Washington (CNS) -Trong số các tân chức linh mục năm nay, người gốc châu Á chiếm 11%, tuy số người Công giáo gốc Á châu ở Mỹ chỉ chiếm khoảng 3% tổng số giáo dân toàn quốc. Đó là kết quả cuộc thăm dò thường niên về các thụ chức của Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng về Tông đồ giáo dân (Center for Applied Research in the Apostolate) tại trường Đại học Georgetown, trong một cuộc nghiên cứu thực hiện cho Hội đồng Giám mục Hoa kỳ.

Đồng thời, người gốc Hispanic chiếm 12% tổng số các tân chức sẽ trở thành linh mục vào mùa xuân năm nay, tuy tỷ lệ người Công giáo gốc Hispanic tại Mỹ ước định khoảng 34%.

Có chừng 3% các tân linh mục là người châu Phi hoặc là người Mỹ gốc châu Phi, tương đương với tỷ lệ người Công giáo Mỹ gốc châu Phi thuộc Giáo hội Hoa kỳ. Người gốc Caucase (da trắng) vẫn còn chiếm ưu thế, tới 72% các tân linh mục, tuy người gốc Caucase chỉ chiếm tỷ lệ 58% trong tổng số dân Công giáo Mỹ.

Cuộc thăm dò cũng cho thấy năm nay có tới 465 tân chức đang chuẩn bị để được thụ phong, đó là một con số gia tăng đáng kể so với năm ngoái (2008) chỉ có 401 vị.

Gần 70% số người thụ chức trong toàn quốc đã trả lời cuộc thăm dò này. Số người trả lời gồm 239 vị tân chức triều và 71 vị thuộc các dòng tu. 15 vị khác không nói rõ họ thuộc hệ thống triều hay dòng.

Sau đây là một số chi tiết thấy được trong kết quả cuộc thăm dò:

Tuổi trung bình của các tân chức: 36

Tuổi từ 25 đến 29: 31%

Tuổi từ 30 đến 39: 44%

Tuổi từ 60: 4 vị

Tân chức trẻ nhất: 25 tuổi

Tân chức già nhất: 66 tuổi

Số tân chức sinh ngoài nước Mỹ: 24% (giảm so với tỷ lệ 2 năm trước đây là 31% đến 32%)

Số các chủng sinh sinh tại nước ngoài nhiều nhất đến từ: Việt nam, Mexico, Ba lan và Phi luật tân

Số tân chức không xuất thân từ gia đình Công giáo từ nhỏ: 10% (gia nhập đạo ở tuổi trung bình là 21)

Có sự gần như đồng đều trong số tân chức nhập đạo từ các tôn giáo Tin Lành dòng chính (như Episcopal, Lutheran, Anglican và United Church of Christ) và các truyền thống Tin Lành evangelical hoặc bảo thủ (như Church of Christ, Baptist hoặc Kitô giáo không hệ phái)

Số tân chức không theo đạo nào khi nhập Công giáo: 5

Số tân chức nhập chủng viện sau khi tốt nghiệp đại học: Cứ 10 người thì có 6 người

Số có bằng cấp đại học: Cứ 5 người thì có 1 người

Số tân chức đã theo học các trường tiểu học Công giáo: Hơn 50% (Số người Công giáo trưởng thành cho biết đã học trường tiểu học Công giáo là 42%)

Số tân chức đã học trường trung học Công giáo: 43%

Số tân chức đã học tại một trường đại học Công giáo: 42%

Đã làm việc toàn thời gian trước khi nhập chủng viện: khoảng 66%. Các nghề đã làm: giáo dục (16%), bán hàng hoặc tiếp thị (10%), kế toàn, tài chính hoặc bảo hiểm (10%) điện toán (8%), công nhân hoặc nông nghiệp lành nghề (7%) và quản lý (7%).

Trong các thụ chức năm 2009 có Justin Minh Nguyễn thuộc giáo phận Austin (Texas) là một người Việt tị nạn rành nghề thợ may. Một người tị nạn Phi luật tân, Quy Vo (không biết có phải là người gốc Việt hay không nhưng tên rất là Việt nam!) sẽ được thụ phong cho Giáo phận Albany (New York) cho biết đã quyết định làm linh mục từ năm lên 10.

Thuộc giáo phận Brooklyn (New York) có Robert Mucci đã làm chuyên viên tài chính tại Wall Street tới 25 năm. Còn Michael Quinn thuộc tổng giáo phận San Francisco đã hành nghề quản lý tài chánh 20 năm; James Boccabella thuộc tổng giáo phận Washington làm công chứng kế toán (certified public accountant) cũng một khoảng thời gian lâu như thế.

Andrew Smith đã là một sĩ quan cảnh sát tại Chicago suốt 10 năm, sẽ được thụ phong làm linh mục thuộc Tổng giáo phận Chicago.

Trong số các tân chức khác còn có một cựu sĩ quan ngành tạm tha (probation), một nhà thú y, một bác sĩ y khoa, một kỹ sư đầu máy, và một cựu giám đốc điều hành ngành tiêu khiển tại Khách sạn và Sòng bài MGM ở Las Vegas.

Đức hồng y Sean P. O’Malley, giáo phận Boston, là chủ tịch Ủy ban về Giáo phẩm, Đời Thánh hiến và Ơn gọi thuộc Hội đồng Giám mục Hoa kỳ trong bản tuyên bố hôm 20 tháng 4 đã nói: “Các tân linh mục này mang đến cho giáo hội một đời hiến dâng kỳ diệu và chứng tỏ một sự hứa hẹn lớn lao.”

“Những người đã huấn luyện họ về đức tin - cả nơi gia đình lẫn trường học – có thể hãnh diện vì các nỗ lực của mình. Thiên Chúa đã gieo hạt giống ơn gọi, còn cộng đồng chung quanh đã giúp cho những hạt đó lớn lên.”

Toàn bộ bản nghiên cứu có thể tìm đọc tại usccb.org/vocations/classof2009.