Trước khi Đức Kitô chịu khổ nạn các tông đồ sống trong vui mừng, lòng tràn ngập niềm vui, chan chứa hy vọng. Sau cuộc khổ nạn của Đức Kitô các tông đồ dường như tuyệt vọng. Các ông hoàn toàn lạc đuờng, mất lối, tương lai mịt mù, không biết phải sống ra sao trong hoàn cảnh mới. Hoàn cảnh thiếu Thầy hướng dẫn, vắng lời Thầy dậy bảo. Không phải chỉ thiếu bóng dáng Thầy, các ông còn cảm thấy mất mát, đau khổ. Đau khổ cho chính mình vì nghĩ chọn sai đường. Đau khổ thương Thầy vì cái chết đau thương. Thầy trải qua nhiều đau khổ mà các ông hoàn toàn bất lực không giúp được gì. Đã không giúp lại còn phản bội. Kẻ bán Thầy. Kẻ chối Thầy. Kẻ bỏ Thầy. Mạnh ai nấy chạy. Ẩn trốn mong an toàn mạng sống riêng. Thầy bị đóng đanh. Tình trạng các ông như bị tù treo. Triền miên sống trong lo âu, sợ sệt. Thầy bị đánh đập tàn nhẫn trước khi bị đóng đinh. Nhìn cảnh Thầy bị hành hạ, nghĩ mà lo cho thân phận mình. Nếu bị bắt liệu có tránh khỏi cảnh đó. Liệu đủ sức chịu cực hình như Thầy đã chịu. Nghĩ đến đó, chân dường như ngã quỵ, tay run rẩy, nổi gai ốc châu thân.

Sống chui

Không thể sống chui rúc mãi thế này. Các ông phải lìa bỏ nơi người ta ruồng bắt để tìm một chốn an bình hơn. Một số cố bám lấy nhau sống, an ủi nhau. Số khác tự nguyện chia lìa anh em, trở về quê cũ, mong lập nghiệp lại. Bắt đầu từ con số không. Về quê cũ rất có thể những kẻ trước kia cản không cho theo Thầy giờ cười chê, nhạo báng. Tủi hổ, thất vọng, ê chề vì lỡ theo Thầy. Dẫu biết thế nhưng chọn lựa tốt nhất vẫn là trở về quê cũ, không còn chọn lựa nào tốt hơn.

Dù sao cũng có nơi ăn, chốn ở, cũng còn người thân thương, bạn bè cũ. Dù sao cũng có việc làm. Nghề cũ đã quen, không phải học lại. Bạn bè có chế diễu cũng chỉ thời gian thôi, rồi đâu cũng vào đó. Suy nghĩ như thế nên một số quyết định ra đi, từ giã bạn đồng hành về quê sinh sống.

Dọc đường đi các ông gặp Ngài nhưng không nhận ra Ngài. Những điều Thầy dậy trước kia là yêu mến anh em, thương kẻ lỡ độ đường đã nhập tâm. Các ông mời người lạ cùng đồng hành vào nhà trọ. Mời dùng chung chén nước lã, nhai miếng bánh khô. Hành động bác ái, thương người này Chúa cho các ông sáng mắt nhớ lại lúc Ngài bẻ bánh.

Sáng mắt

Mắt các ông sáng ra khi thấy Ngài bẻ bánh. Chia cơm bánh, việc bác ái là bài học để đời cho các tông đồ trên đưòng Emmaus. Nếu không vì bác ái, tình thương ai đoán biết sự việc ra sao. Rõ ràng các ông dù nghe lời Thầy giảng dậy vẫn không nhận ra Thầy. Mãi cho đến khi các ông tỏ tình tương thân, tương ái với người lữ khách lỡ độ đường các ông mới nhận ra Thầy. Thì ra kẻ lỡ độ đường chính là các ông. Kẻ cần an ủi chính là các ông. Kẻ cần học hỏi cho biết sự gì đã xảy ra cho Đức Kitô chính là các ông. Bài học giữa đàng mang nhiều ý nghĩa. Tất cả đều bắt đầu bằng bác ái, thương người. Lời Thầy dậy.

Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thầy là hãy yêu thương nhau.

Sống lại

Gặp Ngài các ông gặp sự sống mới. Không phải chỉ mình Đức Kitô sống lại từ cõi chết. Các tông đồ cũng sống lại như chính Thầy đã sống lại. Thầy làm sống lại tinh thần trong cuộc đời các ông.

Gặp Thầy lo lắng biến mất thay vào đó là can đảm, mạnh bạo.

Gặp Thầy sợ hãi tan biến các ông xuất hiện trước ánh sáng.

Gặp Thầy các ông mạnh miệng rao giảng về Đức Kitô Phục Sinh.

Gặp Thầy nỗi sầu tiêu tan; niềm vui mừng rỡ, hân hoan ngập tràn.

Gặp Thầy tuyệt vọng biến thành hy vọng tràn trề.

Gặp Thầy mệt mỏi tan biến, sức sống vươn lên, đang đêm lên đường.

Gặp Thầy can đảm bùng lên thắng cả roi đòn, nhục hình, kể cả sự chết.

Gặp gỡ Đức Kitô Phục Sinh các tông đồ dường như chết đi được sống lại. Sự sống mới thay đổi con người toàn diện. Thay đổi lối sống, lối suy nghĩ, niềm tin và nhớ lại lời Thầy dậy xưa.

Gặp Đức Kitô các tông đồ đổi đời vì nhận được ơn tái sinh.

Chúng ta xin Đức Kitô Phục Sinh biến đổi đời ta và ban ơn tái sinh như các tông đồ xưa được tái sinh trong Chúa.

TÌM BÀI CŨ:

Suy Niệm: http://www.stmarksinala.net.au/suyniem.html

Truyện ngắn: http://www.stmarksinala.net.au/truyen.html

Hình ảnh: http://www.stmarksinala.net.au/Photos.html