HÀ NỘI - Lúc 18 giờ chiều ngày 18/5/2009, tại Nhà thờ Chính Toà Hà Nội, Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt và quý Cha đã long trọng cử hành Thánh lễ cầu nguyện cho Đức Cố Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn nhân dịp kỷ niệm 19 năm ngày Ngày Về Nhà Cha.

Đức hồng y Giuse Maria Trịnh Văn Căn sinh ngày 19/03/1921, đúng ngày lễ kính thánh Giuse, do đó nhận thánh Giuse làm bổn mạng. Quê làng Bút Đông, xã Trát Bút (nay là xã Châu Giang), huyện Duy Tiên, Hà Nam.

Bút Đông là một giáo xứ lớn được hình thành từ lâu đời nằm ở mạn Tây sông Hồng đối diện với Phố Hiến. Bút Đông là một làng lớn có khoảng 3.000 nhân khẩu lương giáo sống hòa đồng. Bút Đông, từ lâu đời đã có nhiều cơ sở Công giáo: chủng viện Hoàng Nguyên, dòng Mến Thánh giá Bái Vàng. Bút Đông, nơi cư trú của linh mục thừa sai thông thái Théophane Vénard (tên Việt là VEN, 1829-1861) là giáo sư chủng viện Hoàng Nguyên và dịch giả cuốn Phúc Âm đầu tiên cho giáo dân người Việt, là thánh Tử Đạo.

Bút Đông là quê hương của nhiều vị linh mục và của hai Giám mục Giuse Nguyễn Tùng Cương - giáo phận Hải Phòng và Giuse Maria Trịnh Chính Trực - giáo phận Buôn Mê Thuột, và của vị Hồng Y thứ hai của giáo hội Công giáo tại Việt Nam - Giuse Maria Trịnh Văn Căn.

Việc dâng mình đi tu của cậu Trịnh Văn Căn diễn tiến đơn giản mà dứt khoát. Hôm ấy, hai mẹ con vào thăm Cha Xứ, tình cờ gặp Thầy Phêrô Nguyễn Đức Tín. Thầy hỏi cậu Căn có muốn theo Thầy không? Thế là cậu theo Thầy!

Hôm sau, 29-06-1929, mẹ tiễn con đến cầu Hòa Mạc, con theo Thầy xuống Nam Định tá túc thụ giáo với linh mục Xứ Nam Định Pédebidau (tên VN: Hóa).

Năm sau, 1930, Thầy Phêrô Tín chịu chức linh mục, về giúp xứ Kẻ Vôi, đưa cậu đệ tử theo, cho học trường Thường Tín. Năm 1931, cậu Căn đỗ bằng Sơ học Yếu lược Pháp-Việt. Từ đấy cậu bắt đầu cuộc sống học tập tu trì tại trường Tập Hà Nội trong 3 năm.

Đầu niên khóa 1934-1935, vào Tiểu chủng viện Hoàng Nguyên, đời linh mục Binet (Cố Ninh) làm Giám đốc, trong 5 năm. Sau 5 năm giúp xứ Yên Mỹ, một xứ đạo nhỏ trải dài bên sông Hồng, năm 1941 Thầy Trịnh Văn Căn được gọi về học Đại chủng viện Liễu Giai do các linh mục Xuân Bích điều hành dưới quyền linh mục Giám đốc Palliard (Lý).

Ngày 19-12-1946, chiến tranh chống Pháp toàn quốc bùng nổ, Đại chủng viện đóng cửa, Thầy Trịnh Văn Căn tản cư về quê Bút Đông rồi lên Đại Ơn với Cha Phêrô Tín một thời gian.

Khoảng tháng 03-1947, Thầy tìm đường lên Hà Nội trở về Đại chủng viện.

Bấy giờ Giám mục Hà Nội là Đức cha Francois Chaize (Thịnh ) gửi Thầy Trịnh Văn Căn và vài thầy khác vào lớp Thần học ở dòng Chúa Cứu thế tại ấp Thái Hà, dưới quyền linh mục Giám đốc Gagnon (Nhân) học nhờ một năm. Đầu năm học 1948 Đại chủng viện giáo phận đón nhận đông đảo các sinh viên trở về học tại số 40 phố Nhà Chung Hà Nội, linh mục Vuillard (Cố Huy) làm Giám đốc.

Những năm đầu trong sứ vụ linh mục

Ngày 03-12-1949 tại nhà thờ Chính tòa Hà Nội, Đức Giám mục Chaize đã long trọng truyền chức linh mục cho Thầy Giuse Trịnh Văn Căn cùng với các Thầy Hoàng Quốc Chương, Nguyễn Tùng Cương, và Đỗ Tông. Đây là khóa phong chức đặc cách vì hoàn cảnh đặc biệt trong chiến tranh.

Tân linh mục Giuse Trịnh Văn Căn được bổ nhiệm về xứ Hàm Long, làm phó cho Linh mục Chánh xứ Giuse Trịnh Như Khuê. Hai vị hiểu nhau, tín nhiệm nhau cho tới khi hai vị lần lượt được thăng Giám mục.

Ngày 15-08-1950 linh mục Trịnh Như Khuê được Tòa Thánh cử làm Giám mục Hà Nội thì linh mục Trịnh Văn Căn cũng rời Hàm Long lên tòa Giám mục nhận chức Thư ký của tân Giám mục. Qua năm sau, 1951, kiêm luôn Phó xứ nhà thờ Chính tòa, kiêm luôn phó Giám đốc trường Trung học Dũng Lạc, Giám đốc là linh mục Phêrô Nguyễn Huy Mai.

Ngày 15-08-1950 linh mục Trịnh Như Khuê được Tòa Thánh cử làm Giám mục Hà Nội thì linh mục Trịnh Văn Căn cũng rời Hàm Long lên tòa Giám mục nhận chức Thư ký của tân Giám mục. Qua năm sau, 1951, kiêm luôn Phó xứ nhà thờ Chính tòa (Chánh xứ là linh mục Nguyễn Huy Mai), kiêm luôn phó Giám đốc trường Trung học Dũng Lạc, Giám đốc là linh mục Phêrô Nguyễn Huy Mai.[1]

Chánh xứ nhà thờ Chính tòa

Tháng 08-1952 linh mục Chánh xứ Nguyễn Huy Mai được bổ nhiệm Giám đốc Tiểu chủng viện Piô XII, linh mục Trịnh Văn Căn lên Chánh xứ kiêm Tổng quản miền Hà Nội. Với cương vị Chánh xứ, linh mục Trịnh Văn Căn thực hiện nhiều công trình. Có hai công trình lớn:

Xây nhà nguyện trong khuôn viên bệnh viện Phủ Doãn (nay là Bệnh viện Việt-Đức). Ngày 01-05-1958 Đức Giám mục Trịnh Như Khuê chủ sự lễ nghi khánh thành.

Một công trình lớn và khó khăn nữa là trùng tu sửa chữa nhà thờ Chính tòa Hà Nội. Đây là ngôi thánh đường cổ kính được xây cất từ năm 1884 (hoàn thành năm 1888) dưới thời Đức Cha Puginier (Phước, 1835-1892).

Để khắc phục phần nào sự khó khăn về kinh phí tu sửa, linh mục Chánh xứ có sáng kiến tổ chức xổ số trong giáo xứ. Phát hành 100.000 vé, mỗi vé 5 đồng. Các hội đoàn, giáo dân, thiếu nhi trong giáo xứ tích cực hưởng ứng ủng hộ. Vé bán sạch. Ngày mở số 15-08-1953 diễn tiến tốt đẹp tại trường ThánhMẫu, 31 phố Nhà Chung Hà Nội. Nhiều người trúng giải đã tặng lại cho quỹ trùng tu nhà thờ.

Công việc đang tiến hành thì một biến chuyển lớn của đất nước: hiệp định Genève ra đời. Một số đông giáo dân trong ban trùng tu kiến thiết nhà thờ di chuyển vào Nam, kể cả linh mục cũng ra đi 100 người trong số 180 linh mục của giáo phận. Cha Giuse Trịnh Văn Căn ở lại Hà Nội bám sát giáo dân, phục vụ giáo phận và vẫn bình tĩnh tiếp tục công trình trùng tu sửa chữa nhà thờ.

Thời gian làm giám mục (1963 - 1979)

Ngày 02-06-1963, lễ Hiện Xuống, một sự kiện bất ngờ xảy ra tại nhà thờ Lớn, người ta chứng kiến lễ nghi tấn phong Giám mục cho linh mục Giuse Trịnh Văn Căn do Đức Tổng Giám mục Trịnh Như Khuê chủ lễ. Mọi người bỡ ngỡ vì không được thông báo gì cả.

Hôm sau, 03-06-1963, Toà Tổng Giám mục Hà Nội ra thông cáo cho giáo phận, trong đó nêu lý do vội vàng truyền chức cho Đức cha phó vì Đức Tổng Giám mục bỗng nhiên đôi mắt bị lòa, có thể bị mù.(Theo ĐC. Nguyễn Văn Sang, trong “Kỷ niệm về Đức Hồng Y Giuse- Maria Trịnh Văn Căn”, 1990, tr. 23-24).

Khẩu hiệu Giám Mục: "Thương yêu - Vui mừng - Bình an"

Tham dự Hội đồng Giám mục thế giới

Ngày 21-09-1974, Đức cha Giuse Maria Trịnh Văn Căn rời Hà Nội sang Roma, thay mặt Đức Tổng Giám mục Hà Nội, tham dự Hội đồng Giám mục thế giới, khai mạc ngày 27-09-1974. Đây là sự kiện đặc biệt vì lần đầu tiên sau 20 năm chiến tranh Giáo hội miền Bắc không có điều kiện liên lạc thường xuyên chính thức với Tòa Thánh Roma.

Trong bài diễn văn khai mạc, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đặc biệt chào mừng Đức Tổng Giám mục phó của giáo phận Hà Nội. Vào sáng ngày 03-10-1974 Đức Tổng Giám mục Giuse Maria Trịnh Văn Căn đã đọc bài tham luận trình bày vắn tắt 4 điểm về tình hình hoạt động của Giáo hội miền Bắc.

Trong chuyến đi họp Roma này: sau khi bế mạc, ngày 26-10-1974 Đức cha Trịnh Văn Căn đến trụ sở Trung ương Dòng Phanxicô ở Roma thăm cha Tổng Phục vụ Constantin Koser và ngỏ ý xin vào dòng Ba Phanxicô. Cha Tổng Phục vụ đón tiếp và miễn chuẩn cho Đức cha khỏi qua năm "Tập" theo luật Dòng và nhận lời khấn của Đức cha, đồng thời ủy quyền cho Đức cha lập dòng Ba Phanxicô trong giáo phận của Đức cha.

Cũng trong chuyến phó hội Roma này, Đức cha Trịnh Văn Căn được niềm vui bất ngờ gặp lại bà thân mẫu tại Roma sau 20 năm cách biệt. Kể từ tháng 03-1947, Thầy Trịnh Văn Căn rời Bút Đông tìm đường lên Hà Nội về lại Đại chủng viện, đến khi được thụ phong linh mục, 1949, bà cụ ở miền quê Bút Đông xa xôi không thể lên Hà Nội dự lễ của con mình. Có một thời gian ngắn, khoảng 1952, làng Bút Đông bị Pháp ném bom, cơ ngơi bị bình địa, cụ ông đã qua đời, cụ bà phải lên Hà Nội với cô con gái. Năm 1954 bà cụ phải theo con gái - Cô Miều – di chuyển vào Nam. Bà cụ tưởng không còn gặp lại con trai duy nhất được nữa. Hôm ấy, 19-10-1974 bà cụ từ Sàigòn bay qua Roma gặp mặt Đức cha Trịnh Văn Căn, do sự sắp xếp của Đức ông Hasseler, người Đức, Giám đốc Caritas quốc tế chịu mọi phí tổn. Phần thưởng xứng đáng đối với bà cụ, một bà mẹ Việt Nam, Công giáo, suốt cuộc đời chấp nhận hy sinh cho chồng, dâng hiến con trai duy nhất cho Giáo hội. Ngày 25-10-1974 Đức Giáo Hoàng Phaolô VI tiếp đón bà cụ tại phòng khách và chụp hình kỷ niệm.

Từ Tổng Giám mục Hà Nội đến Hồng Y

Ngày 06-08-1978 Đức Giáo Hoàng Phaolô VI tạ thế, Đức Hồng Y Trịnh Như Khuê sang Roma dự cuộc bầu tân Giáo Hoàng là Đức Gioan-Phaolô I. Rồi kế tiếp dự bầu cử Đức Gioan- Phaolô II.

Về Hà Nội, Đức Hồng Y Trịnh Như Khuê qua đời đột ngột ngày 27-11-1978. Đức Tổng Giám mục phó Giuse Maria Trịnh Văn Căn với quyền kế vị, lập tức trở thành Tổng Giám mục Chính toà Hà Nội.

Ngày 02-05-1979, tức là chỉ 6 tháng sau khi kế nhiệm, Ngài đã được Tòa Thánh vinh thăng Hồng Y. Trung tuần tháng 09-1979, Đức cha lên đường sang Roma nhận mũ Hồng Y.

Ngày 30-06-1979, tại thánh đường Phaolô VI ở Roma Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II trao mũ đỏ cho tân Hồng Y Trịnh Văn Căn, ngày 02-07-1979 lễ trao nhẫn Hồng Y. Ngày 08-07-1979 tân Hồng Y đến nhận nhà thờ Maria in Via, theo tục lệ của Tòa Thánh.

Ngày 31-07-1979 Đức Hồng Y Trịnh Văn Căn về đến Hà Nội bình an.

Từ 1963 với cương vị Tổng Giám mục phó, 1978 với cương vị Tổng Giám mục, 1979 với cương vị Hồng Y Giáo chủ Hà Nội cho đến ngày tạ thế, trải qua 27 năm dài lãnh đạo giáo phận Hà Nội, Đức cha Giuse Maria Trịnh Văn Căn đã thực hiện những công trình thật ý nghĩa cho giáo phận, trong hoàn cảnh thật khó khăn.

Về Thánh nhạc

Tuy lớn tuổi, Đức cha vẫn quyết tâm học đàn. Ngài đã thành công. Có một công trình lớn là sưu tầm, chỉnh lý, bổ sung, hệ thống hóa và phổ biến rộng rãi những bài văn cổ dâng hoa. Đức cha là người đầu tiên bỏ nhiều công sức ghi nhạc, sửa lời những bài văn quý tản mát, mai một theo thời gian, xuất bản được 7 bộ dâng hoa và một số bài hát dâng hoa đi đôi với các bài văn. Đây là tư liệu đáng trân trọng cho những ai nghiên cứu âm nhạc dân tộc và sự hội nhập văn hóa của Công giáo Việt Nam vào dòng âm nhạc dân tộc.

Từ năm 1973, Ngài dịch những bài hát tiếng La tinh sang tiếng Việt, xuất bản 3 tập Thánh Ca I, II, III vào năm 1976 và tập IV 1987. Năm 1989 xuất bản cuốn "Học đàn, học nhạc, học hát".

Đây là sự thể hiện những nỗ lực của Đức cha muốn đóng góp phần nhỏ của mình vào nền Thánh nhạc Việt Nam và khuyến khích cho phát triển.

Dịch Kinh Thánh

Năm 1972, Đức cha khởi công dịch Tân ước. Công việc dịch thuật tiến hành trong hoàn cảnh khó khăn đủ thứ và trong những ngày chiến tranh khủng khiếp. Ngài âm thầm lặng lẽ miệt mài làm việc thâu đêm đều đặn. Năm 1975 xuất bản được 5.000 cuốn. Đây là lần đầu tiên sau chiến tranh sách đạo được ấn hành phổ biến cho giáo dân.

Năm 1981, một tổ chức từ thiện ngoại quốc bảo trợ tái bản 50.000 cuốn làm quà tặng Ngài lên chức Hồng Y ở Roma về.

Năm 1978 Đức cha tiếp tục chuẩn bị dịch Cựu Ước. Nhận tin Tòa Thánh thăng chức Hồng Y, Đức cha sang Roma nhận chức, trở về nước Ngài tranh thủ thì giờ miệt mài dịch thuật, hoàn thành được bản thảo. Đường hướng chủ trương dịch Tân ước và Cựu ước của Đức cha là hạn chế sử dụng chú thích điển cố. Tìm mọi cách diễn đạt lời Chúa bằng ngôn ngữ thông thường, vận dụng lời văn bình dị của người bình dã đơn sơ chất phác. Như vậy, tư tưởng trong Cựu và Tân ước đi sâu vào tâm hồn người vốn mộc mạc khó nghèo. Cuối năm 1988 bản dịch Cựu ước hoàn thành.

Hình thành Hội đồng Giám mục Việt Nam

Hoàn cảnh mới của đất nước sau 1975 đưa đến một nhu cầu mới của Giáo hội, phù hợp với ước vọng chung của các Giám mục toàn quốc là thành lập Hội đồng Giám mục của nước Việt Nam thống nhất.

Sự thành lập Hội đồng Giám mục Việt Nam manh nha từ 1976 trong dịp Đức Tổng Giám mục Trịnh Như Khuê đi Roma nhận chức Hồng Y trở về. Nhưng mãi đến năm 1979 khi Đức Tổng giám mục Trịnh Văn Căn đi Roma nhận chức Hồng Y trở về, Ngài khẩn trương tiếp xúc với chính quyền và ban Tôn giáo trung ương để thu xếp công việc, được Thủ tướng chính phủ chấp thuận.

Ngày 03-01-1980. Đức Hồng Y đưa đơn chính thức xin phép Nhà nước cho các Giám mục Việt Nam được tập trung “Cấm phòng” ở Hà Nội, họp trù bị.

Từ 24-04 đến 01-05-1980, có 33 Giám mục trong cả nước về Hà Nội dự đại hội thành lập Hội đồng Giám mục Việt Nam. Đại hội thông qua Ủy ban Thường vụ gồm Chủ tịch là Đức Hồng Y Giuse Trịnh Văn Căn, hai phó Chủ tịch là Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình (1910-1995) và ĐứcTổng Giám mục Philipphê Nguyễn Kim Điền (1921-1988). Đức cha Giuse Nguyễn Tùng Cương làm Tổng Thư ký, Hội đồng Giám mục gửi thư chung cho toàn giáo dân Việt Nam và hải ngoại.

Sau khi ra đời, Hội đồng Giám mục Việt Nam được chính phủ Việt Nam cho phép hai phái đoàn gồm 25 Giám mục qua Liên Xô, Hungari rồi qua Roma. Từ đó chính phủ Việt Nam còn cho phép mở 06 chủng viện trong cả nước, in ấn sách đạo v.v...

Trong 27 năm làm Giám mục, Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn đã truyền chức cho nhiều vị Giám mục miền Bắc:

1/. Đức cha Phan Thế Hinh, Giám mục Hưng Hóa, ngày 14-11-1977.
2/. Đức cha Nguyễn Thiện Khuyến, Giám mục phó Phát Diệm, 24-11-1977.
3/. Đức cha Nguyễn Tùng Cương, Giám mục Hải Phòng, 18-02-1979
4/. Đức cha Trần Xuân Hạp, Giám mục Vinh, 04-03-1979.
5/. Đức cha Vũ Duy Nhất, Giám mục Bùi Chu, 08-08-1979.
6/. Đức cha Đinh Bính, Giám mục Thái Bình, 08-12-1979.
7/. Đức cha Nguyễn Văn Sang, Giám mục phó Hà Nội, 22-04-1981.
8/. Đức cha Nguyễn Văn Yến, Giám mục phó Phát Diệm, 16-12-1988.
9/. Đức cha Nguyễn Quang Tuyến. Giám mục phó Bắc Ninh, 25-01-1989.

Tháng 06-1988: Đức Hồng Y kiêm Giám quản Tông toà Tổng giáo phận Huế sau khi Đức Tổng Giám mục Philipphê Nguyễn Kim Điền qua đời.

Đầu 1990, Giám quản Tông tòa thêm 3 giáo phận Hưng Hóa, Thái Bình và Thanh Hóa.

Cuộc đời Đức Hồng Y Trịnh Văn Căn, có 3 công trình do Ngài khởi xướng hoặc tác tạo:

* Thứ nhất là việc khởi xướng thành lập Hội đồng Giám mục Việt Nam có ý nghĩa lớn lao là kết hợp được các Giám mục trong một tổ chức để phối hợp công cuộc mục vụ cho có kết quả, đồng thời đặt cơ sở cho những hoạt động hữu hiệu khác trong tương lai.

* Thứ hai là việc xin Đức Giáo Hoàng phong Hiển thánh cho các vị Chân phúc Tử đạo Việt Nam. Vấn đề phức tạp và tế nhị này cuối cùng đã được giải quyết với ý nghĩa thuần túy tôn giáo. Hằng năm vào ngày 24 tháng 11 lễ kính các thánh Tử đạo Việt Nạm được cử hành trong sinh hoạt bình thường của đạo Công giáo.

* Công trình thứ ba là dịch toàn bộ Kinh Thánh ra tiếng Việt và ấn hành nhiều lần.

Vĩnh biệt …

Chiều 15-05-1990, Đức Hồng Y lên lớp dạy cho sinh viên Đại chủng viện Hà Nội theo thời khóa biểu. 19 giờ không thấy Ngài dùng cơm tối…

Đúng 20 giờ 30 Đức Hồng Y qua đời vì bệnh nhồi máu cơ tim và áp huyết đột ngột. Đức Hồng Y hưởng thọ 69 tuổi. Ngài là vị Hồng Y thứ hai của Giáo hội Việt Nam trong 11 năm.

Lễ an táng cử hành long trọng sáng ngày 23-05-1990 do Đức Hồng Y Roger Etchegaray đặc sứ của Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II cử sang Hà Nội chiều ngày 22-05-1990.