Lễ Chúa Ba Ngôi

“Kitô hữu là người được diễm phúc mang Chúa Ba Ngôi trong cung lòng nhỏ bé của mình”.

Mừng lễ Chúa Ba Ngôi chúng ta chiêm ngắm sự hiện diện của Ba Ngôi ở trong ta. Tin mừng của thánh Gioan: “Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” hoặc là: “Thánh Thần sẽ ở lại bên cạnh anh em và sẽ ở trong anh em”. Đó là Tin Mừng quá đỗi lớn lao: Thiên Chúa siêu việt xa thẳm lại ở rất gần ta, chỉ cần quay vào nội tâm là ta gặp được Ngài. Kitô hữu là người mang trời cao, mang thiên quốc trong mãnh đời yếu đuối của mình.

Mỗi ngày chúng ta làm dấu thánh giá nhiều lần, chúng ta nhắc đến Chúa Ba Ngôi là Cha, Con và Thánh Thần.

Chúng ta muốn ghi dấu của Ba Ngôi trên thân thể, và trên mọi hoạt động của ta, hay đúng hơn chính Ba Ngôi đã không ngừng ghi dấu trên cuộc đời ta và trong suốt dòng lịch sử mầu nhiệm một Thiên Chúa duy nhất trong Ba Ngôi vị là mầu nhiệm được Chúa Giêsu mặc khải cho ta, nếu không trí khôn trăm lần hạn hẹp của loài người không bao giờ có thể nghĩ đến. Chúa Giêsu tỏ bày nên con người chúng ta mới nghe nói đến việc lạ lùng như sau: Đức Chúa Cha là Đấng yêu thương Đức Chúa Con và hằng sinh ra Đức Chúa Con. Đức Chúa Con là người được yêu và được Cha sai vào thế giới. Đức Chúa Thánh Thần là tình yêu nối kết Chúa Cha và Chúa Con.

Như vậy, Thiên Chúa của kitô giáo không phải là một ngôi vị đơn độc, nhưng là Ba Ngôi hiệp thông chặt chẽ với nhau. Ba Ngôi chia sẽ cho nhau mọi sự mình có: “Mọi sự Cha có đều là của Thầy”.

Ba Ngôi cùng nhau hành động trong sự hoà hợp. Thánh Thần không tự mình mà nói nhưng chỉ nhắc lại và đào sâu lời Đức Giêsu, giống như Đức Giêsu đã chẳng tự mình mà nói nhưng chỉ nói những gì mình nghe được từ Cha. Thánh Thần sẽ tôn vinh Đức Giêsu như Đức Giêsu đã suốt cuộc đời tôn vinh Cha.

Nếu sống là sống với, sống cho, sống nhờ thì ta có thể gặp được mẫu mực sống tuyệt vời nơi Ba Ngôi Thiên Chúa. Mỗi ngôi đều không tìm gì cho mình mà chỉ sống cho ngôi khác và từ đó tạo ra khuôn mặt riêng của mình.

Hội Thánh cũng vừa duy nhất nhưng cũng vừa đa dạng. Mười hai tông đồ, bốn sách Tin Mừng…Để sự duy nhất không trở thành độc khối nghèo nàn, để sự đa dạng không trở thành cớ chia rẽ thì cần có sự hiệp thông sâu xa trong Hội Thánh. Đời sống của Ba Ngôi là mẫu mực cho mọi tổ chức của con người trên trần thế. Hiểu được như thế, chúng ta mới quả quyết Ba Ngôi Thiên Chúa là gương mẫu để chúng ta đoàn kết yêu thương nhau.

Quả thực, mỗi người chúng ta khác nhau về giới tính nam-nữ; già-trẻ; về trình độ học vấn cao-thấp; về điều kiện kinh tế giàu-nghèo;về chọn lựa, ước mơ, cá tính…Tuy nhiên, nhiều người quá chú tâm về sự khác biệt đó để ghen tỵ, buồn chán, để hận mình và thù người. Họ cứ hỏi: sao mình không đẹp như người khác, tài giỏi như người này người nọ, giàu sang như người kia…Họ tốn bao nhiêu thời giờ sức lực để suy nghĩ về những cái có của người khác, mà quên đi cái có của mình. Họ quên rằng họ luôn là một con người độc đáo, không ai giống ai trong hơn 6,5 tỷ người đang sống trên mặt đất. Nếu họ khám phá ra ơn Chúa và tình yêu Chúa dành cho họ cách độc đáo thì họ sẽ phát huy ân sủng đó cách kỳ diệu để trở thành con người phi thường trước mặt Thiên Chúa cũng như trong xã hội loài người. Ba Ngôi Thiên Chúa trở thành gương mẫu cho ta vì dù Ba Ngôi khác biệt nhau nhưng luôn kết hợp với nhau và cùng hành động để mang lại hạnh phúc cho muôn loài, như thánh Phaolô đã diễn tả trong bài đọc 2 hôm nay: “ Anh em đã lãnh nhân tinh thần nghĩa-tử; trong tinh thần ấy chúng ta kêu lên rằng: Abba, lạy Cha”.

Đối với người Việt nam, chúng ta cần học ở Ba Ngôi Thiên Chúa bài học này vì bản sắc của người Việt Nam đã mang một số nét đặc biệt do hoàn cảnh lịch sử và văn hoá để lại. Chúng ta thuộc dòng tộc Bách việt với hàng trăm bộ lạc khác nhau nhưng đã biết đoàn kết để dựng nên đất nước dưới đời các Vua Hùng “ Các vua Hùng có công dựng nước, Bác-Cháu ta có công giữ nước). Với truyền thuyết Mẹ Âu Cơ sinh ra một bọc trăm trứng nở ra trăm con…Nhưng từ năm 111 TCN đến năm 938 trong suốt gần một nghìn năm đất nước ta bị người Trung Hoa đô hộ thì họ luôn tìm cách chia rẽ gieo nghi ngờ giữa bộ tộc này với bộ tộc khác, giữa cá nhân này với các nhân khác để chúng ta không thể nào đoàn kết để lật đổ ách thống trị của họ.

Vì thế, người Việt Nam chỉ thích sống một mình, làm việc một mình vì sợ ai cũng có thể tố cáo mình với kẻ thù. Sống mãi trong tình trạng đơn độc, lo sợ như vậy từ thế hệ này sang thế hệ khác đến nỗi nó đã trở thành một bản sắc tâm lý xã hội của người Việt Nam. Người Việt Nam làm cái gì một mình cũng giỏi, học cái gì một mình cũng hơn người nhưng có 2,3 người Việt Nam họp lại là họ nghi ngờ ngại ngùng với nhau và rất khó cộng tác với nhau. Các nhà khoa học xã hội Mỹ nghiên cứu thấy rằng: “Một người Việt Nam thì giỏi, 3 người Việt Nam thì có xung đột, 7 người Việt Nam thì hỏng việc”. Điều nhận xét này không biết có quá đáng hay không ? Có lẽ điều đó quý vị có kinh nghiệm hơn tôi.

Từ năm 938 khi Ngô Quyền thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng cho đến nay lịch sử Việt Nam đã được ghi nhận là người Việt đã biết đoàn kết để tạo sức mạnh chống ngoại xâm. Nhưng mỗi đời vua, sau khi chiến thắng rồi chỉ biết đến dòng họ của mình, chỉ bảo vệ quyền lợi của tổ tiên mình và phá huỷ vết tích của các dòng họ khác. Họ chỉ tin tưởng những người cùng dòng họ với mình nên mới có câu: “Một người làm quan cả họ được cậy”. Thậm chí người phụ nữ lấy chồng cũng phải theo con đường bảo vệ dòng họ đó: “Lấy chồng thì phải theo chồng. Lấy chồng phải gánh giang sơn nhà chồng”. Kể cả ngay trong Giáo Hội họ cũng chỉ thân cận với người cùng giáo họ, giáo xứ, giáo phận chứ ít khi mở rộng tấm lòng để lo cho công việc chung của cả dân tộc.

Dịp này, dư luận xôn xao về dự án Bauxit Tây Nguyên. Theo tin mà tôi được biết đã có trên dươí 2000 (hai ngàn) nhà khoa học trong và ngoài nước đã lên tiếng cảnh báo về dự án này, thư kêu gọi của Lm Quang Uy và nhiều giáo xứ đã lên tiếng, đồng thời đại tướng Võ Nguyên Giáp (trong vòng 6 tháng 05/01/09 đến 20/05/09) cũng đã gửi 3 thư đến các nhà lãnh đạo về vấn đề khai thác Bauxit, hầu như đều có nội dung kiến nghị với các nhà lãnh đạo cho dừng khai thác dự án này, kể cả các dự án thí điểm. Vì theo phân tích, nhận định của các nhà khoa học dự án này sẽ ảnh hưởng rất lớn tới môi trường, sinh thái cũng như vấn đề về an ninh quốc phòng, và lúc này cũng đang được Quốc hội đưa ra bàn thảo (Không biết QH kết luận như thế nào, thôi thì: Hồi sau sẽ rõ).

Song song với kiến nghị của các nhà khoa học trong và ngoài nước, của đại tướng Võ Nguyễn Giáp, của trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (đất của người Việt Nam thì để người Việt Nam làm không đưa người nước ngoài vào). Và mới đây(31.05.09) Đức Hồng Y Tổng Giám Mục GB Nguyễn Minh Mẫn cũng đã ra Lá Thư Mục Tử kêu gọi các kitô hữu phải gìn giữ, bảo vệ và chăm sóc môi trường thiên nhiên. Ngài nói: “Môi trường thiên nhiên là quà tặng của Đấng Tạo Hoá và là tài nguyên dành cho hết mọi người, không ai trong chúng ta tạo dựng nên môi trường thiên nhiên. Khi ta sinh ra môi trường đã có đó rồi. Và đời sống con người gắn liền với thiên nhiên, nhờ đó ta sống và lớn lên. Quà tặng và tài nguyên này được dành cho tất cả mọi người, chứ không chỉ dành riêng cho một ai hoặc một thiểu số nào, cũng không chỉ dành riêng cho thế hệ hiện tại mà còn cho cả thế hệ tương lai. Do đó, mọi người đều có trách nhiệm và nghĩa vụ phải tôn trọng, gìn giữ và bảo vệ môi trường sống của mình và cũng là của mọi người trong cộng đồng dân tộc và cùng với thế giới hôm nay”. Và Ngài nhấn mạnh đối với người kitô hữu thì đây: “Không chỉ là một trách nhiệm xã hội mà còn là đòi hỏi của niềm tin, là một nghĩa vụ cao cả, vì lẽ ta được cộng tác với Thiên Chúa trong công trình sáng tạo.

Chúng ta nghĩ sao về hiện tình ở trên…Thư Hội Đồng Giám Mục Việt Nam 1980 nói “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc”. Kinh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam mà hằng ngày chúng ta đọc: “Xin cho chúng con biết yêu mến quê hương” Cho chúng con đủ sức vâng theo ý Chúa… ý Chúa ở đây là gì vậy?!

Bài học về Thiên Chúa Ba Ngôi hôm nay mời gọi chúng ta giữ gìn tình đồng hương, quý trọng sự khác biệt, nhưng lại phải luôn biết mở rộng tâm hồn cho đại sự, cho chính nghĩa, giám hy sinh ý riêng mình cho đại nghĩa được tôn trọng và cho đại sự được hình thành tốt đẹp. Amen.

HươnGiang.