Phần I: Trì Chính 100 Năm Nhìn Lại

Đây Trì chính trăm năm lịch sử
Như dòng sông tràn ứ phù sa
Phù sa ơn thánh chan hoà
Tràn trên giáo xứ, nhà nhà thấm sâu.

Lm P. Nguyễn Hồng Phúc



Trì Chính: Quê Hương và Con Người

Một số nhà nghiên cứu về Việt Nam cho rằng các làng Công giáo nằm dọc theo hai bên bờ các con sông lớn như sông Hồng, sông Đáy là những làng đạo sầm uất, sốt sắng. Người ta cũng nói rằng làng nào có dòng sông chảy qua, làng đó có nhiều tài nhiều lộc. Người ta còn thấy rằng người dân sống ở ven sông là những người có tính tình chất phác, mộc mạc, hiền lành như chính dòng sông; là những người ăn to, nói lớn như sóng của biển cả. Phải chăng những dòng sông có nước chảy đêm ngày không bao giờ cạn là yếu tố tự nhiên làm nên những vùng quê trù phú, thanh bình ? Phải chăng những dòng sông tạo nên phần nào tính cách của con người ? Hơn thế nữa những dòng sông, nước không bao giờ cạn, cũng là biểu tượng của ơn Chúa chảy tràn trào không bao giờ nguôi trong tâm hồn con người cũng như cho quê hương xứ sở thân yêu ?
Nằm dọc theo bờ sông Vạc 7 km Trì Chính cũng được thừa hưởng những yếu tố tự nhiên của dòng sông đó.

Sông Vạc nối tiếp bởi sông Luồn và sông Chanh thuộc sông Hoàng Long. Dòng sông Vạc chảy qua thành phố Ninh Bình và còn là ranh giới của hai huyện Yên Khánh với huyện Yên Mô chảy tới thị trấn Kim Sơn dọc qua hai xã Kim Chính và xã Thượng Kiệm rồi nhập vào sông Đáy, từ sông Đáy chảy ra Biển Đông. Phải chăng, chính dòng sông Vạc, với thời gian, đã âm thầm đưa hàng triệu triệu hạt phù sa kiên nhẫn bồi đắp để làm nên mảnh đất Trì Chính hôm nay ? Phải chăng chính dòng sông Vạc này đã cho tôm, cho cá để nuôi người Trì Chính, là tiền đề để xuất hiện làng chài Thủy Cơ? Phải chăng chính dòng sông này đã từng là phương tiện để các nhà ruyền giáo đến giảng Đạo, đem Tin Mừng của Chúa đến cho Trì Chính ?

Thật vậy, người Trì Chính đa số là những người chân chất, sống chủ yếu bằng nghề nông và nghề thủ công. Mảnh đất Kim Sơn mang đượm phù sa của biển đã làm nên những cánh đồng cói, và những cánh đồng cói lại cho người Trì Chính khéo tay hay làm một nghề thủ công chiếu cói nổi tiếng. Nếu bạn có dịp đến thăm các gia đình ở họ Trị Sở, họ Kiến Thái, bạn sẽ thấy các bà, các mẹ, các chị, các cô, miệng hát thánh ca, tay thoăn thoắt đan những chiếc làn cói, những bàn tay mềm mại kiên nhẫn dệt nên những chiếc chiếu hoa mịn màng. Đất và người Trì Chính đã tạo nên một tâm hồn Trì Chính. Đất và người Trì Chính tạo nên một sự an bình hiếm có của một làng quê. Chính từ mảnh đất này hạt giống Tin Mừng của Chúa đã được gieo trồng, trổ bông và kết trái. Chính mảnh đất này đã cưu mang, nuôi dưỡng rất nhiều người con của Trì Chính, trong đó có các đấng các bậc, các nam nữ tu sĩ và giáo dân đã và đang miệt mài trên cánh đồng truyền giáo khắp bốn phương trời. Chính mảnh đất này đã từng trở nên như chiếc nôi nuôi dưỡng và vun trồng ơn gọi linh mục, tu sĩ cho giáo phận Phát Diệm.

Trì Chính Trong Lòng Mẹ Phát Diệm

Trước kia Trì Chính là một trong những họ lẻ của giáo xứ Phát Diệm, một trong những giáo xứ kỳ cựu của giáo phận Tây Đàng Ngoài.

Phát Diệm là xứ đạo đầu tiên cho cả huyện Kim Sơn và một phần của huyện Yên Mô chạy dài từ Hướng Đạo cho tới Hảo Nho, vươn cả tới một số xã trên huyện Yên Mô, cho nên Trì Chính thuở ban đầu là một họ lẻ của giáo xứ Phát Diệm. Theo sử sách để lại, giáo xứ Phát Diệm được hình thành dưới quyền coi sóc của Cha Phêrô Trần Lục, từng có một ngôi nhà thờ bậc nhất lúc đó do Đức Cha Theurel Liêu xức dầu bàn thờ năm 1862. Các vị mục tử đầu tiên coi sóc giáo xứ sử sách ghi lại phải kể đến Cha gìa Khanh, Cha già Thạc, Cha già Chuyện, Cha Nhị, Cha Kỳ…

Vì nhu cầu mục vụ, Đức Cha Alexandre Marcou Thành, Giám mục tiên khởi của Giáo phận Đàng Ngoài Duyên Hải (tên cũ của Giáo phận Phát Diệm), đã tách một phần nhỏ củag giáo xứ Phát Diệm thời đó để thành lập giáo xứ Trì Chính vào đời vua Thành Thái năm thứ 19, tức năm 1908.

Như vậy, đã có một thời Trì Chính được giáo xứ Phát Diệm như một người mẹ thai nghén, sinh ra và cưu mang trong lòng mình. Là con của mẹ Phát Diệm, Trì Chính cũng từng trải nghiệm, chia sẻ cùng mẹ những biến cố vui, buồn, thăng, trầm của thời thế.
Là một trong những giáo xứ kỳ cựu của giáo phận, từ những thập niên đầu của thế kỷ XX, Trì Chính từng là một vị trí tối quan trọng nơi tọa lạc những cơ sở tu trì, đào tạo, in ấn của Giáo phận:

Trường Thử (Probatorium)

Ngay từ năm 1906, mấy năm sau khi Đức Cha A. Marcou về coi sóc giáo phận, một Trường Thử đã được lập nên ở Phát Diệm với mục đích đào tạo về giáo lý, đức dục, trí dục, thể dục, nhân bản cho các chú có ý hướng đi tu do các giáo họ gửi đến trước khi vào chủng viện. Sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, tức là vào năm 1918, Trường Thử Phát Diệm chuyển vào Ba Làng (Thanh Hóa). Vào năm 1936 Đức Cha Gioan B. Nguyễn Bá Tòng mua một khu đất rộng 7 mẫu ta ở Trì Chính với dự tính của người là chuyển Đại Chủng viện Thượng Kiệm sang khu đất này và nhường cơ sở Đại Chủng Viện cũ cho Trường Thử. Nhưng vì năm 1939, chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, không thể mua sắm đủ vật liệu, nên khu đất đó dùng để xây Trường Thầy Giảng. Đức Cha Anselmo Tadeo Lê Hữu Từ đã dùng nơi đây là Trường Thử từ năm 1946 đến 1954. Nhiều linh mục của giáo phận đã được đào tạo từ Trường Thử Trì Chính này. Sau biến cố 1954, Trường Thử giải tán, Nhà Nước mượn cơ sở này làm hợp tác xã sản xuất chiếu cói Đại Đồng. Đầu tháng 10 năm 2008, Nhà Nước đã trao trả cơ sở này cho giáo phận.

Dòng Kín Carmel

Dòng Kín Carmel nằm trên một khu đất rộng cạnh bờ sông Vạc, được xây dựng vào năm 1939 theo đúng kiểu nhà dòng Kín tại Lisieux bên Pháp. Sự hiện diện của Dòng Kín tại nơi này là chương trình thiêng liêng của Đức Cha Gioan B. Nguyễn Bá Tòng, giám mục tiên khởi người Việt Nam: Năm 1933, khi người về coi sóc giáo phận, người muốn rằng sự có mặt của hai dòng tu trong giáo phận (Dòng Kín và Dòng Châu Sơn), như những chiếc cột thu lôi (paratonnerre) để kéo ơn Chúa xuống cho giáo phận. Lúc ban đầu Dòng Kín do mấy sơ Dòng Kín người Pháp đến phụ trách, nhưng sau vì do ồn ào của thời chinh chiến, xét thấy không thuận lợi cho việc tu trì, nên các sơ đã quay về Pháp. Sau này khu nhà dòng được sử dụng làm Nhà in Lê Bảo Tịnh và trụ sở tờ Nguyệt san Đường Sống. Năm 1971 cơ sở đã bị bom đạn của Mỹ bắn phá bình địa không còn một vết tích nào.

Nhà nghỉ mát Kim Đài

Ngoài ra, trên mảnh đất họ Kim Đài, trước cửa Vịnh Bắc Việt, trước đây còn có nhà nghỉ mát cho giáo sĩ và tu sĩ của Giáo phận do Đức Cha Gioan B. Nguyễn Bá Tòng xây dựng. Một số cụ già còn nhớ lại rằng cứ chiều thứ tư hàng tuần trong năm học, cũng như trong các tháng nghỉ hè, các chú, các thầy học tại Trường Thử mặc quần trắng áo chùng thâm đi bộ ra đây. Theo sau các chú các thày là người Nhà Chung gánh xôi, gánh chuối ra phục vụ các thầy. Ngày hôm đó Cố Bỉ thường giáo huấn một giờ rồi các thầy mới dùng cơm trưa. Thời đó chỉ có Cố Bỉ đi lại bằng xe máy còn các cha thường đi bằng xe tay. Các ngày thứ năm trong tuần thì đến lượt các thày giảng ra đây, nhưng không phải Cố Bỉ huấn dụ mà là một cha người Việt, trong số các cha đó, các cụ già còn nhớ một cha tên là Cha Hải.

Cụ Nguyễn Văn Nhã, giáo họ Kim Đài, còn nhớ những lần Đức Cha Tòng ra nghỉ tại đây, người rất vui vẻ, thích trò chuyện với thiếu nhi. Vì là người to lớn, nên mỗi lần lên xe để về Nhà Chung, người phải nhờ một số thanh niên giúp người mới lên được. Cụ Nhã còn nhớ rằng Đức Cha Phùng cũng từng ra đây nghỉ mát. Mỗi lần người ra, người đều cho quà trẻ em, như bánh đa, dưa hấu, chuối. Đó là những ký ức quý báu về các Đấng bậc cũng như về một cơ sở của giáo phận.
Nhà nghỉ mát trước đây là một ngôi nhà có 2 tầng, 8 mái, rất đẹp, khang trang, tọa lạc ở một vị trí tuyệt vời ngay cửa biển. Vào năm 1956, xã Công Uẩn đến mượn nhà này làm lớp học bình dân học vụ. Lấy cớ là vì sự an toàn của học sinh, ông Thứ là phó chủ tịch xã Công Uẩn đã cho rỡ mất tầng 2, rồi dùng thuyền chở gạch ngói và gỗ lim, sắt thép đi. Họ có bù cho Tòa Giám mục 850 đồng. Khi không sử dụng để dạy học nữa thì Hợp tác xã nông nghiệp Công Uẩn lại dùng nhà này làm nơi nuôi vịt, nuôi lợn. Trước những việc làm vô lý như thế, Tòa Giám mục cũng như giáo dân không dám lên tiếng vì lúc đó là thời kỳ « nước sôi lửa bỏng » ở xã hội miền Bắc – một thời kỳ dài Giáo hội không có chủ quyền gì đối với các cơ sở thờ tự cũng như các tài sản của mình.

Hiện nay, nhà nghỉ mát này chỉ còn lại mấy bức tường trong một khu đất hoang vu.

Trì Chính Thời Kỳ Đau Thương

Cũng như một đời người « năm chìm bảy nổi, chín lênh đênh », giáo xứ Trì Chính cũng có những lúc huy hoàng, những lúc gian nan khốn khó, có lúc thịnh, lúc suy.
Thời kỳ nhiều giông tố nhất của Trì Chính cũng như của giáo phận Phát Diệm, đó là thời kỳ từ 1954 cho đến năm 1986, tức là từ biến cố di cư vào Nam cho đến khi Việt Nam bắt đầu có chính sách đổi mới, mở cửa.

Sau Hiệp định Genève 1954, đất nước Việt Nam bị chia cắt làm hai. Biến cố này làm cho giáo xứ Trì Chính cùng chung số phận với giáo phận bước sang một trang sử mới với những thách thức mới để bắt đầu một thời kỳ đau thương trong lòng Giáo Hội miền Bắc.

Sự kiện di cư vào miền Nam năm 1954 đã gây ra một lỗ hổng về nhân lực, làm gần như tê liệt những hoạt động đào tạo, truyền giáo của giáo phận: 124 trong số 158 linh mục, trong đó có Đức Cha Anselmo Tadêo Lê Hữu Từ và Cha Chính giáo phận Luca Mai Học Lý, hầu hết các nữ tu Mến Thánh Giá và hơn một nửa số giáo dân, khoảng 60 ngàn người, lần lượt di cư vào Nam. Số giáo dân ở lại trong cả giáo phận chỉ còn khoảng 50 nghìn người với 34 linh mục. Lúc đó Cha Phaolô Dương Đức Liêm được chọn làm cha chính giáo phận.

Riêng giáo xứ Trì Chính, vào năm 1954 có 2.100 giáo dân, nhưng gần hai phần ba đi Nam, chỉ còn lại 800 nhân danh, dưới sự coi sóc của Cha già Giuse Trần Văn Lại. Giáo xứ Trì Chính trước năm 1954 sầm uất bao nhiêu, thì sau đó là một giáo xứ hoang tàn, kiệt quệ bấy nhiêu: Trường Thử, Nhà in Lê Bảo Tịnh, Nhà mồ côi… tất cả đều phải đóng cửa.
Sau biến cố 1954 là cuộc cải cách ruộng đất 1956, nông dân vùng dậy đấu tranh chống địa chủ cường hào. Theo chiều hướng đó, một vài giáo dân không vững lập trường, vừa bị mua chuộc, vừa bị ép buộc, bị dụ dỗ đứng lên tố cáo, vu oan cáo vạ cho hàng giáo sĩ những tội ô uế, tội dụ dỗ đi Nam, tội đầu độc bánh thánh, tội lấy tin tức trong tòa giải tội v.v. Trong hoàn cảnh ấy, Cha xứ Trì Chính Giuse Trần Văn Lại đã từng rất căng thẳng, khổ sở vì bị thúc bách nộp tô 24 mẫu ruộng công điền mà nhà xứ cấy ở phía may đường 10. Cha cũng bị một vài giáo dân của mình vu oan cáo vạ như nhiều Cha trong giáo phận, như Cha Matthêu Đặng Đức Hậu, Cha Phaolô-Giuse Tịnh Quang Thiều... Những người tố cáo, vì được hứa hẹn một chút quyền lợi cá nhân, vì bị thúc ép, đã làm cho Cha già Lại, tuy không bị đi tù như Cha Hậu trẻ và Cha Thiều, nhưng nhiều lần bị rêu rao, bị chế nhạo, bị lên án tại các cuộc họp của làng, xã. Lúc đó, giáo dân Trì Chính rất thương ngài, nhưng không ai làm gì được, tất cả đều cam chịu trước một cuộc bách hại công khai. Nhà xứ Trì Chính lúc đó hoang tàn, cỏ mọc um tùm đến tận các bậc thềm vào nhà thờ, trẻ con và trâu bò thả sức phá phách.

Năm 1958, nhà phòng 2 tầng của giáo xứ bị mượn để tổ chức 9 lớp học. Cho đến năm 1965 thì Hợp tác xã (HTX) Công Uẩn lại dùng nhà xứ để làm trụ sở thường trực và làm nhà kho chứa thuốc trừ sâu, chứa thóc và dụng cụ lao động. Năm 1995 nhà phòng này mới được trả lại cho giáo xứ, nhưng giáo xứ phải vay Tòa Giám mục 18.000.000 đồng để bồi thường cho HTX. Lúc nhận lại, nhà phòng đã xuống cấp trầm trọng: mái bị dột, tường bị thủng, cửa ra vào bị phá hết.

Ngoài nhà phòng của giáo xứ, nhà mồ côi cũng như một dãy nhà dài cấp 4 do Cha già Chí cho xây trên mảnh đất người mua (chiều dài khoảng 60m, chiều rộng 15m) với mục đích lấy tiền xây nhà thờ mới, cũng bị dân đến chiếm hết. Bên tượng Chúa Giêsu Vua trước đây là hai dãy nhà trường học của giáo xứ, nơi đã để lại cho nhiều thế hệ con em Trì Chính những kỷ niệm đẹp về một thời học sinh. Đến năm 1967, bom Mỹ bắn phá phía ngoài làm hai dãy nhà trường hư hỏng nặng, xã Công Uẩn đã tự động đến phá rỡ đem gạch ngói, gỗ, sắt thép đi. Giáo dân lúc đó rất xót xa, nhưng không dám phản ứng gì.

Ngoài những cơ sở kể trên, Cô Nhi Viện Trì Chính, do thầy Bảo quản lý, nằm liền cạnh Trường Thử cũng bị bom đánh phá vào năm 1967. Sau đó HTX Công Uẩn lấy làm cửa hàng mua bán, hiện nay chỗ này chính là trường tiểu học Kim Chính.

Những năm tháng chiến tranh là những năm tháng người dân Trì Chính nói riêng, nhân dân miền Bắc nói chung, chịu muôn vàn gian khổ, phải « thắt lưng buộc bụng », tất cả dành cho chiến trường. Về mặt Đạo, tất cả các Nhà Chung, nhà xứ bị kiểm soát khắt khao; những mối liên hệ của giáo dân với các linh mục dù là về việc thiêng liêng, đều bị nghi ngờ, xét nét.

Người Công giáo Trì Chính cũng như giáo dân Phát Diệm thời đó sống Đạo bằng nếp sống bình dân như việc trung thành đọc kinh chung trong các gia đình, chăm chỉ lần hạt Mân Côi, viếng Thánh Thể…Trong hoàn cảnh nhiều năm không hề có những lớp giáo lý, thiếu các linh mục trầm trọng, các bậc cha mẹ trong các gia đình đã tự giáo dục đức tin cho con cái không những bằng những gương sáng của mình trong việc thờ phượng, trong cuộc sống đời thường, mà họ còn dựa vào những điều trong sách bổn, những kinh đọc hàng ngày, coi đó là những cẩm nang, những tiêu chuẩn để dạy dỗ cho con em mình biết cách giữ Đạo.

Việc phân biệt đối xử, việc tuyên truyền bôi nhọ hàng giáo sĩ trong các nhà trường làm nhiều thế hệ người ngoài Công giáo nông cạn có những cái nhìn thiếu thiện cảm về những người Công giáo. Người Công giáo bị cô lập, nên họ chỉ còn biết tin tưởng vào Chúa, vào Giáo Hội, cho dù Giáo Hội đó đang bị bách hại. Dù cho hàng giáo sĩ và tu sĩ bị chống đối, bị bắt bớ tù đầy, người Công giáo luôn mến mộ các Đấng các bậc. Họ ao ước có nhiều linh mục, khao khát thánh lễ, có người đi bộ hàng chục cây số để dự lễ. Mặc dù Đạo bị chống đối, dù thông tin chỉ có một chiều, người Công giáo Trì Chính âm thầm sống chết với Đạo, giữ lập trường như giáo dân thời sơ khai xưa « vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời loài người » (Cv 5,29). Thời đó, nhiều người trẻ khao khát đi tu nhưng họ không có điều kiện để thực hiện ơn gọi tu trì của mình.

Sống trong tình trạng bị cô lập bởi sự khác biệt về ý thức hệ: vô thần – hữu thần, bị phân biệt đối xử một cách minh nhiên trong các nhà trường, cộng với sự khó khăn về kinh tế, nên thanh thiếu niên Trì Chính giai đoạn đó dường như không được đi học, hoặc không muốn đi học vì theo quan niệm của đa số các bậc cha mẹ: thà mù chữ mà còn giữ được Đạo thì hơn đi học mà mất đức tin. Cho nên giai đoạn này rất ít thanh niên Trì Chính thoát ly. Những thanh niên hoạt động xã hội, được xã hội tín nhiệm thường là những người không còn lập trường Giáo Hội. Rất nhiều thanh niên thoát ly ra xã hội phải giấu danh tính Công giáo của mình vì miếng cơm manh áo, vì địa vị xã hội của mình, vì nếu là người Công giáo họ sẽ không bao giờ được thăng quan tiến chức, không được an lành. Một ưu điểm nữa của giới trẻ Trì Chính trước 1975 là họ không biết tới những tệ nạn xã hội. Tuy không được học hành, cuộc sống lao động hết sức vất vả lam lũ, lại luôn phải đối đầu với bom đạn chiến tranh khốc liệt, nhưng giới trẻ sống trong sáng: không biết đến ma túy, cờ bạc, ăn chơi sa đà.

Sau giải phóng miền Nam năm 1975, miền Bắc vẫn nghèo, vẫn đói, tuy có « dễ thở » hơn trước một chút. Thanh niên Trì Chính vẫn ít học hành. Họ tìm cách Nam tiến vì ở đó họ có thể tìm được việc làm, họ được tiếp thu, tiếp cận với những tiến bộ về mọi mặt của xã hội miền Nam. Nhưng, cũng qua nẻo đường miền Nam, giới trẻ miền Bắc từng khổ cực lam lũ, từ xưa đến nay chỉ biết làm ăn, chắt chiu, nay bắt đầu thâm nhập những tệ nạn xã hội như cờ bạc, ăn chơi, lố lăng.

Giai đoạn đau thương đã để lại cho giáo xứ không chỉ là những thương tích do bom đạn tàn phá nơi các công trình lịch sử của giáo phận, giáo xứ, nhưng còn để lại cả những vết thương sâu thẳm trong tâm hồn mỗi người Trì Chính. Đúng như Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh, giám quản giáo phận, đã nói trong bài giảng Thánh lễ Khai mạc Năm Thánh: “Chúng ta ngỡ rằng, giáo xứ Trì Chính có nguy cơ bị xóa tên, thời thế lịch sử, bao nhiêu là biến cố đã diễn ra, đã giày xéo quê hương này. Nhưng chúng ta vẫn còn ngồi đây, đứng trước ngôi nhà thờ sừng sững của Trì Chính. Phải chăng đó là những biểu tượng hồng ân Thiên Chúa vẫn tuôn đổ ồ ạt xuống trên giáo xứ của chúng ta. Cho dù lịch sử thế nào, Chúa vẫn luôn luôn là Đấng yêu thương”.

Sức Sống Của Trì Chính

Cả một giai đoạn đau thương của Trì Chính đã qua đi như một cơn lốc lớn của thời thế, như cuốn phăng đi tất cả những thành tựu của Trì Chính gần một thế kỷ mà ông bà tổ tiên, các thế hệ Trì Chính đã dầy công xây dựng. Cơn lốc của thời thế tưởng chừng đã làm tê liệt sức sống mãnh liệt vốn có từ xưa của người Trì Chính, tưởng chừng dập tắt ngọn lửa Kitô trong mỗi con tim nhỏ bé. Thế nhưng, sức sống Kitô vẫn âm ỷ trong từng đường gân, thớ thịt của những người con Trì Chính. Mặc dù bên ngoài người Trì Chính không được tự do hành đạo, truyền đạo, nhưng không ai ngăn cản được con tim yêu mến Chúa và Giáo Hội.

Kể từ năm 1963, khi có chính sách đặc biệt khắt khe đối với tôn giáo, giáo xứ Trì Chính có những giai đoạn nhiều tháng không có thánh lễ. Sau khi Cha già Giuse Trần Văn Lại qua đời, có khi cả vài tháng một lần, mới có các Đấng bên Tòa Giám mục âm thầm sang dâng lễ cho giáo dân. Người Trì Chính không bao giờ quên: Cố trùm Phạm Ngọc Khuê sang đón Đức Cha già Phaolô Bùi Chu Tạo về dâng lễ được một lần; Cha già Giuse Hoàng Đình Kim thỉnh thoảng sang bằng xích lô; Đức Cha phó Giuse Lê Quý Thanh, Cha già Giuse Nguyễn Thiện Khuyến (lúc đó người chưa làm giám mục) và Cha Giuse Trần Bá Vinh phải thay nhau đi đò ngang Trường Lý Đoán Thượng Kiệm. Trong lúc khó khăn, thiếu linh mục trầm trọng như thế, chính Thánh Thể và Lời Chúa là sức sống của Trì Chính.

Trải qua 100 năm với bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, với bao nhiêu khó khăn gian khổ, với chiến tranh tàn phá, nhờ hồng ân Thiên Chúa, qua lời chuyển cầu của Mẹ Maria và thánh Phêrô Quan thầy, giáo dân Trì Chính vẫn luôn giữ vững đức tin, trung thành, vâng phục các Đấng chủ chăn, giữ được lòng đạo đức sốt sắng.

Sức sống của Trì Chính một phần nhờ vào việc giáo dân gắn bó với giáo xứ qua việc sinh hoạt trong các hội đoàn như Ca đoàn, Hội Thánh Thể, Hội Mân Côi, Hội Thánh Giuse, Hội Con Đức Mẹ, Hội Gia trưởng, Hội Quản giáo, Ban Giáo lý, Ban truyền giáo, Giới trẻ.

Cơ Cấu Và Nhân Sự

Khi được thành lập, giáo xứ Trì Chính chỉ có 1.700 giáo hữu, đa số làm nghề nông và một số ở họ Thủy Cơ làm nghề đánh cá. Ban đầu Giáo xứ bao gồm 4 giáo họ: Trị Sở, Vạc Giang (tức họ Thủy Cơ ngày nay), Kim Đài và Kiến Thái, về sau thêm họ Mật Như là họ tân tòng. (họ Mật Như hiện nay đã được sát nhập vào Giáo xứ Phúc Nhạc). Trong số 4 họ đạo trước chỉ có Vạc Giang và Kim Đài là hai họ toàn tòng, còn hai họ Trì Chính và Kiến Thái là hai họ gián tòng. Sau này Giáo họ Kim Đài được chia thành ba giáo họ nhỏ Kim Đài, Xuân Đài và Tân Chính. Ba giáo họ này chỉ có một nhà thờ chung là nhà thờ Kim Đài do Cha Giuse Phạm Ngọc Khuê đứng ra quyên góp, xây dựng lại vào năm 1995.

Trong biến cố 1954, nhiều giáo dân của Trì Chính di cư vào Nam, từ con số 2.100 nhân danh Trì Chính chỉ còn 800 người ở lại dưới sự coi sóc của Cha gi Giuse Trần Văn Lại. Nhưng, nhờ ơn Chúa, cho đến tháng 5 năm 2007, số giáo dân của Trì Chính đã lên đến 1.700 người. Vì lý do mục vụ, đầu năm 2007 Đức Cha Giuse Nguyễn Văn Yến đã quyết định tách ba giáo họ nằm trên đất của xã Thượng Kiệm (là Kim Đài, Xuân Đài và Tân Chính) ra khỏi xứ Trì Chính để sát nhập những giáo họ này vào Giáo xứ mới Phát Vinh. Như vậy, đến nay Giáo xứ Trì Chính chỉ còn 3 giáo họ là Trị Sở, Thủy Cơ và Kiến Thái với 1.300 nhân danh.

Các giáo họ của Trì Chính

1. Giáo Họ Trị Sở

Giáo họ Trị Sở là trung tâm mục vụ của giáo xứ, có ngôi nhà thờ được xây dựng vào đời vua Thành Thái năm thứ nhất, tức là vào năm 1890, lúc đó Trì Chính còn là họ lẻ của giáo xứ Phát Diệm.

Ngôi Nhà thờ thực sự nhỏ bé về diện tích, kiến trúc giản dị, khiêm tốn so với kiến trúc độc đáo của quần thể Nhà thờ Phát Diệm. Chiều dài Nhà thờ Trì Chính là 29m và chiều rộng dài 12,5m. Tháp chuông Nhà thờ được xây vào năm 1914 (có ghi năm xây dựng trên mặt tiền của tháp). Phía bên trong nhà thờ, Cung Thánh được lát lại nền bằng gạch men; gác đàn bằng gỗ vẫn được giữ lại. Trước năm 1954, giáo xứ Trì Chính có diện tích là 4 mẫu nhưng đến nay tổng diện tích chỉ còn là gần 2 mẫu.

Nói đến nhà thờ Trì Chính phải nói đến công ơn Cha già Chí, Chính xứ Trì Chính, đã ao ước và lo lắng để xây lại nhà thờ này hầu đáp ứng nhu cầu mục vụ của giáo xứ. Người ta còn nhớ rằng, cha xứ đã từng nuôi một đàn trâu 4 con, có 3 công điền chăm sóc và cầy cấy 24 mẫu ruộng của nhà xứ nằm ở phía may đường 10 để gom góp tiền xây nhà thờ mới. Người đã chắt chiu tiền và đã mua một khoảng đất có chiều dài khoảng 60 mét, chiều ngang khoảng 20 mét nằm sát chân đê từ đài Chúa Giêsu Vua cho tới nhà ông Lê Pháp, tức là tới sát bốt (poste) canh của Pháp. Trên mảnh đất đó người đã cho xây một nhà cấp 4 nhiều phòng để cho dân thuê ở nhằm lấy tiền xây sửa nhà thờ xứ. Người cũng cho mua nhiều đá, cát, xi-măng, gỗ lim tập trung tại khu vực đài Chúa Giêsu Vua. Nhưng vào năm 1949, khi Pháp nhảy dù xuống Phát Diệm, con đường Kiến Thái trở thành điểm tranh chấp giữa Việt Minh và quân đội Pháp: ban đêm thì Việt Minh phá đường nhằm ngăn chặn giao thông của Pháp, ban ngày thì phía Pháp cho lấp đường để đi. Để lấp đường mà Việt Minh đã phá, phía Pháp đã đến lấy gần hết số cát, đá mà cha xứ đã mua để xây nhà thờ. Giáo dân lúc đó không dám ngăn cản và cũng không nói được tiếng Pháp. Rất may, Cha Hiệp và Cha Văn là những đấng giỏi tiếng Pháp từ Tòa Giám mục sang nói với họ không được lấy của nhà xứ, lúc đó họ mới thôi. Số gỗ còn lại không bị Pháp mang đi, về sau HTX Công Uẩn tự động đến lấy đi đóng hai cái thuyền làm phương tiện chở lúa cho HTX, còn lại cán bộ chia nhau mang về gia đình đóng giường đóng tủ. Sau khi Cha già Chí qua đời, Cha Chiêu về làm Chính xứ, tình hình lúc đó đã tương đối ổn định. Tuy nhiên, việc thực hiện xây lại mới nhà thờ Trì Chính là không thể.

Họ Trị Sở từng là một vị trí tọa lạc của những cơ sở tu trì, đào tạo quan trọng của giáo phận trong những thập niên đầu của thế kỷ XX, như Trường Thử (Probatorium), Dòng Kín Carmel, sau này là Nhà in Lê Bảo Tịnh.

Hiện nay giáo họ Trị Sở chỉ có 760 giáo dân đa số làm nông nghiệp và thủ công chiếu cói.

Trong giáo họ hiện nay có 20 em đang học phổ thông trung học, và 6 em đang học tại các trường đại học và cao đẳng chuyên nghiệp.

Giáo họ Trị Sở còn tự hào là quê hương của nhiều linh mục và nam nữ tu sĩ đã và đang phục vụ trong giáo phận cũng trên khắp mọi miền của Tổ Quốc.

2. Giáo Họ Kiến Thái

Khi giáo xứ Trì Chính được thành lập, giáo họ Kiến Thái là một giáo họ gián tòng. Giáo họ có ngôi nhà thờ dâng kính Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội mới được đại tu và tháp chuông mới được xây mới năm 2006. Giáo họ Kiến Thái tuy nhỏ bé, nhưng tự hào là nơi sinh trưởng của Đức Cha Gioan Maria Phan Đình Phùng, vị giám mục đầu tiên xuất thân từ quê hương Phát Diệm.

Ngày nay, với 55 hộ giáo dân với 195 nhân danh, số người Công giáo Kiến Thái chỉ là thiểu số trong khu dân cư. Đa số người dân ở đây làm nghề thủ công chiếu cói, một số người làm nghề mộc và buôn bán nhỏ.

Hiện nay trong giáo họ có 14 em đang học trung học phổ thông và 7 em đang theo học tại các trường đại học và cao đẳng chuyên nghiệp.

3. Giáo họ Thủy Cơ

Tên ban đầu là giáo họ Vạc Giang, về sau được đổi thành giáo họ Thủy Cơ. Giáo họ Thủy Cơ có ngôi nhà thờ dâng kính thánh Phêrô Tông Đồ, Quan thầy giáo họ, nằm ngay sát chân đê.
Ngay từ khi thành lập và cho đến ngày nay, đây từng là giáo họ toàn tòng, đa số giáo dân làm nghề nông nghiệp, đan lát, một số người vẫn làm nghề đánh cá.
Hiện nay trong giáo họ có 68 gia đình với 230 nhân danh.

Các vị chủ chăn:

Để trở thành một giáo xứ có nề nếp đạo đức như ngày hôm nay, giáo xứ Trì Chính ghi sâu công ơn hàng giáo sĩ đã và đang hi sinh, dấn thân phục vụ Dân Chúa trên mảnh đất Trì Chính này.

Ngay từ những ngày đầu được hình thành, mảnh đất Trì Chính đã in những dấu chân của các nhà truyền giáo ngoại quốc, đặc biệt là các cha thuộc Hội Thừa Sai Paris như cố Chevemet, cố Soubeyre. Các ngài đã bỏ quê hương xứ sở yêu qúy của mình để đến đồng cam cộng khổ với dân Trì Chính. Các ngài đã quên mình, sẵn sàng chịu lấy những cực khổ tại một xứ sở xa lạ, khí hậu khắc nghiệt, miễn sao Đức Kitô được loan truyền nơi đây.

Một thế kỷ đi qua, đất Trì Chính như thấm đẫm mồ hôi, nước mắt của rất nhiều Đấng bậc trong giáo phận:

Đức Cha Giuse Nguyễn Thiện Khuyến (Chính xứ từ 1949-1952)
Cha già Quế
Cha già Tiến
Cha già Nhàn
Cha già Đắc
Cha già Thược
Cha già Tang
Cha già Chí
Cha già Chiêu
Cha già Ngạn
Cha già Lại
Cha Văn
Cha Hiệp
Hầu hết các đấng trên đã được Chúa gọi về.

Hiện nay còn nhiều đấng đã từng quản nhiệm giáo xứ Trì Chính vẫn đang phục vụ trong giáo phận:

Cha Antôn Đoàn Minh Hải (1982-1992)
Cha Giuse Phạm Ngọc Khuê (1992-1995)
Cha Phêrô Vũ Đại Đồng (1996-1999)
Cha Gioan B. Đinh Công Dũng (1999-2004)
Cha Phêrô Nguyễn Hồng Phúc, chính xứ đương nhiệm, cùng với các cha phó: Phêrô Vũ Thế Hùng, Cha Gioan Đỗ Văn Đoan, và hiện nay là Cha Phaolô Phạm Công Trình.

Ban Hành Giáo

Giáo xứ được thăng tiến như ngày hôm nay còn nhờ sự tận tụy, hi sinh của Ban Hành Giáo qua các đời các cố chánh trương cựu:
Cố chánh trương Phêrô Ngãi
Cố chánh trương Giuse Đỗ Văn Dư
Cố chánh trương Laurensô Phạm Ngọc Khuê
Cụ nguyên chánh trương Giuse Đỗ Văn Viện
Cụ nguyên chánh trương Giuse Phạm Ngọc Huyến

Mỗi khóa Ban Hành Giáo của Trì Chính đều có những khó khăn riêng, nhưng đặc biệt khóa cố chánh trương Giuse Đỗ Văn Dư cùng với cố thơ Phạm Văn Thỏa, cố tuần Đỗ Văn Dị và các cố chánh trùm Laurensô Phạm Ngọc Khuê, cố chánh trùm Đỗ Văn Tịnh phải đương đầu với nhiều gian nan thử thách nhất. Lúc đó, tuy là những người gánh vác các công việc của giáo xứ, nhưng các vị không có chủ quyền điều hành, quản lý, vì tất cả do chính quyền chi phối, theo dõi, kiểm soát. Việc bầu Ban Hành giáo bị khống chế khắt khe, nên thường là không được bầu một cách công khai, đôi khi là do Bề Trên chỉ định. Ngay cả vào thời Cha Antôn Đoàn Minh Hải quản nhiệm giáo xứ, tức là vào thập kỷ 80 của thế kỷ trước, việc bầu Ban Hành giáo gồm cụ trương Viện, cụ trương Huyến và cụ trương Bằng phải tiến hành tại nhà cơm Tòa Giám mục.

Cụ chánh trương đương nhiệm là cụ Giuse Đỗ Văn Bằng và các cụ phó trương Giuse Đỗ Văn Phấn và Phanxicô X. Đỗ Văn Quận.

Những Người Con Của Mẹ Trì Chính

Giáo xứ Trì Chính tự hào là nơi xuất thân của nhiều linh mục, nam nữ tu sĩ. Đặc biệt, tuy là giáo họ gián tòng, nhưng giáo họ Kiến Thái vinh dự là quê hương của Đức Cha Gioan Maria Phan Đình Phùng (1891-1944), vị giám mục đầu tiên xuất thân từ quê hương Phát Diệm. Trong số các Đấng bậc xuất thân từ Trì Chính, nhiều vị đã qua đời:

Đức Cha Gioan M. Phan Đình Phùng
Cha Giuse Thịnh
Cha Phêrô Kỳ con cố Luân
Cha Giuse Hiến con cố Sâm
Cha Giuse Phụng con cố Lãm
Cha Phêrô Khoát, con cố Tiếp
Cha Giuse Bình con cố Nhã
Antôn Phán con cố Lý
Cha Giuse Báu
Cha Lâm.

Hiện nay nhiều linh mục, tu sĩ nam nữ gốc Trì Chính đang phục vụ tại một số giáo phận trong nước, một số vị ở nước ngoài:
Cha Phêrô Trần Văn Hòa, hiện nay đang giảng dạy tại Đại Chủng viện thánh Giuse Hà Nội.

Cha Laurensô Phạm Hân Quynh, nguyên Cha Chính giáo phận Hải Phòng, hiện nay coi sóc ba giáo xứ của giáo phận Hải Phòng: Xuân Hòa, Đông Xuyên, Tiên Đôi.
Cha Giuse Thanh, giáo phận Đà Lạt

Các Cha Giuse Quyết, Giuse Hùng, Phêrô Chinh, Giuse Vịnh, Giuse Chiểu hiện đang phục vụ tại giáo phận Sài Gòn.
Thày Polycapô Đỗ Minh Cường, tu sĩ dòng Xitô tại Bà Rịa.

Nữ tu Maria Phan Thị Mai, Bề trên đương nhiệm, Tổng Phụ trách Hội Dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm

Các nữ tu Maria Sao, Maria Thắng, Maria Thêm, Maria Tuất, Maria Hồng, Maria Tươi, Têrêxa Dung, Têrêxa Láng, Maria Lụa hiện đang tu tại Mến Thánh Giá Phát Diệm.

Ngoài ra, còn nhiều chị em gốc Trì Chính đang sống đời thánh hiến tại nhiều dòng tu khác ở miền Nam.

“Tình yêu Đức Kitô thúc bách tôi” (2Cr 5,14)
Linh mục Laurensô Phạm Hân Quynh, người con riêng của Chúa !

Gọi Cha như thế, vì Cha có dáng diệu, gương mặt và trí tuệ rất “Do Thái”! Trước khi gia nhập Đạo, tôi có định kiến Cha là người “phản động”, người ta đã quản chế Cha từ năm 1960 đến năm 1989 Cha mới được tự do. Sau 4 năm lấy chồng, lần đầu tiên xưng tội, quỳ dưới Toà Giải Tội tôi bàng hoàng trước lời khuyên nhủ của Cha “Tại sao có con số 1, tại sao hình của con số 1 không được viết như hình con số 2, tại sao 1 cộng 1 lại bằng 2 mà không phải bằng 3 hay 4. Chúng ta đâu giải thích được tận cùng ! Thế mà nó là cơ sở cho mọi công trình toán học hiện đại sau này. Vấn đề của con người đặt ra chúng ta còn chưa chứng minh được huống chi con muốn chứng minh có Chúa rồi mới theo Đạo. Con cứ về, cứ sống tâm tình với Chúa, một ngày nào đó con sẽ hiểu ! Cha đã dùng kiến thức của đứa trẻ bắt đầu đi học để cắt nghĩa cho một giáo viên đã tốt nghiệp đại học !...

Gặp Cha gần đây, lần nào tôi cũng khóc. Tôi đã tìm thấy Chúa, tôi vẫn đang tìm thấy Chúa qua hình ảnh người Cha bị liệt ngồi trên xe lăn dạy giáo lý. Có lẽ Chúa muốn Cha trải nghiệm cùng Chúa hết con đường Thập giá mà Cha dâng hiến đi theo. Tôi đã tìm thấy Chúa qua mấy chục đầu sách Cha viết, tôi tìm thấy Chúa qua những năm tháng Cha hoá mình thành chông gai bảo vệ Giáo hội, tôi tìm thấy Chúa qua các công trình đức tin trên quê hương tôi, cả những việc Cha không muốn nhưng Chúa muốn Cha làm. Con đường của Chúa Cha luôn tin tưởng. Giáo Hội Cha tuyệt đối trung thành. Suốt cuộc đời, thánh giá gánh nặng trên vai, Cha vẫn mỉm cười trong hy vọng, dẫn dắt đoàn con bước đi trong hoàn cảnh mới của xã hội và Giáo hội hôm nay. Cha là thế, là linh mục ai cũng tin, cũng yêu, cũng dấn thân phục vụ. Cha là thế, rất riêng - người con riêng của Chúa.
Thạc sĩ Maria Vũ Thị Chuyên
Giáo xứ Tử Đạo, Hải Phòng