Từ Sydney tới Paris

1. Paris

Theo tờ Le Figaro, gần 50,000 người đã tụ tập tại khu nhà thờ Chính Tòa Paris, trong đó có rất nhiều người trẻ, để nghe sứ điệp của Đức Bênêđíctô XVI, một sứ điệp nói về lòng can đảm và phúc âm hóa.

Ngài bảo họ “Các con hãy mở rộng tâm hồn. Hãy đem tin mừng tới những người thuộc lớp tuổi của các con và nhiều người khác. Hãy làm chứng cho Thiên Chúa”. Ngài được giới trẻ vỗ tay vang dội khi lặp lại lời của Đức Gioan Phaolô II: “Các con đừng sợ!” và sau đó nói thêm “Các con hãy can đảm lên”. Ngài cũng làm giới trẻ hiện diện ở đấy hết sức phấn khởi, khi bảo họ: “Giáo Hội tin tưởng nơi các con!”

Khi nhắc đến tầm quan trọng của Chúa Thánh Thần, Đấng “thúc đẩy ta làm chứng nhân”, Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh tới “kho tàng” của Thánh Giá Chúa Kitô. Ngài bảo: “Thánh Giá là biểu tượng sự khôn ngoan của Thiên Chúa và tình yêu vô lượng của Người, tối nay, cha trao Thánh Giá Chúa Kitô cho các con”. Ngài mời gọi họ “tôn thờ và kính trọng Thánh Giá” vốn không phải là “một đồ trang trí hay một món nữ trang, nhưng là một dấu chỉ tự nhiên và hữu hình”.

Tờ Le Figaro cho rằng Đức Giáo Hoàng đã gửi cho giới trẻ Công Giáo Pháp một sứ điệp phúc âm hóa và tin tưởng, nhưng cũng là một sứ điệp kiêu hãnh được làm người tín hữu. Báo này nhận xét rằng với sứ điệp ấy, Đức Giáo Hoàng đã lấy được cảm tình nồng hậu của giới trẻ Pháp, những người cho tới lúc này vẫn chưa quên nét qúy yêu nơi đặc sủng Gioan Phaolô II. Theo gương vị tiền nhiệm, Ngài đã biết cách ‘quyến rũ’ giới trẻ bằng các ngôn từ thẳng thắn và đầy tham vọng.

Amélie, một nữ sinh trường Yvelines cho hay: “Đối với một vị Giáo Hoàng mà người ta thường cho là nghiêm khắc, sứ điệp của Ngài quả là độc đáo! Quả là tuyệt diệu khi Ngài bảo chúng tôi rằng Ngài tin tưởng nơi chúng tôi, điều ấy quả đem lại cho chúng tôi một khởi đầu hết sức mới mẻ”.

Không lạ gì giới trẻ Pháp đã mở hội mừng vị Giáo Hoàng “của họ” bằng cờ xí, biểu ngữ và hò hét vang dội điệp khúc “Benedetto, Benedetto” ngay khi Ngài mới xuất hiện.

Đối với Astrid, “Đức Giáo Hoàng đem lại cho chúng tôi niềm vui được tin được cậy trở lại để tiếp tục sống đức tin của mình”. Một nhóm học sinh trường Antony, ngồi vòng tròn ăn bữa ăn ngoài trời trước khi tham gia buổi canh thức, xem ra lên tinh thần rõ ràng. Trong đó, có Clément. Cậu nói: “Thật là độc đáo! Tuyệt diệu nữa, vì được có mặt cùng các Kitô hữu khác lấy lại sức mạnh”. Laura, nữ sinh viên y khoa mỉm cười rạng rỡ: “Ngài ấm áp, thẳng thắn. Sứ điệp của Ngài quả là tuyệt: đừng sợ chia sẻ niềm tin!”. Về chuyện trở về truyền thống, Anne Celia, nữ sinh ở Trappes, người vừa hát vừa múa theo nhịp cũng mỉm cười bảo: “Trong Giáo Hội, ai cũng có chỗ đứng, lối phát biểu nào cũng được chào đón cả”. Nhưng Charlotte, nữ sinh viên luật thì dè dặt hơn: “lui trở lại với một vài lời cầu nguyện bằng tiếng La Tinh, đó là khuynh hướng Ngài muốn đưa ra, điều ấy rất có thể bêu xấu (stigmatiser) Giáo Hội và làm người khác sợ sệt, nhưng chúng ta được tự do sống đức tin theo cách của chúng ta…”.

2. Không quên Sydney

Khởi đầu bài nói truyện với giới trẻ Pháp tại quảng trường phía trước nhà thờ Notre-Dame ở Paris, Đức Bênêđíctô XVI cho họ hay cuộc chào đón đầy nhiệt tình của họ làm Ngài nhớ tới cuộc tụ tập “không thể nào quên được” ở Ngày Giới Trẻ Thế Giới tại Sydney vào tháng Bẩy vừa qua. Một trong hai bảo vật mà Ngài muốn giới trẻ Pháp tích trữ trong trái tim họ cũng có liên can tới cuộc tụ tập tại Sydney kia. Đó là câu đã được dùng làm chủ đề cho cuộc tụ tập ấy: “Các con sẽ nhận được sức mạnh khi Chúa Thánh Thần xuống trên các con và các con sẽ là nhân chứng của Ta” (Cv 1:8).

Ngài cho hay tại Sydney, nhiều người trẻ đã tái khám phá được tầm quan trọng của Chúa Thánh Thần cho đời ta, cho đời sống mọi Kitô hữu. Vì Chúa Thánh Thần đem lại cho ta mối liên hệ sâu sắc với Thiên Chúa, nguồn mọi điều thiện hảo chân chính của con người. “Ai trong chúng con cũng muốn yêu và được yêu! Nhưng muốn học cách yêu và tìm được sức mạnh để yêu, các con phải chạy lại với Thiên Chúa”.

Đức Thánh Cha nói tiếp: “Chúa Thánh Thần, Đấng vốn là Tình Yêu, có thể mở cửa tâm hồn các con để tiếp nhận ơn yêu thương chân thực… Muốn tìm thấy Chúa Kitô, các con hãy phó mình cho Chúa Thánh Thần. Người là Đấng Hướng Dẫn tối cần thiết để ta cầu nguyện, Người làm cho niềm hy vọng của ta sống động và Người là nguồn hân hoan thực sự… Chúa Thánh Thần giúp ta tiếp cận mầu nhiệm Thiên Chúa, làm ta hiểu Thiên Chúa là ai. Người giúp ta biết nhìn người lân cận như anh chị em mà Thiên Chúa đã ban cho ta và để ta sống với họ trong tình đồng chí nhân bản và thiêng liêng, nói cách khác là sống trong lòng Giáo Hội”.

Đức Giáo Hoàng nói rằng giới trẻ nổi tiếng có lòng quảng đại lớn lao. Lòng quảng đại ấy thúc đẩy họ nói về Chúa Kitô cho mọi người chung quanh, cho gia đình và bạn hữu, ở mọi chỗ học hành, làm việc và nghỉ ngơi. “Đừng sợ! Hãy ‘can đảm sống Phúc Âm và mạnh dạn loan báo Phúc Âm ấy’ [sứ điệp gửi Giới Trẻ Thế Giới, ngày 20 tháng Bẩy năm 2007]. Cho nên cha khuyến khích các con tìm cách loan báo Thiên Chúa cho mọi người chung quanh các con, dựa lời chứng của các con trên sức mạnh của Chúa Thánh Thần…

Các con hãy mang Tin Mừng đến cho người trẻ thuộc lớp tuổi của các con và cả cho nhiều người khác nữa. Họ đang gặp khó khăn trong các mối liên hệ, đang lo âu xao xuyến vì tương lai bất định trong việc làm và việc học. Họ đang kinh qua đau đớn nhưng cũng có nhiều giây phút hân hoan. Các con hãy là chứng nhân của Chúa, vì trong tư cách người trẻ, nhờ Phép Rửa và cùng tuyên xưng một đức tin (xem Eph 4:5), các con là thành viên đầy đủ của cộng đồng Giáo Hội. Giáo Hội tin tưởng nơi các con và cha muốn nói để các con biết điều ấy!”.

Bảo vật thứ hai mà Đức Thánh Cha muốn người trẻ tích trữ trong tâm hồn, là bảo vật có liên hệ mật thiết với Năm kính thánh Phaolô năm nay. Đức Thánh Cha muốn nói tới mầu nhiệm Thánh Giá, một mầu nhiệm vốn nằm ở tâm điểm cuộc đời Thánh Tông Đồ Dân Ngoại. Đức Thánh Cha nói rằng Chúa Nhật này, tại Lộ Đức, Ngài sẽ cử hành lễ Tôn Vinh Thánh Giá. “Nhiều người trong các con đeo thánh giá trên dây chuyền quanh cổ. Cha cũng đeo một thánh giá như thế, giống như mọi giám mục khác. Thánh giá ấy không phải là đồ trang trí hay một món qúy kim. Nó là biểu tượng qúy giá cho đức tin của ta, một dấu chỉ tự nhiên và hữu hình ta thuộc về Chúa Kitô”.

Theo Đức Thánh Cha, Thánh Phaolô đã dùng thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô để giải thích ý nghĩa của Thánh Giá. Cộng đoàn tín hữu Côrintô lúc đó đang kinh qua khủng hoảng lớn do ảnh hưởng tồi bại của nền văn hóa chung quanh, y hệt nền văn hóa đang vây quanh ta ngày nay: cãi cọ tranh chấp ngay trong cộng đoàn tín hữu, bị quyến rũ bởi các thế phẩm tôn giáo và lý thuyết triết học, đức tin hời hợt và luân lý suy đồi. Thánh Phaolô viết rằng: “Đối với những kẻ đang hư đi, lời của Thánh Giá quả là rồ dại, nhưng đối với những người được cứu rỗi như ta, nó là sức mạnh của Thiên Chúa” (1Cor 1:18)”, là khôn ngoan khôn sánh. Sự khôn ngoan đầy mầu nhiệm và bí ấn này (xem 1Cor 2:7) phải được Chúa Thánh Thần mạc khải, không có Người, “những kẻ sống theo lẽ tự nhiên không thể nào hiểu được” (1Cor 2:14). Chúa Thánh Thần mở các chân trời mới cho trí hiểu con người, giúp họ nhận ra sự khôn ngoan đích thực chỉ tìm thấy nơi một mình Chúa Kitô mà thôi. Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh: “Đối với Kitô hữu, Thánh Giá đồng nghĩa với sự khôn ngoan của Thiên Chúa và tình yêu vô cùng của Người, được mạc khải trong ơn cứu rỗi của Chúa Kitô, Đấng từng chịu đóng đinh và đã sống lại để thế gian được sống, đặc biệt để mỗi người các con được sống”

Đức Giáo Hoàng mong ước rằng”cái hiểu diệu kỳ rằng Chúa đã vì tình yêu mà dựng nên các con sẽ dẫn các con tới việc tôn kính và tôn sùng Thánh Giá. Nó không phải chỉ là biểu tượng cho cuộc sống trong Chúa của các con và sự cứu rỗi của các con mà thôi, mà còn là chứng tá âm thầm của nỗi đau nhân bản và là biểu thức độc đáo và vô giá của mọi niềm hy vọng của ta.”

Đức Thánh Cha kết luận: “Các bạn trẻ thân mến, cha biết rằng tôn kính Thánh Giá đôi khi làm các con bị chế diễu, có khi còn bị bách hại nữa. Một cách nào đó, Thánh Giá xem chừng đe doạ chính sự an toàn nhân bản, nhưng trên hết, nó cũng công bố hồng ân Thiên Chúa và củng cố ơn cứu rỗi của ta. Tối nay, cha xin giao Thánh Giá Chúa Kitô cho các con. Chúa Thánh Thần sẽ giúp các con hiểu mầu nhiệm yêu thương của nó. Lúc đó, các con cũng sẽ cùng Thánh Phaolô tuyên xưng rằng: ‘ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta! Nhờ thập giá Người, thế gian đã bị đóng đinh vào thập giá đối với tôi, và tôi đối với thế gian’ (Gl 6:14). Thánh Phaolô đã hiểu rõ những lời đầy nghịch lý của Chúa Giêsu, Đấng từng dạy rằng chính lúc hiến (“mất”) mạng sống mình, ta tìm lại được nó (xem Mc 8:35; Ga 12:24). Từ giáo huấn ấy, Thánh Tông Đồ kết luận: Thánh Giá nói lên định luật nền tảng của tình yêu, công thức hoàn hảo nhất cho sự sống đích thật… Các bạn trẻ thân mến, cha muốn một lần nữa cho các con hay: cha tin tưởng nơi các con, và cha muốn ngày hôm nay cũng như trong tương lai, các con sẽ cảm nghiệm được lòng qúy trọng và âu yếm của toàn thể Giáo Hội, và thế giới cũng sẽ có dịp thực sự nhìn thấy một Giáo Hội sống động! Xin Thiên Chúa ở bên cạnh các con mỗi ngày. Xin Người chúc lành cho các con, gia đình và bằng hữu các con”

3. Người bạn

Những lời trên nghe ra nhiều tâm tình hơn những lời Ngài từng nói ở Sydney hồi tháng Bẩy. Có thể vì càng ngày giới trẻ càng làm vị Giáo Hoàng khắc khổ này ‘mềm lòng’ hơn chăng. Hay như Jean-Marie Guénois của nhật báo Le Figaro ngày 13 tháng Chín từng nhận xét: “Ngài là một người bạn, một người bạn cũ của nước Pháp, không phải người bạn của ba mươi năm, mà là bạn cả một đời”? Guénois cho hay: “con người này, con người dù đã làm giáo hoàng ba năm nay, mà vẫn luôn e lệ và dè dặt này, nay đã không dấu được cảm xúc và thiện cảm đối với đất nước chúng ta (khi nói): “Tôi yêu Nước Pháp”. Giọng điệu của Ngài tự xác nhận điều ấy, suốt hành trình thăm Paris lần đầu (trong tư cách Giáo Hoàng), nơi Ngài rõ ràng đang ở nhà mình, trong thành phố Paris này và trên nước Pháp mà Ngài yêu mến này. Không một chút căng thẳng, hoàn toàn thanh thản nơi vị Giáo Hoàng 81 tuổi. Ngài biết rõ Ngài đang đi đâu và Ngài sẽ gặp những ai…Chiều qua, cả cái sức nặng của cuộc hành trình căng thẳng cũng đã như không đè nặng lên Ngài chút nào. Nguyên tuyền chỉ là một niềm vui: niềm vui chia sẻ trong cuộc gặp gỡ ấm áp tại điện Élysée, niềm vui được đám đông bầy tỏ trên bờ sông Seine, dọc đường Giáo Hoàng Xa chạy qua cũng như người trẻ ở tiền đình nhà thờ Đức Bà, niềm vui được nội tâm hóa trong buổi đọc kinh chiều ở nhà thờ chính tòa với hàng giáo sĩ. Nghiêm chỉnh hơn một chút, nhưng cũng luôn đầy thiện cảm, là giờ phút long trọng trong ngày, lúc Ngài hội ngộ với thế giới văn hóa ở Học Viện Bernardins”.

Guénois cho hay ở đấy Ngài chẳng ngại cho thế giới văn hóa hay: tự do tinh thần trong nền văn hóa Âu Châu nói riêng và nhân bản nói chung thực ra là con đẻ của kỷ luật và cái học của các đan sĩ Trung Cổ! “Chính các đan sĩ này, nhờ một nghiên cứu có tính cộng đoàn về Lời Chúa trong ‘tính đa nguyên ý nghĩa và giải nghĩa’ của nó, đã cách ly được chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa cuồng tín (fondamentalisme et fanatisme)”. Ngài cũng cho rằng “văn hóa làm việc” của các đan sĩ này, trong đó, con người nhận trách nhiệm của mình đối với sáng thế, cũng đã góp phần lên khuôn mạo cho Âu Châu”. Chính vì thế, trong cuộc gặp gỡ tại Điện Élysée, Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rõ hơn rằng: dù phải chấp nhận quan điểm đạo đời tách biệt một cách tích cực, nhưng luôn phải nhớ “gốc rễ của Pháp và gốc rễ của Âu Châu là Kitô giáo”.

Còn về Giáo Hội, trong buổi đọc kinh chiều ở nhà thờ Đức Bà, Ngài cho hay Giáo hội phải cởi mở với hết mọi người: “Không ai dư thừa trong Giáo Hội, không một ai hết! Mọi người đều có thể và đều phải có chỗ trong lòng Giáo Hội”. Người ta cho rằng Ngài muốn ám chỉ đến tự sắc cách nay một năm, đúng ngày 14 tháng Chín, cho phép việc cử hành nghi lễ tiền công đồng bằng tiếng La Tinh, một tự sắc đang gây nhiều tranh cãi trong Giáo Hội Pháp.

Chắc chắn Đức Bênêđictô XVI không lạc quan tếu về nước Pháp. Ngài hiểu rõ nước Pháp hơn người ta tưởng. Tờ Le Figaro, ngày 13 tháng Chín dưới tựa đề “Người Công Giáo Pháp mong gì ở cuộc tông du của Đức Bênêđíctô XVI?”, cho hay: Giáo Hội Pháp trông đợi cuộc tông du ấy trong hồi hộp lẫn lo sợ. Vì “các mối liên giữa Rome và Paris không đơn giản”. Bài diễn văn tại Latran ngày 20 tháng 12 năm ngoái của Nicolas Sarkozy, tổng thống nước này, đã tạo ra khá nhiều ngỡ ngàng và bất bình, khi ông xác nhận rằng Nền Cộng Hòa không có ‘ơn gọi’ phải mang lại cho đời một ý nghĩa.

Tại Rome, ngày 11 tháng Bẩy vừa qua, Đức Hồng Y Tarcisio Bertone cho rằng “một số yếu tố nào đó khiến ta hy vọng có được sự tiến triển trong ý niệm đạo-đời cứng ngắc này, một ý niệm từng biến nền Đệ Tam Cộng Hòa Pháp thành một mô thức phản tôn giáo”. Phải chăng đó là lý do Đức Bênêđíctô XVI đã tới Paris trước, mặc dù lý do chính của Ngài là tới Lộ Đức mừng kỷ niệm năm thứ 150 ngày Đức Mẹ hiện ra với Thánh Nữ Bernadette.