QUÁI THAI FOCA ĐÃ TƯỢNG HÌNH

Tin từ Thông Tấn Xã Công giáo (CNA) từ St. Louis, Missouri, ngày 6 tháng 3 năm 2009 vừa qua cho hay rằng phát ngôn viên của Dân Biểu Jerrold Nadler thuộc Đảng Dân Chủ, tiểu bang New York, cho biết rằng đạo luật FOCA—Freedom of Choice Act, tạm dịch là Tự Do Chọn Lựa—sẽ “sớm, chứ không phải muộn,” được đưa ra trước Quốc Hội biểu quyết vì là một trong những việc làm ưu tiên. Đó là tiết lộ của tờ St. Louis Post-Dispatch.

Trả lời cho câu hỏi FOCA là cái đí gì (nói theo ngôn ngữ bổn đạo) thì có thể tóm lược như sau: FOCA, hay Đạo Luật Tự Do Chọn Lựa—TDCL—được đệ trình nhằm mục đích tôn phong ‘việc phá thai’ trở thành một thứ ‘quyền căn bản’ để được ghi khắc như tạc vào trong bộ luật của liên bang Mỹ Quốc, nhằm bao che, bảo vệ cho nó trong trường hợp Tòa Án Tối Cao Liên Bang đảo ngược lại việc cấm chỉ những thứ luật lệ ngăn chận hay giới hạn phá thai mà các tiểu bang đã thông qua.

Nói nôm na là thế này: nếu hiện nay tại Mỹ, có tiểu bang cấm phá thai, có tiểu bang giới hạn phá thai, có tiểu bang cho phép phá thai, thì khi FOCA được Quốc Hội thông qua, và được Tổng Thống ký lệnh ban hành (cứ y như là Stimulus Bill vừa qua), thì phá thai sẽ trở thành quyền được hiến pháp Mỹ công nhận và bảo vệ. Từ đó, bên cạnh các quyền hiện hữu như: quyền tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, tự do hội họp, v.v., sẽ có thêm một quyền mới tinh, đó là ‘quyền phá thai’. Do đó, cho dù có tiểu bang nào ngăn cấm hay giới hạn phá thai chăng nữa, khi có kiện cáo gì mà phải mang lên tòa trên, tức Tòa Án Liên Bang, thì vụ kiện ngăn cấm hay giới hạn phá thai (từ tiểu bang đưa lên đó) sẽ bị từ chối hay bác bỏ tức khắc, bởi phá thai đã trở thành quyền, theo Tòa Án Liên Bang rồi.

Đã có quá nhiều giấy bút hao tốn chung quanh vấn đề phá thai. Việc tranh cãi bất phân thắng bại. Bên chống thì bảo phá thai là giết người (đây là lập trường dứt khoát của Giáo Hội Công Giáo Rôma), lý do rõ ràng: cái thai là mầm sống, sớm muộn sẽ trở thành một con người thực thụ. Bởi vậy bên chống phá thai còn được gọi cách tích cực là phò-sự-sống. Trong khi đó bên bênh thì bảo phá thai đâu phải giết chóc gì: cái thai bầy nhầy kia có là người ngợm gì đâu mà bảo giết người hay sát nhân. Vả lại, cái thai ấy thuộc về thân xác của người phụ nữ. Người phụ nữ có toàn quyền trên thân xác mình, muốn làm gì thì làm, không ai có quyền ngăn cấm hay giới hạn gì sốt cả. Phụ nữ phải được giải phóng, chứ không thể bị làm tôi mọi mãi mãi cho bọn đàn ông. Ngoài tôn chỉ giải phóng phụ nữ, phe bênh phá thai còn mang một thêm một mỹ từ: phò-chọn-lựa. Cái tên rõ ràng được chọn lựa (ta thuộc phe chọn lựa mà) để đối lại với phe phò-sự-sống. FOCA là ‘nhát đâm lút cán’ mà bên phò-phá-thai đang thực hiện để ‘dứt điểm’ cuộc tranh luận dai dẳng này. Không những không phải là một điều bị ngăn cấm như tội ác, hay vi phạm luật tự nhiên (mà lương tâm phải cắn rứt), phá thai, sau khi trở thành một việc làm ‘vô tư’ (hay ‘vô tội’, chứ không phải ‘vô số tội’ đâu nhé!), nay đã nghiễm nhiên được đưa lên ngôi, trở thành một thứ ‘quyền căn bản’ của con người. Nói theo kiểu nhà đạo cho dễ hiểu: ‘Giuđa Iscariốt được tôn phong lên hàng hiển thánh.’

Lai lịch FOCA như thế nào? Kẻ chủ xướng chính là Barbara Boxer, một trong hai nữ Thượng Nghị Sĩ (TNS) của California, (vị kia là Diane Feinstein—xin mách nước cho quý vị nào là dân CA sắp thi vô quốc tịch Mỹ đấy!). Tuy là chủ xướng, nhưng nàng chưa nhằm nhò gì so với vị đồng-bảo-trợ, đó là vị đương kim Tổng Thống (TT) của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, từ khi chàng còn là TNS tại Illinois. Ngay từ hồi 2007, khi ngấm nghé chức vụ tối cao này, chàng đã long trọng tuyên hứa trước một nhóm các thành viên hội Gây Quỹ Hỗ Trợ các bậc làm Cha-Mẹ-Có-Kế-Họach rằng một trong những điều đầu tiên chàng sẽ làm ngay sau khi nhậm chức TT là ký ban hành FOCA. Như thế có nghĩa là: đang cầm bút sẵn trong tay, chỉ chờ Quốc Hội chuyển FOCA lên Nhà Trắng, thì chàng sẽ ký ngay! Chuyện gì mà chàng chẳng làm đuợc, nhất là đang trong cái thế thắng như chẻ tre hiện tại, huống gì cái chuyện nhỏ FOCA!

Nhưng như thế là chí nguy rồi. Nhát dao chí mạng này phải bị ngăn chặn lại. Chỉ với tư cách ‘tự vệ’ thôi. (Vâng, kính thưa quý vị phò-chọn-lựa, chúng em chỉ dám chọn ‘tự vệ’ thôi!) Trong cuộc tự vệ này, sau khi phát động chiến dịch gửi bưu thiếp tại tất cả các địa phận trên toàn quốc nhằm kêu gọi các nhà làm luật ủng hộ chính sách phò-sự-sống, Hội Đồng các Giám Mục (HĐGM) Hoa Kỳ đã chuyển sang bước thứ hai là phát động chiến dịch gửi điện thư thúc dục Quốc Hội ‘duy trì các chính sách phò-sự-sống vốn đang được hỗ trợ rộng rãi và chống lại việc dùng quỹ liên bang tài trợ phá thai’ (Tuyên Ngôn của HĐGM Hoa Kỳ). Trợ lý Giám đốc Văn Phòng Chính sách và Truyền thông thuộc Ban Thư Ký HĐGM về phò-sự-sống, Deirdre McQuade giải thích rằng: ‘Cả hằng chục triệu tấm bưu thiếp đã được phân phối cho các giáo xứ, trường học, các nhà thờ không thuộc Công giáo, và các cơ quan dân chính trên toàn quốc. Chiến dịch điện thư sẽ còn cho các công dân nhiều cơ hội tham gia hơn nữa.’ Các cử tri được khuyến khích gửi các mẫu điện thư viết sẵn đến cho các nhà lập pháp để phản đối FOCA, ‘là dự luật triệt để nhất và gây chia rẽ trầm trọng nhất, chưa bao giờ được đưa ra cho Quốc Hội.’ Bản điện thư có đoạn viết rằng: ‘Nhân dân Hoa Kỳ phải hiệp nhất trong việc phục vụ tất cả mọi người, những người đã đựợc sinh ra hoặc chưa được sinh ra đời.’

Riêng tại Thung Lũng Hoa Vàng, ngày hôm qua, kẹp giữa các tờ thông tin của từng giáo xứ là tờ kêu gọi tương tự mang chữ ký của Đức GM Giáo Phận San Jose, trong đó có đoạn: ‘Nếu FOCA được ký ban hành thành luật, nó sẽ loại bỏ mọi quy chế về vấn nạn lương tâm dành cho các công nhân làm trong bệnh viện hoặc các nhân viên chăm lo sức khỏe. Điều này sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác chăm sóc sức khỏe của Hội Thánh Công Giáo tại Hoa Kỳ. Cũng vậy, bất chấp lương tâm, một số bác sĩ và chuyên viên sức khỏe có thể bị buộc phải làm hay tham gia vào việc phá thai. Thay vì làm cho việc phá thai trở thành một trường hợp hiếm hoi, việc FOCA được thông qua sẽ tiếp tay cho sự bạo hành gây ra cho các trẻ chưa được sinh ra.’

Thông báo viết tiếp: ‘Đây không phải là một việc của đảng phái, mà là một vấn đề của lương tâm, phù hợp với các nguyên tắc của niềm tin chúng ta. Đất nước chúng ta thực sự cần chung tay làm việc trong giai đọan đầy thử thách này. Cách thức chúng ta đối xử với những thành phần dễ bị thương tổn nhất trong xã hội—các trẻ chưa ra đời, người nghèo, cao niên và bệnh hoạn—sẽ là chỉ dấu thực sự chúng ta có ôm ẵm cưu mang hay không các nguyên tắc cao cả, trên đó đất nước chúng ta đã được xây dựng nên như ngày hôm nay.’

Chưa bao giờ đất nước này lại phải cưu mang một thứ quái thai gớm ghiếc như thế. Nhưng may quá, thánh Phaolô đã trấn an chúng ta: ‘Vậy còn phải nói gì thêm nữa? Có Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại được chúng ta?’

(Roma 8: 31).