Mỗi ngày có điểm nhiều giờ khắc khác nhau. Khi giờ đã điểm coi như sự việc đã bắt đầu. Nếu chưa sẵn sàng coi như bị trễ. Phải đợi dịp khác. Trường hợp là chuyến xe cuối cùng trong ngày thì việc đợi chờ trước đây kể như công cốc, không ích lợi gì. Đã không được như ý lại gặp rắc rối, phiền muộn, lo lắng. Học sinh và công nhân có kinh nghiệm trễ chuyến xe đầu này sẽ bị trễ chuyến xe đầu kia và coi như trễ học, trễ làm ngày hôm đó. Giờ khắc ở các thời điểm khác nhau, khung cảnh khác nhau nhưng lại liên quan chặt chẽ với nhau. Ảnh hưởng giây chuyền từ việc này sang việc khác. Mốc thời gian đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống, ảnh hưởng nhiều tới sinh hoạt thường ngày. Ngày nào nhiều hẹn ngày đó có nhiều lo lắng. Nếu không đúng hẹn này sẽ trễ hẹn kia. Trễ hẹn gây phiền cho mình và khó cho người.

Thái độ

Cứ xem cách người ta chuẩn bị giữ hẹn đủ biết người đó coi trọng hay coi nhẹ cuộc hẹn. Nếu coi trọng thì lo lắng bằng mọi cách đến đúng giờ. Lỡ trễ một chút họ vội vã ra mặt, thôi thúc bước cho nhanh để trễ ít chừng nào hay chừng đó. Thái độ dửng dưng giữ hẹn cho biết thiếu sốt sắng tham dự. Đúng giờ cũng được mà có trễ ít nhiều cũng không sao. Miễn có mặt kể như đã hoàn thành cuộc hẹn. Thái độ này thể hiện cách sống đạo của một số Kitô hữu. Thánh lễ đã bắt đầu mà vẫn bình tĩnh thư thả, không tỏ vẻ quan tâm. Trái lại rất sốt sắng ra về cuối thánh lễ là một thói quen xấu dẫn đến hiểu lầm tai hại. Lần nào đi trễ về sớm cũng có lí do chính đáng. Viện dẫn lí do giải thích không phải là tình yêu chân chính. Thái độ sốt sắng hoặc lạnh nhạt biểu lộ cuộc sống nội tâm.

Chuẩn bị

Chuẩn bị giữ đúng hẹn chiếm một địa vị khá quan trọng trong đời Đức Kitô. Ngài chuẩn bị không phải riêng cho mình mà chuẩn bị để làm Vinh Danh Chúa Cha. Lúc nào Ngài cũng sẵn sàng làm Vinh Danh Chúa Cha, không từ nan. Càng gần giờ làm Vinh Danh Cha, Đức Kitô càng lo nhiều. Là Con Thiên Chúa Ngài sẵn sàng làm theo ý Chúa Cha, sẵn sàng hy sinh, sẵn sàng chịu chết. Là con người Ngài rất lo sợ. Lo sợ vì giờ đang đến là giờ của đau khổ, giờ uống chén đắng, của hành hình. Đau khổ thân xác, đau đớn tâm thần trước khi chịu khổ hình, đóng đanh thập tự. Ngài diễn tả tâm trạng này qua câu

Bây giờ tâm hồn Thầy xao xuyến Gn 12,27.

Khi đau khổ ai cũng cần an ủi. Đức Kitô cũng thế, cần được an ủi. Ngài nhận lời an ủi từ Chúa Cha và Ngài tự an ủi mình. Để bớt lo lắng, phiền muộn Đức Kitô dùng hình ảnh hạt lúa mì rơi xuống đất nhắc nhở cái chết của Ngài là cần thiết. Ngài chết mang lại hoa trái- ơn tái sinh, sự sống trường sinh cho nhân loại- dồi dào như hạt lúa mì chết trong lòng đất.

Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà nó không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác.Gn 12,24

Thời điểm Ngài được giương cao lên là cần thiết để

Tôn vinh Danh Chúa Cha

Để ‘tôi kéo mọi người lên với tôi’. Gn 12,32.


Đức Kitô chết làm tròn hai sứ mạng được Chúa Cha trao phó. Một là làm Vinh Danh Chúa Cha; hai là mang lại ơn cứu độ cho những ai tin vào Thiên Chúa.

TÌM BÀI CŨ:

Suy Niệm: http://www.stmarksinala.net.au/suyniem.html

Truyện ngắn: http://www.stmarksinala.net.au/truyen.html

Hình ảnh: http://www.stmarksinala.net.au/Photos.html