Chúc Mừng Năm Mới của Linh mục Destivelle, Giáo sư Thần học Đại Học Công Giáo Paris



Ngày 26/12 (một ngày sau Giáng Sinh), chúng tôi nhận được câu chúc năm mới của Linh mục Hyacinthe Destivelle, Giáo sư Đại Học Công Giáo Paris, nguyên văn như sau:

Merci, cher ami

Qu'Il nous aide à naître d'en haut, Lui qui est né ici-bas !

Bien à vous

fr. Hyacinthe Destivelle


(Xin cám ơn, bạn thân tình

Xin Chúa giúp chúng ta sinh trên cõi trời, trong khi Ngài sinh hạ nơi trần thế.

Tình thân

fr. Hyacinthe Destivelle)


Lời chúc tuy ngắn gọn nhưng ý nghĩa thì tràn đầy. Chúng tôi xin chia sẻ một vài suy nghĩ như sau:

Tác giả: Linh mục Hyacinthe Destivelle, Dòng Đa Minh, giáo sư về Công đồng tại Đại Học Công Giáo Paris. Ngài là tác giả luận án tiến sĩ Thần học ‘‘La réforme des académies ecclésiastiques et l’enseignement de la théologie orthodoxe en Russie’’ (Công cuộc cải cách các Học viện Giáo hội và việc giảng dạy khoa Thần học chính thống giáo tại nước Nga) tại Đại Học Sorbonne Paris.

Phân tích về ngữ pháp: Câu chúc của Linh mục Destivelle gồm hai mệnh đề:

- câu chúc sử dụng lối liên tiếp (mode subjonctif) nói lên một ý tưởng (pensée): Qu'Il nous aide à naître d'en haut

- tiếp theo là mệnh đề chính (proposition principale), lối trình bày (mode indicatif), thời quá khứ, để chỉ định một hành động đã xảy ra trong thực tế: Lui qui est né ici-bas. Linh mục Destivelle viết câu chúc ngày 26-12 (một ngày sau Giáng sinh).

Phân tích về từ ngữ:

Tác giả sử dụng

- chúng tôi (nous): bổ ngữ trực tiếp, đối tượng của câu chúc vừa là khách thể (người nhận), lại vừa là chủ thể (người gởi), mang ý nghĩa chúc nhau.

- hai từ phản nghĩa: trời - đất (en haut - ici-bas), trong 10 cặp đối xứng nhị nguyên (oppositions binaires) các đối từ (énantiose) triết học Pythagore. Cách sử dụng này giống như phép đối ý (對 意) trong thi pháp Đường luật (詩 法 唐 律).

Sách Đệ Nhị Luật (Deutéronome - 5, 8) đưa ra hai đồng vị ngữ (appositions):

- trên cao (en-haut): trời

- dưới thế (ici-bas): đất

Hình tượng này được nói đến trong cả Cựu ước và Tân ước:



Trong Cựu ước:


- Sách Giảng viên (Ecclésiaste hoặc Qohéleth) mở đầu bằng nhân sinh quan yếm thế của vua Qohéleth, con vua David, là vua Do Thái ngự ở Giêrusalem. Câu nói này đã trở thành cách ngôn: Vanitas vanitatum, et omnia vanitas:

Phù hoa nối tiếp phù hoa,

Tất cả sự đời đều là phù hoa.

Thông điệp Vanitas vanitatum của Đức Thánh Cha Bênêdictô XV mượn câu nói này trong Cựu ước để nói về cuộc chiến 1-11-1914.

Sách Giảng viên cho rằng cuộc đời chỉ là phù hoa, sớm nở tối tàn: ‘‘Ở dưới bầu trời này, mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời’’ (Gv 32, 1).

Trong Tân ước:

Thư của Thánh Giacôbê: Sự khôn ngoan là từ trời cao (la sagesse d’en-haut) trước hết tinh tuyền, sau là dịu hiền, khoan dung, đầy lòng từ bi, phát sinh nhiều hoa trái, không giả hình bề ngoài (Gc 3, 17).

- Ý nghĩa thần học : Théodore de Mopsueste, sinh năm 350 ở Antioche, một trong những nhà thần học lớn nhất của Giáo Hội, đã nói đến mối quan hệ giữa trời (en-haut) và đất (ici-bas). Theo ngài, phép Thánh thể là hy lễ trời cao mà ta có thể dự phần tại thế. ĐHY Jean Danilou, chuyên viên về Giáo Phụ Học (patrologie), tác giả Bible et Liturgie (Kinh Thánh và Phụng Vụ) cho rằng bí tích Thánh thể cử hành mãi mãi trên Trời. Thư gửi tín hữu Do Thái đưa ra các chứng từ trong Kinh thánh: Đức Kitô thực hiện công trình cứu chuộc (Dt 2, 5), Ngài là vị Thượng tế trung kiên có lòng từ nhân (Dt 5, 1), Đức Kitô là Thượng tế đích thực (Dt, 5, 11). Ngài dâng hy lễ hàng ngày để cứu độ trần gian. Ngài là Chiên Thiên Chúa hiến lễ trên Nước Trời từ trước khi tác thành trời đất. Các vị linh mục hàng ngày cử hành bí tích Thánh thể theo gương mẫu Đức Kitô. Frank-Duquesne nói đến bí tích Thánh Thể của Giáo Hội trần gian (Eglise sur terre) cử hành cùng với Hy lễ của Chúa Kitô trên cõi trời.

Lời nguyện Te rogamus trong Thánh lễ nói lên ý nghĩa trọng đại này: ‘‘Lạy Thiên Chúa toàn năng, chúng con khẩn cầu Ngài sai các Thiên thần chuyển cầu hiến tế này được cử hành trên bàn thánh để con được nuôi dưỡng bằng Mình và Máu Cực Thánh Con Ngài trên bàn thờ trần gian (autel terrestre), hưởng phép lành trời cao (bénédiction célestre)’’. Đó chính là ý nghĩa đích thực của bí tích Thánh thể được cử hành trên cõi thế (liturgie eucharistique célébrée ici-bas). Kinh tiền tụng Sursum corda (Chúng ta nâng tâm hồn lên) đã xác định vị trí trần gian (ici-bas) của phàm nhân trước đấng cửu trùng.

Kết luận:

Câu chúc Giáng Sinh của Linh mục Hyacinthe Destivelle lấy sự kiện Chúa sinh xuống trần mời gọi tái sinh trên cõi trời, được khởi đầu bằng bí tich Thánh Thể cử hành tại thế, hiệp thông với Hy lễ hàng ngày của Thầy Cả Cực Thánh là Đức Giêsu Kitô trên nước trời. Như vậy, Chúc Mừng Năm Mới 2009 của linh mục Destivelle là câu chúc của niềm hy vọng. Thư gửi tín hữu Rôma đã chép: Mọi lời xưa trong Kinh thánh đều được chép để dạy dỗ chúng ta. Những lời ấy làm chúng ta nên kiên nhẫn và an ủi chúng ta, để nhờ đó chúng ta vững lòng trông cậy. Bản dịch đại kết Kinh thánh (Traduction œcuménique de la Bible) viết là ‘‘espérance’’ mà bản dịch tiếng Việt chép là ‘‘trông cậy ’’. Pháp ngữ có từ ‘‘espoir ’’và ‘‘espérance ’’ thường được chuyển dịch là ‘‘hy vọng’’. Trong khi niềm hy vọng (espoir) của nhân gian thì mong manh như sương chiều, sự cậy trông (espérance) là ánh chiêu dương, tỏa ánh sáng cứu độ khắp nơi. Niềm cậy trông vào Chúa Kitô chính là thông điệp của cha Destivelle gửi tác giả bài này. Chúng tôi mạn phép chuyển lại quý độc giả Vietcatholic nhân đầu năm dương lich. Chúc Mừng Năm Mới của Linh mục Destivelle còn là chủ đề của mấy vần lục bát sau đây:

Xin Ngài cứu giúp chúng con,

Kiếp sau sống lại vuông tròn phúc ân.

Trên trời hạnh phúc chứa chan,

Thời gian xóa sạch, nợ nần sạch trơn.

Đêm qua tiếng hát cung đờn,

Chúa tôi xuống thế ban ơn cứu đời.

Phù vân thân phận kiếp người,

Từ nay chung hưởng Nước Trời phước vinh.

Paris, ngày 27-12-2008