Thứ bốn thảo kính cha mẹ. Điều này không dễ thực hiện vì hoàn cảnh cuộc sống, nhất là tại các quốc gia kĩ nghệ. Tổ chức xã hội, công ăn việc làm và luật lệ khiến việc thảo kính cha mẹ đã khó trở nên khó thực hiện hơn. Luật lệ có cái hay và cái dở của nó. Luật lệ đóng vai trò tháo một đầu buộc một đầu. Luật giúp bảo vệ người này lại trói buộc người khác. Chính vì thế mà thảo kính thuê trở thành một nghề làm ăn phát đạt nơi những quốc gia kĩ nghệ. Nơi mà cả gia đình phải vật lộn với cuộc sống, không thể coi sóc cha mẹ nên thuê người làm thay.

Chúng ta hay nhắc đến công cha, nghĩa mẹ. Việc hiếu nghĩa có một vị thế khá vững vàng trong truyền thống dân tộc. Khá vững không có nghĩa là không bao giờ lung lay. Quả thế, công cha, nghĩa mẹ ngày nay đang lung lay từ ngọn tới rễ. Nhiều gia đình thuê người khác làm công việc thảo kính.

Có trường hợp điều răn thứ tư hầu như dành riêng cho con trẻ nhiều hơn là người lớn. Dành riêng cho con trẻ vì chúng cần được giáo dục cho biết điều răn Chúa dậy. Người lớn biết điều đó nhưng vì hoàn cảnh, vì công ăn việc làm không thể thực hiện được. Việc thảo kính cha mẹ được trao phó cho người khác thảo kính dùm còn mình lo kiếm thêm tiền thuê người thảo kính.

Ngược dòng lịch sử

Những năm được mệnh danh là cải cách văn hoá. Đội lốt, ngụy trang từ đánh tư bản để lại lịch sử dân tộc những vết thẹo ngàn đời không thể tẩy xoá. Vì muốn giữ được một phần gia sản, ít ra là một góc vườn cho cháu có chỗ trú mưa mà con cần phải đấu cha.

Xin cha thông cảm.

Vì vườn rau mẹ từng vun trồng nếu không tố mẹ thì con sẽ mất cả mẹ lẫn vườn rau.

Xin mẹ hiểu cho.

Cả con cái lẫn cha lẫn mẹ đều bấm bụng cắt ruột, tai giả điếc, mắt giả đui để con trả công cha, đền nghĩa mẹ theo tình thế bắt buộc. Cả cha lẫn mẹ lẫn con cái suốt đời sống với nỗi đau do hoàn cảnh xã hội gây nên.

Nơi các quốc gia kĩ nghệ vợ chồng, con cái ngày kẻ đi làm, người đi học, bố mẹ ở nhà bơ vơ, không yên tâm. Nơi ở tốt lành dưỡng già cho cha mẹ là viện dưỡng lão. Nơi đó người ta chăm sóc chu đáo hơn, chuyên nghiệp hơn như vậy tốt cho cha mẹ hơn ở tuổi già. Nghĩ như thế rất phải vì những người này được huấn luyện làm công việc đó, nghề của họ và là nơi họ kiếm cơm.

Viện dưỡng lão

Gởi cha mẹ vào viện dưỡng lão con cái ở nhà cảm thấy yên tâm hơn vì có người coi sóc cha mẹ thay mình. Trong khi đó cha mẹ cảm nghiệm, ngăn cách, chia lìa. Sống gần nhau nhưng không thể gặp nhau. Nhớ đến nhau nhưng không sao lại gần. Cuộc sống viện dưỡng lão gần như là sống nhờ lòng bố thí, hưởng chút tình của công nhân do trách nhiệm, vì đồng lương nuôi sống gia đình ban cho. Bố thí là cho đi. Bố thí mang ý nghĩa thương hại nhiều hơn là cho do lòng yêu mến. Nhân viên làm vì trách nhiệm hơn là tình thương. Để cho người khác thương hại cha mẹ mình thì khó có thể gọi là đền ơn, đáp nghĩa. Công cha nghĩa mẹ đáp lại bằng vật chất, nơi ăn chốn ở đàng hoàng chỉ là một phần. Hãy nhớ lại của cải vật chất trong đời các ngài đã làm ra cao tựa núi. Thật vậy, thử tính nhẩm cũng rõ những món tiền tiêu cho gia đình nếu được ghi lại sẽ có con số khổng lồ.

Tránh cảnh màn trời

Viện dưỡng lão không phài là tổ ấm vì nơi đó không ấm cúng. Nơi đó che mưa, che nắng. Nơi đó chu cấp nhu cầu vật chất cần thiết. Nơi đó có người hầu hạ, sai bảo. Nơi đó giúp tránh cảnh màn trời, chiếu đất. Viện dưỡng lão không phải là tổ ấm vì nơi đó thiếu tình yêu.

Viện dưỡng lão có nhiều vật chất nhưng nghèo tinh thần.

Viện dưỡng lão ngày cũng như đêm lúc nào cũng có nhiều người nhưng sống ở đó lại thấy cô đơn. Cô đơn vì thiếu người thân.

Chung quanh rất đông người nhưng vẫn thấy lẻ loi. Lẻ loi vì gặp toàn người xa lạ. Vắng bóng người mình yêu.

Được ăn đầy đủ chất dinh dưỡng nhưng vẫn thấy thèm. Thèm nghe tiếng nói non dại của lũ cháu, tiếng cười dòn của trẻ thơ.

Y tá, bác sĩ chăm sóc đầy đủ mà lòng vẫn chai đá. Chai đá vì khát nghe tiếng khóc thuỷ tinh của cháu chắt.

Được chăm nom cẩn thận, chu cấp đầy đủ mà vẫn thiếu. Thiếu tình thương ruột thịt.

Nằm chăn êm, nệm ấm nhưng vẫn thấy giá buốt trong lòng. Giá buốt vì thiếu lời nói ngọt ngào, vòng tay ấm cúng.

Mái ấm

Các cụ thiếu mái ấm gia đình. Gia đình là tổ ấm vì nơi đây ông bà, cha mẹ, con cháu yêu thương đùm bọc, nâng đỡ chia ngọt, xẻ bùi. Viện dưỡng lão không có những yếu tố đó.

Tuổi già sống bằng thương yêu con cháu.

Tuổi muốn con cháu gần bên.

Vui thấy con mạnh khoẻ.

Vui thấy cháu lớn lên.

Viện dưỡng lão không cung cấp nhu cầu cần thiết đó.

Lo được vật chất nhưng thiếu tinh thần.

Tinh thần ở tuổi già quan trọng hơn vật chất.

Ghét của, mê tiền

Tuổi già thường chê của cải, vật chất, không ham nhà cao, cửa rộng. không thích vườn to, ao sâu. Tuy nhiên một số lại mê tiền, tham tiền. Mong có nhiều tiền nhưng không tiêu tiền. Tìm cách cất chỗ này, dấu chỗ nọ. Dấu rồi quên không nhớ dấu ở đâu. Cất rồi mất cũng chẳng hay. Ai lấy mất cũng chẳng cần biết nhưng lại mê tiền.

Vì sao? Vì lòng trống vắng, thiếu tình thương. Vì trống vắng nên phải tìm cách khoả lấp khoảng trống. Mong mỏi được tình thương con cháu dành cho. Tuổi già không được nghe lời nói yêu thương, thiếu bàn tay vỗ về, thèm cái nhìn trìu mến, lời dỗ ngọt ngào nên dùng tiền hy vọng điền vào khoảng trống, mong khoả lấp khoảng trống tình yêu của con cháu.

Thảo kính

Nếu gia đình không thể chăm sóc cha mẹ thì tiện dưỡng lão là cách tốt nhất giúp cha mẹ an ủi tuổi già. Nhiều người mong mỏi được vào những nơi đó còn không được. Đúng vậy, có nhiều trường hợp đơn xin phải chờ, chờ đến lúc người đó mất mà vẫn chưa đến lượt, vẫn còn phải chờ vì không đủ chỗ. Gởi cha mẹ vào viện dưỡng lão giúp giải quyết được nhiều vấn nạn cho gia đình. Giải quyết được vấn đề an sinh cho cha mẹ. Còn một vấn đề quan trọng viện dưỡng lão không thể cung cấp. Đó là tình yêu. Món ăn tinh thần không thể thiếu, cần hơn cả vật chất. Mang tình yêu nồng ấm đến cho cha mẹ nơi viện dưỡng lão là cách tốt nhất sống tinh thần điều răn thứ tư. Thảo Kính Cha Mẹ. Hạnh phúc và may mắn thay cha mẹ nào sống viện dưỡng lão mà có con cháu thường xuyên thăm viếng.

Ước mong các bậc phụ huynh có cha mẹ trong viện dưỡng lão với khả năng tạo cơ hội cho chính mình và cho con, cháu gặp ông bà và cha mẹ thường xuyên gặp nhau.

Hãy nhớ trước khi chết Đức Kitô làm một việc hết sức ý nghĩa là nói với người môn đệ yêu quí.

Gioan, đây là mẹ con. Gn 19,27.

Từ lúc đó Gioan đưa bà Maria về nhà chăm sóc. Đức Kitô không trao Mẹ cho ai khác nhưng trao cho người môn đệ mình yêu quí. Phải chăng Ngài đặt nặng chữ tình vì biết người môn đệ kia không phải chỉ chu cấp cho Mẹ nơi ăn, chốn ở mà còn sống bằng chân tình, bằng yêu thương.

TÌM BÀI CŨ:

Suy Niệm: http://www.stmarksinala.net.au/suyniem.html

Truyện ngắn: http://www.stmarksinala.net.au/truyen.html

Hình ảnh: http://www.stmarksinala.net.au/Photos.html