Trong Cựu Ước ngôn sứ có nhiệm vụ. Một là thông truyền mệnh lệnh của Thiên Chúa đến cho mọi người. Hai là thông ngôn, giải thích ý nghĩa tiềm ẩn sau những mệnh lệnh đó. Lệnh truyền có mục đích kêu gọi con người thống hối trở về đường ngay nẻo chính. Xa lánh gian tà, trở về chính lộ. Ngôn sứ kêu gọi mọi người hãy thống hối, tin vào Giavê Thiên Chúa.

Kêu gọi ác nhân đừng tiếp tục phạm tội, bỏ thói hư, chừa tật xấu, tránh gian tà, tham lam, đừng áp bức cô nhi, quả phụ, kẻ thế cô. Tránh hà khắc với công nhân. Chớ thờ lậy tà thần, tin nhảm, dị đoan. Khi tệ đoan xã hội nảy sinh gieo đau khổ, tang thương cho con người, Giavê Thiên Chúa không nỡ ra án phạt kẻ gian ác, trái lại mượn miệng lưỡi các ngôn sứ cảnh tỉnh mong ác nhân cải tà thành hối nhân.

Ngôn sứ kêu gọi. Hãy thay đổi lối sống. Học sống thánh thiện, thương người nghèo khổ, cho kẻ đói ăn, nhà trọ cho kẻ lỡ độ đường, hãy bố thí, ăn chay và thực hành các việc bác ái. Hãy tôn thờ một Thiên Chúa duy nhất là Đấng ban ơn lành, Đấng ban sự sống, Chúa tể muôn loài.

Ngôn sứ không ra án phạt chỉ nói lên ý định của Giavê Thiên Chúa là ban ơn thứ tha cho những ai thống hối, đấm ngực ăn năn, mặc áo nhặm nhận tội đã phạm. Kiêu ngạo, từ chối sám hối chắc chắn bị diệt vong. Lời kêu gọi thống hối bắt ác nhân lộ nguyên hình, không thể tiếp tục nấp sau ngôn từ hoa mỹ, việc lành giả tạo che đậy sự dữ. Có ác nhân thành hối nhân. Có ác nhân nghe xong phẫn uất, chống đối, phản bác, tìm cách giết ngôn sứ. Cuộc chiến nội tâm giữa thiện ác, ánh sáng bóng tối, thần lành thần dữ không thể tránh.

Phương cách

Để hoàn thành nhiệm vụ kêu gọi con người thống hối. Ngôn sứ thường rao giảng lệnh truyền, ý nghĩa tiềm ẩn trong giấc mộng, thị kiến về Giavê Thiên Chúa để tiên đoán về quá khứ, hiện tại và tương lai. Ai thành tâm đến gặp các ngài sẽ biết được sự thật sau sấm ngôn. Nói thẳng, nói thực, trực diện với thực tế xã hội sẽ nhận phản ứng chống đối mãnh liệt, không đạt được mục đích trái lại gây hoạ. Trước sau gì ngôn sứ cũng gặp phải đối kháng. Nhẹ thì bị ngược đãi, cầm tù, roi vọt, nặng thì án tử hình. Bản án chung của các ngôn sứ là thế. Như chúng ta, ngôn sứ sợ đau, tránh khổ nhưng không vì thế mà các ngài sợ nói ngay, nói thẳng. Điều các ngài lo sợ nhất là chết mà chưa hoàn thành nhiệm vụ được trao phó.

Loan báo gián tiếp nhằm thức tỉnh lương tâm kẻ có lòng ngay vì lầm lạc. Cho hối nhân thời gian suy nghĩ, xét mình nhận ra sự thật, trở về đường ngay nẻo chính. Nhờ họ cộng tác thông báo lệnh truyền đến đại chúng. Ngôn sứ mang một nhiệm vụ nữa đó là vừa giúp hối nhân trở về, vừa biến họ thành cộng tác viên. Đến thời điểm nếu ác nhân tiếp tục ngoan cố, ngôn sứ sẽ trực diện với ngôn từ mạnh bạo, quyết liệt hơn.

Có những ngôn sứ được sanh ra để làm nhiệm vụ của ngôn sứ. Có những ngôn sứ do thời đại nhiễu nhương được Giavê Thiên Chúa tuyển chọn, đại diện cộng đoàn làm công việc ngôn sứ. Giavê Thiên Chúa thấy con người phạm tội Ngài không phạt nhưng tuyển chọn một số làm công việc cảnh tỉnh lòng người, thông báo ơn lành Giavê Thiên Chúa trao ban cho những ai thành tâm thống hối ăn năn trở về và ra hình phạt cho những ai cố chấp.

Ngôn sứ chân chính rao giảng dựa vào Giao Ước núi Sinai, Mười Điều Răn. Ngôn sứ giả hình dùng Giao Ước làm bình phong cho việc rao giảng. Cố tình giải thích méo mó Điều Răn hầu đạt mục đích riêng.

Chứng nhân

Kitô hữu may mắn hơn các ngôn sứ thời Cựu Ước. Kitô hữu làm công việc tương tự công việc ngôn sứ nhưng lời rao giảng của họ là Lời Chúa. Ngôn sứ rao giảng lệnh truyền qua sấm ngôn. Kitô hữu rao giảng chính lời Chúa là Lời Hằng Sống. Lời mà chính Chúa Kitô giảng dậy. Ngôn sứ kêu gọi thống hối để tránh tai vạ. Đức Kitô kêu gọi thống hối để đón nhận Nước Chúa và ơn cứu độ Chúa ban.

‘Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng’. Mc. 1,15

Đón nhận Tin Mừng là đón chào sự sống vì Đức Kitô có quyền tha tội.

‘Để các ông biết... Con Người có quyền tha tội’. Mc 2,10.

Đức Kitô có quyền trên nhân loại, quyền ân xá, quyền tha tội. Ngài không đến để kết án. Ngài đến ban phát ân sủng đem lại ơn tha tội.

Ngài uy quyền đến độ chính thần ô uế phải tuân lệnh.

Giáo lí Ngài giảng dậy thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền gây sửng sốt cho người nghe Mc 1,22.

Đức Kitô không dùng sấm ngôn nhưng dùng dụ ngôn để dậy dân chúng nhiều điều. Dụ ngôn là lối nói so sánh để giúp người nghe hiểu điều muốn diễn đạt. Dụ ngôn thường dùng một khía cạnh hay biến cố xảy ra trong đời sống hàng ngày để giải thích về mầu nhiệm Nước Thiên Chúa hoặc Tin Mừng. Tương tự như các ngôn sứ Kitô hữu làm chứng nhân cho Đức Kitô sẽ gặp chống đối đến từ người tin lẫn người không tin Chúa. Nguy hiểm nhất là mưu mô của Satan.

Tin Mừng có sức mạnh vô song. Mọi khó khăn, thách đố lớn nhỏ, mưu ma, chước quỉ đều không thắng được sức mạnh của Tin Mừng. Cần một đức tin tựa bàn thạch và niềm hy vọng không lay chuyển Tin Mừng cuối cùng sẽ thắng được tất cả các khó khăn, chướng ngại và đạp tan mưu mô ma quỉ.

Chứng nhân Kitô chân chính là người sống tin thần Đức Kitô Phục Sinh, thể hiện niềm tin qua cách ăn nết ở trong mọi môi trường.

TÌM BÀI CŨ:

Suy Niệm: http://www.stmarksinala.net.au/suyniem.html

Truyện ngắn: http://www.stmarksinala.net.au/truyen.html

Hình ảnh: http://www.stmarksinala.net.au/Photos.html