Tư mong mỏi có được tấm hình ông nội. Càng ngày ông càng nhỏ lại. Bây giờ sờ vào cánh tay thấy da nhiều hơn thịt. Từ xa ngó bước chân ông thấy đầu và chân di động giống nhau vì cái lưng còng mỗi lúc một còng thêm.

Nhiều lần Tư tự hoạ lại hình ông mong giữ hình bóng ông làm kỉ niệm để lại cho con cháu. Hoạ xong Tư thấy không giống ông nên chàng xé bỏ. Họa lại, rồi họa lại, rồi lại bỏ vì không giống nội. Trong mắt và đầu Tư hình ảnh nội thật rõ nét nhưng đôi tay vụng về bướng bỉnh kia vẽ ra những nét không giống như hình trong đầu. Thử vẽ đi vẽ lại mãi, mấy chục lần cũng vậy thôi, kết quả có khả quan hơn đâu.

May mắn thay, một ngày kia có thợ chụp hình vào xóm. Không để mất dịp may hiếm có, chàng gọi thợ vào chụp cho ông tấm hình làm kỉ niệm. Thuê bộ quần áo mới mặc vào thấy thân hình ông vạm vỡ. Người thợ còn đánh thêm một lớp phấn mỏng, sửa lại mái tóc và thế ngồi trước khi chiếu những bóng đèn sáng choang biến đổi khuôn mặt tươi sáng lạ thường. Tấm hình thật vừa ý. Thoả mãn lòng mong ước bấy lâu. Chàng đóng khung treo gian nhà chính. Từ đàng xa phía ngoài cửa liếc qua cũng thấy tấm hình trịnh trọng giữa nhà. Nhìn khuôn mặt phúc hậu, chất phác của nội Tư hãnh diện có nét hao hao giống cha. Không cần ai giới thiệu người lạ mặt cũng nhận ra đây là tấm hình người cha già. Không phải vị trí treo trong nhà hay do quen biết mà nhận dạng vì nét giống nhau giữa hai cha con.

Chuộc di ảnh

Hơn năm sau nội qua đời. Kỉ vật duy nhất cho gia đình là di ảnh nội. Tư càng giữ di ảnh kĩ hơn. Một đôi lần chàng lấy làm tiếc lúc trước không bảo thợ rửa cho hai ba tấm để lỡ tấm này hư còn tấm kia thế vào. Khờ quá không nghĩ ra bây giờ nghĩ đến thì đã muộn. Người thợ chụp hình vào làng duy nhất có một lần và không bao giờ trở lại. Chuyến đi lỗ vốn, công bỏ ra nhiều, tiền thu vào ít. Thợ chụp vào làng này chỉ uổng công.

Điều Tư lo sợ trong tâm trí thực sự xảy ra. Ngày kia quân cướp ngày vào nhà vét sạch mọi sự, kể cả tấm hình của nội vì chúng nghi gia đình Tư có giấu của chìm. Gia đình Tư bề ngoài trông sang trọng nên bị nghi là có máu mặt trong dân. Ngoài ra quân cướp nghi còn của chìm chôn cất đâu đó nên tìm cách moi của. Chúng biết Tư rất quí di ảnh nên cố tình lấy hy vọng Tư sẽ móc của chìm ra chuộc. Điều chúng đoán thành sự thật.

Kể từ ngày mất di ảnh Tư rêu rao đầu thôn cuối ngõ nếu ai lấy làm ơn mang trả lại, bảo đảm không làm khó dễ. Rêu rao chán không kết quả Tư đưa giá chuộc di ảnh. Quả đúng như mong đợi. Phao tin chuộc di ảnh không lâu thì có người đến báo muốn chuộc có người cho chuộc. Mặc dù qua trung gian nhưng Tư vẫn biết kẻ chủ mưu. Dù biết cũng không dám đá động đến bọn chúng vì cái thế lực ghê hồn núp sau lưng. Những tay ăn cướp chỉ là đầy tớ. Kẻ sau lưng chủ mưu vô hình, chúng đầy quyền lực, đụng tới chúng vừa mất của vừa mất mạng. Quân cướp không cần ra mặt chúng có đủ gian thần làm công việc mối lái mong chấm mút.

Tư tính trong đầu giá nào cũng phải chuộc cho bằng được di ảnh nội. Người trung gian đưa giá ngoài sức chàng tưởng tượng, một số tiền khổng lồ đến độ chàng không tin vào tai mình. Số tiền chuộc to thế thì xoay sao cho được. Chàng câu giờ tìm kế. Phải bán hết đất hương hoả mới mong đủ đòi hỏi của bọn cướp ngày.

Mất hình nội tiếc lắm không thể có tấm thứ hai. Mất đất hương hoả cũng tiếc vô cùng, không thể để mất đất hương hoả. Mọi ngóc ngách, ra vào, đâu đâu trong căn nhà này chàng cũng hình dung ra bóng hình nội. Bây giờ nếu bán đất hương hoả chuộc di ảnh sẽ mất hết kỉ niệm xưa. Không chuộc di ảnh trong tay bọn cướp Tư không yên. Cái tư tưởng di ảnh nội bị cầm tù trong tay bọn cướp ngày làm chàng buồn, tức, giận đến thù. Bọn cướp chắc chắn không quí di ảnh nội nhưng chúng cất giữ vì muốn moi của chìm.

Đã có lần Tư nghĩ mình và nội hao hao giống nhau nên dùng hình mình thay hình nội. Nghĩ thế nhưng ý tưởng táo bạo quá không dám thực hiện. Nội là nội, Tư là Tư, không thể biến cha thành con; đổi cháu thay ông. Sau bao trăn trở Tư nhờ người mai mối xin bớt giá. Bọn trộm ngày nhất quyết không bớt còn hăm dọa càng để lâu giá càng tăng và nếu cần chúng thà phá huỷ hơn là bớt giá. Lời hăm dọa nghe có vẻ hoang đường nhưng nếu bọn trộm thực hành ý định thì Tư vĩnh viễn mất hình nội. Mấy tháng sau bọn trộm gởi cho chàng miếng gỗ tháo ra từ khung hình của nội. Nhìn sơ qua chàng nhận biết ngay. Cứ nhìn các vằn của gỗ bóng loáng do hàng ngày lau chùi đủ nhận ra. Cầm thanh gỗ trong tay, lòng đau như cắt. Nước mắt tuôn rơi vì di ảnh nội đang bị tàn phá.

Khung gỗ chập chờn trong giấc ngủ và cuối cùng Tư dứt khoát bán đất hương hoả hy vọng sau này làm ăn lên sẽ chuộc lại. Nếu để chúng phá nát di ảnh thì không thể có tấm thứ hai. Suy nghĩ thế Tư quyết định bán đất hương hoả. Chàng kêu người bán đất. Biết chàng trong thế kẹt người ta ém giá, trả rẻ như bèo. Bán đất vẫn không đủ tiền chuộc. Con thứ tư của chàng tên là Tư Bé - Tư Bé để phân biệt với Tư lớn là Tư cha - Tư cho Tư Bé hay ý định bán nhà, đất chuộc hình nội. Không đủ tiền nên định cầm thế Tư Bé cho đủ số tiền chuộc. Vâng lời cha Tư Bé bằng lòng đi ở đợ trừ nợ vừa chuộc hình nội vừa giữ lại đất hương hoả. Sau nhiều thương thảo Tư Bé được chấp thuận ở đợ. Bằng khoán ở đợ nhấn mạnh đến món nợ khổng lồ phải trả mà không nhắc gì đến lí do mượn nợ. Trả đủ nợ giao kèo tự hủy. Tư Đau lòng khi phải thế con đổi lấy hình nội. Biện pháp này vừa giải quyết được vấn đề có hình nội, đồng thời giữ được đất hương hoả. Bù lại con Tư phải chịu cảnh đày đoạ của chủ nợ.

Thân nô lệ

Tư Bé sống tệ hơn nô lệ. Họ đấu giá sức lao động của chàng mỗi ngày. Ai trả giá cao nhất ngày đó sẽ được. Công việc nặng nhọc không kể nhưng nguy hiểm đến tính mạng khó tránh. Làm vất vả cực nhọc mà không biết đến tiền công vì người thuê thương lượng trực tiếp với bọn cướp. Chủ phàn nàn, không hài lòng, trách móc bị giảm tiền công. Bé Tư nai lưng gánh vác công việc mọi sự đều được bọn cướp an bài.

Người đầy đọa người cho xứng với đồng tiền bỏ ra thuê mướn. Chủ càng tham, Tư Bé càng khổ. Chủ càng keo kiệt, riết róng Tư Bé càng bị ngược đãi. Tư Bé vâng lời cha và yêu quý cha hơn thân mình nên cắn răng chịu mọi vất vả, không hề thở than. Nắng ấm cũng như mưa, im gió cũng như gió lạnh, đồi cao hay thung lũng sâu chỗ nào cũng có vết chân Tư Bé. Đây là bụi tre gai do anh bứng trọn gốc rễ. Kia là gốc cổ thụ chết khô mấy năm trước do tay anh đốn ngã. Chỗ trũng này hàng năm vẫn gây cảnh lụt lội, sình lầy nay khô ráo một tay anh vun đất, đổ nền. Bờ đê đầu làng nghe đồn có ma anh được thuê ra đó ngủ qua đêm. Bao nhiêu lỗ huyệt trong làng, bốc mộ các làng bên đều do một tay anh đảm trách. Dù vất vả ngày đội nắng, sáng tắm sương, trưa dầm nước, chiều ăn bờ, tối ngủ bụi, lạ thay anh vẫn khỏe. Da sạm đen, tóc cháy nâu, tay chân chai xếp hàng, sắp lớp.

Người cha thương con, cùng đau khổ với con. Gió đêm lạnh ông nhớ con quyết ra đi mong gặp. Đi nửa đường mệt mỏi ông quay về vì có đi cũng chưa chắc gặp được. Trưa nắng ông đứng ngoài sân cảm thông cái khó nhọc của Tư Bé. Ngoài trời mưa lòng ông cũng tê tái, mường tượng Tư Bé đang dầm mình trong mưa, gù lưng vác bó củi cồng kềnh, hoặc đang vung tay đốn cây, hoặc gì gẵng kéo xe cút kít đầy phân, hoặc lặn sâu nước sình múc lên từng thúng bùn to. Hình ảnh người con lao tác đổi lấy di ảnh của nội làm Tư đau đớn. Có được di ảnh an toàn, đổi lại thân con tan nát, áo quần rách bươm do lao tác.

Vết thẹo

Người Tư Bé thẹo chằng chịt nhiều hơn đỉa đeo. Thẹo này chồng lên thẹo kia có chỗ hai ba lần mang thương tích. Lòng bàn tay nhiều chấm đen do các dằm gỗ gẫy chưa khêu ra. Bé Tư không thấy đau vì lớp da chai dầy như da gót chân nên chàng mặc kệ những dằm gỗ kia, khi nào chúng rơi thì rơi, không thì thôi. Nó không làm phiền chàng, chàng không thèm ngó tới chúng.

Làm ngơ

Nói đến Tư Bé ai cũng biết, ai cũng coi thường, đứa bé trong nhà cũng có quyền sai bảo vì cha mẹ nó mướn chàng làm công. Tư Bé lấy điếc làm chính. Nghe chi những lời đàm tiếu không đáng nghe, để bụng những điều không đáng để và buồn chi đến những điều không đáng buồn. Chàng chú tâm ghi nhớ những điều tốt lành, những câu nói có ý nghĩa và dành trọn thời giờ để suy nghĩ những câu nói khôn ngoan đó. Tay chân làm việc, tâm trí suy nghĩ những điều khôn nghe được, nhờ thế chàng dù thân xác làm việc vất vả, tâm trí vẫn sáng suốt, tâm thần vẫn tỉnh táo và tri thức được huấn luyện luôn. Chàng tìm niềm vui trong những suy nghĩ, những lời khôn ngoan nhận được và cố ghi nhớ để đem ra thực hành. Chàng làm nhiều việc nặng nhọc, nguy hiểm lại tận tuỵ nên mau chóng mang lại số tiền lớn cho chủ.

Đổi thái độ

Năm tháng trôi qua chàng âm thầm làm việc mọi người nhận biết chàng là người tốt, chịu đau khổ chuộc di ảnh nội nên mối thương tâm lớn dần, lớn dần. Dân chúng quay mũi dùi phê bình, chê trách quân cướp, kẻ chủ mưu hành hạ gia đình Tư. Đi đâu cũng nghe tiếng eo sèo chê bai quân cướp. nhờ những chê bai này cộng thêm cái nghèo của gia đình mà Tư Bé thoát nạn.

Tư lộ ra cái nghèo. Nếu giầu có chắc chắn gia đình Tư đã moi của lên chuộc Tư Bé. Đàng này Tư đã không chuộc con, còn có ý định bán cả đất hương hoả mong chuộc lại di ảnh. Ý định bán đất hương hoả cho biết gia đình Tư không còn gì để bán ngoại trừ mồ mả cha ông.

Trở về

Chiều kia quân cướp ném trả Tư Bé bức di ảnh. Chúng không nói không nửa lời quay đầu bỏ đi. Tư Bé trút bỏ tất cả mọi sự, ôm di ảnh nội vào lòng, cắm đầu chạy một mạch về nhà đưa cho cha. Mở ra di ảnh còn nguyên vẹn, khuôn mặt vẫn rạng rỡ như lúc chúng cướp mất. Cả hai vui mừng ôm nhau để lệ rơi dài trên lưng.

Từ ngày đó di ảnh trong sáng không hề vướng chút bụi trần.

Vũ Đình Tường

TÌM BÀI CŨ:

Suy Niệm: http://www.stmarksinala.net.au/suyniem.html

Truyện ngắn: http://www.stmarksinala.net.au/truyen.html

Hình ảnh: http://www.stmarksinala.net.au/Photos.html