KỶ NIỆM BÁCH CHU NIÊN THÀNH LẬP GIÁO XỨ 1908 – 2008


GIÁO XỨ NAM LỖ


Nhờ Thờ GX Nam Lỗ
Giáo xứ Nam Lỗ gồm 13 ngôi nhà thờ lớn nhỏ, nằm trên phần đất của 6 xã thuộc huyện Đông Hưng và 1 xã thuộc huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.

Nhà thờ chính của giáo xứ tọa lạc giữa một làng dân cư nhỏ bé, yên tĩnh trên một cánh đồng lúa mênh mông. Khúc sông Tiên Hưng uốn mình bao bọc lấy ngôi làng thân thương này. Đây là ngôi nhà thờ mẹ, nơi quy tụ của cộng đoàn giáo xứ và được gọi với cái tên thật dễ thương: Nam Lỗ.

Nhà thờ Nam Lỗ cách TP Thái Bình khoảng 20 Km về phía Bắc; trên quốc lộ 39A đường Thái Bình đi Hưng Yên, từ cột mốc Km70 đi vào chừng 5 cây số.

I - MẤY DÒNG LƯỢC SỬ

Nhà thờ Nam Lỗ tọa lạc trên phần đất của trại Đồng My hay còn gọi là Đồng Mư, thuộc làng Sổ, tổng Cao Mỗ, huyện Thần Khê, tỉnh Thái Bình. Vì thế, người ta thường gọi xứ Nam Lỗ là xứ Sổ và Nhà thờ xứ Nam Lỗ là Nhà thờ Đồng My hay Đồng Mư.

Năm 1722, họ giáo trại Đồng Mư, Làng Sổ được thành lập, với tên gọi Họ giáo Sổ, thuộc về xứ Sa Cát. Sau 186 năm thăng trầm, họ giáo Sổ đã được nâng lên hàng Giáo xứ và cùng với các họ lân cận thành một giáo xứ mới. Các Đấng Bản quyền đã đặt tên xứ mới này là xứ Nam Lỗ.

Theo tài liệu nghiên cứu của Cha Giuse Nguyễn Thanh Liêm thì: Nam Lỗ là tên rất đặc biệt mà Đức Cha Pierre Munagorri Y Obenita, tên Việt Nam của Ngài là Trung (Đức Cha Pierre Munagorri Y Obenita Trung, gốc Người Tây Ban Nha), cai quản Giáo Phận Bùi Chu từ Nam 1907 đến 1936 đã chọn. (Chú thích: Nam 1908, lúc bấy giờ Giáo Xứ Nam Lỗ còn đang trực thuộc vào Giáo Phận Bùi Chu. Ngày 09 Tháng 3 Năm 1936, Giáo Phận Thái Bình mới được thành lập và tách rời khỏi Giáo Phận Bùi Chu. Đức Cha Casado Thuận là Giám Mục tiên khởi của Thái Bình).

Cha Pierre Munagorri Y Obenita, khi còn là Linh Mục và trước khi được nhà Dòng gửi sang Á Châu truyền giáo, trên đường từ Tây Ban Nha đi đến Việt Nam, Cha Pierre Munagorri Y Obenita đã có dịp đến Nước Tàu (tức Trung Quốc ngày nay) vài tháng. Sau đó đến Việt Nam để thực thi sứ mạng truyền giáo và làm việc mục vụ, Ngài đã lấy tên Việt Nam là Trung.

Năm 1907, Cha Pierre Munagorri Y Obenita Trung được Toà Thánh đề cử lên làm Gám Mục và đặt Ngài cai quản Giáo Phận Bùi Chu (kế vị Đức Cha Maxime Fernandez Định, 1987-1907). Đức Cha Trung duyệt xét lại phần địa dư và phạm vi mục vụ của toàn Giáo Phận thì thấy Sa Cát là một giáo xứ lớn, và có quá nhiều giáo họ lẻ, trong đó có giáo họ lẻ tại Làng Sổ nằm trên mảnh đất Đồng My có đông giáo dân hơn cả và nhiều họ lẻ nhỏ khác chung quanh - Ngài đã quyết định tách biệt Giáo Họ Sổ và những họ lẻ ấy ra thành một Giáo Xứ mới lấy tên là Nam Lỗ.

Đức Cha Trung đích thân đến viếng thăm và nghiên cứu về giáo họ lẻ Làng Sổ và các họ lẻ lân cận này trong 3 ngày. Thời bấy giờ, không có xe ô tô, Đức Cha và Phái Đoàn Phòng Bộ phải đi xa cả ngày đường từ Bi Chu về đến Làng Sổ thì trời vừa tối. Ngài lưu lại đó 1 ngày và 2 đêm. (Chuyến đi trong 3 ngày, gồm 1 ngày đi, rồi ở lại Làng Sổ 2 đêm và 1 ngày, và 1 ngày đi bộ trở về Bùi chu). Qua 2 đêm, sau các bữa cơm tối, Ngài đi dạo vòng quanh bên ngoài để cầu nguyện. Đức Cha Trung chiêm ngắm bầu trời đẹp với muôn ngàn tinh tú, trăng sao, nhất là nhìn lên Chùm Sao Bắc Đẩu, rồi Ngài nhớ lại lịch sử truyền giáo của Nước Tàu, trong đó có phần đất của Nước Lỗ (cũ) mà Cha Mettéo Ricci, Dòng Tên, xưa kia đã đặt chân đến truyền giáo rất thành công.

Đứng bên bờ Sông Tiên Hưng, nơi mảnh đất của Làng Kinh Môn (Cửa Đền Vua Nước Trời), hướng lên Chùm Sao Bắc Đẩu -Ngài nhìn về phía Bắc là Nước Lỗ, Ngài cũng nhìn về Làng Sổ có phần đất Đồng My đang nằm ở phía Nam, nên trong ý định của Ngài - Ngài đã quyết định đặt tên Giáo Xứ mới này là GIÁO XỨ NAM LỖ (tức là phía Nam của Nước Lỗ). Như vậy, chúng ta đã có tên lịch sử của Giáo Xứ Nam Lỗ là phần đất truyền giáo mới, phía Nam của Nước Lỗ. (Theo Lm. Joseph Nguyễn Thanh Liêm, chuyển ngữ sang Tiếng Việt từ Sách “Histoire du Vietnam” của Delliviers, Un mandarin catholique de 32ans, Trang 263, Quyển IV, reputé pour sa parfaile intégrité, sa compétence et son intelligence, Số kiểm duyệt: 0.00.599708.9. Giấy phép xuất bản số: 0.225.66350.3, Tái xuất bản tại Rome, 25-3-1945, Sách đang được lưu giữ trong Thư Viện Madrid Libreria –Spain).

Năm 1955, do sự phân chia lại địa lý hành chính, trại Đồng My và trại Đồng Cừ tách khỏi Làng Sổ (Xã Chương Dương) và sát nhập vào Xã Hợp Tiến (Làng Ngói). Đồng My ngày nay là Thôn Ai Quốc, Xã Hợp Tiến, Huyện Đông Hưng, Tỉnh Thái Bình.
Đại Lễ Kỷ Niệm 100 năm


II - HẠT GIỐNG TIN MỪNG

Hạt giống Tin Mừng đã được gieo vào mảnh đất này khá sớm. Theo sử liệu, năm 1722 nơi đây đã thành một họ đạo, Họ Sổ thuộc xứ Sa Cát. Rồi Tin Mừng lan tỏa theo thời gian, các họ đạo xung quanh dần dần được hình thành.

Năm 1908, cùng với sự trưởng thành của các giáo họ chung quanh thì Giáo Họ Sổ là lớn nhất và đã đủ để bước lên hàng giáo xứ. Đức Cha Trung đã tách 17 họ lẻ khỏi Giáo Xứ Sa Cát và thành lập nên Giáo Xứ Nam Lỗ, đồng thời đặt Cha Phêrô Trứ làm Cha Xứ tiên khởi.

Theo sử ký Địa phận Trung xuất bản năm 1916 (gồm Bùi Chu và Thái Bình ngày nay) thì giáo xứ Nam Lỗ có 17 họ lẻ: 10 họ bổn đạo gốc và 7 họ bổn đạo mới, với tổng số 1197 giáo dân.

Sau đây là đoạn trích nguyên văn về giáo xứ Nam Lỗ năm 1916:

XỨ NAM LỖ

Xứ này trước thuộc về xứ Sa Cát, Đức Cha Trung mới biệt ra từ năm 1908.

Thầy cả coi sóc xứ thì trước có cụ Trứ, rồi đến cụ Thiêm đang coi sóc bây giờ.

Xứ này gồm lại 10 họ Bổn đạo gốc và 7 họ Bổn đạo mới, các họ ấy về 13 xã.

Các họ về xứ này:

Tên họ Quan thầy Nhân danh

Nam Lỗ Đức bà Rosa 521

Duyên Tục Ông thánh Augustin 186

Kinh Môn Ông thánh Phêrô 135

An Lạc Làng Đức Bà lên 3 tuổi 235

Lũ Đăng Đức Bà chuộc kẻ làm tôi 81

Cổ Khúc Đức Bà Bảy sự 115

Duyên Trang Ông thánh Phanxicô 120

An Lạc Trại Ông thánh Vincentê 154

Cổ Cốc Ông thánh Tômasô 61

Họ Phạm Ông thánh Gioachim 38

Sổ Làng Bổn đạo mới 54

Thổ Khối Bổn đạo mới 30

An Thái Bổn đạo mới 33

Phú Điền Bổn đạo mới 10

Lộ Xá Bổn đạo mới 08

Hoàng Nông Bổn đạo mới 08

Kim Ngọc Bổn đạo mới 11

Cộng 1197

Các ông dòng bà dòng về xứ này được 84 người.

Năm 1929, Đức cha Trung đã nâng họ Duyên Tục lên hàng Giáo xứ, và cắt họ Duyên Trang về xứ mới này.

Năm 1930, họ giáo Y Đún được thành lập, và nhân thánh Têrêsa Hài Đồng Jêsu làm bổn mạng.

Năm 1948, Đền Đức Mẹ Fatima được xây dựng tại Khu Sốc thuộc họ Nhà xứ.

Biến cố năm 1954, một phần lớn giáo dân của xứ di cư vào miền Nam. Số giáo dân còn lại thưa thớt, lại gặp những năm tháng chiến tranh và khó khăn, một vài họ bị xóa sổ.

Sau năm 1975, một số giáo dân vì kế sinh nhai, lại tiếp tục vào các tỉnh phía Nam để sinh sống, giáo xứ lại bớt đi một số người.

Năm 1978, ngôi nhà thờ họ Kinh Môn bị tháo dỡ. Nay chỉ còn một khu đất nền nhà thờ trước đây làm vết tích. Số diện tích xung quanh nhà thờ của họ giáo này đã bị san ủi thành ruộng cấy.

III - CÁC LINH MỤC COI SÓC GIÁO XỨ

Từ ngày thành lập giáo xứ, Nam lỗ luôn được các cha trông coi phục vụ. Khi thì trực tiếp, lúc thì gián tiếp. Bao ân tình sâu nặng, bao kỷ niệm êm đềm, bao thành quả vật chất và tinh thần mà các Ngài để lại.

Hôm nay nhìn lại, từ ngày ấy,100 năm qua đã có 12 linh mục coi sóc xứ này:

1. Từ năm 1908 đến 1914: cha Phêrô Trứ, cha xứ tiên khởi. Người xây dựng ngôi thánh đường giáo xứ.

2. Từ năm 1915 đến 1928: cha Phêrô Thiêm coi sóc.

3. Từ năm 1929 đến 1935: cha Thôma Vũ Nguyên Sùng.

4. Từ năm 1936 đến 1945: cha già Giuse Khuông coi sóc.

5. Từ 10-1945 đến 8-1954: cha Giuse Phạm Hữu Đoàn coi sóc.

Sau khi cha Đoàn vào Nam, giáo xứ trống vắng. Đức cố giám mục Đaminh Đinh Đức Trụ bấy giờ là Giám quản giáo phận, gián tiếp trông coi giáo xứ, với sự cộng tác của cha già Sùng. Từ đây giáo xứ không còn cha xứ trực tiếp trông nom.

6. Từ 11-1955 đến 10-1960: cha Vinhsơn Nguyễn Khắc Hiếu, cha xứ An Lập, phụ trách.

7. Từ 11-1960 đến 5-1973: cha Gioachim Trần Trọng Uyên từ chủng viện Mỹ Đức, phụ trách.

8. Từ 5-1973 đến 5-1978: cha Gioan B. Phạm Ngọc Châu cũng từ Mỹ Đức, phụ trách.

9. Từ 5-1978 đến 4-1996: cha chính Giuse Bùi Văn Cẩm từ Mỹ Đức, phụ trách.

10. Từ 4-1996 đến 6-2001: cha Giuse Trần Đức Hạnh chánh xứ Thuần túy, phụ trách.

11. Từ 6-2001 đến 7-2002: cha Phêrô Nguyễn Kiêm Toàn, chánh xứ An Lập, phụ trách.

12. Ngày 12-7-2002, cha Đaminh Nguyễn Văn Quát, cha xứ đương nhiệm đã về phục vụ giáo xứ. Chấm dứt khoảng thời gian 48 năm trống vắng, không có cha xứ trực tiếp ở với giáo xứ.

Như vậy, 100 năm từ ngày lập xứ, thì một nửa thời gian không có cha xứ trực tiếp ở giáo xứ. Đó lại là một thời kỳ có nhiều khó khăn phức tạp. Nên giáo xứ chịu nhiều thiệt thòi mất mát.

IV - NHỮNG TRANG SỬ HÀO HÙNG

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, những người con của Nam Lỗ vẫn giữ được hào khí của cha ông.

Quả vậy, ngay sau khi đón nhận hạt giống Tin mừng, các bậc tiền nhân của cộng đoàn này đã làm trổ sinh hoa trái. Các cộng đoàn phát triển. Các nhà giáo, nhà nguyện, nhà thờ lần lượt mọc lên. Đời sống Đức Tin vững mạnh. Nơi đây cũng là quê hương của biết bao anh hùng tử đạo, những người đã đổ máu đào, hiến dâng mạng sống vì Đức Tin. Bẩy phần mộ của các ngài ở họ Khuốc, 13 bộ hài cốt có kèm thẻ ở họ Tăng là những bằng chứng. Riêng tại phần đất khu vực thánh đường Nam Lỗ còn có hài cốt của một số vị tử đạo có danh tánh mà hồ sơ của các Ngài hiện đang được lưu giữ tại Bộ Phong Thánh ở Rôma chờ ngày cứu xét để phong Chân Phước.

Theo tra cứu của Cha cố Sơn thì:

Trong số 1264 hồ sơ các vị Tử đạo Việt nam tại Bộ Phong Thánh Rôma sẽ được cứu xét, có 5 vị sinh quán tại giáo xứ Nam Lỗ, giáo phận Thái Bình, miền Bắc Việt Nam:

1. Ông Vincentê Quỳnh 70 tuổi, người cha có 2 con tử đạo. (hồ sơ số 834)

2. Ông Phêrô Quân, con cả ông Quỳnh (hồ sơ số 800)

3. Ông Đaminh Đệ, con thứ. (hồ sơ số 252)

4. Thầy Đaminh Chiêu, Thầy giảng. (hồ sơ số 176)

5. Ông Phêrô Đán 50 tuổi, có gia đình (hồ sơ số 219)

Tất cả các vị đã có đầy đủ hồ sơ cần thiết, xin sốt sắng cầu cho các Ngài chóng được phong lên chân phước (Á thánh). (Trích thư của Cha quý hương, cố Lm. Polycarpo Trần Thái Sơn, CMC)

Đó mới chỉ là 5 vị trong số 14 Hiền phúc Tử Đạo của Nam Lỗ đã được công nhận là chết vì Đạo và đang thỉnh cầu phong Chân phước. Theo cuốn VƯỜN VẠN TUẾ THÁI BÌNH ( tủ sách Họ Hoàng Bồ Ngọc xuất bản năm 2006), Nam Lỗ có các vị Tử đạo sau đây:

1 - Hiền phúc Linh Mục Vinh Sơn TRÍ, họ Nhà Xứ.

2 - Hiền phúc Thầy giảng Đaminh CHIÊU, họ Nhà Xứ

3 - Hiền phúc Vinh Sơn QUỲNH, họ Nhà Xứ,

4 - Hiền phúc Đaminh ĐỆ, họ Nhà Xứ,

5 - Hiền phúc Phêrô QUÂN, họ Nhà Xứ,

6 - Hiền phúc Phêrô ĐÁN, họ Nhà Xứ,

7 - Hiền phúc Phêrô THỊNH, họ Tăng.

8 - Hiền phúc Phêrô MÂY, họ Tăng.

9 - Hiền phúc Đaminh DI, họ Tăng.

10 - Hiền phúc Đa minh NGHIÊM, họ Tăng.

11 - Hiền phúc Đaminh HUỆ, họ Tăng.

12.- Hiền phúc Đaminh PHƯƠNG, họ Tăng.

13 - Hiền phúc Đaminh KHANG, họ Khuốc

14 - Hiền phúc Đaminh HIẾN, họ Cốc

Rước GX Nam Lỗ
Thừa hưởng gia tài Đức tin của tiền nhân, những người con Nam Lỗ các thế hệ luôn phát huy truyền thống hào hùng của cha ông. Quả vậy, ngay sau khi đạo được bình an, với số giáo dân không nhiều, phương tiện thô sơ, mọi sự tự lực, thế mà các nhà thờ lớn nhỏ được mọc lên. Trước nhỏ rồi sau to. Trước đơn sơ rạ lá, rồi sau cột gỗ tường xây, cứ thế tiến lên.

Kể từ ngày lập xứ (1908) với số giáo dân toàn xứ có hơn một nghìn người, thế mà các nhà thờ mới trong xứ liên tiếp được xây dựng:

Năm 1911, họ nhà xứ với số giáo dân chưa được 500 người đã hoàn thành ngôi thánh đường to đẹp và vững chắc mà chúng ta đang thừa hưởng đây.

Cùng năm ấy, họ Cốc với số dân khoảng 50 người cũng đã khánh thành ngôi nhà thờ mà nay vẫn còn giữ được một phần di sản quý giá đó.

Năm 1912, họ Khuốc với khoảng 100 nhân danh cũng xây dựng ngôi nhà thờ và năm 1932 được tái thiết. Nhà thờ này đã bị hoả hoạn thiêu rụi năm 1960, duy ngọn tháp đến hôm nay vẫn còn đang vươn thẳng.

Năm 1914, họ Phạm với hơn 30 nhân danh cũng đã xây dựng ngôi thánh đường mà ngày nay vẫn còn chắc chắn.

Cùng năm đó, họ Sổ Làng với khoảng 50 nhân danh cũng xây dựng nhà thờ, và nay còn giữ lại một phần các vì kèo gỗ khi xây dựng lại ngôi thánh đường mới năm 1998.

Năm 1916, với 232 nhân danh, họ đàn anh Lác Làng xây dựng ngôi nhà thờ gỗ kiên cố chẳng thua kém gì nhà xứ, nay vẫn còn vững chắc.

Họ Kinh Môn với 135 nhân danh khi lập xứ cũng xây dựng được ngôi nhà thờ gỗ to đẹp và bị tháo dỡ năm 1978, nay ai cũng hối tiếc.

Năm 1944 họ bổn đạo mới An Thái xây dựng ngôi thánh đường khang trang, còn tới ngày nay.

Năm 1948 họ nhà xứ lập Đền Đức Mẹ tại khu Sốc.

Các họ khác cũng gắng công xây dựng nhà thờ tùy sức của mình. Tuy nhiên, vì hoàn cảnh thời cuộc và thời tiết các nhà thờ này đã phải tái thiết nhiều lần, một vài nhà thờ bị xóa sổ. Đó là 3 họ Lộ Xá, Phú Điền và Kim Ngọc.

V - TRANG SỬ MỚI

Sau biến cố năm 1954, số giáo dân còn lại quá ít ỏi, thời thế không thuận lợi, thời tiết nhiều khi khắc nghiệt, gây nhiều khó khăn cho những người con dân trong xứ.

Tuy khó khăn nhưng những người con Nam Lỗ tại quê hương vẫn giữ được truyền thống cha ông, sống đạo, bảo toàn đức tin, bảo tồn những di sản tinh thần, vật chất của tổ tiên để lại. Cho dù có một vài họ bị mất mát đất đai trong nơi thờ tự nhưng nhìn chung vẫn giữ được tương đối vẹn toàn. Được như vậy là nhờ sự hy sinh quên mình và lòng nhiệt thành của con dân trong xứ.

Một điều rất đáng tự hào là suốt 48 năm (1954 – 2002) Giáo xứ không có Cha xứ ở trực tiếp, nhưng đời sống đức tin vẫn tốt, mọi sinh hoạt vẫn diễn tiến đều đặn. Các nhà thờ vẫn được bảo dưỡng, tu sửa. Một vài nhà thờ nhỏ của các họ cũng như các công trình nhỏ khác vẫn được xây dựng. Những thành quả đó nhờ sự hỗ trợ của các đấng bậc coi sóc giáo xứ, nhưng cũng là sự hy sinh không mệt mỏi của dân xứ, nhất là trong những thời điểm khó khăn.
Rước trong Khuôn Viên Nhà Thờ


VI - NAM LỖ HÔM NAY

Nhìn lại 100 năm từ khi lập xứ thì 46 năm Nam Lỗ có Cha xứ ở trực tiếp (1908 - 1954). Tiếp đó là 48 năm nhà xứ trống vắng (1954 – 2002), và sáu năm trở lại đây, nhờ ơn Chúa lại có cha xứ.

Sáu năm qua, giáo xứ được phục sức nhanh chóng. Mọi người cố gắng, bà con đồng hương, anh em xa gần giúp đỡ nên bộ mặt giáo xứ đã có được như ngày hôm nay. Tuy vậy, kết quả vẫn còn quá khiêm tốn và công việc phải làm còn rất nhiều, từ nhà xứ đến các họ.

Hiện tại Nam Lỗ có 1377 nhân danh, 13 nóc nhà thờ, gồm họ nhà xứ, 11 họ lẻ và Đền Đức Mẹ thuộc nhà xứ. Con số thực tế của các họ như sau:

TT Tên họ Quan thầy Nhân danh

1 Nhà Xứ Đức Bà Rosa 590

2 Lác Làng Đức Mẹ dâng mình trong Đền thờ 155

3 Lác Trại Thánh Vincentê 154

4 An Thái Thánh Giuse công nhân 165

5 Khuốc Đức Mẹ Bảy sự 94

6 Sổ Làng Thánh Gioan Baotixita 84

7 Tăng Đức Mẹ Vô nhiễm 36

8 Cốc Thánh Thômasô tiến sỹ 21

9 Phạm Thánh Gioachim 08

10 Ngói Th. Phêrô Nguyễn Bá Tuần Tử đạo 33

11 Hoàng Nông Thánh Giuse bầu cử (19-3) 07

12 Y Đún Thánh Têrêxa Hài đồng Giêsu 30

Tổng Cộng 1377

Giáo xứ luôn có:

- Hội Đồng Mục Vụ giáo xứ và Ban trùm các họ: đây là những người nòng cốt, hy sinh phục vụ trong các cộng đoàn. Một số phải gánh vác trách nhiệm lâu dài (vì không có người thay thế) và đã trải qua nhiều khó khăn phức tạp.

- Hội gia trưởng với trên 100 thành viên

- Hội con Đức Mẹ cũng xấp xỉ 100 thành viên.

- Huynh đoàn giáo dân Đa Minh với gần 200 đoàn viên mà tiền thân là “các ông dòng bà dòng”. Đây là nhóm người nòng cốt của việc cầu nguyện trong các cộng đoàn.

- Thêm vào đó còn có hội Tân tòng, quy tụ hơn 70 anh chị em tân tòng trong cả xứ.

- Giáo xứ vẫn duy trì được đội kèn, đội trống, tuy có nhiều khó khăn về tài chánh và nhân sự.

- Giới trẻ của giáo xứ cũng phát triển về nhiều mặt:

Việc học giáo lý vẫn duy trì thường xuyên, đều đặn. Mỗi Chúa nhật trước thánh lễ ban chiều, 7 lớp học với trên 200 học sinh trong toàn xứ. Nhiều cháu ở các họ xa phải đạp xe 7- 8 km, lại còn phải qua đò qua sông. Rất vất vả.

Học văn hóa mỗi ngày một nâng cao, số học sinh theo học cấp III ngày một tăng. Toàn giáo xứ có trên 20 em vào Đại học, Cao đẳng và Trung cấp chuyên nghiệp, trong đó một số đã thành đạt và có công ăn việc làm tốt.
Rước qua các làng và Đồng Quê


VII - DẤN THÂN PHỤC VỤ

Phát huy truyền thống của tiền nhân trong đời sống đức tin, những người con Nam Lỗ dấn bước theo Chúa lên đường phục vụ tha nhân trong đời sống tu trì, và luôn có mặt trong các giai đoạn.

Chúng ta còn ghi lại được nhờ sử liệu, thì ngay buổi đầu Nam Lỗ đã có một Linh mục và một Thầy giảng tử đạo: cha Vinh-Sơn Trí, thầy Đaminh Chiêu.

Những thế hệ kế tiếp, rất tiếc chúng ta không có sử liệu để xác định. Nhưng gần đây Nam Lỗ đã có một số đóng góp đáng kể cho Giáo Hội:

A. Có 10 Linh mục và 1 Phó tế, đó là:

1. Cha Đaminh Bùi Duy Hưng, họ Khuốc, qua đời tại trại Thanh Hoá.

2. Cha Cố Polycarpo Maria Trần Thái Sơn (họ Nhà xứ), dòng Đồng Công, qua đời tại hoa Kỳ ngày 20-6-2003.

3. Cha Tôma Trần Thiên Định (Lác Làng), đang phục vụ tại Hoa Kỳ.

4. Cha Giuse Nguyễn Thanh Liêm (An Thái), đang phục vụ tại Úc.

5. Cha Giuse Trần Duy Kim (Lác Làng), đang phục vụ tại Hoa Kỳ.

6. Cha Vincentê Phạm Ngọc Anh Tuấn (họ Phạm), đang phục vụ tại Giáo phận Xuân Lộc.

7. Cha Vincentê Nguyễn Xuân Tuấn, (Nhà xứ), giáo phận Phú Cường, đang du học tại Roma.

8. Cha Giuse Nguyễn Văn Nhật, (Kinh Môn), đang phục vụ tại Giáo phận Mỹ Tho.

9. Cha Vincentê Trần Thanh Thoả, (quê ngoại Nam Lỗ) đang phục vụ tại giáo phận Long Xuyên.

10. Cha Đaminh Bùi Ngọc Hải, (quê ngoại Nam Lỗ), cha xứ Võng Phan, giáo phận Thái Bình.

11. Phó tế Đaminh Vũ Công Khương (Nam Lỗ), Tu viện Lời Chúa, Phú Cường.

B. Tu sĩ :

* Có các thầy:

1. Thầy FX Đặng Văn Hậu, (sổ Làng), Dòng Đồng Công. Qua đời năm 1974.

2. Thầy Gioan. Baotixita Bùi Quang Tâm, (Sổ Làng), đang phục vụ tại giáo phận Mỹ Tho.

3. Thầy Đaminh Trần Ngọc Nam, (Lác Làng), Dòng Bệnh Viện Thánh Gioan Thiên Chúa.

4. Thầy Vincentê Trần Trung Bảo (Lác Làng), Dòng Ngôi Lời, Hoa Kỳ.

5. Tu Sinh Đaminh Nguyễn Đức Trụ (Họ An Thái), đang tu học tại Úc trong Dòng Truyền Giáo Thánh Tâm (Missions of Sacred Heart’s Congregation).

Các nữ tu:

1. Dì Maria Đặng Thị Kính (Sổ Làng, em Thầy Hậu), qua đời 1953.

2. Dì Maria Trần Thị Nhường, (Sổ Làng), Dòng nữ Đaminh Thánh Tâm, qua đời năm 2005

3. Dì Têrêsa Trần Thị Tuyết Trinh, (Nhà xứ), Dòng nữ Đaminh Thánh Tâm, Hố nai

4. Dì M.Têrêsa Trần Thị Hiền, (Nhà xứ), Dòng nữ Đaminh Thánh Tâm, Hố nai.

5. Dì Têrêsa M.Trần Thị Hải, (Nhà xứ), Dòng nữ Đaminh Thánh Tâm, Hố nai.

6. Dì Cêcilia Nguyễn Thị Thanh Thuỷ, (An Thái), Dòng Đức Mẹ Từ Bi, (Congregation of the Sisters of Mercy), đang phục vụ tại nước Cộng Hòa Malaika, Phi châu.

7. Dì Mary Vũ Thuỳ Linh, (An Thái), Dòng Trinh Vương Việt Nam tại Úc, đang phục vụ tại Sydney.

8. Dì Maria Phạm Thị Hiên, (Lác trại), MTG Tân Lập, đang phục vụ tại Thái Bình.

9. Dì Maria Đặng Thị Nụ, (Lác làng), MTG Tân Lập, đang phục vụ tại Thái Bình.

10. Dì Maria Phạm Thị Dung, (Nhà xứ), MTG Tân Lập.

11. Dì Maria Nguyễn Thị Thu Hảo, (Kinh Môn), Dòng Chúa Quan Phòng, Cần Thơ.

Ngoài ra còn một số ứng sinh chủng viện và đê tử các dòng tu nam nữ gốc Nam lỗ tại quê hương cũng như hải ngoại.

Chúng ta cầu nguyện cho ơn gọi tu trì của giáo xứ ngày thêm phát triển để có thêm nhiều người con Nam Lỗ đóng góp trong cánh đồng truyền giáo của Giáo Hội.

VIII - HƯỚNG TỚI TƯƠNG LAI

Điều đáng quan tâm là ngày nay hoàn cảnh cuộc sống xã hội chi phối, các thế hệ trẻ của giáo xứ phải xa xứ nhiều. Những phức tạp đến với họ, và những khó khăn cho người ở nhà là không nhỏ. Đời sống đạo đức nói chung bị đe dọa, xuống cấp.

Một số nhà thờ trong giáo xứ đã cao niên, cần phải tu sửa hoặc tái thiết. Hạ tầng cơ sở cũng như trang thiết bị trong nhà thờ của các họ còn thô sơ và một số họ kể như chưa có gì. Trong khi số dân quá ít ỏi lại không có khả năng nhiều trong lãnh vực kinh tế cũng như xã hội.

Trước thực tế đó, định hướng của giáo xứ là tăng cường việc giáo dục Đức Tin cho giới trẻ qua việc học hỏi Giáo lý, tích cực tham gia các sinh hoạt tôn giáo. Đồng thời đẩy mạnh việc học văn hóa. Mặt khác, cổ vũ các việc đạo đức cho các giới. Kể cả những việc đạo đức bình dân. Đặc biệt hướng tới việc bác ái xã hội để góp phần loan báo Tin Mừng.

Công việc nhiều, ước mơ lớn. Nhưng khả năng rất giới hạn. Ước mong được lời cầu nguyện, sự chỉ bảo và giúp đỡ của các đấng bậc cũng như mọi người thân yêu để với truyền thống hào hùng của cha ông, những người con của Nam Lỗ hôm nay quyết vươn lên vượt qua trở ngại để luôn sống tốt đạo đẹp đời, góp phần xây dựng Hội thánh và Quê hương.

CÁC HIỀN PHÚC TỬ ĐẠO NAM LỖ

(Trích từ VƯỜN VẠN TUẾ THÁI BÌNH)


GIÁO XỨ NAM LỖ

Nam lỗ cũng gọi là Sổ, trước đây thuộc tổng Cao Mỗ, phủ Tiên Hưng, tỉnh Thái Bình. Ngày nay Nam Lỗ thuộc xã Hợp Tiến, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình.

Nam Lỗ được các thừa sai Đaminh từ Sa Cát đến truyền giáo vào đầu thế kỷ thứ 18, rồi trở thành một họ lẻ thuộc xứ Sa Cát, nhận Đức Mẹ Mân Côi là Quan Thầy.

Năm 1908, Đức Cha Phêrô Trung (Pierre Munagorri y Obineta) chia xứ Sa Cát thành ba xứ, xứ Nam Lỗ được thành lập, gồm 10 họ lẻ bổn đạo gốc và 7 họ giáo tân tòng. Cha xứ đầu tiên là linh mục Phêrô Trứ, chịu chức năm 1891. khi cha Trứ đổi về Tiên Chu thì cha Phêrô Thiêm, chịu chức năm 1897, về coi sóc.

Thời kỳ bắt đạo, tín hữu Nam Lỗ vẫn trung kiên giữ đức tin. Vùng Nam Lỗ thời đó có hai nơi giam giữ các tù đạo là Thổ Khối và Trinh Nguyên, nhiều vị tử đạo bị xử tại hai nơi ấy. Nhờ gương sáng các tù đạo, người Thổ Khối đã xin tòng giáo, trở thành một họ lẻ ( họ Ngói) của giáo xứ bây giờ.

Nam Lỗ cũng có nhiều tín hữu hy sinh mạng sống để minh chứng đạo Chúa, trong số đó có 14 Hiền Phúc đã được Hội Thánh công nhận là chết vì đạo Chúa, đã có hồ sơ làm án xin phong Chân Phúc. Các ngài là những nghành lá thắm tươi trong vườn vạn tuế Thái Bình.

1.- Hiền phúc Linh Mục Vinh Sơn TRÍ (505)

Xứ Nam Lỗ (Sổ), Thái Bình.

Hiền phúc Linh Mục Vinh Sơn Trí, Dòng Đaminh, người Nam Lỗ(Sổ), tỉnh Thái Bình, 61 tuổi, con ông Cố Sen. Từ nhỏ đã vào Nhà Chúa, chịu chức Linh Mục và khấn dòng năm 1830. cha coi xứ Quần Cống, phải trốn ẩn nhiều thời gian. Sau khi thánh An Khảm và các vị tử đạo Quần Cống bị bắt, quân lính càng ráo riết tầm nã cha. Sau cùng, ngày 1-3-1859, Cha bị bắt giải nộp cho tổng đốc Nam Định, Cha liền bị bỏ tù. Trong tù Cha viết thư cho Đức Cha thánh Vinh vui mừng tỏ ý muốn phúc tử đạo. Quan đòi Cha ra toà, bắt khoá quá, cha hết sức sốt sắng hôn tượng Thánh Gía đặt dưới đất và trang trọng giảng thuyết về đạo Chúa. Vì thế tổng đốc Hưng tức giận nói với Cha: “tao có quyền xử tử mày, không cần đợi sắc chỉ của Vua”. Những quan khác thì cần sắc chỉ ấy, nhưng Thượng Hưng Nguyễn Đình Tân vì là nhạc phụ Vua Tự Đức ( ông có con gái được tuyển vào cung, phong đến bậc Châu phi), nên tự tiện lên án các vị tử đạo. Cha bị trảm quyết tại Nam Định ngày 24-3-1859.

2.- Hiền phúc Thầy giảng Đaminh CHIÊU (506)

Xứ Nam Lỗ (Sổ), Thái Bình.

Hiền phúc Thầy giảng Đaminh Chiêu, người Nam Lỗ, hơn 20 tuổi, con ông Diên hay Duyên, hiền lành đạo đức và rất nết na. Thầy giúp việc Cha Gioan An, cho tới ngày cả hai bị bắt ở Bái Bồ Trang cùng với hai Thầy giảng khác là Lãng và Tựu, bị giải lên Hưng Yên và chịu giam cầm. Thầy mạnh mẽ xưng đạo ra trước mặt các quan. Vì thế phải lên án xử tử. Ba Thầy bị trảm quyết đầu năm 1862.

3- Hiền phúc Vinh Sơn QUỲNH (518)

xứ Nam Lỗ, Thái Bình.

Hiền phúc Vinh Sơn Quỳnh, người Nam Lỗ, gần 70 tuổi, con ông Khiết. Hiền phúc Quỳnh là cha của hiền phúc Quân và Đệ sẽ nói sau. Hiền phúc là trùm họ đạo, là nông dân, rất sốt sắng giữ đạo. Năm 1859. ông bị bắt vì là chức dịch trong họ đạo, bị giải lên Hưng Yên, bị giam tù cùng với Hiền phúc Đán (số522). Ơ đấy hai năm hay hơn, ông phải chịu vô số hình khổ, nhất là vì già cả nên càng đau đớn. Nhưng ông luôn vui tươi, năng sốt săng đọc kinh Văn Côi với Hiền phúc Đán bạn tù, vững vàng xưng đức tin ra luôn luôn. Không bao giờ ông chịu khoá quá, mặc dầu bị quan quân xui giục ráo riết và lôi mạnh qua Thánh giá. Vì thế ông chịu trảm quyết ngày 31-5-1861.

4- Hiền phúc Đaminh ĐỆ (519)

Xứ Nam Lỗ, Thái Bình.

Hiền phúc Đaminh Đệ, người Nam Lỗ, Thái Bình, con của Hiền phúc Quỳnh. Ông hơn 20 tuổi, nhưng không muốn lập gia đình, để có thể cùng với các học trò Nhà Chúa học hành chữ nghĩa, cùng với họ, ông năng đi nhà thờ, ông cùng với anh là Phêrô Quân (số 520) bị bắt và bị giam ở ngục Hưng Yên.

Những người biết ông đều hết sức ca tụng ông, vì ông rất can đảm chịu đòn vọt và những khổ hình khác, do ông không chịu khoá quá. Ông chịu trảm quyết năm 1861.

5 - Hiền phúc Phêrô QUÂN (520)

Xứ Nam Lỗ, Thái Bình.

Hiền phúc Phêrô Quân, người Nam Lỗ, chừng 40 tuổi, là con của Hiền phúc Quỳnh ( số 518) và là anh của Hiền phúc Đệ ( số 519). Ông bị bắt cùng với em mình, nhưng khi bị giải lên phủ, vì quân lính phủ hành hạ ông quá lẽ nên ông ngất đi ở dọc đường, quan phủ bắt lính vác ông lên mà đưa qua Thánh giá, sau đó cười nhạo ông là thằng dại mà tha về. Sau ít lâu, ông phủ ấy chết, ông kế quyền thấy tên ông trong sổ, nên truyền bắt ông mà đầy lên các làng Phú La và Bông Cói, tỉnh Hưng Yên. Bấy giờ Hiền phúc đã lành mạnh, nên lại bị giục khoá quá. Ông không chịu, nên phải chịu nhiều hình khổ khác, mà vẫn luôn vững vàng. Vì thế ông phải trảm quyết ở Hưng Yên, có lẽ cùng với em Đệ của ông.

6 - Hiền phúc Phêrô ĐÁN (522)

xứ Nam Lỗ, Thái Bình.

Hiền phúc Phêrô Đán người Nam Lỗ, trên 50 tuổi, con ông Hiền, đã có vợ con. Ông bị bắt vì là một hương chức trong làng. Ông phải giải lên phủ Tiên Hưng, rồi sang Hưng Yên mà chịu giam cầm. Trong tù ông năng xưng tội với một Linh Mục cũng bị giam ở đó. Ít là hai lần ông bị đánh đòn rất dữ vì không chịu khoá quá. Và vì thế mà chịu trảm quyết ở Hưng Yên, không tìm thấy thi hài ông.

7- Hiền phúc Phêrô THỊNH (513)

Lũ Đăng, xứ Nam Lỗ.

Hiền phúc Phêrô Thịnh, người họ Lũ Đăng, xứ Nam Lỗ, con ông Trí và là anh của Hiền phúc Phêrô Mây (số 514), hai anh em cùng bị bắt với bốn người làng vì đi đạo, bị đầy lên làng Bông và Suôi tỉnh Hưng Yên chín tháng. Hai tháng đầu, lòng các vị hơi bối rối, nhưng về sau lấy lại được sự bình an, các vị càng ngày càng tỏ ra tinh tường, lớn tiếng đọc kinh với nhau, không còn sợ sệt gì ai nữa, nhưng sẵn sàng chịu chết vì đạo. Hiền phúc Thịnh là thanh niên tốt, bị bắt cùng với cha mẹ và anh chị em, nhưng phải đi đày với em và bốn người khác như đã nói trên. Ông hoàn toàn noi gương các bạn mình, nên vui vẻ chịu chém cùng với Hiền phúc Di (số 523) ở làng Suôi, vào chính ngày bốn bạn kia chịu chém ở làng Bông.

8 - Hiền phúc Phêrô MÂY (514)

Lũ Đăng, xứ Nam Lỗ.

Hiền phúc Phêrô Mây, người Lũ Đăng, xứ Nam Lỗ, con ông Trí và là em Hiền phúc Thịnh (số 513). Ong là thanh niên còn độc thân, làm ruộng, có những tư chất tốt. Ông bị bắt cùng với cả gia đình cũng như anh Thịnh, nhưng trốn thoát được. Sau bị bắt lại, người ta truyền ông khoá quá, ông hoàn toàn không chịu. Vì thế ông phải đeo gông rất lớn, đầy lên hàng Bông, nơi cha mẹ ông đang bị cầm giữ, vì ông nói với quan huyện là mình muốn đi theo cha mẹ. Bị giam ở đó chín tháng mà vẫn vững vàng, nên ông bị án trảm quyết vì cùng một duyên cớ như anh ông và các bạn tử đạo khác. (xem thêm số 513).

9.- Hiền phúc Đaminh DI (523)

Lũ Đăng, Xứ Nam Lỗ.

Hiền phúc Đaminh Di, người Lũ Đăng, xứ Nam Lỗ. Ông rất khiêm nhu, ăn ở hiền lành, không làm hại ai, là nông dân, đã có vợ và một con gái. Ông bị bắt vì đạo với ông Thịnh (số 513), cùng với nhiều người khác sẽ nói sau. Cùng với các vị ấy, ông đã luôn hăng hái vững vàng xưng đạo ra, nên ông phải chịu nhiều hình khổ. Nhưng các ông không cùng bị hành xử với nhau. Hiền phúc Di bị trảm quyết với Hiền phúc Thịnh tại làng Suôi (xem số 513).

10.- Hiền phúc Đaminh NGHIÊM (524)

Lũ Đăng, xứ Nam Lỗ.

Hiền phúc Đaminh Nghiêm, người họ Lũ Đăng, xứ Nam Lỗ, còn trẻ, mới 16 tuổi, con ông Uẩn. Tính cậu tốt lành, hiền hoà, cong đang đi học. Cậu cũng là bạn tử đạo với ông Thịnh nói trên, chịu nhiều khổ hình như nhau và vẫn vững bền xưng đạo. Nhưng cậu bị giết ở làng Bông ( các điều khác như ở số 513).

11.- Hiền phúc Đaminh HUỆ (528)

Lũ Đăng, xứ Nam Lỗ.

Hiền phúc Đaminh Huệ, người Lũ Đăng, xứ Nam Lỗ, con ông Thoan, là thanh niên còn độc thân. Ông là bạn tử đạo với ông Thịnh (số 513), nhưng bị trảm quyết tại làng Bông với ông Nghiêm (số 524) và ông Phương (số 529). Các điều khác nói ở số 513.

12.- Hiền phúc Đaminh PHƯƠNG(529)

Lũ Đăng, xứ Nam Lỗ.

Hiền phúc Đaminh Phương, người Lũ Đăng, không biết tên cha mẹ và niên tuế, nhưng biết rằng ông là thanh niên làm ruộng, còn độc thân, không mắc tiếng xấu gì, ông là bạn tù đạo với ông Thịnh, nhưng lại rất dũng cảm chịu trảm quyết vì đức tin với ông Huệ tại làng Bông ( các điều kiện khác như ở số 518).

13- Hiền phúc Đaminh KHANG (527)

Cổ Khúc, xứ Nam Lỗ.

Hiền phúc Đaminh Khang, người Cổ Khúc, xứ Nam Lỗ, con ông Thịnh. Cậu là học trò Nhà Chúa, vì bệnh phải về gia đình uống thuốc mà bị bắt vì đức tin tại nhà. Cha cậu là Thịnh, anh cậu là Sĩ và chính cậu bị đầy lên làng Bông Cói. Ơ đây cha con cậu luôn đọc kinh cầu nguyện và đan thúng đan rá. Vợ ông Sĩ đem thúng rá ấy ra chợ bán, lấy tiền nuôi ba cha con suốt mười tháng như vậy. Các nhân chứng không nói gì hơn nữa về các hiền phúc Thịnh và Sĩ. Nhưng về hiền phúc Khang thì họ quả quyết rằng: cậu học sinh Nhà Chúa đó luôn vững vàng trong đức tin, sốt sắng khuyến khích các kitô hữu bị giam ở đấy hãy vững lòng giữ đạo cho đến chết. Mặt khác còn được biết rằng: hiền phuíc Khang khi đứng trước mặt viên quan tên Riễn, nổi tiếng độc ác, nhận được tin phải chết vì đạo, hiền phúc đã rất vui mừng và sốt sắng dọn mình chịu chết. Vì không chịu khoá quá nên hiền phúc Khang phải trảm quyết năm 1862 tại Lang Lô, làng Thanh Cù.

14.- Hiền phúc Đaminh HIẾN (530)

Cổ Cốc, xứ Nam Lỗ.

Hiền phúc Đaminh Hiến, người Cổ Cốc, xứ Nam Lỗ, con ông Tri, 18 tuổi, còn độc thân, ngoan ngoãn, hiền lành. Theo lệnh viên quan tri phủ Riễn rất độc ác, tất cả giáo hữu ít oi ở Cổ Cốc đều bị bắt, trong đó có cậu Hiến. Các vị bị đưa đến làng Quán Dâu, sau sang làng Thanh Cầm, xứ Ngọc Đồng, Hưng Yên. Xem ra cư dân ở đây là kitô hữu kín đáo, vì họ đối xử với những kitô hữu bị giam ở đây rất nhân đạo. Mặt khác, các tín hữu bị lưu đày của làng Cổ Cốc không bị đưa ra toà nào, nhưng chỉ do lệnh vua mà phải giết nếu còn trong tù. Cậu Hiến và người cùng làng bị đem đi xử với rất nhiều người khác trong trường hợp như sau:

Thượng Hưng từ Nam Định và các viên quan khác đến nơi gọi là Rồng Chầu ( Long Triều chăng?), truyền đem tất cả các kitô hữu bị giam ở các nơi lân cận đến. Các kitô hữu biết mình bị đem đi xử, nên vui mừng hát kinh cầu các thánh và đọc nhiều kinh khác mà đi, người làng lấy làm lạ lắm. Thế rồi không một án quyết, những con chiên hiền lành ấy, con số tới hơn hai trăm người, theo lệnh Thượng Hưng, bị gươm chém tất cả ở Rồng Chầu, ngày 2-6-1862.

Hiền phúc Hiến vì tỏ ra sốt sắng hơn mọi người nên giơ cổ ra trước nhất. Chứng nhân Khoan kể lại rằng: chính hiền phúc đã quỳ xuống hai ba lần để chịu chém, nhưng lý hình bảo: “thằng này gầy nhom và còn nhỏ, chạy đi, chúng tao không muốn giết mày”.. Khi đã thảm sát hết hơn hai trăm người, lính tráng đào những huyệt lớn, xô lẫn lộn thi hài các vị xuống mà chôn tập thể. Ông Khoan là chứng nhân mục kích đã nói như vậy.
Đội Trắc GX Nam Lỗ


Kính thưa Quý vị,

Trên đây là mấy dòng phác thảo, mạo muội trình bày đôi nét về giáo xứ Nam Lỗ, nhân dịp BÁCH CHU NIÊN THÀNH LẬP GIÁO XỨ. Vì khả năng giới hạn, tư liệu thiếu và nói chung mọi mặt hạn chế, nên chắc chắn còn nhiều khiếm khuyết. Kính xin Quý đấng bậc, quý vị cao minh, cao niên đồng hương hiểu biết nhiều về Nam lỗ, vui lòng chỉ giáo, bổ sung và góp thêm bài vở để cuốn KỶ YẾU của Giáo xứ được thêm hoàn thiện và phong phú.

Rất mong có những bài Hồi Ký về các cộng đoàn giáo họ trong toàn xứ, để các thế hệ trẻ biết thêm về các bậc tiền nhân của mình.

Nhà thờ Nam Lỗ, Hợp tiến, Đông Hưng, Thái Bình, Việt nam


Xin chân thành cám ơn và xin Thiên Chúa trả công bội hâu cho lòng quảng đại và những hy sinh của qúy vị.

Nam lỗ, Xuân Mậu Tý - 2008

NHÓM BIÊN SOẠN

=================================================

Lịch Sử Giáo Họ An Thái

Giáo Xứ Nam Lỗ


Sông Tiên Hưng
Nằm trên triền sông Tiên Hưng, và bờ bên kia là Nhà xứ Nam Lỗ, làng An Thái trải dài như cùng con sông uốn mình bao quanh nhà thờ xứ. Trong ngôi làng an bình và thư thái này có một họ đạo và một ngôi nhà thờ rất nên thơ. Nhà thờ họ An Thái.

Làng An Thái thuộc tổng An Lạc, huyện Tiên Hưng, tỉnh Thái Bình. Nay là thôn An Thái, xã Mê Linh, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình.

Hạt giống Tin Mừng mới được gieo vào nơi đây và trổ sinh rất tốt đẹp. Cuối Thế kỷ 19, mới có một gia đình công giáọ, gia đình cụ Đaminh Trần Văn Thứ (cụ Hậu Thứ), cụ bà là Maria Nguyễn Thị Đang, với hai người con trai là cụ Lang Khiêm và cụ Chánh Lễ. Các cụ làm nghề lang thuốc, cứu chữa được nhiều ngườị. Vả lại các cụ là người phúc đức, nên được dân làng mến chuộng. Cụ bà lại rửa tội được nhiều trẻ em và người lớn hấp hốị. Một số sau này bình phục đã theo Đạọ, ít lâu sau lại có gia đình cụ Đaminh Bội và Đaminh Nghĩa từ Tịnh Xuyên đến định cư. Tiếp đó lại có một số gia đình các cụ khác nữa tới đâỵ. Đó là các cụ phó Tằng, cụ trùm Trinh, cụ trùm Chi, cụ Dựa, cụ Nhị, cụ cán Viêng, cụ cai Tề, cụ Hảo, cụ Thử và cụ Chuyên v.v…

Theo sử ký địa phận Trung xuất bản năm 1916, thì năm 1908 nơi đây đã hình thành một họ giáo tân tòng, họ An Thái thuộc về xứ Nam Lỗ. Cụ Hậu Thứ làm trùm và ngôi nhà thờ nhỏ bằng gỗ được dựng lên, trên mảnh đất diện tích 5 sào, do gia đình cụ tiến cúng. Nhà thờ này kính thánh Đaminh.

Năm 1916, họ tân tòng An Thái có 33 nhân danh. Cộng đoàn phát triển tốt đẹp. Sau cụ Hậu Thứ, đến các cụ trùm Thử, cụ trùm Khiêm, cụ trùm Nhung, cụ trùm Lễ, cụ trùm Trinh, cụ trùm Chi, cụ trùm Linh, cụ trùm Khoát, cụ trùm Huyên, cụ trùm Nghị…

Năm 1944, dân họ đã lên tới 45 gia đình và gần 200 nhân danh. Ngôi nhà thờ đã trở nên chật hẹp.

Với sự giúp đỡ của gia đình và con cái của cụ Hậu Thứ, ngôi nhà thờ mới được xây dựng. Ngôi nhà thờ cũ được bán cho Ninh Cường, Bùi Chụ và mua nếp nhà thờ mới của Sâm Bồ ở Hải Phòng. Các cụ kể lại: Nhà thờ Sâm Bồ đang xây dựng thì người Nhật bắt phá, để xây dựng sân bay Cát Bi.

Khi xây dựng nhà thờ An Thái, thì gặp nạn đóị Họ giáo gặp khó khăn. Dân làng cũng như dân họ giáo chết đói và phiêu bạt đến 1/3. Thợ làm phải ăn cháọ, thật là gian truân. Lúc đó cụ trùm Linh làm trùm họ và ngôi nhà thờ mới này đã nhận Ông Thánh Giuse Công Nhân làm bổn mạng.

Nhà thờ vừa xây xong thì gặp nạn vỡ đê Hà Xá (1945), nước ngập hết móng, nhà thờ bị ngâm nhiều ngày nước mới rút. Tiếp đó, Nhật đảo chính Pháp. Người Nhật đã đưa muối đem vào để trong nhà thờ An Thái cũng như nhà thờ Khuốc. Thời điểm này cụ trùm Khoát đương nhiệm. Cụ Huyên làm chánh kiểm hàng xứ. Cụ Huyên đã mạnh dạn ra can thiệp với người Nhật, đề nghị họ để muối xa chân tường và chân cột. Họ chấp nhận. Tuy vậy muối vẫn làm hư hại lớn đến công trình nhà thờ. Ảnh hưởng của nó vẫn kéo dài cho đến ngày hôm naỵ, tường vẫn bị muối phá huỷ, áo bị rữa, mặc dù đã sửa chữa nhiều lần. Thêm vào đó, do sự rung chuyển của bom đạn thời chiến tranh, tường bị nứt, kèo bị giãn. Độ đứng của tường đã bị rã ra ngoài ở hai gian cuối tới vài chục phân mét.
Đò Ngang Sông Tiên Hưng


Năm 1954, biến cố di cư vào Nam. Cụ trùm Nghị đương nhiệm và giáo dân họ giáo ra đi quá đông. Chỉ còn lại 17 gia đình, với 85 nhân khẩụ Ông quản Lịch lên làm trùm chánh, ông Đức làm trùm phó.

Tuy chỉ còn ít người, nhưng trong họ vẫn duy trì sinh hoạt kinh sách hàng ngày và gìn giữ nguyên vẹn ngôi thánh đường cũng như 5 gian Nhà phòng, cho dù có gặp khắc nghiệt của thời tiết và nhiều khó khăn khác.

Năm 1958-1959, lát gạch nền nhà thờ và xây sân khấu cuối nhà thờ.

Năm 1963, các vì cuốn trong nhà thờ bị giãn, cha già Uyên và Đức cha Trụ cho họ giáo 6 cây sắt phi 30 để khoá giằng các đầu cột lạị, lúc đó cụ Tạo làm trùm họ.

Năm 1968, nhà thờ bị sập cột và đổ hai gian đầụ, lại gặp chiến tranh bắn phá miền Bắc, Ông trùm Nghiên đương chức bị bệnh nặng và qua đờị. Giáo dân phải chuyển tượng ảnh và đọc kinh dưới nhà phòng suốt 2 năm trờị. Cụ Lâm lên làm trùm và phải 2 năm sau mới sửa lại được 2 gian đầu nhà thờ.

Một điều cũng lấy làm lạ, là khi giáo dân đang đọc kinh cầu nguyện trong nhà thờ khá đông, thì những miếng chắp mê bằng gỗ nặng hàng tạ, từ trên đầu cột rớt xuống mà không trúng vào ai.

Năm 1978, ông trùm Trắc đương nhiệm, thì trong họ lại có 4 hộ với 17 khẩu bỏ làng đi kinh tế mới ở Đắc Lắc. Cụ Tạo lại tiếp tục làm trùm. Thời điểm này có chính sách quy hoặch dân cư. Một số gia đình xung quanh nhà thờ phải chuyển qua đê bên bờ sông. Các Miếu, Đình cũng phải chuyển hết đi nơi khác. Nhà nước đưa một đội máy ủi, máy gạt về san phẳng khu vực này thành ruộng cấỵ. Riêng ngôi nhà thờ thì khi máy ủi vào ủi sát chân móng tường và đưa đất xuống lấp ao nhà thờ, đến đường ủi thứ hai thì máy đi quá đà nên chúc đầu xuống ao, không thể nào lùi lên được và bị chết máỵ Nhân cơ hội đó, cụ Tạo đã đề nghị với lãnh đạo của đội máy về việc san ủi như vậy sẽ đổ mất nhà thờ. Họ trả lời là chỉ làm theo lệnh cấp trên, ông lên tỉnh mà hỏị. Cụ Tạo đã lên ngay huyện Đông Hưng gặp Công an và Mặt Trận huyện. Các vị trả lời, ông cứ về, đề nghị của ông chúng tôi sẽ điện về ngaỵ. Khi cụ Tạo về đến nhà thờ thì mọi sự đã được yên ổn. Vài ngày sau, đội máy cho chiếc máy khác đến kéo chiếc máy chết lên. Nhưng không phải kéo, chiếc máy ủi lại nổ máy và tự lùi lên được. Từ đấy đến nay khu vực thánh đường được ổn định. Riêng có ruộng ở ngoài đồng thì bị xung công mất 2 sào ở bờ La và 1 sào ở bờ sông gọi là Vườn Vải Ông Thánh.

Năm 1983, nhà thờ bị giột nát nhiều và hư hỏng nặng. Cha chính Cẩm và Đức cha Bỉnh đã giúp họ giáo, đảo lại toàn bộ mái ngói nhà thờ.

Năm 1984-1989 ông Cường làm trùm, đã cho đảo mái ngói Nhà phòng.

Đầu năm 1990, ông Hiện làm trùm. Họ giáo gặp khó khăn. Vốn quỹ không còn gì. Trong khi nhà thờ lại hư hỏng nặng: Mối xông toàn bộ hoành rui, không có khả năng đứng vững được nữạ. Dân họ ra công làm gạch, ngói để sửa nhà thờ. Với sự giúp đỡ của cha chính Cẩm và Đức cha Phanxicô, họ giáo đốt được 5 vạn gạch và 2 vạn ngói, mua được 5 khối rưỡi gỗ lim. Nhờ vậy đã thay sửa được hoành rui hư hỏng và đảo lại được mái ngói.

Năm 1991, xây hai bờ tường bao khuôn viên nhà thờ.

Năm 1992 làm thêm 7 vạn gạch và năm 1993 xây 800m2 sân xung quanh nhà thờ cùng với dậu xung quanh sân.

Năm 1994, mua được quả chuông Tây nặng 180 Kg. Thời điểm này họ giáo có 31 gia đình và 131 nhân danh. Lúc này họ giáo hàng tuần thường xuyên có Thánh lễ.

Năm 1996, ông Thấu lên làm trùm. Thời kỳ này cha Giuse M. Trần Đức Hạnh từ Thuần Tuý sang phụ trách giáo xứ. Họ giáo lại làm thêm 6 vạn gạch nữa để chuẩn bị xây Nhà giáo lý.

Năm 1997, đặt tượng Thánh Quan Thầy trên trước cuối nhà thờ, do ông bà Kỷ phúng.

Năm 1998, ông trùm Hiện lại tái nhiệm đến 15-8-2004.

Năm 2000 đúc lại chuông và mua thêm một quả chuông mới, xây Nhà Giáo lý.

Năm 2004 lát toàn bộ gạch men trong nền nhà thờ, sửa sân khấu cuối nhà thờ, với sự hỗ trợ của gia đình cụ cố Vượng bên Úc. Lúc này cha xứ Đaminh Nguyễn Văn Quát đã về xứ. Ông trùm Oanh đương nhiệm khoá này, từ 15-8-2004 đến 15-8-2008.

Vài dòng sơ lược về họ giáo, không thể nói hết được những nét đẹp của cộng đoàn nàỵ. Chúng ta có thể nói rằng: Họ giáo có được như ngày hôm nay, ngoài sự giúp đỡ của các đấng bậc, các ân nhân xa gần, còn có một yếu tố quan trọng là sự hy sinh cố gắng cao độ của các ban trùm cũng như bà con trong họ giáo qua mọi thời kỳ. Nhất là trong những giai đoạn khó khăn.

Nhờ lòng đạo đức nhiệt thành của tiền nhân và dân họ mà họ giáo tuy nhỏ và là tân tòng, mà nay cũng đã đóng góp cho Hội Thánh được một số những người con ưu tú. Đó là:

-Linh mục Giuse Nguyễn Thanh Liêm, đang phục vụ tại Tổng Giáo Phận Brisbane, Queensland, Úc Châu.

-Tu Sinh Đaminh Nguyễn Đức Trụ, đang tu học Dòng Thánh Tâm tại Sydney, Úc Châu

Các nữ tu:

-Dì Cecilia Nguyễn Thị Thanh Thủy RSM, Dòng Đức Mẹ Từ Bi, Brisbane, Úc Châu, đang phục cho Hội Hồng Thập Tự LHQ tại Cộng Hoà Malaika, Phi Châu.

-Dì Mary Vũ Thùy Linh, Dòng Trinh Vương Việt Nam tại Úc Châu đang phục vụ tại Sydney.

Ngoài ra còn một số mầm non ơn gọi đang phát triển.

Hy vọng với truyền thống tốt đẹp sẵn có, cộng đoàn An Thái sẽ lớn lên trong tình yêu Chúa mỗi ngàỵ.

Lm. Dom Nguyễn Văn Quát

Quản Nhiệm giáo xứ Nam Lỗ


&

Joseph Nguyễn Vĩnh Resource

********************

PHẦN HỒI KÝ

Ký ức về quê Ngọai:


Chiếc xe đang bon bon trên đường gần tới Nam Lỗ, thì một người trên xe hỏi tôi:

Ông cố Cha Thỏa ở Võng Phan, Hưng Yên. Võng Phan - Nam Lỗ đường xá xa xôi như vậy, sao Ông cố lại quen được Bà cố mà cưới nhau, chắc mối tình phải lâm ly lắm nhỉ ?

Tôi trả lời: Hồi đó tôi làm mai cho Ông cố tôi đó. Cả xe cười rộ lên. Một người hỏi:

Hồi đó Cha ở nơi mô mà làm mai rứa?

Cả xe lại được dịp cười thỏai mái. Trên xe hôm đó có một số Việt Kiều Úc, cha Liêm, bà cố Vượng và tôi về thăm quê ngọai lần thứ hai vào đầu tháng 12 năm 2000. Từ đó hình ảnh quê ngoại đã khơi dậy trong trí tôi biết bao kỷ niệm ấu th. Hồi còn bé tôi đã được theo Ba Má về thăm quê ngọai mấy lần. Vì còn nhỏ nên tôi thấy quê ngọai bao la, làng mạc nằm trên cánh đồng lúa, bên cạnh là con đê lớn song song với con sông rộng và sâu. Tôi nhớ nhà ông Kiểm Lâm là em ruột Bà ngoại, ở sát bên cạnh bờ sông và con đê. Nhà ông có một vườn cây, tôi rất thích thú được trèo lên cây để hái ổi hái táo. Rồi từ đó đi vào làng phải xuống một con dốc. Bờ tre quanh làng xen lẫn hàng hoa giấy và hoa Tầm xuân nở rộ quanh năm đỏ rực. Con đường làng quanh co qua nhiều cái ao rộng, trồng hoa sen hoa súng. Trong đầm gì đẹp bằng sen, lá xanh bông trắng lại chen nhụy vàng. Đi sâu vào giữa làng, một ngôi nhà thờ nguy nga, ngọn tháp cao vút, khu nhà xứ rất rộng. Bà ngoại tôi là bà Nguyễn Thị Sinh, ông ngoại đã chết lâu rồi, sau khi sanh được hai người con la Bác Tuệ ở Tuộc, và bà Nguyễn Thị Tòng là bà cố tôi. Hai con đi ở riêng nên bà ngoại về ở với ông cậu út là ông Kiểm Xuyên. Nhà ông Cậu cạnh nhà xứ và nhà thờ, trước cửa có trồng nhiều cây dâu tằm. Tôi thường leo lên cây dâu để hái quả và đẽo sâu dâu về nướng ăn.

Ôi quê ngoại sao đẹp và vĩ đại thế. Quê hương là chùm khế ngọt, cho con trèo hái mỗi ngày. Quê hương là con đò nhỏ, Mẹ về nón lá nghiêng che. Quê hương nếu ai không hiểu sẽ không lớn nổi thành người.

Ngoài mấy lần theo cha mẹ về thăm quê ngoại, sau tôi còn được diễm phúc về sống hai năm trên mảnh đất quê ngoại. Cha già Vinh Sơn Nguyễn Hữu Thụy là em ruột bà nội tôi, Ngài về hưu ở họ An Lạc (Lác Làng) thuộc xứ Nam Lỗ năm 1949 – 195, Ngài bắt tôi theo Ngài và nói:

Tao muốn gây dựng cho mày để sau này trở thành giống má. Tôi chẳng hiểu “ giống má” là gì.

Chỉ nhớ nhà và đòi về. Thỉnh thoảng Ngài lại cho tôi sang bên ngoại để chơi khuây khỏa. Rồi hôm ngoại qua đời, tôi được đại diện thay mặt Ba Má theo tiễn đưa ngoại đến nơi an nghỉ.

Lúc bấy giờ thời thế chia làm hai vùn, Tự do và làng Tề. Ba má tôi ở vùng Tề nên không thể về dự lễ an táng được.

Tôi được nghe người ta kể lại: Cha già Thụy là em ruột của bà nội tôi. Hồi Ngài đang coi xứ Tuộc, Ngài đã mai mối để Ba Má tôi cưới nhau. Trong gia đình bên nội, có nhiều anh em, nhưng ngài thương Ba tôi nhất. Mỗi khi về thăm quê, Ngài thường ở nhà Ba Má tôi. Có lẽ vì thế mà Ngài đã lưu tâm gây dựng cho tôi trở thành “giống má”.

Kính thưa Cha già kính yêu,

Con đang viết những giòng chữ này, con xin chắp tay lạy Cha ba lậy một qùy để tạ lỗi, vì hồi đó còn thơ dại, con chẳng hiểu biết gì. Sau lớn lên con mới biết Cha già thương con lắm.

Con nhớ một hôm con nằng nặc đòi về, vì nhớ nhà, con cứ khóc và vùng vằn. Đường xá xa xôi cách trở, làm sao mà đưa con về được. Cha già khuyên bảo con, con không chịu nghe cha già không dám đánh con, vì ngài thương đứa cháu nhỏ phải xa cha mẹ. Ngài quay mặt đi và cho Thày Thông con Ngài đánh con ba roi. Thế là con giận cha già mãi......

Tháng 7 năm 1950 ban đêm con ngủ ở ngoài hè với mấy đứa trẻ, người ta đánh thức con dậy và nói: “dậy đi, dậy đi mau lên, để đưa cha già xuống nhà ngang dưới”. Con chẳng biết gì tưởng người ta dắt cha già xuống nhà dưới, sau đó con mới biết cha già vừa mới qua đời. Thế mà con chẳng có một giọt nước mắt để khóc thương cha già. Ngày hôm sau Thày Thông may cho con một bộ quần áo vải sô và một cái khăn tang. Thày dặn con: “Ngày mai khi đưa đám tang cha già, phải mặc quần áo sô và đội khăn tang đi trứơc Quan Tài, thay mặt cho Ba Má và họ hàng”. Không ai đến dự đám tang được, đường xá xa xôi cách trở vì hai vùng tề và tự do khác nhau, không đi lại được.

Cha già ơi; thật là vinh hạnh cho con được đại diện cho cả dòng họ để đưa tiễn cha già. Nhưng lại thật tệ bạc vì con chẳng biết gì. Con đã không nghe lời Thày Thông, và con đã bỏ trốn không mặc áo sô, để tang vì sợ mắc cở với chúng bạn.

Sau mấy ngày an táng cha già xong Thày Thông mới tính tội con. Thày chỉ cho con thấy những lỗi lầm và sự tệ bạc. Thày đánh con 5 roi, rồi cho bà cụ Luận đưa con về quê để báo tin cha già đã qua đời. Dù phải đòn đau nhưng sắp được về quê con thấy sung sướng và quên hết đau.

Về tới quê Võng Phan, mấy ngày sau thì trong xứ làm lễ phát tang cha già tại sân nhà thờ thật long trọng. Cụ Trần Bát Đẩu thay họ hàng đọc bài điếu văn khóc cha gìa:

Than rằng: Thấy hình Tử đạo treo ra

Nhìn xem sự tích xót xa lòng vàng.

Ngán thay sinh tử đôi đàng

Ai ân cắt rẽ can tràng làm hai.

Kính nhớ cha già bản quán

Thánh hiệu Vinh thiêng

Vốn xưa tính nết khoan hoà

Kiệm cần bác ái thật là khôn ngoan.

Nhà thờ nhà xứ lo toan.

Tài cao khéo vá vận hàn nổi danh.

Trải bao nhiêu xứ chung quanh

Thuộc trong ba tỉnh rành rành đến nay.

Ý trên mầu nhiệm ai hay?

Tám mươi lăm tuổi vừa đầy can chi.

Cha già sao đã vội đi

Để cho đâu đấy sầu bi rầu rầu.

Mộ phần AN LẠC đới sầu

VÕNG PHAN cây cỏ trăm chiều ủ ê.

Họ hàng thương cảm tiếng ve

Cháu con cảm động canh kê ngập ngừng.

Cây muốn lặn, gió chẳng đừng,

Hiếu chung hai chữ nửa chừng đắng cay.

Cha ơi có thấu chăng hay?

Muốn đem hiếu nghĩa mà xây bên mồ

Chẳng may đang lúc nhậm mù

VÕNG PHAN NAM LỖ đừơng cù xa xôi.

Cha về chầu Chúa Ba Ngôi,

Để cho quê quán ngậm ngùi nhớ thương.

Cầu xin Rất Thánh Nữ Vương

Rước Cha về nước Thiên Đàng Amen.


Thời thế biến đổi, tháng Tư năm 1954 mọi người kéo nhau vào miền Nam, tưởng chẳng bao giờ được về thăm quê ngoại và viếng mộ cha già nữa.

Tháng năm 1975 đất nước giải phóng hai miền Nam Bắc sum họp một nhà, thế là lại có dịp về quê ngoại và thăm mộ cha già. Từ năm 1995 đến nay tôi đã trở về thăm quê hương 5 lần và ba lần về quê ngoại, và viếng mộ cha già, và đã sửa lại mộ phần Cha già.

Cây có cội, nước có nguồn, con người có tổ có tông Quê ngoại dù không phải nơi chôn rau cắt rốn, nhưng có phần mộ Tổ Tiên của Ngoại, hơn nữa lại có Mộ phần của Cha già bên Nội, nên đời con cháu làm sao có thể quên được. “Quê Hương nếu ai không hiểu, sẽ không lớn nổi thành người “.

Lm. Vinh Sơn Trần Thanh Thoả

========

NHỚ VỀ QUÊ HƯƠNG NAM LỖ

Vài cảm nghĩ lần đầu tiên về thăm quê ngoại GIÁO XỨ NAM LỖ

Quê nội tôi là giáo xứ Võng Phan: ba tôi vẫn nói VÕNG PHAN NAM LỖ ĐƯỜNG CÙ XA XÔI..

Ra đi từ khi tôi lên 5 tuổi, tôi đã về quê nội hai lần, nhưng lần đầu tiên được về thăm quê ngoại và cũng là quê hương của chồng tôi.

Ngồi trên ôtô từ xa xa nhìn vào đã thấy tháp chuông cao vút của những nhà thờ giáo họ thuộc giáo xứ Nam Lỗ.

Cha xứ Đa Minh Nguyễn Văn Quát đã ra đón chúng tôi từ ngã ba Dình Thuong, có Cha Anh và anh em chúng tôi.

Về tới nhà thờ Lác Làng một hồi chuông vang lên, tôi đã thấy từ các ngõ đường dẫn đến nhà thờ các cụ già, người lớn, em bé mấy phút sau đã chật ních phòng khách giáo họ. Tôi cảm động vô cùng về lòng hiếu khách của cha xứ và giáo dân.

Chúng tôi được cha xứ dẫn về thăm giáo họ An Thái, nơi có các phần mộ tổ nội gia đình chồng năm an nghỉ bên cạnh giáo đường.

Nhìn ngôi thánh đường giáo họ An Thái, tôi nhớ lại hồi mới về làm dâu bà Nội chồng kể cho nghe về những ngày xây dựng ngôi thánh đường năm 1945 là năm đói. Các cụ đang xây thì có những người thợ đến xin làm không công, họ chỉ cần được ăn no. Ở nhà có một cót thóc lớn ngày nào cũng xúc thóc xay gạo cho thợ ăn mà sao cót thóc vẫn cứ đầy. Rồi con sông trước mặt tiền nhà thờ, tự nhiên nổi lên một cồn cát, thợ và giáo dân cứ ra xúc cát về xây. Khi hoàn thàhn xong ngôi thánh đường thì cồn cát cũng biến mất.

Trải qua 60 năm nhà thờ vẫn hiên ngang xừng xững với thời gian vẫn đẹp về lối kiến trúc cổ kính.

Về đến giáo họ Lác làng, Cha xứ dẫn chúng tôi viếng mộ Cha già Thụy là ông Cậu Nội của chúng tôi, đã an nghỉ bên cạnh đầu nhà thờ, tôi đã rơi lệ khi bao năm qua mà giáo dân ở đây vẫn có lòng kính mến cha già, người đã có những năm tháng quản nhiệm giáo họ Lác làng và gắn bó quãng đời về hưu ở đây. Tôi không nhớ được hình dáng của cha già cố. Nhưng ba tôi vẫn kể khi còn nhỏ anh em chúng tôi hay chơi chốn tìm, tôi là người hay chạy vào ẩn nấp trong áo chùng thâm của cha già ( vì cha già hay về nhà ba mẹ của tôi chơi hoặc dưỡng bệnh.)

Giáo họ Lác Làng cũng là nơi có phần mộ cố ngoại của ông xã tôi nằm an nghỉ bên cạnh giáo đường. Vì các ngài là những vị ân nhân của giáo họ.

Chúng tôi về là vào dịp lễ mừng bổn mạng của giáo họ Lác làng (Lễ Đức mẹ Dâng Mình) Chúng tôi được tham dự thanh lễ trọng thể, co ken tây va trong.

Vì thời gian eo hẹp, chúng tôi lại được Cha xứ đưa về giáo xứ Nam Lỗ nơi quê ngoại cúa chúng tôi bao la cánh đồng lúa và những vườn chè, nơi mà mẹ tôi đã sinh ra và lớn lên từ giáo xứ này, nơi mà mẹ tôi đã được dạy dỗ và học bao điều ở đó, hiền hòa, chân thật và nhẫn nại để mẹ về làm dâu giáo xứ Võng Phan và đã dạy dỗ anh chị em chúng tôi nên người.

Từ biệt giáo xứ Nam Lỗ, giáo họ An Thái, giáo họ Lác Làng, chúng tôi cứ luyến tiếc ngẩn ngơ và mong sẽ có ngày về quê hương để thăm lại.

Xin cảm ơn tiền nhân những người đã hy sinh và dùng cuộc đời mình như những viên gạch để xây nên một giáo xứ Nam lỗ.

Cuối cùng để tất cả chúng ta những người hậu duệ còn ở nơi quê nhà hay làm ăn phương xa luôn luôn nhớ đến và tự hào về mảnh đất thân thương này./.

Maria Thanh Nguyên

***

Hồi Ký Một Giáo Dân An Thái, Gốc Xứ Nam Lỗ


Quê Hương

Tôi sinh trưởng trong một gia đình trung lưu, thuộc làng An Thái, huyện Tiên Hưng, tỉnh Thái Bình Bắc Việt. Nhà tôi nằm trong một thửa đất rộng cỡ khoảng 1 mẫu Tây, có 2 cổng ra vào, chung quanh nhà có hàng rào tre, trúc và dậu găng, bao bọc chung quanh. Nhà tôi đối diện với nhà thờ giáo họ An Thái, chỉ cách bên này bờ và bên kia con đường làng

Tổ tiên của tôi đã xây cất lên những dãy nhà ngói đồ sộ nguy nga hình chữ U vuông nằm ngược. Khu nhà tôi ở có 2 cổng ra vào. Một cổng chính còn gọi là cổng (1) đi vào sân nhà ông bà Nội của tôi là Cụ Lang Khiêm và một cổng (2) đi vào sân nhà Cụ Chánh Lễ em ruột Cụ Lang Khiêm. Phía bên trong các cổng đều có sân lát gạch rất rộng, nối liền từ cổng vào nhà. Bên trái sân gạch cổng (1) là một dãy nhà ngói dài 5 gian của Cụ Lang Khiêm có nền cao chừng 1 thước rưỡi, muốn vào nhà phải bước lên nhiều bậc. Bên phải sân gạch là nhà bếp, chuồng trâu và bể chứa nước mưa, hứng từ cây mít chảy xuống. Bể nước mưa và nhà bếp được xây cất dọc theo bên bờ, hồ cá, ao bèo lớn. Bờ hồ có 4 mặt, 2 mặt giáp 2 con đường làng, 2 mặt còn lại giáp với nhà tôi và nhà ông phó Chuyên. Hồ có hàng rào găng cao, mọc lên theo hai bên bờ hồ, song song với 2 con đường làng, để đề phòng kẻ gian vào bắt trộm cá.
Nhà Thờ An Thái


Cùng dùng chung hồ cá, ao bèo rộng lớn này với gia đình tôi là gia đình nhà ông bà phó Chuyên. Nhà ông bà Chuyên nằm ngay góc ngã ba từ đường cái đổ dốc xuống đường làng và từ bờ sông quẹo trái xuống nhà thờ An Thái. Gia đình nhà ông bà Chuyên có anh Cần, anh Lập và chị Huê. Nhà họ nằm phía bên phải bờ hồ đối diện với nhà tôi.

Cổng (2) vào khu nhà Cụ Chánh Lễ, phía bên trái cổng (2) có một dãy nhà ngói, sau nhà Cụ Chánh Lễ có hàng rào găng, được trồng để ngăn cách giữa nhà cụ Chánh Lễ với nhà ông bà Chuẩn bên cạnh. Cổng (2) đi thẳng vào sân gạch phía trước nhà chú thím Nghị. Hai dãy nhà này thì nền thấp, từ sân bước lên chỉ cao khoảng 1 hay 2 bậc. Dãy nhà Cụ Chánh Lễ và dãy nhà chú thím Nghị, nối liền góc vuông thước thợ với nhau theo hình chữ L ngược.
Mồ Mả Tổ Tiên tác giả


Nhà Thờ An Thái

Giáo Họ An Thái
Dọc theo bờ sông có con đường Cái nối liền các làng, từ Hoàng Nông sang Lác Trại. Làng An Thái của tôi nằm ở giữa khoảng đường này và có con đường rẽ xuống nhà tôi và nhà thờ An Thái. Vừa rẽ xuống đường làng thì gặp ngay cái hồ sen ông Thánh phía bên trái cuối nhà thờ giáo họ. An Thái nhận Thánh Giuse thợ làm quan thầy, lễ kính hàng năm vào tháng Năm. Do đó gia đình chúng tôi cũng nhận Thánh Giuse làm Thánh Bổn Mạng.

Quê tôi là một họ lẻ của giáo xứ Nam Lỗ, thuộc giáo phận Thái Bình và có cái tên rất hiền hòa là An Thái. Theo lời kể của Bố Mẹ tôi. Tổ tiên tôi là những người tân tòng Công Giáo, nhưng vì nhờ phước đức ông bà, cho nên giòng họ làm ăn khá giả. Vì thế cụ Hậu Thứ là ông Cố Nội của tôi và là thân sinh của các các Cụ Lang Khiêm và Cụ Chánh Lễ đã tự xuất tiền túi ra xây nhà thờ An Thái để cảm tạ Thiên Chúa vì đã cho các cụ tìm biết Chúa. Nhà thờ được 2 cụ Lang Khiêm, cụ Chánh Lễ và Bố tôi trông coi, bảo quản cho đến ngày di cư vào Nam 1954, thì bỏ nhà thờ và tất cả tài sản lại sau lưng.

Gia đình chúng tôi cũng có ruộng đất thâm canh và thuê mướn người canh tác. Thỉnh thoảng tôi theo Bố Mẹ và các chị ra ruộng đạp guồng, tát nước lên ruộng và đem cơm nước cho các cô, chú canh nông. Nhưng đồng ruộng chỉ là nghề phụ, còn gia đình chúng tôi sống bằng nghề chính là nghề thầy thuốc Đông Y, chuyên bào chế thuốc gia truyền, chữa trị cho các bệnh nhân để “Cứu nhân độ thế”.

Nội tôi, được song than là Cụ Hậu Thứ gửi sang Tàu theo học ngành Đông Y. Cụ Lang Khiêm có 3 người con là: Bác Trùm Dậu gái, nhà ở gần nhà thờ Nam Lỗ, bác Lý Việt gái nhà ở Phục Lễ và Bố tôi. Nội tôi là người đức độ nổi tiếng, mát tay đã cứu chữa cho nhiều bệnh nhân. Dân làng, xã, huyện nhiều người kính nể. Cụ là Thầy thuốc giỏi, chuyên bắt mạch, khám bệnh, phê toa. Còn Bố tôi thì trông coi phòng thuốc, chuyên bốc thuốc theo toa cho các bệnh nhân từ phòng mạch ông Nội chuyển qua. Bà Nội và Mẹ tôi thì lo luyện thuốc hoàn tán và thuốc tễ. Ông Nội và Bố tôi đều thông thạo nho học, đọc thông viết thạo Hán văn.

Ngày còn nhỏ, cha Liêm và tôi, hai anh em chúng tôi lén bốc trộm thuốc tễ đang phơi của bà Nội và Mẹ tôi ăn vụng, suýt chết. Cha Liêm bị trúng thuốc, lở hết cả người, còn tôi thì bị tiêu chảy đến nỗi lõm sâu cả 2 con mắt. May nhờ có ông Nội cho uống thuốc giải kịp thời, nên đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần.

Ông Nội tôi là Cụ Lang Khiêm qua đời khi tuổi còn trẻ, vì bị Tây càn, bắt đi tải đạn nặng nề và bị đánh đập tàn nhẫn, khiến Cụ bị chấn thương, bệnh nặng rồi qua đời, trong lúc đó Bố tôi cũng bị Tây càn, bắt đi lao động biệt tăm tích gần 2 năm trên vùng cao. Khi ông Nội tôi chết, Bố tôi còn đang bị giam ở Yên Phụ, Yên Tử, Bắc Giang.. Sau này Bố tôi vượt tù, chạy bán sống, bán chết, trốn về được đến nhà.

Ngày an táng Ông Nội tôi là một ngày rất đau buồn, vì lối xóm không ai dám tụ tập đông người, sợ Tây về làng càn quét bắt đi. Mẹ tôi thắt cho tôi chiếc khăn tang, quấn tròn trên đầu, rồi tôi cũng ngẩn ngơ khóc như mọi người, đi theo sau quan tài của Ông lên nhà thờ, cùng với mọi người đọc kinh cầu nguyện, rồi đem Ông ra chôn cất phía bên hông trái nhà thờ An Thái, kế bên mộ song thân của Ông là 2 cụ Hậu Thứ.

Qua nhiều biến cố thời đại, sau 1975 nhà thờ An Thái bị xuống cấp trầm trọng. Ban Hành Giáo của giáo họ đã gửi thư sang Úc, đề nghị gia đình chúng tôi trợ giúp trùng tu lại Thánh Đường và bốc hài cốt các Cụ, cải táng lên khuôn viên phía bên phải nhà thờ An Thái chôn cất lại như ngày nay, để gìn giữ di tích lịch sử, ghi nhớ công ơn của các Cụ đã xây dựng lên nhà thờ giáo họ An Thái. Chúng tôi đã làm theo lời yêu cầu của Ban Hành Giáo An Thái.

Khi còn nhỏ, tôi vẫn theo ông chú của tôi là Cụ Chánh Lễ vào nhà thờ An Thái vây lưới bắt chim sẻ. Bày chim sẻ thường hay chui qua các lỗ cửa sổ, gần mái nhà thờ. Chúng bay vào trong nhà thờ làm tổ và đậu trên các bàn thờ, tượng ảnh, phóng uế bừa bãi, dơ dáy các nơi thờ phượng, nên Cụ Chánh Lễ thỉnh thoảng huy động con cháu, vây lưới bắt chim làm thịt đánh chén. Cụ sai chúng tôi đóng hết các cửa lại, vây lưới chung quanh các cửa sổ, rồi lùa cho chim bay, dính vào lưới. Chúng tôi bắt được cả 100 con, bỏ vào lồng đem dìm chúng xuống dưới nước cho chết, rồi nhúng vào nước sôi nhổ lông, mổ bụng làm sạch sẽ, thịt bằm nhuyễn với hành tiêu, mộc nhĩ, rồi vo lại thành viên, bỏ vào nồi nấu măng miến cùng với tim, gan, lòng ruột. Món chim sẻ nấu miến ăn rất ngon và khóai khẩu.

Ngày nay, mặc dù ở một phương trời xa, dưới tận cùng của trái đất, cách quê nhà cả hàng chục ngàn dặm, nhưng cứ mỗi lần nhắc nhớ đến quê hương, tổ tiên, là tôi lại thèm “món chim sẻ nấu măng miến và mút những trái vải, nhãn lồng, có vỏ bóng láng trong khu vườn của gia đình tôi, quê hương An Thái”

Hồi đó, mỗi sáng Chúa Nhật chúng tôi phải sang quê ngoại, nhà xứ Nam Lỗ để tham dự Thánh Lễ, đường sang quê ngoại phải qua sông bằng con đò ngang của nhà ông Thận, hay còn gọi là bến đò Sổ. Có khi chị em chúng tôi rủ nhau đi sang nhà Ngoại sớm vào chiều thứ Bảy chơi, rồi ngủ tối bên đó, để sáng Chúa Nhật đi Lễ cho tiện và gần. Vì Lễ sáng Chúa Nhật được cử hành rất sớm khoảng 4 hoặc 5 giờ sáng. Lễ xong, mà trời vẫn còn tối.

Tôi còn nhớ, sau khi tan Lễ, ra khỏi nhà thờ, thì nhìn thấy hai bên đường đi vào nhà thờ, người ta bày rất nhiều nia, thúng để bán hàng, trong các nia có để các thức ăn và rau, quả như: Thịt trâu, bò hay thịt lợn, bánh, rau qủa, cá múa, tôm tép mới bắt được. Trên những chiếc nia được lót một lớp lá chuối xanh, bày bán thịt, tiết canh lòng lợn, tôi nhìn thấy mà phát thèm, nhỏ rãi. Các tô tiết canh được mấy ông hàng xáo, đánh rất nghệ thuật, tiết đông đến nỗi họ úp ngược tô xuống nia mà tiết vẫn không rớt ra khỏi tô.

Mỗi lần sang nhà ông Ngoại, chúng tôi thường ra sân cuối nhà thờ Nam Lỗ vui chơi đuà giỡn. Phía cuối nhà thờ Nam Lỗ có một bức tường và tháp chuông cao, dưới bức tường có những cái cửa, phía trên hình tròn. Chúng tôi rủ nhau chui qua, chui lại và chơi trò năm mười, ẩn núp, tìm bắt.

Thỉnh thoảng chúng tôi được quan sát ông Cận giật chuông, ông Cận có tật ở chân, nên ông phải đi khập khễnh. Mỗi khi ông kéo dây chuông xuống, thì quả chuông lại văng lên, kéo theo sợi dây chuông và người ông cũng đu lên theo quả chuông, nhìn rất buồn cười.

Theo Bố Mẹ tôi kể lại, thì tôi chào đời tại quê hương An Thái và được bế sang nhà thờ xứ Nam Lỗ cho cha Giuse Phạm Hữu Đoàn rửa tội, lúc đó có thầy Điều con thiêng liêng của cha Đoàn còn đang giúp xứ, thầy Điều hiện nay là cha già cố Đa Minh Nguyễn Trinh Đức đã cao tuổi và bị lãng trí, đang nghỉ hưu dưỡng ở giáo xứ Thánh Tâm, kênh B2, Cái Sắn, giáo phận Long Xuyên.

Lúc chị em chúng tôi lớn khoảng 4 hay 5 tuổi, thì Bố Mẹ cho chúng tôi gia nhập vào đoàn nghĩa binh của giáo xứ, do ông Quản Bột làm quản giáo nghĩa binh, coi sóc chúng tôi. Ông Bột có liên hệ bà con với Mẹ tôi, tôi gọi bằng bác Bột, ông cũng là là em ruột của bà Chánh Lễ, bà thím của tôi. Tướng tá bác Bột cao ráo giống như Tây lai. Thời kỳ cải cách ruộng đất sau 1954, bác bị tòa án nhân dân địa phương kết tội gì đó.....rồi đem Bác đi xử bắn. Bác bị chết oan. Nghe đâu sau này, nhà nước xin lỗi và phục hồi nhân phẩm cho Bác. Cũng tội nghiệp cho bác Bột của tôi.

Những năm gần di cư vào Nam 1954, thì bác Trùm Viêm, bố của Cha Sơn làm trùm chánh trương xứ Nam Lỗ, bác trùm Viêm gái là con của bà Lý Ngàn. Bà Ngoại tôi và bà Lý Ngàn là chị em ruột, bác trùm Viêm gái với Mẹ tôi là chị em đôi con dì. Còn bác trùm Viêm trai là con cả của Cụ Chánh Chuẩn, nhà bác ở phía bên phải, đối diện nhà thờ Nam Lỗ, Đồng Mư. Nhà Ông Ngoại tôi thì ở phía bên trái, gần góc sân, cuối nhà thờ xứ. Đối diện nhà ông Ngoại tôi là nhà bác Báo. Bác Báo và Mẹ tôi cũng là con dì. Đàng sau nhà ông Ngoại tôi là nhà ông phó Đoán, rồi đến nhà bác Bột có các anh Quyền, Hy, Vọng …con bác.

Bà Ngoại tôi mất khi Mẹ tôi còn rất nhỏ, lúc đó cậu Huấn, cậu út của tôi chưa đầy một tuổi. Bà Ngoại tôi qua đời, ông Ngoại tôi hãy còn ở lứa tuổi thanh niên, mới có 27 tuổi. Cụ ở vậy, gà trống nuôi con, nuôi 3 chị em Mẹ tôi là: bác Hữu gái 5 tuổi, Mẹ tôi 3 tuổi và cậu Huấn chưa đầy 1 tuổi. Ông Ngoại tôi tần tảo, vất vả nuôi con, sau này ông phải nhờ cậy đến bà Sinh là bà chị ruột của Ông Ngoại, cũng là bà Ngoại của cha Thỏa và bà Cần vào phụ giúp trông coi 3 chị em Mẹ tôi. Tôi cảm phục Ông Ngoại tôi, một thanh niên có chí khí nam nhi với lòng chung thủy phu thê đáng khâm phục. Ông thủ tiết nuôi các con cho đến ngày lâm trọng bệnh, qua đời tại nhà tôi trên Sàigòn năm 1971, thọ 79 tuổi.

Đi học miền Bắc

Khi lớn lên khoảng 3 hay 4 tuổi, chị em chúng tôi được Bố chở lên tỉnh Thái Bình mua cho mỗi đứa một cái cặp gỗ, loại cặp như cái hộp nhỏ chừng 4 tấc vuông, có chân gấp xéo, giống cái bàn của mấy anh bán kẹo kéo.

Mỗi buổi sáng chị em chúng tôi, ăn cơm nước xong, đeo cặp, đi bộ sang làng Lác học, chúng tôi phải đi qua Mả Vừa (nghĩa địa) làng Lác. Vì còn nhỏ hay sợ ma, cho nên mỗi khi đi qua nghĩa địa, tôi cảm thấy người hơi rờn rợn tóc gáy.

Trường làng là một căn nhà ngói, thô sơ của thầy giáo Sánh, căn nhà này đã từng bị bom của Tây đánh sập. Tất cả các học sinh đều phải ngồi xếp bằng trên các manh chiếu rách để học, bò chổng mông lên viết bài, ngoại trừ mấy chị em tôi có bàn viết. Sau giờ học chúng tôi về nhà đóng cổng, chơi với nhau trong sân, không được ra ngoài lêu lổng.

Hồi đó, trong làng chỉ mình Bố tôi có chiếc xe đạp, nên Bố tôi giữ rất kỹ. Lúc bấy giờ, xe đạp là loại hiếm quí, nó được coi là vật xa xỉ, giống như nhà giầu có cái xe hơi hiệu Mercedes bây giờ và còn qúi hơn nữa.

Với những kỷ niệm lưu luyến, Bố tôi thường dùng xe đạp, đèo 2 anh em chúng tôi lên tỉnh Thái Bình dạo chơi và mua sắm các đồ dùng cần thiết cho gia đình. Xe đạp kiểu đàn ông, được Bố tôi buộc thêm một cái ghế mây nhỏ, cột chặt vào khung phía trước xe, gần sát ghi đông (tay lái). Ghế loại trẻ con này dành cho tôi ngồi. Còn chiếc bargar phía sau dành cho cha Liêm. Mấy Bố con chúng tôi cũng thường hay lên Thái Bình vào tiệm chụp hình, chụp những tấm hình kiểu với chiếc xe đạp, để kỷ niệm. Khi di cư vào Nam, gia đình chúng tôi mang theo được những tấm hình này, nhưng một thời gian sau, căn nhà ở dinh điền Cái Sắn, tỉnh Long Xuyên của chúng tôi bị bão lụt, nên những tấm hình quí giá này bị hủy hoại hoàn toàn. Năm 1954, lúc trốn khỏi làng, di cư, gia tài Bố con tôi chỉ đem theo độc nhất có chiếc xe đạp. Ra đến tỉnh Hải Dương, Bố tôi đã phải bán nó, để lấy tiền độ đường, mua vé tàu hỏa xuống Hải Phòng.

Di cư

Cũng 1954, sau vụ cải cách ruộng đất, có những kẻ ác cảm muốn chiếm đoạt tài sản của gia đình chúng tôi, chúng đã xếp gia đình chúng tôi vào loại địa chủ, chuẩn bị đưa gia đình chúng tôi ra đấu tố. Mặc dầu Cha, Ông chúng tôi chỉ là những thầy thuốc Đông Y chuyên lo “Cứu Nhân Độ Thế”. Hơn nữa Ông Nội và Bố tôi đã bị Tây càn, bắt đi lao động, giam giữ gần 2 năm tại vùng rừng sâu nước độc mãi tận Bắc Giang..

Trong thời điểm 1954. Dân chúng được thông tin, ai muốn đi vào Nam thì tập trung, rồi sẽ có cán bộ hướng dẫn ra đi, do đó dân làng kéo nhau xuống bến đò Gồ Láo, làng Lác, bên kia sông là làng Sốc để vượt sông di cư. Nhưng trên thực tế, các cán bộ thôn, xã đã được chỉ thị bằng mọi cách giữ dân lại. Khi dân chúng tập trung tại bến đò ngang để qua sông tìm đường ra Hải Dương, Hải Phòng, thì cán bộ cho dấu đò ngang và tuyên truyền để đồng bào giải tán trở về nhà làm ăn, xóa bỏ ý định dời quê hương.

Bố tôi trốn trại tù của Tây về nhà được vài tháng thì lại bị Ủy Ban thôn xã, bắt đi nhân công tải đạn tiếp tế vào Nam. Sau nhiều lần tập trung họp tại đình làng An Thái để xác định bổ xung công tác. Vào một đêm không trăng sao, khoảng 1 hay 2 giờ sáng, bố tôi đã xé rào, trốn khỏi làng, chỉ dẫn có một mình tôi đi theo. Lý do chúng tôi phải xé rào trốn đi, vì dân quân họ gác chặn các nơi đầu làng, xó chợ, để giữ dân lại.

Cha con tôi vượt thoát khỏi làng, đạp xe đến cầu đổ Quỳnh Côi, lúc đó trời mới tờ mờ sáng, thì ngã xe xuống ruộng, ướt hết cả người, tôi rét run cầm cập. Bố tôi cởi hết quần áo của tôi ra, vắt sạch nước cho khô, rồi mặc lại cho tôi. Ra tới Hải Dương thì đã trưa, Bố tôi vào đồn Tây xin cơm cho tôi ăn. Tôi nhìn thấy tên Tây đen thì khóc thét, ôm chặt lấy Bố tôi. Sau đó Bố tôi đi tìm người mua, gạ bán chiếc xe đạp để lấy tiền độ đường, mua vé tàu hỏa đi xuống Hải Phòng.

Tới Hải Phòng, hai cha con tôi vào tạm trú ở trại tỵ nạn, căng Thượng Lý để đợi Mẹ tôi. Chừng 1 tuần sau, thì Mẹ tôi dẫn được bà Nội, chị Lạc tôi, cha Liêm và em trai tôi 1 tuổi và người chị họ cùng trốn thoát được đến Hải Phòng. Hai cha con tôi gặp lại gia đình thì mừng rỡ. Thế là ngày hôm sau chúng tôi bồng bế nhau xuống tàu “Há Mồm” di cư vào Nam ngay, vì sợ ở lại Hải Phòng lâu, có thể sẽ bị đuổi về An Thái.

Lên Tàu Thủy dời bến Hải Phòng, sau 3 ngày, 3 đêm lênh đênh trên biển cả, tàu chúng tôi đã cặp bến cảng Sàigòn. Mọi người xuống tàu, được đoàn xe cam nhông chờ sẵn, chở chúng tôi lên trại định cư Lạc An, Tân Uyên, Biên Hòa. Nơi đây đã có sẵn nhà cửa, được làm bằng cỏ tranh do chính phủ Việt Nam Cộng Hòa miền Nam xây dựng sẵn cho đồng bào di cư.

Xuống xe chúng tôi phải qua phà để sang trại Lạc An phía bờ bên kia thượng nguồn sông Đồng Nai. Nơi đây đã có hàng chục ngàn người di cư đến trước chúng tôi. Chúng tôi tìm kiếm những người gốc giáo xứ Nam Lỗ như: Sổ làng, Lác Làng, An Thái, Sốc v.vv.. tụ họp nhau lại, rồi đi vào xa và sâu hơn để nhận nhà. Vì chúng tôi đến sau các giáo xứ khác.

Đến trại Lạc An, Tân Uyên, Biên Hòa, chúng tôi như rắn không đầu, cố gắng qui tụ lại với nhau, lập thành nhóm đồng hương giáo dân gốc xứ Nam Lỗ, rồi cùng nhau xây dựng lên nhà thờ, lập thành giáo họ Nam Lỗ, Lạc An để tưởng nhớ quê hương. Tôi thấy chưa bao giờ chúng tôi có sự đoàn kết, thân tình đồng hương, như những lúc phải xa quê hương như thế này..Giáo họ Nam Lỗ, Lạc An chúng tôi được sát nhập vào giáo xứ Vạn Đồn, Lạc An do cha Phêrô Mai Trí Thuật làm quản xứ. Kế bên giáo họ Nam Lỗ là giáo xứ Cao Xá, Lạc An do Cha già Khuông quản xứ, Ngài ghiền ăn trầu. Tôi còn nhớ Cha già Khuông có 2 người con linh tông là thầy Khang và thầy Khải. Thầy Khang đỗ linh mục vào thập niên 60, hình như sau đó được về làm quản xứ giáo xứ Thái Bình, Xóm Mới, Gò Gấp, Sàigòn và thầy Khải sẹo, xuống Cái sắn Kinh B theo cha Tân giúp xứ Bình Cát (Thái Bình, Sa Cát) vài năm, thầy Khải đỗ linh mục thuộc giáo phận Cần Thơ rồi được cử đi làm quản xứ giáo xứ Hòa Tú, Cổ Cò, Sóc Trăng.

Ngoài ra Cha Đoàn còn dẫn theo một số đông giáo dân gốc nhà xứ Nam Lổ vào vùng rừng núi Bà Nhã, Bời Lời, Trảng Bảng, Tây Ninh định cư, thành lập lên giáo xứ mới Nam Lỗ, Bời Lời, Tây Ninh.

Xuống miền cực Nam lập nghiệp

Định cư ở 2 vùng Lạc An và Bà Nhã, Bời Lời được gần 2 năm. Tình hình kinh tế làm ăn khó khăn, chỉ trông cậy vào nghề thủ công nghệ. Thanh niên, đàn ông phải vào tận rừng sâu nguy hiểm: chặt tre, đốn giang, đóng bè lao xuống sông, thả trôi theo dòng nước về trại, vớt lên: chẻ tre, vót nan, đan, lát, thành thúng mủng, rổ rá, giao cho con buôn đem về Sàigòn bán. Hàng ngày dân chúng chỉ ngóng cổ, trông cậy vào viện trợ lương thực của giáo hội Công Giáo Hoa Kỳ, nên Đức Cha Phạm Ngọc Chi giám đốc đặc trách phong trào di cư, đã liên lạc với Phủ Tổng Ủy Di Cư của chính quyền miền Nam, xin cho di dân xuống các dinh điền thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, miền Tây như: Mộc Hóa, Sóc Trăng, hay Cái Sắn, Rạch Giá, Long Xuyên.

Thế là cuộc di cư vĩ đại lần thứ 2 lại được thực hiện vào năm 1956. Tât cả bà con đồng bào thuộc trại Lạc An ai muốn đi xuống vùng nông thôn lập nghiệp thì chuẩn bị xuống tàu, di cư xuống tận cùng của miền Nam nước Việt. Gia đình chúng tôi cũng nằm trong diện của hàng chục ngàn dân di cư này. Lại bảo nhau thu dọn, bồng bế xuống chành lúa do chính phủ thuê bao để xuôi Nam.

Miền Nam gọi là “Chành Lúa” là những chiếc thuyền khổng lồ chở thóc, lúa. Mỗi chiếc có trọng tải được hàng ngàn tấn thóc. Cứ mỗi chiếc chở được khoảng 100 gia đình. Mỗi một đoàn Chành Lúa gồm 10 chiếc, do một chiếc tàu thủy có máy lớn kéo đi. Vị chi cứ mỗi lần 10 chành luá như vậy, thì đã di chuyển được cả ngàn gia đình xuống Cái Sắn, Long Xuyên, Rạch Giá.

Xuống Cái Sắn vào đầu năm 1956, nhìn thấy sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, cánh đồng bát ngát, bao la, ai nấy được thở một không khí trong lành mát mẻ tự do. Chính phủ miền Nam đã đào kênh dẫn nước, chia cắt ruộng đất và làm nhà cửa sẵn sàng cho dân. Họ cấp phát tiền và viện trợ lương thực hàng ngày cho từng nhân khẩu và chia cho mỗi gia đình một thửa đất chiều ngang 30 mét tây, chiều dài 1 cây số 200 mét, (30m x 1,200m = 36,000m vuông) khoảng gần 4 mẫu tây ruộng, độ chừng 26 công tầm cắt, (kiểu đo ruộng của người dân miền Nam. Mỗi công tầm cắt rộng khoảng 3 sào 6 miền bắc) và cứ 3 gia đình thì được cấp phát cho một con trâu.

Ruộng đồng thẳng cánh cò bay, ai nhìn cũng ngán. So sánh với miền bắc, mọi người ai cũng thắc mắc, sao mà chính phủ cho ruộng nhiều thế, làm sao mà cày cấy cho hết, chắc phải bỏ hoang.

Người dân di cư còn đang hoang mang vì nhiều ruộng đất, thì chính phủ cho đội máy cày cả 100 chiếc xuống, cầy ruộng khai hoang cho đồng bào, phát thóc giống cho bà con gieo mạ cấy cày. Đội cán bộ canh nông đến hướng dẫn bà con xạ lúa theo kiểu miền Nam, chứ không cấy lúa theo kiểu miền bắc và cũng không phải tát nước be bờ. Chỉ cần cầy ruộng lên, rắc thóc xuống ruộng, cho máy bừa lại một lần, trời mưa xuống là lúa mọc lên. Lúa mùa mọc lên theo mực nước sông Cửu Long, nước dâng lên tới đâu, lúa mọc lên tới đó. Nước dâng lên tràn ngập cánh đồng trong 6 tháng. Khi nước rút xuống thì lúa chín, người dân chuẩn bị gặt lúa. Họ chỉ cần dùng cái liềm cắt bông lúa, còn rạ bỏ lại cánh đồng, đốt làm phân tro.

Dân di cư cảm thấy vui mừng phấn khởi, vì cách làm ruộng của nông dân miền Nam thật dễ dàng, không vất vả như làm ruộng ở miền bắc, mà lại gặt được nhiều thóc luá. Mỗi năm, trung bình mỗi gia đình có thể thu hoạch được 400 dạ lúa (Mỗi dạ 2 thùng, mỗi thùng 20 lít) khoảng 800 thùng thóc. Nếu đem so sánh với một gia đình miền bắc thì người di cư giầu có và sung sướng. Chẳng bao lâu người dân di cư vào Nam đã tái lập lại đời sống, trở nên phồn vinh. Các nhà xứ và giáo đường bắt đầu mọc lên nguy nga và tráng lệ. Song song với sự phát triển đó, giáo dân gốc giáo xứ Nam Lỗ đã qui tụ lại với nhau thành lập lên những giáo họ, hoặc giáo xứ gốc Nam Lỗ.

Riêng kênh B2 vùng Cái Sắn, các gia đình gốc Nam Lỗ đã qui tụ lại thành một khu, xây cất lên nhà thờ giáo họ Nam Lỗ, kênh B.

Sau khi Đức Cha Nguyễn Khắc Ngữ về thành lập giáo phận Long Xuyên, Ngài chia cắt, phân định lại ranh giới các giáo xứ cho rõ ràng, mạch lạc. Ngài phân chia mỗi kênh làm 2 giáo xứ (Mỗi kênh dài 12 cây số, Đức Cha phân chia mỗi giáo xứ 6 cây số chiều dài, cắt ngang kênh bằng Kênh Đòn Giông). Do đó giáo họ Nam Lỗ kênh B phải lệ thuộc theo giáo xứ có tên mới là Thánh Tâm. Kinh B có đông giáo dân từ nhiều giáo xứ gốc giáo phận Thái Bình. Nên Giáo họ Nam Lỗ theo qui định ranh giới mới, qui tụ giáo dân của nhiều xứ khác miền Bắc gom lại, nên giáo dân đã bầu lại Ban Hành Giáo và biểu quyết đổi tên mới là giáo họ Hợp Tiến, để thể hiện tinh thần đoàn kết, xóa bỏ tên cũ Nam Lỗ từ đấy. Giáo họ Hợp Tiến có một ½ số giáo dân là gốc Nam Lỗ di cư, bây giờ trực thuộc giáo xứ mới Thánh Tâm do cha Đa Minh Nguyễn Trinh Đức (thầy Điều) con cha già Đoàn Nam Lỗ làm chánh xứ.

Đối diện kênh B là kênh Rivera, giáo dân gốc Nam Lỗ cũng đông, do cha Đoàn dẫn dắt, đã thành lập nên giáo xứ Nam Lỗ, nhưng giáo xứ này lại có đông giáo dân thuộc các giáo xứ khác ngoài miền bắc di cư cũng thuộc giáo phận Thái Bình cùng chung một khu, nên Cha Đoàn phải họp Hội Đồng Giáo Xứ lại, đổi tên mới là Bình Nam (do cái tên Nam Lỗ và Thái Bình gom lại) cho có sự thống nhất và đoàn kết. Giáo dân kênh Rivera theo chân cha Đoàn, thì đa phần là gốc thuộc họ nhà xứ Nam Lỗ ngoài bắc..

Khi Đức Cha Ngữ phân chia lại giáo xứ. Gx Bình Nam không nằm trong địa bàn qui định, nên bị mất xứ, xóa sổ. Cha Đoàn phải ra đi xuống kinh 8, gần tỉnh Rạch Giá, Kiên Giang để thành lập giáo xứ mới. Một vài gia đình gốc Nam Lỗ cũng theo Cha Đoàn xuống kênh 8 và kênh 7 lập nghiệp.

Hàng năm các con chiên gốc giáo xứ Nam Lỗ như kinh B, kinh Rivera tổ chức thuê đò máy, rủ nhau xuống chúc Tết cha già Đoàn. Đặc biệt Cha già Đoàn, Ngài ghiền thuốc lào, nên lúc nào cũng có cái điếu để trên bàn nơi phòng khách. Ai vào thăm, Ngài chào một câu, rồi kéo ngay cái điếu lại, bắn một bi thuốc lào xong, khà một cái cho đã, rồi mới nói chuyện tiếp khách.

Lên Sàigòn

Sinh sống ở Cái Sắn, Long Xuyên được vài năm, đến năm 1962, một trận đại hồng thủy đã tràn ngập khắp nơi trên vùng đồng bằng miền Tây sông Cửu Long, tàn phá hoa màu, nhà cửa ruộng vườn của người dân nông thôn. Gia đình chúng tôi đành bỏ Cái Sắn bồng bế nhau lên Sài Gòn lập nghiệp và buôn bán, để lại ruộng đồng cho người thân trông coi, một chốn hai nơi. Tuy sinh sống ở Sàigòn nhưng hàng năm chúng tôi vẫn về Cái Sắn ăn Tết và thu hoạch lúa mùa.

Đến năm 1975, sau biến cố 30 tháng Tư. Thì gia đình tôi từ từ chuyển nhượng tất cả nhà cửa, ruộng đất Cái Sắn cho cậu Huấn em út của Mẹ tôi.

Vượt biển đến Úc

Sau biên cố 30 tháng 4 năm 1975. Gia đình chúng tôi có cửa hàng buôn bán tạp hóa tại Sàigòn, nhưng đã bị chính quyền giải phóng tịch thu, xếp vào loại tư sản, nên họ đã cho đội dân phòng đến niêm phong cửa hàng và tịch thu, lấy đi tất cả hàng hóa của gia đình tôi.

Thế là sau hơn 20 năm thắt lưng buộc bụng, làm ăn buôn bán ở miền Nam, gia đình chúng tôi bây giờ lại trở nên trắng tay, vô sản. Anh em chúng tôi không được tiếp tục đi học nữa, mà phải tham gia vào lực lượng lao động, đi kinh tế mới. Chúng tôi đã bôn ba lên các vùng kinh tế mới, để tìm nơi lập nghiệp dung thân, nhưng chúng tôi đã hoàn toàn thất vọng.

Người dân kinh tế mới sau 1975 phải dùng sức lao động, tự tay phá hoang rừng rẫy, bằng những dụng cụ thô sơ thời đồ đá, không máy móc, không được sự giúp đỡ của chính quyền hay bất cứ cơ quan nào. Chỉ ra sức lao động cật lực để phá hoang, kiếm sống, tìm cây dựng lều, che nắng, che mưa, nằm gai nếm mật, trong nỗi buồn tuyệt vọng.

Tôi quyết định trở về thành phố và tìm đường vượt biển đi tìm tự do. Sau những tháng năm, lặn lội, trốn tránh, lùng kiếm mua ghe, thuyền, đem vào ụ thuê người sửa chữa, lắp máy, rồi kín đáo cất dấu kỹ lưỡng một nơi, chờ thời cơ, chọn một đêm tối tăm, mù mịt không trăng sao, hẹn giờ tụ tập xuống thuyền vượt biển trốn thoát, cũng như lúc di cư năm 1954.

Vượt thoát khỏi Việt Nam cuối năm 1979. Chúng tôi cập vào bến bờ đất nước Mã Lai và được Cao Uỷ Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc đón tiếp, rồi cho chúng tôi xuống tàu, đưa sang trại tỵ nạn trên đảo Pulau Bidong, Mã Lai tạm trú và bao bọc trợ cấp. Ở trên đảo Pulau Bidong khoảng 3 tháng, thì chúng tôi được phái đoàn Cao Ủy Tỵ Nạn Úc nhận, cho sang Úc Châu định cư.

Đặt chân xuống phi trường thành phố Adelaide, Nam Úc, như từ đáy giếng được vớt lên. Chúng tôi được nhân viên Bộ Di Trú và các cơ quan Từ Thiện di cư ra đón tiếp rất nồng hậu. Họ đưa chúng tôi vào trại tạm cư Pennington Hostel, tạm trú. Cứ 2 người độc thân thì nhận 1 phòng ngủ riêng biệt, sau đó lên hội trường làm thủ tục tái khám sức khỏe và lãnh tiền trợ cấp xã hội. Họ nuôi nấng và phát tiền cho chúng tôi hàng tuần. Ăn uống hàng ngày đã có Canteen, giống như nhà hàng nấu nướng sẵn cho, cứ việc xắp hàng đến lấy thức ăn ra bàn ngồi ăn, chẳng khác gì một restaurant sang trọng. Họ giúp đỡ chúng tôi, cho đến khi đủ sức hội nhập vào xã hội Úc, có thể kiếm được công ăn việc làm.

Hàng ngày chúng tôi được gửi đến trường, học Anh Văn để giao tiếp với người dân bản xứ. Mỗi buổi sáng, chúng tôi dậy sớm kéo nhau xuống Canteen ăn sáng rồi đi học. Chúng tôi vào canteen lựa chọn các thức ăn và nước uống nào mà mình thích, sau đó nhận phần ăn trưa đem theo đi học. Chiều đi học về, chúng tôi nghỉ ngơi tắm rửa đi dạo phố, rồi lại kéo nhau xuống canteen ăn tối.

Thời gian ở Hostel là thời gian rảnh rỗi, phè phỡn nhất, chúng tôi cảm thấy thật sự sung sướng. So sánh với đất nước Việt Nam thì đây là một Thiên Đàng hạ giới, vừa có cơm ăn, áo mặc lại còn được phát tiền tiêu sài hàng tuần. Nhưng chỉ có một nỗi buồn là nhớ quê hương, thương Cha Mẹ, anh chị em còn bỏ lại VN, thật là đau đớn xót xa.

Anh em chúng tôi ở trong Hostel một thời gian ngắn, thì Cha Thụ dòng Tên Việt Nam, Ngài sang Úc du học trước kia, đã giúp đỡ, thuê nhà cho chúng tôi ra ngoài ở, nhường lại các phòng trong trại tạm cư Hostel cho những đồng bào đến sau. Chúng tôi mướn một căn nhà có 3 phòng ngủ, 1 phòng khách, một phòng giải trí với 2 toilets trong nhà, giá thuê $25 dollars/một tuần, được chính phủ trợ cấp chu đáo, tiền nhà, tiền ăn phát hàng tuần. Đối với người Việt, thì dư giả để sống và có thể tiếp tục đi học lại, hoặc đi tìm việc làm. Vốn liếng Anh Văn của chúng tôi bây giờ cũng tạm đủ để hội nhập với xã hội Úc. Tôi trở lại trường học, đi học nghề một thời gian ngắn, sau đó kiếm việc làm. Anh em chúng tôi đều kiếm được việc làm, trong các công xưởng, ngoại trừ cô em út Thủy còn nhỏ phải tiếp tục đi học.

Khi đã có việc làm, chúng tôi đủ điều kiện bảo lãnh thân nhân sang Úc đoàn tụ. Người đầu tiên chúng tôi bảo lãnh là Bố Mẹ tôi.

Chỉ 2 năm sau ngày tôi đến Úc, thì một niềm vui vô tận lại đến cho anh em chúng tôi là nhận được thư của Bộ Di Trú thông báo, Bố Mẹ của chúng tôi đã được chính phủ chấp nhận cho sang Úc đoàn tụ và sẽ được đến Úc một ngày rất gần.

Tháng Ba năm 1982. Cả 4 anh em chúng tôi cùng với một đoàn xe gồm những bạn bè thân quen và gia đình những người bạn Úc ân nhân, đã hồ hởi lũ lượt kéo nhau ra phi trường Adelaide chào đón Bố Mẹ tôi sang đoàn tụ, trong nỗi vui mừng, hân hoan xúc động. Không còn nỗi vui mừng nào khôn tả hơn lúc này.

Bố Mẹ tôi đặt chân đến Úc cũng được hưởng tiền trợ cấp xã hội như mọi người. Đến Úc được vài tuần, tôi ghi danh cho 2 cụ đi học Anh Văn để bập bẹ chào hỏi, hội nhập vào xã hội mới, có thể trò chuyện với những người bạn Úc láng giềng chung quanh. Ở bên Úc, thỉnh thoảng Bố tôi cũng giúp đỡ đồng hương, bắt mạch phê toa cắt thuốc theo đông y cho những ai cần thuốc Nam để chữa bệnh, tránh sử dụng nhiều thuốc Tây làm cho bệnh nhân nôn nóng khó chịu. Bố tôi bắt mạch phê toa, hốt thuốc cho họ, lưu truyền nghề tổ tiên xưa. Bên Úc thuốc bắc, nam rất nhiều, nhưng vì Tây y hiện đại, đã trấn át ngành Đông Y, nên Bố tôi từ từ lui dần vào bóng tối. Đến đời chúng tôi thì tịt luôn mất gốc.

Một bộ sách thuốc của Ông Nội tôi viết bằng Hán tự cách nay cả 100 năm, bỏ lại miền bắc sau ngày di cư vào Nam năm 1954, bác Phúc bên nhà xứ Nam Lỗ đã sang An Thái thu gom về nhà và lưu giữ cho đến khi Bố Mẹ tôi từ Úc về thăm lại quê hương An Thái lần đầu tiên sau hơn 40 năm xa cách. Bác Phúc đã trao lại toàn bộ sách qúi này cho Bố tôi đem về Úc làm gia phả. Hiện nay Bố tôi còn lưu giữ trong nhà. Có lẽ đến đời chúng tôi, thì chỉ còn nước đóng hòm, cất làm kỷ vật.

Nghĩ lại thời xa xưa, lúc chúng tôi đến Úc chỉ vỏn vẹn có một cái giỏ nhỏ và mỗi một bộ quần áo do Cao Ủy Tỵ Nạn LHQ phát, trước ngày lên máy bay dời Mã Lai. Thế mà giờ đây chúng tôi đã an cư lạc nghiệp và làm lại cuộc đời, còn hơn cả lúc ở bên Việt Nam với tuổi trẻ thanh xuân đầy sức lực. Chắc có lẽ chúng tôi được may mắn là nhờ phúc ấm của Ông Bà Tổ Tiên, đã bỏ công sức xây dựng nhà thờ An Thái để cảm tạ hồng ân Chúa, một cái Zen trong máu lưu truyền lại cho chúng tôi được hưởng.

Giờ đây nhìn lại khoảng thời gian trôi qua, bước sang tuổi lục tuần, thời thanh xuân đã hết. Sư nghiệp đã ổn định trên xứ lạ, quê người. Nỗi niềm hoài hương vẫn ray rứt trong lòng chẳng khi nào nhạt phai.

Ôn lại ký ức, dĩ vãng: Chôn rau, cắt rốn từ An Thái. Rèn luyên đức tin và sống đạo thuở ấu thơ từ giáo xứ Nam Lỗ. Lớn lên từ Cái Sắn, Long Xuyên. Thành nhân từ phố thị Sàigòn. Bôn ba tạo lập sự nghiệp ở Úc Châu và còn gì nữa....

Cuộc đời của gia đình tôi là những chuỗi thời gian lưu vong biệt xứ. Với tôi chắc cũng sẽ nằm xuống nơi vùng trời đất Úc cách xa quê hương thăm thẳm. Cái Gen Cha bỏ xứ, Con bỏ nước ra đi vẫn còn tiềm ẩn trong tôi.

“Bố tôi bỏ quê An Thái, dìu dắt gia đình di cư, xuống mãi tận miền cực Nam của đất Việt định cư”.

“Còn tôi phải bỏ nước ra đi, xuống mãi tận miền cực Nam của Địa Cầu lập nghiệp”.


Nghĩ về quê hương xứ sở, thỉnh thoảng tôi mở DVD coi lại chương trình Paris By Night, rồi ngâm nga, hát bản nhạc:

1954 Cha Bỏ Quê

1975 Con Bỏ Nước


Bản nhạc này, ca sĩ Elvis Phương đã hát cách nay trên 10 năm, để tưởng nhớ lại những ngày dời xa quê hương.

Một ngày Năm Bốn (54) Cha bỏ quê xa

Chốn đất chôn nhau, cắt rốn bao nhiêu đời

…………

Một ngày 54 Cha bỏ Đất Bắc vô Nam,

Dắt díu theo nhau, vô sống nơi Biên Hòa

……

Một ngày Bảy Lăm (75) Con bỏ nước ra đi

Hai mươi năm là Hai lần ta biệt xứ

……

Và giờ này con lưu lạc nơi xứ lạ

…………….. Hồi ký của Jo. Vĩnh