Vatican Và Vấn Đề Tài Liệu(tiếp theo)

Ủy Ban Sử Học không hoàn thành nhiệm vụ

Phúc trình chấm dứt ở đó. Nhưng không hiểu căn cứ vào đâu, Shira Schoenberg, trong Pope Pius XII and the Holocaust (Đức Giáo Hoàng Piô XII và Nạn Diệt Chủng), lại cho rằng, phúc trình trên đã phá đổ một số những bào chữa ước định dành cho Ðức Piô XII, trong đó có việc cho rằng ngài không biết tầm nghiêm trọng của số phận người Do-Thái tại Âu Châu trong lúc chiến tranh. Schoenberg cho rằng luận điểm đó bị phúc trình trên cho là hoàn toàn không chính xác, dựa vào bức thư của Đức Cha Konrad von Preysing, lúc đó là giám mục Berlin, gửi cho ngài tháng Giêng năm 1941. Schoenberg cũng nhắc lại nhận xét của một thành viên Do-Thái trong Ủy Ban, Tiến Sĩ Michael Marrus, Giáo Sư Sử Trường Ðại Học Toronto, cho rằng “Ủy Ban đụng phải bức tường gạch… thay vì được sự trợ giúp của Tòa Thánh trong vấn đề này”. Tác giả này cho biết thêm Ủy Ban đã chấm dứt nhiệm vụ của mình vào tháng 7 năm 2001, mà không đưa ra phúc trình sau cùng.

Phản ứng chính thức của Vatican được Hồng Y Walter Kasper, người kế nhiệm Hồng Y Edward Cassidy, công bố ngày 24 tháng 8 năm 2001. Theo đó, Toà Thánh lấy làm tiếc việc đình chỉ hoạt động của Ủy Ban, dù rất biết ơn sự đóng góp của các thành viên, nhất là các thành viên Công Giáo. Ðức Hồng Y nhắc lại nhiệm vụ của Ủy Ban là khảo sát 11 tập hồ sơ văn khố trong bộ ADSS của Toà Thánh và nêu lên những câu hỏi liên quan. Về điểm này, như ta sẽ thấy, các thành viên Ủy Ban đã không chú trọng nhiều đến nhiệm vụ đầu bằng nhiệm vụ thứ hai. Nhưng đối với nhiệm vụ thứ hai, Ðức Hồng Y Kaspar cho hay, ngay từ đầu vì những hạn chế ngay trong trách nhiệm, các thành viên đều đã được thông báo rõ ràng rằng không phải câu hỏi nào cũng sẽ được trả lời thoả đáng, vì muốn thế, phải đợi đến lúc mọi văn khố được mở cửa. Khi nhận nhiệm vụ, các học giả đều biết rõ rằng họ sẽ không được sử dụng các văn khố sau 1922, vì chúng chưa được phép mở cho công chúng.

Ðức Hồng Y cho biết tiếp, sau khi Ủy Ban đệ nạp Phúc Trình Sơ Khởi với 47 câu hỏi đính kèm, một cuộc họp toàn bộ Ủy Ban Liên Lạc Quốc Tế Công Giáo Do-Thái tại New York từ ngày 1 đến ngày 4 tháng 5 năm 2001 đã diễn ra để xét xem có nên tiếp tục công việc nghiên cứu của Ủy Ban nữa hay thôi. Kết quả: cả hai bên đều mong ước Ủy Ban tiếp tục công việc cho đến lúc có phúc trình sau cùng. Thế nhưng sau đó, vì không thể vượt qua được những giải thích khác nhau về nhiệm vụ và mục tiêu của Ủy Ban, mặt khác, phía Do-Thái không kín đáo và đã đưa ra nhiều bài viết gây tranh cãi càng khiến gia tăng cảm thức ngờ vực, nên công việc của Ủy Ban không tiếp tục được. Ngài cho hay: “Một công việc có tính khoa học như thế này chỉ có thể tiến hành được trên căn bản ngay thẳng, kính và tôn trọng lẫn nhau giữa những người đảm nhiệm. Ðiều kiện cần thiết như thế đã hoàn toàn không có do những mâu thuẫn tiếp sau việc đình chỉ công tác nghiên cứu và và những xúc phạm người ta nghi là đã có cùng với việc đình chỉ kia. Các thành viên Công Giáo vì vậy đã công khai tách mình ra khỏi các giải thích và lượng định mâu thuẫn ấy. Cho nên, hiện bây giờ và trên căn bản như thế, dường như không thể nào dự trù sẽ tái tục các cố gắng chung được nữa”.

Đối thoại vẫn tiếp tục

Tuy nhiên, nhân dịp này Ðức Hồng Y khẳng định rằng việc đối thoại giữa Công Giáo và Do-Thái Giáo là một diễn trình không thể nào thoái lui được và chắc chắn diễn trình ấy đòi một tìm kiếm lịch sử hẳn hoi. Do đó, nhu cầu đọc các nguồn tài liệu lịch sử là một nhu cầu tự nhiên, ý muốn của các sử gia được nghiên cứu các tài liệu văn khố thuộc thời các Ðức Piô XI (1922-1939) và Ðức Piô XII (1939-1958) là một ý muốn chính đáng.Và để tôn trọng sự thật, Toà Thánh sẽ cho mở các Văn Khố Vatican ngay khi công việc tái xắp xếp và lên danh mục (cataloguing) các nguồn tài liệu đang bàn được hoàn tất. Ðức Hồng Y khẳng định “Giáo Hội Công Giáo không sợ sự thật lịch sử”.

Không sợ sự thật lịch sử và chưa mở văn khố là hai vấn đề khác nhau, không hề mâu thuẫn. Vì văn khố nào rồi cũng sẽ được mở cửa. Văn khố được coi như bí mật nhất mà David I. Kertzer, tác giả cuốn The Kidnapping of Edgardo Mortara (Bắt Cóc Edgardo Mortara), năm 1996, hoài nghi sẽ không bao giờ được mở cửa là Văn Khố của Inquisition, tiền thân Bộ Giáo Lý Ðức Tin, cũng đã được mở tung từ 1998 rồi, dù Văn Khố ấy cho thấy nhiều điều không đẹp trong quan điểm Công Giáo trước đây. Vấn đề chỉ là thời gian. Mà thời gian là tùy truyền thống mỗi định chế. Một định chế nhỏ như Thư Viện Kennedy tại Boston cũng chỉ mở các văn khố thuộc thời kỳ trước Thế Chiến II mới đây thôi (sau 60 năm), nhờ đó người ta đọc được các tài liệu ngoại giao của thân phụ Tổng thống là Ðại Sứ Joseph Kennedy lần đầu tiên.

Bẩy mươi năm sau khi vị giáo hoàng qua đời

Vatican, tuy là một quốc gia, nhưng là một quốc gia với sứ mệnh phục vụ một định chế nhân thần là Giáo Hội Công Giáo. Chủ điểm của Giáo Hội này là phần rỗi các thành viên của mình, tuy trong hành động có lúc đi trệch cái sứ mệnh ấy. Tất cả những gì Vatican có là để phục vụ cái chủ điểm này. Thời gian mở các văn khố cũng là vì cái chủ điểm ấy mà thôi. Như ai cũng biết, thời gian ấy là 70 năm sau khi vị giáo hoàng qua đời (xem Charles Collins, What the Vatican archives reveal about Pope Pius XII, Our Sunday Visitor, 20/07/2003). Thời gian ấy cần thiết để bảo vệ các cá nhân và các định chế với sự kín đáo thích đáng, như linh mục Sergio Pagano, giám đốc Văn Khố Bí Mật của Vatican, nhận định. Mặt khác, lấy thời điểm một giáo hoàng qua đời làm mốc tính 70 năm là giúp cho việc nghiên cứu về thời một giáo hoàng được trọn vẹn. Theo linh mục Pagano, chỉ mở một giai đoạn văn khố trong thời một giáo hoàng là không đúng cách trong việc nghiên cứu văn khố, vì một sử gia muốn nghiên cứu các thư từ trong các bang giao Vatican và Ðức từ 1922 đến 1933 sẽ lập tức thấy nhu cầu phải mở rộng việc nghiên cứu của mình bằng cách theo dõi, qua các nguồn tài liệu khác của Tòa Thánh, những móc nối và liên hệ mà ông thấy các tài liệu hiện có có nhắc đến nhưng chưa đuợc mở cho công chúng.

Và việc lên danh mục

Việc công bố các tài liệu văn khố liên quan đến Thế Chiến II là một ngoại lệ, bỏ qua qui luật 70 năm, như một thiện chí tối đa giúp công chúng tìm hiểu lịch sử. Nhưng ngoại lệ ấy đã tạo nên cái không đúng cách như cha Pagano vừa nhắc đến. Việc đòi hỏi các tài liệu liên quan vì thế là chính đáng. Nhưng thỏa mãn đòi hỏi ấy lại là vấn đề khác. Hồng Y Jorge Maria Mejia, vị đứng đầu các Văn Khố và Thư Viện Vatican, cho hay: mở văn khố không phải như mở một tủ áo trong đó cái gì cũng sẵn sàng cả rồi. Ngài cho hay Toà Thánh có 46 thủ văn khố phụ trách 90 cây số văn khố, và khoảng 90 thủ thư viện trông coi 50 cây số giá thư viện. Trong khi Thư Viện Quốc Hội Mỹ có đến 4,500 nhân viên. Dù Tòa Thánh có muốn phá lệ, cũng không có khả năng lập tức mở mọi văn khố được. Các thủ văn khố làm việc tối đa (lên danh mục, đóng thành tập, làm mục lục), cũng chỉ có thể mở môt phần các văn khố ấy trước thời hạn mà thôi. Tháng 2 năm 2002, Tòa Thánh công bố dù việc lên danh mục tất cả các tài liệu thuộc thời kỳ 1922 đến 1939 phải mấy năm nữa mới làm xong, nhưng một phần các văn khố ấy sẽ được mở cho công chúng đầu năm 2003, như một cử chỉ ngoại lệ, giúp chấm dứt những suy đoán bất công và bất đồng ý kiến. Ðó là các văn khố liên quan đến Bavaria (1922-1939) khoảng 10 phong thư, Ðức (1922-1939) khoảng 100 phong thư, Sứ thần tại Munich (1922-1939) khoảng 430 phong thư, Sứ thần tại Berlin (1922-1939) khoảng 100 phong thư.

Vấn đề Toà Trong

Sở dĩ phải mất mấy năm mới mở được một phần văn khố, là vì như trên đã thưa, các văn khố có đó để phục vụ phần rỗi tín hữu. Công việc chuẩn bị mở chúng không thể hấp tấp được. Linh mục Pagano cho hay các tài liệu này cần sự hợp tác của các chuyên gia văn khố vì chúng đề cập đến những vấn đề thuộc tòa trong. Rất có thể những tài liệu này có liên quan đến những vấn đề các sử gia quan tâm, như nhận định của Ủy Ban Sử Học. Nhưng vì phần rỗi các tín hữu, Tòa Thánh không vì thế mà nhất đán mở được bây giờ. Ðiều ấy chắc chắn không có nghĩa Tòa Thánh cố ý giấu diếm tài liệu, nhưng công bố như thế là đi ngược lại với sứ vụ mình.

Vả lại, việc mở tất cả các văn khố dưới thời đức Piô XI cũng vẫn đang được xúc tiến và có thể xẩy ra trong ba năm nữa. Và khi các văn khố ấy đã được mở trọn vẹn cho công chúng, Toà Thánh sẽ ưu tiên mở các văn khố liên quan đến bang giao giữa Toà Thánh và Ðức dưới thời Ðức Piô XII (1939-1958). Cha Pagano khi công bố điều ấy, cho hay: Ðức Thánh Cha rất quan tâm đến việc mở các văn khố này, vì chính dưới thời đức Piô XII mà Thế Chiên II đã bùng nổ, và với nó là việc đầy ải người Do-Thái và thảm họa Shoah. Tòa Thánh không có chi phải sợ sự thật lịch sử. Bởi vì từ Vatican II trở đi, quan điểm và hành xử của Giáo Hội Công Giáo nhất khoát là nhớ đến gốc nguồn Do-Thái của mình, là chia sẻ gia tài chung của con cái Abraham trong đức tin, là coi dân tộc Do-Thái là dân Chúa chọn và yêu thương, là dân Giao Ước, một giao ước không bao giờ bị bẻ gẫy, cho nên vẫn sống động (Hồng Y Kaspar trong viễn văn khánh thành Trung Tâm Tài Liệu Do-Thái và Kitô giáo tại Ðại Học Gregoriana, đầu năm 2003). Rất tiếc, một số học giả Do-Thái lại không chia sẻ quan điểm và lối hành xử ấy kể cả Michael Marrus, người vốn được tiếng là khách quan. Tiến sĩ Margherita Marchione thuật lại lời Marrus nói với phóng viên Ý Paolo Mastrolilli, khi được đề cử vào Ủy Ban Sử Học rằng: “chúng ta không nên rơi vào lỗi lầm đánh giá các biến cố xẩy ra hơn 50 năm trước bằng cái nhậy cảm của ngày hôm nay…Công Ðồng Vatican II đã thay đổi rất nhiều các liên hệ giữa người Do-thái-giáo và Công giáo, cho nên ngày nay ta thấy có nhiều thái độ xem ra như xa lạ. Dưới thời Ðức Piô XII, thực tế của thời đại có khác”. Trong thực tế, ông vẫn chưa ra khỏi được cái lỗi lầm chính ông khuyên người ta đừng mắc phải.

Tưởng có mà thực sự không có

Các tài liệu văn khố mới mở không những không ủng hộ những lời tố cáo chống Ðức Piô XII, trái lại, còn chứng tỏ năm 1933, khi làm quốc vụ khanh Tòa Thánh, ngài đã từng gửi thư cho toà sứ thần tại Ðức nhắc nhở phải chăm sóc người Do-Thái cũng như tờ trình năm 1923, ngài từ Ðức gửi về Vatican mô tả vụ đảo chính bất thành của Hitler, trong đó ngài tố cáo chủ trương bài Công giáo và bài Do-Thái của hắn. Thực ra như lời linh mục G. Fogarty, không làm gì có súng bốc khói trong các văn khố Vatican như các thành viên Do-Thái của Ủy Ban Sử Học vẫn thường nghĩ. Bởi có những văn kiện người ta chắc mẩm là có trong Văn Khố Vatican, mà thực ra không hề có. Linh mục Fogarty đơn cử vụ đức Piô XII bằng lòng làm trung gian cho một số sĩ quan cao cấp của Ðức liên lạc với phe Ðồng Minh trong mưu toan lật đổ Hitler. Văn khố Vatican không có một tài liệu nào đề cập đến việc đó. Các tài liệu ấy chỉ có trong Văn Khố Bộ Ngoại Giao Anh. Linh mục Peter Gumpel cũng xác nhận như thế và tin rằng việc mở một phần văn khố của Vatican gần đây cũng như trong tương lai không thêm gì cho việc hiểu biết về đức Piô XII. Ngài cho rằng ngài đã tìm tòi về đức Piô XII 40 năm nay, đã đọc cả 100,000 trang về vị giáo hoàng này, cho nên cuộc đời của vị giáo hoàng đã được khảo sát ngọn ngành.

Những chuyện hậu trường

Vì Phúc Trình Lâm Thời của Úy Ban Sử Học gây chấn động lớn trong dư luận quần chúng, tưởng nên lược qua những câu chuyện hậu trường liên quan đến việc họ đình chỉ hoạt động. Người ta biết rằng, các thành viên của Ủy Ban bao gồm cả những người từng có cái nhìn khá tiêu cực về Ðức Piô XII. Robert Wistrich, thuộc Ðại Học Hebrew, chẳng hạn, đã nói rằng: ”Piô XII đã không thi hành nhiệm vụ theo phương cách đem lại tiếng tốt cho Vatican hay Giáo Hội Công Giáo…Sau cùng, Ông đã rơi vào vị thế đồng loã trong chính sách về Ðức”. Trầm trọng hơn nữa, theo giáo sư Roanld J. Rychlak, ngay từ buổi đầu, các thành viên Ủy Ban đã khước từ nhiệm vụ đọc tài liệu mà họ có nhiệm vụ duyệt xét. Ngược lại một mực nằng nặc đòi Vatican phải mở cửa toàn bộ các Văn Khố chứ không chịu chỉ duyệt xét các tài liệu đã được công bố, như nhiệm vụ được trao phó. Cho nên thay vì nhận định về chính bộ tài liệu, họ lại chỉ chú tâm nêu lên những câu hỏi mà họ biết chắc chưa ai trả lời được vì văn khố liên hệ chưa được mở cửa. Wistrich tuyên bố rằng đọc các tài liệu đã ấn hành mà không đọc các tài liệu khác là một trò hề. Còn Leon Feldman, Giáo Sư Thực Thụ Ðại Học Rutgers và là phối trí viên Do-Thái của Ủy Ban, thì cho rằng nhất định có súng còn bốc khói trong văn khố và đó là lý do khiến Vatican giấu chặt các tài liệu.

Vắng bóng chứng cớ là chứng cớ vắng bóng

Trên kia chúng tôi đã nhắc đến linh mục Fogarty và nhận định của ông về câu nói vừa rồi của Feldman. Cả Tiến sĩ Margherita Marchione lẫn Giáo sư Ronald J. Rychlak, nhân nói đến câu hỏi thứ 44 của Ủy Ban, đã nhận xét rằng các thành viên của Ủy Ban đã không chịu làm bài ở nhà (home work) khi đảm nhiệm công việc. Vì cái tài liệu họ đòi hỏi liên quan đến một phúc trình được Toà Thánh ủy cho một số linh mục Dòng Tên soạn thảo để giải thích chính sách của mình đối với Ba-Lan đã đang nằm chình ình tại thư viện công của New York từ rất lâu. Dưới tựa đề Pope Pius and Poland, phúc trình này được The American Press công bố năm 1942 với dấu Imprimatur của Hồng Y Francis J. Spellman và được bán với giá 10 xu! Câu hỏi thứ 47 hỏi tại sao không thấy nhắc gì đến việc tàn sát người Do-Thái tại Auschwitz trong các thư từ của Tổng giám mục Krakow, Adam Sapieha, dù tử trại đó nằm trong lãnh thổ giáo phận ngài? Tại sao thì phải đi hỏi Sapieha, làm sao Tòa Thánh biết mà trả lời. Rychlak nhận định rằng đôi khi vắng bóng chứng cớ chính là chứng cớ vắng bóng!

Các thành viên Ủy Ban tỏ ra không hiểu biết hoàn cảnh của Vatican trong thời chiến tranh. Khi kinh thành bị quân Ðức bao vây tứ phía, giấy tờ hồ sơ ai mà giám tạo ra cho nhiều, mà có tạo ra thì cũng bố ai giám lưu giữ lâu. Cho nên nhiều tài liệu không có là vì thế. Vả lại, nếu có những tài liệu không có lợi cho Tòa Thánh, thì các học giả vẫn có thể kiểm chứng được từ những nguồn khác. Nhiều người dựa vào phúc trình của Reigner mà cho rằng: đó chứng cớ giấu tài liệu rành rành! Giấu thì tại sao còn đề cập đến nội dung của nó. Biết đâu tài liệu còn liên can đến những người còn sống khác, nên chưa được công bố toàn văn. Dựa vào một suy đoán để từ khước không tiếp tục nhiệm vụ được ủy thác là việc không đẹp.

Câu trả lời

Như sẽ thấy chi tiết sau này, Tòa Thánh đã nhờ linh mục Gumpel soạn tập hồ sơ trả lời 47 câu hỏi do Ủy Ban đặt ra. Linh mục Gumpel coi trọng nhiệm vụ của mình, để ra 2 tuần lễ chuẩn bị các câu trả lời. Nhiều người xin tham gia việc này, nhưng bị ngài từ chối lấy lý do muốn giữ kín (confidential) các câu hỏi này. Trong cuộc họp tại Rome từ 23 đến 26 tháng 10 năm 2000, ngài hy vọng có dịp trình bày đầy đủ các câu trả lời. Nhưng ngài chỉ được gặp họ mấy tiếng đồng hồ và chỉ có dịp duyệt qua được 10 trong số 47 câu hỏi. Nhưng, trong khi cuộc họp đang diễn tiến, thì Phúc Trình Lâm Thời của Ủy Ban được công bố trọn vẹn trên Trang Nhà của Hiệp Hội B’nai B’rith Quốc Tế. Sau đó có phúc trình cho rằng thành viên Bernard Suchecky, thuộc Ðại Học Tự Do Brussels, đã tiết lộ phúc trình cho Nhật báo Pháp Le Monde. Thông tấn xã Associated Press gọi phúc trình là nẩy lửa. Còn New York Times thì cho rằng 47 câu hỏi nói lên sự bất mãn của 6 thành viên Ủy Ban đối với thái độVatican. Báo Le Monde của Paris cho hay họ qui phần lỗi về Ðức Giáo Hoàng và Giáo Hội. Cha Gumpel rất buồn bởi Ủy Ban không những không cho ngài cơ hội trình bày các chứng cớ ngài đã khổ công soạn thảo, mà phúc trình họ công bố còn hoàn toàn giống hệt 47 câu hỏi họ đã gửi cho Tòa Thánh trước đó hai tuần. Nói các khác, họ không giữ đủ kín đáo như tư cách một học giả đòi hỏi.

Không đọc bộ tài liệu

Mặt khác, các thành viên Do-Thái cũng đã tỏ ra coi thường bộ tài liệu mà họ có nhiệm vụ phê phán: Rychlak cho hay không thành viên nào sở hữu cuốn nào trong bộ ADSS. Ðến khi bắt tay vào nghiên cứu, mỗi người lại chỉ chịu đọc có hai cuốn (riêng Wistrich yêu cầu được đọc cuốn thứ ba), thay vì phải đọc toàn bộ. Ðiều này dường như do việc không ai trong họ biết đọc chữ Ý là ngôn ngữ thường thấy nhất trong bộ tài liệu, nên phải dựa vào các phiên dịch viên. Tóm lại không ai từng đọc bộ này từ trước. Chẳng lạ gì Eva Fleischner cho hay: “Tôi muốn té ngửa khi đọc các tài liệu. Rõ ràng Tòa Thánh đã được thông tri về Holocaust rất sớm”. Việc chi phải té ngửa. Bất cứ ai quen thuộc với các tài liệu này đều biết Vatican đã được thông tri. Vấn đề là các phúc trình đầu tiên đã được tiếp nhận ra sao mà thôi. Nhiều nước Ðồng Minh coi nhẹ các phúc trình này. Ðiều rõ ràng là giáo sư Fleischner chưa đọc trước các tài liệu. Chỉ đọc hai, ba cuốn, lại không quen thuộc với các cuốn này, và vấn đề ngôn ngữ nữa, chẳng lạ gì Ủy Ban không nắm được vấn đề như ta đã thấy qua một số câu hỏi họ nêu lên. Nên lưu ý nhóm còn lẫn lộn luôn cả đức Piô XI và đức Piô XII khi họ vấn nạn về biến cố Ðêm Kính Bể (Kristallnacht) xẩy ra hồi tháng 11 năm 1938. Ðêm đó, Quốc Xã triệt hạ 1,400 hội đường và tiệm buôn Do-Thái tại Ðức và Áo. Biến cố ấy xẩy ra thời đức Piô XI, chứ đâu phải dưới thời đức Piô XII. Vả lại sự dã man của biến cố này từng được L’Osservatore Roma tường trình đầy đủ. Các học gỉa này đáng lý phải biết chuyện đó chứ.

Linh Mục Peter Gumpel, trong cuộc phỏng vấn dành cho Hãng Tin Zenit, ngày 26 tháng 7 năm 2001, cho hay: ngay từ đầu nhận công tác, một số - không phải tất cả - các thành viên của phía Do-Thái đã công khai phổ biến lòng ngờ vực là Tòa Thánh đang cố gắng giấu các tài liệu, mà theo phán đoán của mình, có thể có nguy hại… Các người này sau đó liên tiếp tiết lộ những tin tức bóp méo và có thiên kiến phổ biến trên bao chí quốc tế.

(còn 1 kỳ)