sắp xẩy ra. Lời tiên tri tiền lưu đầy chủ yếu thuộc loại bất hạnh (xem Grm 28:8), điều này không nhất thiết có nghĩa mọi hay phần lớn các lời tiên tri hạnh phước trong các sách của các tiên tri tiền lưu đầy phát xuất từ các bổ túc về sau của các tiên tri hậu lưu đầy; ngay Amốt, người bi quan hơn cả trong các tiên tri tiền lưu đầy cũng đã có thể đưa ra nhiều lời tiên tri có giá trị về cứu rỗi (5:15). Tuy nhiên, đúng là lời tiên tri cứu rỗi có đặc điểm hậu lưu đầy rõ rệt, y như lời tiên tri bất hạnh có đặc điểm tiền lưu đầy 1 cách rõ ràng. Các lời tiên tri bất hạnh dành cho các dân tộc ngoại giáo chống lại sự thống trị của Giavê là đặc điểm của cả lời tiên tri tiền lẫn hậu lưu đầy.

Sự tối tăm thường là đặc tính của việc nói tiên tri: sự mơ hồ trong sấm ngôn Delphic đã thành thành ngữ thời cổ điển xưa. Tuy nhiên, chính hoạt động soạn thảo thường đã làm tối ý nghĩa đối với chúng ta (bất kể đối với người đương thời của soạn giả có rõ ràng đến đâu), thí dụ như khi ta phải phân biệt đâu là họa đâu là phúc trong một bản văn như Is 7:13tt.

Lời Thiên Chúa qua trung gian việc nói tiên tri không hoàn toàn hay không chủ yếu có tính có thể tiên đoán. Một sấm ngôn tiên tri về họa có thể và thường là việc Thiên Chúa kết án tội lỗi (xem Is 1:2-3; 3:12-15…) hay là lời kêu gọi thống hối (xem Am 5:4-5a; Xp 2:3) mà giản lược có thể coi như nhau. Chính trong các lời tiên tri như thế, ta tìm thấy nguồn chính của học lý xã hội và luân lý được mạc khải qua các tiên tri. Như thế, rõ ràng, một sấm ngôn, cùng một lúc, có thể là lời kết án, lời khuyên bảo, và một lời tiên tri về họa hay phúc.

Hoàn cảnh chính xác trong đó các tiên tri nói ra phần lớn các sấm ngôn trên không được mô tả cho ta, nên chúng ta chỉ có thể đưa ra giả thuyết. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, tiên tri thuật lại kinh nghiệm nói tiên tri của mình, phát biểu lại sấm ngôn như là một phần của trình thuật; nhờ các miêu tả này, ta có được một ý tưởng tốt hơn về diễn trình nói tiên tri. Do đó, Amốt miêu tả các thị kiến khác nhau trong đó lời Thiên Chúa đã được mạc khải cho ông (7:1-9; 8:1-3; 9:1tt) cũng như Giêrêmia (13:1-11) và các tiên tri khác. Trong Êdêkien, những miêu tả này thường khá chi tiết (thí dụ 8:3tt; 37:1-14) và, như thế, trở thành mẫu mực để bắt chước trong hàng tiên tri hậu lưu đầy và khải huyền trong đó thị kiến là thực chất chứ không phải chỉ là dịp của lời tiên tri. Một số thị kiến của Êdêkien đọc nghe như trải nghiệm xuất thần; tuy nhiên, các miêu tả tiên tri trước đó dường như chỉ là những biến cố tầm thường qua đó tiên tri được ban cho sự thông sáng đặc biệt nhờ việc tiếp xúc của ông với Thiên Chúa.



Sự viết lại lời tiên tri bởi chính vị tiên tri có nhiều hình thức khác hơn trình thuật thị kiến. Amốt 1:3-2:8 đã sử dụng hình thức thi ca cổ xưa thấy có cả trong một số văn chương khôn ngoan (xem Châm Ngôn 30:15tt). Edk 19:2-14, 27:3-9 v.v… và nhiều đoạn tiên tri khác đã được soạn thảo dưới hình thức “truy điệu ca” (qînâ) trong khi Is 5:1-7 khởi đầu bằng 1 bài tình ca được những người hát rong ở đường phố đô thị hát. Chúng ta đã nhắc tới “vụ kiện giao ước”, 1 hình thức mượn của nghi thức giao ước xưa rất nổi tiếng. Một hình thức mở rộng của nó trong Mk 6:1-8 xem ra khá được mô phỏng theo phụng vụ Đền Thờ mà chúng ta từng được thấy một số điển hình trong các Thánh Vịnh. Nhiều đoạn tiên tri khác rất thông thường trong văn chương tiên tri là các bài giảng tiên tri (tôrâ), cả bằng văn xuôi lẫn thi ca, tức lời giáo huấn tương ứng với tôrâ tư tế trong các đền thánh. Chính từ các điển hình tôrâ trình bầy trong các các sách tiên tri khác nhau đó mà ta rút ra được học lý và cách nói có tính tiên tri một cách đặc trưng, vì đến thời đến lúc, bài giảng loại này đã tạo ra một truyền thống văn chương riêng y hệt như tôrâ tư tế.

Điều ta gọi là các hành vi tượng trưng của các tiên tri cũng có thể được xếp vào các hình thức văn chương khác nhau, vì các hành vi này cũng là những lời tiên tri. Hành vi tượng trưng được năng tìm thấy nơi tiên tri Êdêkien nhiều hơn nơi bất cứ tiên tri nào khác, tuy nhiên không phải chỉ một mình ông mới có. Cuộc hôn nhân của Hôsê (Hs 1-3), việc ở trần của Isaia (20:1-6), Tên Sơ-a Gia-súp ông đặt cho con trai (7:3), việc ở độc thân của Giêrêmia (16:1-4) và việc ông mua thửa vườn của Khanaên (32: 6tt) đều là các hành vi tượng trưng. Ta gọi chúng là tượng trưng vì ta nghĩ chúng là các dấu chỉ của một thực tại khác. Tuy nhiên, đối với tâm trí Cựu Ước, tự chúng, chúng là các thực tại, là lời tiên tri được biến thành hữu hình. Khi Êdêkien vẽ ra những con đường dẫn ra khỏi Babylon (21:23tt), không phải ông chỉ nghĩ ra một biến cố để theo; mà theo một nghĩa nào đó, ông đang đem biến cố này vào hiện hữu. Cuộc sống và các việc làm của vị tiên tri đều tràn ngập các lời tiên tri giống như lời nói của các ngài vậy, vì tâm trí Thánh Kinh không hề phân biệt giữa hai điều này.

(III) Hình thành các sách tiên tri

Không có chỗ và cũng không phải là chỗ để ta đi vào lịch sử soạn thảo của từng sách tiên tri ở đây. Lịch sử này khá phức tạp và khác nhau từ sách này qua sách nọ; việc xem xét cẩn trọng hơn đối với sách này hay sách nọ sẽ được tìm thấy ở phần chú giải của từng sách liên hệ. Ở đây, chúng ta chỉ ghi nhận các chi tiết lịch sử nào áp dụng cho việc hình thành nền văn chương tiên tri nói chung mà thôi.

Các đồ đệ của các vị tiên tri chắc chắn có trách nhiệm thực hiện công việc đầu tiên là thu thập và viết xuống các sấm ngôn, các bài giảng, và các tư liệu văn xuôi cũng như thi ca khác, mà một số được duy trì trong chính lời nói của vị tiên tri và một số do các môn đệ nhớ được và dẫn giải. Thêm vào đó, các môn đệ còn lồng vào các ký ức về tiểu sử và đôi khi cả các tư liệu khác có liên quan nữa (thí dụ ca khúc sáng thế được dùng để tạo nên các bài tụng ca trong Amốt 4:13; 5:8-9; 9:5-6). Toàn bộ sưu tập đã được thu thập như thế sẽ được sắp xếp theo một trật tự nào đó theo chủ đề hay theo thứ tự thời gian, hoặc cả hai. Đôi khi các đơn vị nguyên thủy được duy trì (thí dụ, có lẽ Am 1: 3-2:8), nhưng nói chung, các đơn vị hoàn thành đều là công trình của các môn đệ vì tư liệu tiên tri thường được tạo ra từng chút một suốt trong các thừa tác vụ tiên tri lâu dài. Do đó, đoạn có tính tiểu sử của Am 7:10-17 đã được đặt sau trình thuật của chính Amốt về cuộc thị kiến của ông ở 7:7-9 vì ở đấy có nhắc đến nhà Gia-róp-am. Tương tự như thế, đọan tiểu sử ở Hs 1, các sấm ngôn ở Hs 2, và đoạn tự thuật ở Hs 3 đã được thống nhất vì sự đồng nhất của chủ đề. Rất có thể một môn đệ hiệu đính viên đã đặt Am 1:2, phát xuất bất cứ lúc nào trong sự nghiệp của tiên tri, ở đầu sách, nơi nay được dùng như lời dẫn nhập vào toàn sưu tập.

Việc hiệu đính do các môn đệ của tiên tri thực hiện chắc chắn bao gồm cả việc tu sửa có tính soạn thảo lẫn việc thu thập lời lẽ của ngài. Một việc tu sửa nữa diễn ra sau khi sưu tập tiên tri đã được đem ra sử dụng nơi công chúng. Các lời nhắc đến Giuđa trong bản văn Hípri hiện thời của Amốt 6:1; Hs 6:4 có lẽ, và phần chắc trong trường hợp Hs 12:3, là kết quả của việc thay đổi từ “Israel” nguyên thủy. Sau khi vương quốc phía bắc sụp đổ, các lời tiên tri của Amốt và Hôsê được lưu truyền ở phía nam,và các thích ứng này được thực hiện để chứng tỏ khả thể áp dụng chúng một cách liên tục. Các tu sửa tương tự như thế đã thích ứng các lời tiên tri khác vào tình thế hậu lưu đầy.

Việc hiệu đính các sưu tập tiên tri hiện nay phần lớn xem ra đều thuộc thời hậu lưu đầy. Chính vào thời gian này, các tước hiệu và định mức thời gian đã được thêm vào đầu sách. Các định mức thời gian đều chỉ về Giuđa, dù là với các công trình như Amốt và Hôsê, là những công trình nguyên thủy chỉ quan tâm tới Israel. Hơn nữa, các định mức này không luôn luôn ăn ý với nội dung tiên tri.

Các hiệu đính viên hậu lưu đầy, những người được chứng kiến sự nên trọn của lời tiên tri bất hạnh tiền lưu đầy và vẫn còn trải nghiệm thời lưu đầy và hậu lưu đầy, đã theo một phác thảo khá có tính tiêu chuẩn trong việc phân phối các sưu tập tiên tri. Họ có xu hướng tập trung các sấm ngôn bất hạnh ở đầu sách và các sấm ngôn hạnh phước (cứu rỗi) ở cuối sách; ở giữa, họ đặt các sấm ngôn chống lại Dân Ngoại. Mục đích của lối sắp xếp này là để nói lên niềm tin của họ vào việc phục hồi một Israel được cứu chuộc qua việc bại trận của các kẻ thù Thiên Chúa và dân của Người. Đồng thời, họ muốn lợi dụng cơ hội này để đặc biệt bổ túc cho các đoạn 2 và 3 của các phần này bằng các đoạn tiên tri tương tự khác, cập nhật hóa các sấm ngôn chống lại các Dân Ngoại (thí dụ, bằng cách lồng vào các sấm ngôn chống lại Babylon ở Is 13:1-14:23) và bao gồm các chủ đề cứu rỗi mới như việc tái thống nhất Israel và Giuđa rút từ Giêrêmia và Êdêkien. Mọi loại tư liệu bổ sung đều được thêm vào để mở rộng các sách tiên tri. Ngay những sách tiên tri hoàn toàn nói đến đại họa như sách Amốt cũng nhận được lời bạt nói tới cứu rỗi (9:8b-15), và có man vàn các đoạn thêm vào thuộc loại này (xem Hs 1:7; 3:5b; Mk 3:24b; v.v…). Vì nhiều lý do khác, các loại thêm vào này đã được thực hiện, như tư liệu giầu tính lịch sử liên quan tới nhiều tiên tri quan trọng như Isaia (các chương 36-39, xem 2V 18:13-20:19) và Giêrêmia (chương 52; xem 2V 24:18-25:30).

Có thể bản văn của một số văn chương tiên tri vẫn còn tương đối có thể thay đổi được cho tới khi nó được lồng vào qui điển (như Giêrêmia chẳng hạn). Dĩ nhiên, còn có những thêm thắt và sửa đổi nữa, kết quả của chú thích hay tự ý thêm vào không hề có nghĩa thánh kinh.

IV. Lời tiên tri

Quan tâm của chúng ta đối với nền văn chương tiên tri, khỏi cần nói, không phải chỉ vì chúng ta lưu ý tới một hiện tương tôn giáo cổ xưa. Lời tiên tri không những là, mà vẫn còn là lời của Thiên Chúa. Nếu trọn bộ Sách Thánh là lời Thiên Chúa, thì điều đó càng đúng một cách siêu việt đối với lời tiên tri trong đó Thiên Chúa đã quyết định nói trực tiếp với dân của Người. Hơn nữa, nó không phải là một ghi chép văn khố mà là lời hằng sống của một Thiên Chúa hằng sống.



Ý tưởng đó, ít nhất, là quan điểm của Thánh Kinh. Chúng ta từng quả quyết rằng các hành vi tượng trưng của các tiên tri không phải chỉ là dấu hiệu mà là những công trình hữu hiệu. Điều này dĩ nhiên càng đúng đối với các phát biểu của các ngài. Lời trách móc của Êlia ngỏ với A-Kháp “ngươi là kẻ gây rối của Israel” (1V 18:17) và lời khiếu nại của Vua Israel về việc Mikhagiơhu không nói tiên tri điều tốt cho ông ta (1V 22:8) không phải là lời hờn dỗi phi lý lúc thoạt mới nghe. Đúng hơn, chúng thừa nhận rằng lời tiên tri là quyền năng phát xuất từ Thiên Chúa và vị tiên tri là dụng cụ qua đó quyền năng kia được chuyển thông. Lời tiên tri có sự sống riêng của nó một khi nó thoát ra từ cửa miệng tiên tri và vị tiên tri đồng nhất với lời ngài nói ra.

Nếu chúng ta chia sẻ quan điểm thánh kinh này, thì chúng ta phải nhìn nhận hai điều. Thứ nhất, lời tiên tri lớn lao hơn chính vị tiên tri, điều mà chính các tiên tri là những người đầu tiên thừa nhận. Ta biết đến sự lớn lao này nhờ việc nên trọn trong Tân Ước, một điều, ngược lại, không phải là việc xẩy ra của một quá khứ chết nhưng là của một thực tại sống động và không ngừng phát triển. Thứ hai, lời tiên tri là lời của Isaia, hay Amốt, hay Giêrêmia, hay có lẽ của một người ta không biết tên, một người, dù sao, đích thân can dự vào lời này, sống cho nó và sẵn sàng chết vì nó. Nếu chúng ta muốn tiếp nhận sứ điệp này như Thiên Chúa đã tỏ bày cho ta, ta phải tiếp nhận nó như nó đã đến qua miệng các tiên tri của Israel. Bất cứ điều gì kém thế đều không phải là lời tiên tri.

Viết theo Bruce Vawter, C.M. †, "Introduction to Prophetic Literature" trong The New Jerome Biblical Commentary, Student Edition, các trang 186-200