Xin hãy cùng đọc với chúng tôi hai đoạn thơ sau đây, đều mô tả cảnh tượng quan tổng trấn Philatô xét xử Chúa Giêsu và trao cho quân lính đánh đòn Người, đoạn thơ đầu viết bằng thể lục bát thuần túy, còn đoạn sau là song thất lục bát:

1- “Quý ông đã nộp người này
Cáo y nổi loạn xúi bầy dân đen.
Tôi từng tra xét căn nguyên
Mà không thấy nó can liên tội gì.
Nhà vua đã xét hỏi y
Nhưng ngài trả lại, quả thì vô can.
Dù sao để thoả lòng dân
Tôi truyền đánh nó mấy lần rồi tha.”

Đánh xô một trận tơi bời
Máu tuôn lai láng, thịt rơi hãi hùng
Đỉnh đầu đến tận bàn chân
Không còn sót lại một phần nào nguyên


2- Họ đem Chúa đến nơi Phi-lat
Là toàn quyền thay mặt Rô-ma.
Ông này khi đã thẩm tra
Thấy rằng vô tội muốn tha cho Người.
Để dân bớt cáo nài đe dọa
Phi-lát sai đem Chúa đánh đòn.
Dưới làn roi vọt ác ôn
Mình Người rách nát, tâm hồn đắng cay.


Cũng xin đọc thêm hai đoạn khác nữa, thuật chuyện tháo đinh và táng xác Chúa:

1- Xa nhìn mấy kẻ thân nhân
Mấy bà phụ nữ đã thân quen Ngài
Bàn nhau việc táng thi hài
Cất chôn xác Chúa liệu bài trong đêm
Giu-se công chính lành hiền
Ni-cô-đêm nữa lại thêm mấy bà
Vội vàng tháo xác Chúa ra
Trầm hương mộc dược đem mà tẩm lau
Lấy khăn lượm bọc chân đầu,
Táng vào huyệt đá sẵn đâu trong vườn.


2- Chiều tối đến dăm ba thân thích
Tháo xác Người rửa sạch vết thương
Táng trong huyệt đá vội vàng
Địch thù cắt lính cạnh hang táng Người.


Và bây giờ hãy đoán xem tên tác giả những vần thơ đó là ai?

Xin trả lời: những đoạn thơ lục bát ở trên (ghi số 1) là do một nhà thơ lớn của văn học Công giáo Việt nam sáng tác: Xuân Ly Băng (*). Ông đã dùng 1100 câu thơ để thuật lại những ngày sau cùng của Chúa Cứu Thế trong tác phẩm Bài Ca Thương Khó. Xuất hiện trong thập niên 1950 của thế kỷ trước, ông đã in nhiều tập thơ như Hương Kinh, Thơ Kinh, Nỗi Niềm… và có nhiều bài thơ khác đăng rải rác trên các tạp chí Công giáo trong và ngoài nước. Tập Bài Ca Thương Khó được coi là tác phẩm đỉnh cao của toàn bộ sự nghiệp thi ca của Xuân Ly Băng theo nhận định của người viết tựa cho tác phẩm này.

Còn tên của người sáng tác những vần thơ song thất lục bát (ghi số 2) chính là Hồng Y Phạm Đình Tụng, người mới qua đời hôm 22 tháng 2 vừa qua, để lại tiếc thương cho rất nhiều người, được minh chứng bằng đám tang có đông đảo mọi thành phần Dân Chúa tham dự tiễn đưa.

Sự nghiệp của Hồng Y Phạm Đình Tụng, trong vai trò một linh mục chính xứ, một giám đốc đại chủng viện, một giám mục, một hồng y và chủ tịch Hội đồng giám mục Việt nam, đã được nhiều người viết bài ca tụng. Ở đây chúng tôi chỉ muốn nêu lên một khía cạnh khác nơi con người nhỏ bé về thể xác nhưng cao cả trong sự nghiệp còn để lại cho đời.

Con người ấy, đứng đầu sóng ngọn gió suốt hơn nửa thế kỷ, đã trải qua những ngày cực kỳ khó khăn, phải bó tay không thể thi hành được sứ vụ của mình dưới một thể chế chính trị luôn bóp nghẹt tự do tôn giáo, nhất là trong lãnh vực truyền thông.

Nhiệm sở ngài phục vụ trong vai trò giám mục từ năm 1963 là Bắc Ninh, quê hương của dân ca quan họ, của những vần thơ dân gian bàng bạc trong trí nhớ người dân xứ này, nơi có những lễ hội quan họ nổi tiếng xứ Kinh Bắc như: hội Lim, hội Ó, hội Diềm, hội Nhồi...

Tại giáo phận đã bị tan nát vì chiến tranh đó, trong thiếu thốn, khổ đau, cấm cách và bắt bớ, ngài đã có nhiều sáng kiến độc đáo trong lãnh vực mục vụ để giữ vững đức tin, chăm sóc các giáo dân, bảo vệ và xây dựng Giáo Hội. Vì không đến được với các tín hữu ở rải rác trong hơn 100 giáo xứ, không in ấn được sách vở để phổ biến Lời Chúa và giáo lý đến mọi tầng lớp giáo dân, ngài đã dùng thi ca, những vần thơ rất bình dị, dễ đọc, dễ nhớ để quảng bá Kinh Thánh và giáo lý, đặc biệt là viết ra cuốn sách nhỏ “Tóm lược Cuộc đời Chúa Kitô” mà chúng tôi đã trích ra hai đoạn thơ điển hình trên kia. Tác phẩm này thuật lại cuộc đời Chúa Cứu thế, từ ngày giáng sinh cho đến lúc về trời, cô đọng bằng 552 câu thơ viết theo thể song thất lục bát.

Song thất Lục bát cùng với Lục bát là hai thể thơ thuần túy Việt nam, không do ảnh hưởng thi văn của Tầu và những luật thơ này không có vay mượn gì của người Trung Hoa như thơ Đường Luật.
Trong thể thơ Song thất Lục bát, mỗi đoạn có 4 câu: hai câu trên là song thất, tức là hai câu mà mỗi câu có 7 chữ, và hai câu dưới là lục bát: một câu 6 chữ và một câu 8 chữ. Song thất lục bát cũng được gọi là Lục bát gián thất (gián là ngăn cách).
Điều đáng ngạc nhiên là thơ Song thất Lục bát tuy rất đặc sắc và thuần tuý dân tộc, nhưng lại ít người làm và có ít bài thơ haỵ Có lẽ đây là thể loại khó làm, hoặc vì có âm điệu cổ, khúc mắc như leo núi của hai câu song thất lại hòa với âm điệu du dương của hai câu lục bát theo sau. Trong văn học Việt nam, có hai kiệt tác viết bằng thể thơ Song thất Lục bát, đó là "Chinh Phụ Ngâm Khúc" và “Cung Oán Ngâm Khúc”, đến nay vẫn không có thi phẩm viết theo cùng thể loại nào có thể sánh được.

Tuy với thể thơ phức tạp như thế, giám mục Phạm Đình Tụng đã sử dụng nhuần nhuyễn ngôn từ để dệt nên những vần thơ rất mực dung dị để giảng dậy Lời Chúa:

Không ai được làm tôi hai chủ
Coi Chúa Trời, tiền của như nhau
Bởi vì tiền của ở đâu
Lòng ta ở đó, lo âu đêm ngày.

Người xưa bảo ghét thù yêu bạn,
Chúa không cho giới hạn hẹp hòi
Chúa truyền yêu hết mọi người
Nguyện cầu cho cả những ai địch thù.


Luật thơ được trung thành tuân giữ trong suốt tác phẩm, không hề thấy một lỗi lầm về luật bằng trắc, luật gieo vần, luật niêm, mà đôi lúc còn dùng những phương cách phá thể của thơ lục bát, như:

Các tông đồ vâng lời Chúa dậy:
“Đây Mình ta nhận lấy mà ăn.
Việc này sau phải ân cần
Làm lại nhiều lần để nhớ đến ta.”

Hiện tượng đó thật là khôn tả
Hàm ý thiêng cao cả tuyệt vời
Jêsu Chiên Đức Chúa Trời
Gánh tội loài người tự nguyện hy sinh


Chẳng khác gì lối phá thể thể hiện trong câu ca dao rất phổ thông mà ai cũng biết:

Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân.


Ở đầu bài viết này, khi đặt hai đoạn thơ song song về cùng một đề tài của hai tác giả, chúng tôi không dám so sánh năng khiếu làm thơ của Hồng Y Phạm Đình Tụng với thi tài của nhà thơ Xuân Ly Băng, nhưng, ở một khía cạnh nào đó, chúng ta có thể thấy nghệ thuật thể hiện nơi hai đoạn thơ cũng không quá mức chênh lệch. Vả lại, nhà thơ Xuân Ly Băng là một thi sĩ “chuyên nghiệp”, đã có danh phận, và làm thơ như một công trình xây dựng thi nghiệp, trong khi Hồng Y Phạm Đình Tụng, với thiện chí và sáng kiến, chỉ dùng thơ như một công cụ, như một hình thức văn hóa để thi hành mục vụ trong những hoàn cảnh cực kỳ khó khăn.

Ngoài ra, Hồng Y Tụng còn làm những bài thơ ngắn khác để dậy cho giáo dân về Kinh Tin Kính, Ca Nhiệm Tích (7 bài thơ về các bí tích), Kinh dọn mình hiệp lễ, Kinh cám ơn hiệp lễ … cũng bằng những vần điệu lục bát thật giản đơn, dễ nhớ:

Tôi tin một Chúa Ba Ngôi
Dựng nên vạn vật đất trời bao la
Ngôi Nhất là Đức Chúa Cha
Ngôi Hai Con Chúa, Ngôi Ba Thánh Thần
Ngôi Hai sinh xuống gian trần
Làm người, chịu chết hiến thân cho đời….


Một điểm đặc biệt khác là dưới quyền coi sóc của ngài, giáo phận Bắc Ninh đã có những sửa đổi một số thuật ngữ Công giáo cho phù hợp với thời đại và chuẩn xác hơn, như đổi các tiếng “Tôi” thành “Con” khi xưng hô với Chúa trong tất cả các kinh nguyện, và:

“Lĩnh thụ Nhiệm tích” thay cho “Chịu phép Bí tích
Thánh Bảo trợ” thay cho “Thánh Quan thầy
Hiệp lễ” thay cho “Chịu lễ”.

Hãy so sánh mấy câu trong Kinh Cầu Chịu Nạn nay vẫn còn đang đọc trong các nhà thờ Việt nam khắp nơi (và có lẽ trên toàn thế giới) trong Mùa Chay:

Chúa Giêsu ba năm giảng dậy nước Giu-dêu
Chúa Giêsu phán rằng “Đã đoạn” ấy là hết việc chuộc tội cho thiên hạ
Chúa Giêsu quân Giu-dêu ghét hơn thằng dữ là Baraba


Với những câu đã được thay đổi như sau để thấy sự tiến bộ trong cách sửa đổi ngôn từ nơi kinh sách cho phù hợp với thời đại như thế nào:

Chúa Jêsu ba năm giảng dạy Phúc âm
Chúa Giêsu nói rằng “Mọi sự đã hoàn tất”
Chúa Jêsu dân Do thái ghét hơn tên trộm cướp là Baraba


Ngoài ra, ngài còn sửa đổi cuốn sách “Bổn” -- tức là cuốn giáo lý thời xưa mà những tín hữu Công giáo sống trong khoảng từ đầu thế kỷ 20 đều đã thuộc nằm lòng, và cũng là điều kiện để được Xưng tội chịu lễ lần đầu – thành một “Bản tắt”, rất giản dị và hợp thời. Xin đơn cử một vài câu:

Hỏi- Đạo chúng ta là Đạo nào?
Thưa - Là Đạo Công giáo.
H- Đạo Công giáo dạy ta sống trên đời để làm gì?
T- Để nhận biết và phụng sự Thiên Chúa, góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp, mong ngày sau được hạnh phúc vô cùng.


Đó là một phương thức giảng dậy hoàn toàn canh tân, chịu ảnh hưởng của nhiều cuốn sách dạy Giáo lý của phương Tây.

Có thể nói những cải cách, san định kinh sách đó – từ những năm 60 của thế kỷ vừa qua - đã đi trước thời đại. Chúng ta ngày nay, đang ở thế kỷ 21, dù có đầy đủ phương tiện và khả năng hơn rất nhiều, vẫn còn chưa thực hiện được, vẫn còn là một ước vọng chưa thành.

Đến đây chúng tôi liên tưởng đến một linh mục khác, hơn 70 năm trước Hồng Y Tụng, đã dùng văn chương để giáo hóa lớp dân nghèo ít học. Đó là Linh mục Trần Lục, còn có tên là Cụ Sáu.

Ngoài vai trò kiến trúc sư của những công trình kỳ vĩ là quần thể thánh đường Phát diệm, vẫn còn đứng sừng sững với thời gian để triển dương thiên tài của một bậc vĩ nhân, cha Trần Lục còn là một nhà nho uyên thâm, đã viết ba tác phẩm tiêu biểu cũng trong chủ đích làm mục vu bắng văn hóa: Huấn tự ca, sáng tác khoảng năm 1891, gồm 1088 câu thơ lục bát viết về đạo hiếu của người Việt đối với tổ tiên, ông bà; Cuốn thứ hai là Nữ tắc thường lễ, gồm 1016 câu thơ lục bát, chỉ dẫn những nguyên tắc, những điều thông thường thanh thiếu nữ cần biết để trở thành người lương thiện và giáo dân đạo hạnh. Cuốn thứ ba: Nịch ái vong ân là bài học dành cho thanh niên, cũng viết theo thể thơ lục bát, gồm 440 câu. Ngoài ba tác phẩm lớn này ra, Cha Trần Lục còn là tác giả nhiều công trình văn hóa khác như Tuồng Thương khó, Vãn Dâng hoa. Than mồ, cùng rất nhiều bài ca vè về Đức Mẹ, Chúa Giêsu, các thánh… Ngày nay khi đọc lại và phân tích những tác phẩm này, nhiều người đã nhận ra chân tài văn chương của cha Trần Lục, nhưng ngài lại rất mực khiêm tốn khi cho rằng đó chỉ là những “ca vè của Cụ Sáu.”

Sự nghiệp của cha Trần Lục xứng đáng đặt ngài vào ngôi vị “người cha” của vùng địa linh nhân kiệt Phát diệm. Từ cái nôi êm ái đó đã sản sinh ra những người con sau này sẽ làm rạnh danh Giáo hội Việt nam như: Giám mục Phan đình Phùng, Phạm Ngọc Chi, Phạm Tần, Phạm Văn Dụ, Nguyễn Phụng Hiểu, Nguyễn Minh Nhật, Bùi Chu Tạo, cùng biết bao nhiêu người khác, và đặc biệt là Phạm Đình Tụng (1919-2009).
Hồng y Phạm Đình Tụng, người con của giáo phận Phát diệm, đã noi theo dấu người xưa, đem hết khả năng và sáng kiến của mình để phục vụ Giáo hội, phục vụ giáo dân và đã bình yên đi về thế giới vĩnh hằng sau 90 năm trường tại thế. Với niềm tiếc thương ngài, chúng tôi ghi lại hoài vọng được làm rạng danh Chúa mà ngài thể hiện trong hai câu thơ cuối cùng của tập Cuộc đời Chúa Kitô:

Với thời gian thảy mờ phai
Giêsu Cứu Chúa đời đời vinh quang


(*) Thi sĩ Xuân Ly Băng tên thật là Lê Xuân Hoa, sinh ngày 23.04.1926, thụ phong linh mục ngày 19.07.1959 là Tổng Đại Diện Giáo Phận Phan Thiết từ năm 1987 cho đến nay. Ngài làm bài thơ đầu tiên khi mới 12 tuổi, Thơ Kinh là tập thơ đầu tiên được xuất bản năm 1956 của thế kỷ trước trong khi còn học ở Tiểu Chủng Viện và Đại Chủng Viện, bài Chuông Chiều, Trong Tiếng Chuông Chiều, Say Noel, Nhạc Sầu Do Thái… là những bài thơ được nhiều người yêu thích… Sau Thơ Kinh là Hương Kinh, Trầm Tư, Nỗi Niềm, Kinh Sầu Trên Quê Hương, Quê Hương và Tình Đạo, Bài Ca Thương Khó, Như Trầm Hương v.v… Những năm gần đây ngài cũng cho xuất bản và tái bản nhiều tập thơ và nhiều CD Thơ.