Giới thiệu sách mới: Chúa Noí với Ta...

Nhờ sự đáp ứng thịnh tình của giới độc giả: quí Cha, quí tu sĩ nam nữ và quí giáo dân về loạt bài: ‘Chiêm niệm và đáp trả lời Chúa’ hằng tuần, mà nay mới được cho in thành sách tại Hoa Kì với tiêu đề: Hằng tuần Chúa nói với Ta – Ta đáp trả lời Chúa, Chu kì Phụng vụ, Năm B, của tác giả Lm Trần Bình Trọng. Sách dày 352 trang gồm trang bìa và 16 trang số La mã. Sách được tác giả cho xuất bản với sự hợp tác của nhà xuất bản Tin Vui Media, Garden Grove, California (Sách cùng tiêu đề, Năm A đã xuất bản, và năm C sẽ cho xuất bản).

Vào đề

Có linh mục kia kể rằng khi coi lại những bài giảng của mình cách đây mười năm, hai mươi năm thì tự hỏi: không biết sao mà hồi đó mình có thể giảng như vậy nhỉ, nghĩa là tự chê mình mà không trách mình vì nhận thức rằng tầm hiểu biết và kinh nghiệm mục vụ giảng giải của mình bấy giờ chỉ đến thế thôi.

Linh mục đó còn nói: diễn giảng lời Chúa giống như nghệ thuật nấu ăn. Nấu ăn cho ngon và hấp dẫn thì phải biết cắt thái những kiểu khác nhau cho từng loại thịt, cá hoặc rau, quả. Món nào thái kiểu nào, cần loại gia vị nào, ướp bao lâu. Rồi món nào cần đun lâu cho nhừ, món nào chỉ cần đảo qua trên xong chảo nóng. Vì thế phải nấu riêng từng món trước, rồi nếu hợp mới trộn chung lại. Như vậy mới dễ nhai, dễ nuốt và dễ tiêu hoá. Quảng diễn lời Chúa sao cho người ta thức tỉnh để dễ nghe, dễ hiểu và dễ lãnh hội được thì đó cũng là một nghệ thuật.

Linh mục đó lại nói có khi từ năm nọ qua năm kia không chọn được đề tài thích hợp cho bài giảng cho tới lúc đề tài nảy ra làm mình ưng ý, nói lên được những ý chính của bài giảng. Nếu không chọn đề tài, mình sẽ dễ đi lang thang đây đó. Lúc đó bài giảng sẽ trở thành những tư tưởng rời rạc mà không ăn khớp.

Rồi chính linh mục đó nói thêm: khi muốn có ý tưởng cho bài diễn thuyết hoặc bài giảng, mà có khi cả giờ, cả ngày, cả tuần không ra ý tưởng. Có khi đêm nằm chưa ngủ được, tư tưởng tự nhiên nảy ra. Tư tưởng ra tới tấp như có người lấy gậy đập vào cành sung cho sung rụng xuống ao, kêu: bõm.. bõm..; hay đập vào cành táo cho táo rớt xuống đất, nghe: bịch.. bịch... Trường hợp đó thì phải nhổm ra khỏi giường ghi vội tư tưởng xuống liền. Nếu không sáng sau quên mất. Uổng. Có khi lên giường nằm lại, tư tưởng lại ra tiếp. Có đêm phải nhổm dậy đến cả chục lần để ghi. Tư tưởng nảy ra đột xuất như vậy được gọi là nhận thức trực giác mà không cần suy luận.

Hằng Tuần Chúa Nói Với Ta – Ta Ðáp Trả Lời Chúa được cho ra đời là do sự đáp ứng thịnh tình của cử toạ thính giả, những lời ‘vàng tiếng ngọc’ của độc giả về loạt bài chiêm niệm lời Chúa và những ngỏ ý muốn có bản sao những bài chiêm niệm lời hằng sống. Những bài chiêm niệm lời Chúa mỗi Chúa nhật và Lễ trọng/Lễ kính/Lễ đặc biệt đã được diễn giảng trong các giáo xứ Mỹ và Việt hơn ba mươi năm mà tác giả phục vụ (xem trang iii) với vị thế phó xứ cũng như chánh xứ. Trong thời gian đó, những bài diễn giảng đã được cắt xén, thêm bớt, ráp nối và sửa chữa, hoặc đổi mới hoàn toàn theo kinh nghiệm hành trình sống đức tin và kinh nghiệm mục vụ diễn giảng của tác giả. Trong một chu kỳ ba năm, những bài chiêm niệm lời Chúa cũng được chia sẻ với độc giả của Nguyệt san Dân Chúa Mĩ Châu và một thời gian ba năm khác được chia sẻ với độc giả trên mạng lưới thông tin Vietcatholic Network – Thông Tấn Xã Công Giáo Việt Nam và trong một thời gian vắn với mạng tin Giáo phận Phú Cường.

Trong khi dọn bài giảng, người diễn giảng nói chung cần để cho lời Chúa được ấp ủ trong tâm hồn cả tuần lễ. Khi giảng, không những linh mục nhắm vào thính giả và độc giả mà còn nhắm vào chính mình, nghĩa là phúc âm hoá chính mình nữa. Khi một linh mục nghe mình diễn giảng hay đọc lại bài chiêm niệm của mình, thì đương sự lại trở thành thính giả hay độc giả để cùng đáp trả lời Chúa, hầu cho lời Ngài khỏi nằm bất động trong dĩ vãng hay trở thành tiếng nói một chiều. Trường hợp đó, người ta sẽ nói, viết, nghe bằng tim óc của mình. Nếu không có việc đáp trả, thì lời Chúa chỉ là lời độc thoại, thuộc quá vãng xa xưa mà không ăn nhằm gì tới nếp sống hiện tại.

Mỗi bài chiêm niệm mang chủ đề dựa theo tư tưởng nổi bật trong bài Phúc âm. Tư tưởng liên hệ của bài Thánh kinh Cựu ước và bài Thánh thư cũng được đưa vào khi có thể, để xây dựng chủ đề.

Cuối bài chiêm niệm có lời nguyện cầu vắn tắt dựa theo tư tưởng lời Chúa của ngày Chúa nhật hoặc Lễ với tâm tình cảm tạ, tạ tội và xin ơn. Ước mong của tác giả là những ý tưởng lời nguyện này được dùng cho việc sáng tác thánh nhạc phụng vụ. Tác giả được phép dùng những hình vẽ về câu chuyện Phúc âm (xem Ghi nhận tr. viii) với hi vọng giúp độc giả dễ chiêm niệm và cầu nguyện theo tư tưởng lời Chúa vào Chúa nhật và ngày Lễ liên hệ.

Sách nhằm chia sẻ với:

• Quí linh mục quá bận rộn với công việc giáo xứ và với quí tu sĩ nam nữ.
• Tuy nhiên chủ đích của tác giả là nhắm chia sẻ với giáo dân Công giáo trong việc sửa soạn tâm hồn khi đến thánh đường đón nhận lời Chúa và chiêm niệm lời Ngài trong tuần với tâm tình cầu nguyện tại nhà, nơi sở làm, khi ăn, khi ngủ, khi làm việc, lúc giải trí. Ðể hiểu ý tưởng suy niệm diễn tiến, nên đọc trước ba bài Thánh kinh trong thánh lễ liên hệ. Sau kinh tối trong tuần có thể đọc thêm lời nguyện cầu của bài suy niệm. Hi vọng những lời cầu nguyện của tác giả cũng có thể được dùng làm lời nguyện cầu của độc giả.
• Sách còn nhắm chia sẻ với cả tín đồ Chính Thống và Tin Lành và quí tôn giáo khác hoặc người ngoài tôn giáo với tâm tư thao thức đi tìm sự thật hoặc tìm hiểu những suy tư thần học về lời Chúa và cách sống đạo của người công giáo.

Ðây không phải là cuốn sách để đọc trong vòng mấy ngày hay mấy tuần lễ, nhưng là mỗi tuần dành năm hay mười phút đọc một bài để rồi chiêm niệm và cầu nguyện hay đọc làm tư tưởng nguyện gẫm chung. Tuy nhiên nếu có hứng và có giờ, có thể đọc hết luôn cuốn sách, rồi sau đó đọc lại từng bài. Sau chu kỳ ba năm lại đọc lại, nghĩa là có thể dùng suốt đời nếu có gì thôi thúc. Xin dùng lịch phụng vụ công giáo để theo dõi và đối chiếu xem Chúa nhật hay lễ nào thì đọc bài nào. Tuy nhiên bất cứ khi nào coi phần Nội dung, mà thấy đề tài nào thích hợp cho tâm trạng mình lúc đó, thì có thể đọc ngay vào lúc đó. Ðọc rồi mà thấy mình suy tư tán đồng, xin cho vài lời giới thiệu đến thân nhân và bạn hữu. Ước mong của tác giả là được chia sẻ những chiêm niệm và cảm nghiệm lời Chúa được dịch ra những ngôn ngữ khác nhau với độc giả tương lai đó đây và đón nhận tiếp những nhận xét của độc giả. Trong ý hướng đó thì, sách ấn bản bằng Anh ngữ với cùng tiêu đề: Each Week God Speaks to us – We Respond to His Word sẽ do một nhà xuất bản quốc tế tại Hoa Kì cho ra mắt độc giả trong tương lai gần.

Chân tình đa tạ.
Lm Gio-an Trần Bình Trọng
Lễ Thánh Mác-cô, thánh sử, ngày 25/04/2008

KÍNH DÂNG, TƯỞNG NHỚ VÀ ÐỀ TẶNG

Như một lễ vật tạ ơn dâng lên Thiên Chúa quan phòng, đã luyện lọc, thanh tẩy, uốn nắn và dìu dắt con từng bước chập choạng trên những chặng đường gập ghềnh trong cuộc sống tới bàn thánh, đưa dẫn con qua những cơn mây đen bao phủ tâm trí, những giằng co giữa lí trí và con tim, giữ gìn con khỏi xa lìa thánh điện và hơn một lần cứu sống mạng con.

Tưởng nhớ trong lễ dâng và lời kinh nguyện linh hồn song thân: bậc sinh thành, dưỡng dục và vun trồng niềm tin của con.

Xin đề tặng qúi giáo dân: Giáo xứ Holy Family, Giáo xứ Saint Ann, Giáo xứ Saint Leo, Giáo xứ Saint Francis de Sales, Giáo xứ Our Lady of Lourdes, Giáo xứ Các Thánh Tử Ðạo Việt Nam, Giáo xứ Saint Bernadette, Giáo xứ Saint Michael trong Giáo phận Arlington, Virginia, USA về những nhận xét, lượng giá và thẩm định mục vụ giảng dạy bằng Anh ngữ và Việt ngữ của tác giả trong các thánh lễ Chúa nhật và Lễ trọng kính đặc biệt.

Cũng xin đề tặng: Quí Ðức Cha, quí Cha, quí nam nữ Tu sĩ và Qúi độc giả khắp năm châu trên mạng lưới VietCatholic Network – Thông Tấn Xã Công Giáo Việt Nam và Nguyệt San Dân Chúa Mỹ Châu đã đón đọc những bài chiêm niệm lời hằng sống của tác giả với quan điểm tán đồng và còn sao chép để gửi qua điện thư cho người khác đọc, hoặc cho in lại trong tờ mục vụ giáo xứ / cộng đoàn để chia sẻ với giáo dân và bạn hữu xa gần.

Và xin đề tặng Quí độc giả tương lai của Tập Sách này để: Cùng chiêm niệm và đáp trả lời hằng sống.

THÍNH GIẢ / ÐỘC GIẢ VIẾT

  • Với tinh thần dấn thân trong mục vụ quảng bá lời Chúa và kiến thức tâm lí xã hội, tác giả viết theo tầm hiểu biết của đại đa số quần chúng và đưa độc giả lên tầng trời cao vút của bầu khí chiêm niệm. – Lm Trần Văn Kiệm, Georgia, USA., chứng nhận Nihil obstat.
  • Những dòng suy niệm lời Chúa của tác giả giúp ích cho độc giả trên đường hành trình đức tin và sống đạo. - Msgr Đinh Đức Đạo, Roma, Ý Đại Lợi.
  • Mong rằng ‘Hằng tuần Chúa nói với Ta – Ta đáp trả lời Chúa’ được nhiều người đón nhận và mang lại nhiều hoa quả thiêng liêng cho độc giả khắp nơi. – Lm Bùi Thượng Lưu, Đức Quốc. Chủ Nhiệm Nguyệt San Dân Chúa Âu Châu.
  • Nguyên tựa sách: Hằng tuần Chúa nói với Ta – Ta đáp trả lời Chúa, đã nói lên cuộc tương giao con tim giữa hai người thân, chứ không phải những suy luận này nọ. Đúng vậy, tác giả đã viết rõ rằng người diễn giảng cần để cho lời Chúa được ấp ủ trong tâm hồn cả tuần lễ, nghĩa là phúc âm hoá chính mình trước. Như vậy cuốn sách này quả là những cảm nghiệm đức tin đã nếm được lời hằng sống và mong được chia sẻ. Ước mong độc giả cũng bắt được nhịp rung đó. – Lm Trần Cao Tường, Louisiana, USA., Mạng Lưới Dũng Lạc.
  • Những bài suy niệm lời Chúa của tác giả gửi qua điện thư về Việt Nam được giới độc giả linh mục hoan nghênh và đón nhận nồng nhiệt với những suy tư thần học mới mẻ. – Lm Nguyễn Văn Hưởng, Brisbane, Úc Đại Lợi.
  • Những lời giảng tuyệt vời. Ước mong được đọc lại nếu những bài giảng được cho xuất bản trong tương lai. - Một giáo dân Giáo xứ Saint Michael, Virginia, USA., nhận xét sau lễ Chúa nhật.
  • Bài giảng mỗi Chúa nhật có tâm tình cầu nguyện và cái nhìn thấu đáo (Prayerful and insightful homilies). – Sally Allman, Virginia, USA.
  • Nghe lời giảng linh cảm mỗi tuần (Inspiring messages each week). – Michael Cantrell, Virginia, USA.
  • Một bài giảng đặc sắc (What a phenomenal homily!). - Nhận xét sau lễ của một giáo dân Giáo xứ Thánh Bernadette, Virginia, USA.
  • Bài giảng được dọn kĩ lưỡng, đưa ra cách áp dụng tư tưởng thần học đạo đức vào đời sống hằng ngày, giúp tâm hồn mở rộng trước sức tác động của thần linh. – Brian P. Brodfuehrer, Virginia, USA.
  • Suy niệm sâu sắc mà lại gần gũi với nếp sống hằng ngày nên dễ đi vào lòng người, như có một sự cảm thông và chia sẻ tâm tình giữa tác giả với độc giả. – Ðinh Thu Hà, giảng viên giáo lý Sàigòn, Việt Nam.
  • Ý tưởng diễn tiến mạch lạc và dòng tư tưởng xác lý với lời văn vắn gọn. – Phạm Châu Bình, Louisiana, USA.
  • Lời văn gọt giũa và chải chuốt. Tư tưởng cô đọng và súc tích. Hình như tác giả có khuynh hướng thích chơi chữ và có khi còn dùng những từ ngữ và kiểu nói nghe có vẻ lạ, đôi khi còn pha trò làm vui tai. - Nguyễn Thị Lan, Đồng Nai, Việt Nam.
  • Những bài suy niệm lời Chúa của tác giả giúp ích nhiều cho đời sống thiêng liêng của độc giả. Kiến thức tác giả bao gồm nhiều lãnh vực với những kiểu hành văn mới, nghe có vẻ lạ tai. - Nguyễn Văn Long, Maryland, USA.
  • Ðọc những bài chiêm niệm lời Chúa của tác giả hằng tuần, khiến cho tâm hồn thêm niềm an vui và hi vọng cho cuộc sống hơn, mặc dầu phải đối mặt với những khó khăn trở ngại, thì cũng không rơi vào tâm trạng chán chường và tuyệt vọng. – Têrêsa Thu Hà, Sàigòn, Việt Nam.
  • Tư tưởng suy niệm sâu sắc và ý nghĩa. - Nt Nguyễn Thị Thanh, Sàigòn, Việt Nam.
  • Ðọc kĩ mới thấy tư tưởng thâm sâu ý nghĩa: vừa bình dị, vừa bác học, lại có chiều sâu và áp dụng thực tế. – Lm Chu Quang Minh, SJ, PhD, California, USA. Sáng lập Phong Trào Thăng Tiến Hôn Nhân Gia Ðình; Tác giả loạt sách về thăng tiến đời sống hôn nhân.
  • Suy tư sâu sắc của tác giả là những gia vị giúp độc giả thưởng thức món ăn tinh thần là lời Chúa. - Lm Hoàng Ngọc Dũng, Washington, DC, USA.
  • Những lời chia sẻ từ trong Thánh kinh được diễn giải cách khéo léo và phù hợp với đời sống hiện tại và hiện đại. Ước mong những dòng tư tưởng sẽ đưa độc giả đến lối sống đạo thích hợp, đem lại hạnh phúc và an bình. - Trần Ngọc Khoái, California, USA., bạn cùng lớp trung học.
  • Ðọc đi đọc lại những dòng tư tưởng chiêm niệm lời Chúa của tác giả mà lòng cảm thấy thấm thía. – Lê Thu Hằng, Virginia, USA.
  • Suy niệm vắn gọn mà súc tích, đem lại cho độc giả những cảm nghiệm thiêng liêng: tình yêu chung thuỷ và khoan dung của Thiên Chúa trước sự bất xứng của con người. Và còn đánh động tâm hồn người đọc, dẫn đến những suy tư và áp dụng cụ thể vào đời sống nội tâm. - Nt Anne Thérèse Võ Thị Lan, Cần Thơ, Việt Nam..
  • Rất mong được tiếp tục nhận loạt bài: Ðể cùng chiêm niệm và đáp trả lời Chúa hằng tuần của tác giả với những dẫn chứng giá trị từ Thánh kinh để chiêm niệm và giữ làm bảo vật trên đường hành trình đức tin. - Trần Việt Tân, Virginia, USA. Chủ nhiệm/Chủ bút Tuần báo Ðời Nay.

GHI NHẬN

Danh sách các tác giả và tác phẩm trong Thư Mục cuối sách đã được tác giả tham khảo về những tiết mục và từ ngữ liên hệ, hầu giúp cho cuốn Hằng Tuần Chúa Nói Với Ta – Ta Ðáp Trả Lời Chúa được tăng phần giá trị.

Tác giả ghi nhận các tác giả và các bạn sau đây với những phần đóng góp cho tập sách này được phong phú và hấp dẫn:

- Bùi Sỹ Cảnh về hình vẽ diễn tả cảnh Phúc âm Mùa Vọng, Mùa Giáng Sinh, Mùa Chay, Mùa Phục Sinh, Mùa Thường Niên và các Lễ trọng, Lễ kính, Lễ đặc biệt theo những ý niệm đề xướng của tác giả.
- Nhóm Phiên dịch CÁC GIỜ KINH PHỤNG VỤ về những trích dẫn Thánh kinh. Các tác giả giữ bản quyền © 1994, 1998.
- Nguyễn Duy An, Tiến sĩ Information Technology, chỉ cách cho tác giả sử dụng máy chữ vi tính, cố vấn kỹ thuật cho tác giả trình bày, giúp scan hình vẽ từ đĩa vào bài chiêm niệm và sắp xếp bài vở cho lên khuôn ấn loát.
- Linh mục Trần Cao Tường về ảnh bìa: Đường về cõi sống.
- Linh mục Trần Văn Kiệm, tác giả bộ sách: Từ điển Văn Học Việt Nam, Giúp đọc Nôm và Hán Việt, Thánh Kinh Cựu ước Trích yếu, Phiên dịch & Diễn nghĩa Thánh kinh Tân ước, về đề nghị sửa đổi một số từ ngữ cho câu văn thêm rõ nghĩa, những lời bình luận giá trị, lại còn giúp sửa một số lỗi đánh máy.

Chúa nói với Ta
Ta đáp trả lời Chúa
Chu kì Phụng vụ, Năm B

(Sách sẽ được áp dụng từ Chúa Nhật 1 Mùa Vọng, Năm B, 29-30 Tháng 12/2008
sau mỗi 3 năm chu kì lại trở về
).

NỘI DUNG

Mùa Vọng, Năm B:
Chúa Nhật 1: Ðợi chờ trong hi vọng
Chúa Nhật 2: Tìm gặp Chúa trong sa mạc của tâm hồn
Chúa Nhật 3: Tìm gặp Chúa trong vị thế của mình
Chúa Nhật 4: Xin vâng như trinh nữ để đón nhận Chúa ra đời

Mùa Giáng Sinh, Năm B:
Lễ Vọng Giáng Sinh: A, B, C: Những mâu thuẫn trong việc Chúa Giáng sinh
Lễ Ðêm Giáng Sinh: A, B, C: Việc Chúa Sinh ra có ảnh hưởng gì đến đời sống người tín hữu?
Lễ Rạng đông Giáng Sinh: A, B, C: Lễ Sinh Nhật đầu tiên được mừng thế nào?
Lễ Ngày Giáng Sinh: A, B, C: Lưỡng tính của Ngôi Lời nhập thế Giáng sinh
Lễ Chúa Hiển Linh: B: Việc Chúa đến làm xáo trộn tâm hồn loài người

Mùa Chay, Năm B:
Thứ Tư Lễ Tro (A,B,C): Sống tinh thần mùa Chay
Chúa Nhật 1: Trung thành với lời giao ước rửa tội
Chúa Nhật 2: Từ cõi chết sống lại nghĩa là gì?
Chúa Nhật 3: Nhà Cha Ta là nhà cầu nguyện
Chúa Nhật 4: Chúa sửa phạt người Chúa yêu
Chúa Nhật 5: Hạt lúa mục nát đi mới trổ sinh bông trái
Chúa Nhật Lễ Lá/Thương Khó: Qua đau khổ thánh giá tới vinh quang phục sinh

Tam Nhật Vượt Qua, Năm B:
Thứ Năm T. Thánh (A,B,C): Thánh Thể nối kết linh mục và phục vụ
Thứ Sáu Chịu nạn (A,B,C): Tình yêu biến đổi đau khổ thánh giá
Lễ Vọng Phục sinh: A, B, C: Kính mừng Chúa Phục sinh & Chúc mừng anh chị em tân tòng
Chúa Nhật P. Sinh: Ði tìm Chúa ngay cả khi đức tin bị khủng hoảng

Mùa Phục Sinh, Năm B:
Chúa Nhật 2: Ðóng bè để giữ vưng đức tin
Chúa Nhật 3: Có Chúa trong cuộc đời là có bình an
Chúa Nhật 4: Biết Chúa khác việc biết về Chúa
Chúa Nhật 5: Như ngành nho gắn liền với cây mới sinh bông trái
Chúa Nhật 6: Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy
Chúa Nhật 7: Xin cho hàng giáo phẩm-sĩ được hiệp nhất
Lễ Chúa Thăng Thiên: Trời là quê hương vĩnh cửu
Lễ Chúa T.T. Hiện Xuống: Thánh thần khấn xin hiệp nhất

Mùa Thường Niên, Năm B:
Chúa Nhật Ba Ngôi: Tôn thờ Chúa Ba Ngôi trong đời sống
Chúa Nhật Mình Máu Chúa Kitô: Cảm nghiệm phép lạ Thánh thể
Chúa Nhật 02: Ðáp trả và sống ơn gọi của mỗi người mỗi ngày
Chúa Nhật 03: Ðáp trả lời kêu gọi sám hối của Ðấng Cứu thế
Chúa Nhật 04: Tin vào lời giảng dậy có quyền thế
Chúa Nhật 05: Xin cho được ơn chữa lành bệnh tật phần xác nhất là phần hồn
Chúa Nhật 06: Xin cho được thoát khỏi cảnh cô lập về thể xác và tinh thần
Chúa Nhật 07: Tin vào Ðấng có quyền chữa bệnh và tha tội
Chúa Nhật 08: Khi nào cần ăn chay, khi nào không
Chúa Nhật 09: Giữ luật vì lòng mến
Chúa Nhật 10: Công nhận quyền năng của Chúa
Chúa Nhật 11: Sống theo đường lối nhỏ bé
Chúa Nhật 12: Tín thác vào Chúa trong mọi hoàn cảnh
Chúa Nhật 13: Ðức tin mang ơn chữa lành
Chúa Nhật 14: Thành kiến làm cản trở đức tin
Chúa Nhật 15: Ý nghĩa và mục đích của việc được sai đi giảng
Chúa Nhật 16: Tìm nơi thanh vắng để nghỉ ngơi
Chúa Nhật 17: Phép lạ hoá bánh dẫn đến Bí tích Thánh thể
Chúa Nhật 18: Tìm kiếm lương thực tồn tại đến muôn đời
Chúa Nhật 19: Ðể có thể tin phải giữ tâm hồn rộng mở
Chúa Nhật 20: Lời mời gọi tin và ăn bánh hằng sống
Chúa Nhật 21: Bỏ thầy, con sẽ theo ai
Chúa Nhật 22: Luật Chúa ban hành nhằm thăng tiến con người
Chúa Nhật 23: Xin cho được nghe và nói
Chúa Nhật 24: Qua đau khổ để được tới vinh quang
Chúa Nhật 25: Muốn làm đầu phải phục vụ trong khiêm tốn
Chúa Nhật 26: Cộng tác trong việc làm vinh danh Chúa
Chúa Nhật 27: Sống đạo trung tình nghĩa vợ chồng
Chúa Nhật 28: Sao của cải khỏi làm cản trở mối liên hệ với Chúa
Chúa Nhật 29: Muốn làm lớn phải phục vụ như đầy tớ
Chúa Nhật 30: Xin cho được nhìn thấy
Chúa Nhật 31: Liên hệ giữa tình yêu ba chiều: Thiên Chúa, tha nhân và chính mình
Chúa Nhật 32: Lòng quảng đại phó thác của hai bà goá
Chúa Nhật 33: Kiên nhẫn đợi chờ ngày sau hếtmà không ai biết
Lễ Chúa Kitô Vua vũ trụ: Nước Chúa không thuộc thế gian này

Các Lễ trọng, Lễ kính, Lễ đặc biệt nhằm Chúa nhật B:
(Thay thế lời Chúa ngày Chúa nhật đó, trừ ra lễ Mẹ VNNT).
Lễ Ðức Maria, Mẹ Thiên Chúa (T:01/01: B): Mẹ ghi nhớ và suy gẫm những điều đó trong lòng
Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa(K: B): Tầm quan trọng của Bí tích Rửa tội
Lễ Dâng Chúa Giêsu vào Ðền Thánh (T:02/02: A, B, C): Hai mẫu gương vâng lời và hi sinh
Lễ Sinh Nhật thánh Gioan Tẩy Giả (T:24/06: A,B,C): Sứ mệnh dọn đường và làm chứng
Lễ thánh Phêrô và thánh Phaolô (T:29/06: A,B,C): Tôn vinh hai vị thánh cột trụ của Giáo hội
Lễ Chúa Hiển Dung (K:06/08: A,B,C): Xin được chiêm ngưỡng vinh quang nước Chúa
Lễ Ðức Mẹ Lên Trời (T:15/08: B): Yêu mến và tìm kiếm những sự thuộc về nước Trời
Lễ Suy Tôn Thánh Giá (K:14/09: A,B,C): Vì Chúa dùng thánh giá mà chuộc tội cho thiên hạ
Lễ Các Thánh Nam Nữ (T:01/11: A,B,C): Xin được vào sổ những người được chọn
Lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời (02/11: B): Xin nhớ đến các linh hồn đã qua đời
Lễ Cung hiến Thánh đường Latêranô (K:09/11: A,B,C): Vào đền thánh Chúa
Lễ Ðức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội (T: 08/12: B): Xin vâng như lời sứ thần truyền
Lễ Thánh Gia Thất (K: B): Tầm quan trọng của đời sống gia đình

Các lễ đặc biệt khác: Năm B
Lễ Tất Niên: A, B, C: Xin tạ ơn cho Năm cũ
Lễ Giao Thừa (A,B,C): Nguyện xin Chúa chúc lành cho Năm Mới
Lễ Tân Niên (B): Mừng Xuân mới với ý hướng đổi mới con người
Lễ Mồng Hai Tết (A,B,C): Kính nhớ Tổ Tiên, Ông Bà và Cha Mẹ
Lễ Mồng Ba Tết (A,B,C): Xin Chúa thánh hoá công việc làm
Lễ Tạ ơn (A,B,C): Sống trong tâm tình biết ơn phải là tâm niệm của kẻ thụ ơn
Lễ Các Thánh TÐVN (T:24/11: A, B, C): Họ bị ghét bỏ vì không thuộc thế gian


Copyright © 2008: Trần Bình Trọng giữ bản quyền.
Trích đăng, sao chép, chụp hình, ghi âm một phần hay trọn bài hoặc hình vẽ cần ghi rõ xuất xứ. Xuất bản nhằm phổ biến một phần hay toàn bộ đều không được phép, nếu không có sự chấp thuận của tác giả:
7401 Saint Michael Lane • Annandale, Virginia 22003 USA •
Tel. & Fax 703-923-9307 • E-mail: trongtb@yahoo.com
hoặc qua miêu duệ của tác giả bằng thư từ.

Nihil Obstat:
Lm Antôn Trần Văn Kiệm
Censor Librorum
Ngày 15 Tháng 08, 2008

Imprimatur:
+ Ðôminicô Mai Thanh Lương
Giám mục Phụ tá Orange
Ngày 01 Tháng 09, 2008

Nihil obstat và Imprimatur có nghĩa là một tuyên ngôn chính thức cuốn sách không có gì sai lầm về tín lí và luân lí.
Ðiều đó không có nghĩa là quí giáo sĩ-phẩm chứng nhận Nihil obstat và chấp thuận cho Imprimatur tán đồng nội dung,
quan niệm và lời phát biểu được diễn đạt trong sách.

Ðăng kí tại Thư viện Quốc Hội Hoa Kì:
J. Tran Binh Trong.
Hằng tuần Chúa nói với Ta – Ta đáp trả lời Chúa. Năm B.
Chiêm niệm và đáp trả lời Chúa theo tín lí, luân lí và đường thiêng liêng dựa theo
các Bài đọc Thánh kinh Chúa nhật và Lễ trọng, Lễ kính, Lễ đặc biệt,
Chu kì Phụng vụ, Năm B.
Tiêu đề sách và danh xưng tác giả với số đăng kí được ghi nhận và sách được giữ tại Thư Viện.

ISBN 1-932708-23-5 (Mã số sách tiêu chuẩn quốc tế).
Ấn loát: Tin Vui Media: Garden Grove, California
Xuất bản & phát hành
Trần Bình Trọng với sự hợp tác của Nhà Xuất bản: Tin Vui Media & Tuoihoa Publishing

Muốn có sách, xin liên lạc với tác giả qua địa chỉ:
Lm Trần Bình Trọng
7401 Saint Michael Lane
Annandale, Virginia 22003, USA
hoặc qua điên thư: trongtb@yahoo.com
hoặc qua điện thoại: 703-923-9307.
Nếu điện thoại ghi âm, xin nhắn tin lại.
Cũng có thể lấy sách tại nhà xuất bản Tin Vui Media, hoặc những tiệm sách bên California.
Ghi chú: Xin chuyển phần giới thiệu này (forward) đến thân nhân và bạn hữu để cùng chiêm niệm và đáp trả lời hằng sống.


VỀ TÁC GIẢ

Lục danh bạ của một gia đình tám người con: năm trai, ba gái tại làng Ðồng Nhân, quận Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, Bắc Việt Nam, thấy có người con đội sổ với danh tánh Trần Bình Trọng, thánh danh Gio-an, sinh 14/04/1944. Bố chết sớm khi con út còn tuổi măng sữa. Nhờ người mẹ đạo hạnh, bé được giáo dục về lễ nghĩa và được đi học từ nhỏ; nhưng khi tan học về nhà, cũng phải giúp việc đồng áng trong gia đình. Năm 1954, chú bé theo gia đình người chị di cư vào Nam trước, bị gián đoạn một năm học khi theo hai người anh trong quân ngũ. Tiếp tục đi học trường xứ đạo, được chọn giúp lễ trong nhà thờ. Năm 1957 chú bé được một linh mục giới thiệu vào Chủng viện trung học thánh Phaolô tại Sàigòn. Về nghỉ hè bà mẹ đánh thức con đi lễ lúc năm giờ sáng. Ngủ nướng, mẹ lại đánh thức dạy cho bằng được. Còn bà đi lễ hầu như hằng ngày lúc bốn giờ sáng.

Tiếp tục theo học Ðại Chủng Viện Triết Học thánh Giuse cũng tại Sàigòn. Năm 1966 thầy Trọng được gửi đi thực tập, làm hiệu trưởng trung học đệ nhất cấp của một giáo xứ trong Giáo phận Phú Cường. Cuối năm 1967, thầy Trọng được gửi sang Hoa kỳ theo khoa Thần học tại Ðại Chủng Viện Thần Học Saint Anthony-on-Hudson, Rensselaer, New York. Thụ phong linh mục tại Albany, New York 1971. Lãnh bằng Cao học Thần học (Master) từ Ðại Chủng Viện Saint Anthony-on-Hudson 1972 liên kết với University of the State of New York. Hoàn cảnh tài chánh giới hạn và tinh thần độc lập khiến linh mục đương sự phải khó khăn tự tạo lập thân về nhiều phương diện trong đời sống. Lãnh bằng Cao học Tâm lí Xã hội (Master) tại Đại học New School for Social Research, Graduate Faculty of Political and Social Science tại thành phố New York 1974. Tiếp tục theo học ngành tâm lí xã hội tại Ðại học Columbia, Teachers’ College cũng ở thành phố trên với dự tính lấy bằng Tiến sĩ.

Hết hi vọng trở về Quê hương, khi quân đội Cộng sản Bắc Việt thắng thế miền Nam Việt l975, linh mục họ Trần đành bỏ học, nhận làm Tuyên uý cho người Việt tị nạn sáu tháng tại trại Fort Indiantown Gap, Pennsylvania theo chương trình của chính phủ Hoa kì. Xuất trại, linh mục đương sự phục vụ một số giáo xứ Mĩ và giáo xứ Việt Nam trong Giáo phận Arlington, Hoa kì trong khoảng thời gian hơn ba mươi năm với vị thế Phó xứ cũng như Chánh xứ. Giảng thuyết bằng Anh ngữ cũng như Việt ngữ là một ưu tiên trong sứ vụ mục vụ của linh mục. Khi bà mẹ qua đời 1987, Cha Trọng không thể về dâng lễ an táng cho mẹ.

Trần Bình Trọng viết bài bình luận không định kì cho Nguyệt san Chuông Việt của sinh viên VN tại Hoa Kỳ 1970-1972; Chủ bút Nguyệt san Cộng Ðồng Giáo sĩ /Tu sĩ VN tại Hoa Kì/Gia Nã Ðại 1971-1975, viết mục Tin Bán Chính Thức, rồi chuyển sang Chuyện Chúng Mình của giới linh mục tu sĩ; Chủ nhiệm Ðặc san Giáng Sinh, Giáo xứ Các Thánh TÐVN 1989-1993, Arlington, Virginia. Viết bài không định kì cho ba Nguyệt san Chân Trời Mới, Dân Chúa Mĩ Châu và Thời Ðiểm Công Giáo. Tác giả Chỉ Nam Giáo Xứ 1992 (124 trang) của Giáo xứ trên. Biên soạn Gia Phả Họ Nội 2003 của linh mục gồm mười đời với nhiều dữ kiện. Ông thượng tổ là Trần Văn Uy (Thiết - đời 1), làm tướng Nghĩa quân Phan Bá Vành (Ba Vinh), chống lại Triều đình Huế, tử trận 1827. Ông Trần Hữu Thuyên (đời 5) kể lại ông cố tổ làm quan tứ trụ triều đình nhà Trần năm 1258 (38 trang khổ giấy đánh máy). Biên soạn Gia Phả Họ Ngoại 2003 của linh mục gồm tám đời với nhiều dữ kiện (96 trang).

Linh mục đương sự tham gia và sinh hoạt khi cần với Phong Trào Học Hội Kitô Học (Cursillo); Phong Trào Hội Ngộ Phu Thê (Marriage Encounter); thiết lập và sinh hoạt dăm năm với Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể (Eucharistic Youth Movement) và Phong Trào Thăng Tiến Hôn Nhân Gia Ðình (Marriage Family Enrichment Program) tại Giáo xứ CTTÐVN; dấn thân lâu dài trong Phong Trào Canh Tân Thánh Linh (Charismatic Movement for Renewal). Mấy linh mục bạn Mĩ nói Cha Trọng là thành viên kín của Phong Trào Thánh Linh (closet Charistmatic), linh mục họ Trần không phản đối.