Kiev (AsiaNews) - Nước sông Dniepr dường như đã làm tan đi băng giá giữa Constantinople và Mạc Tư Khoa sau một tranh cãi nóng bỏng ở Nga về sự hiện diện của Đức Thượng phụ Bartholomew I trong việc cử hành kỷ niệm 1.020 năm Kitô giáo có mặt ở Ukraine. Sau những ngày lễ hội, đích thân Đức Thượng phụ Aleksij II đã công bố rằng ngài sẽ tham gia Thượng Hội đồng Thượng phụ Chính Thống giáo Đại kết ở Constantinople được tổ chức vào tháng Mười tới. Tòa Thượng phụ Nga đã không tham dự Thượng Hội đồng Thượng phụ Chính Thống giáo Đại kết từ năm 2000.

Tuyên bố chung thông cáo với báo chí của Thượng phụ Bartholomew I và Thượng phụ Aleksij II đưa ra kết luận rằng: không còn nghi ngờ gì nữa về kết quả rất quan trọng đến từ việc cử hành nghi lễ ở Kiev. Đức Thượng phụ Bartholomew quả quyết: “đối thoại luôn luôn là điều quan trọng nhất vì chúng ta luôn chịu trách nhiệm về hiệp nhất của Chính Thống giáo”. Về phần mình Đức Thượng phụ Aleksij cám ơn Đức Thượng phụ Đại kết vài lần và nói rằng ngài đồng ý rằng mọi vấn đề cần phải giải quyết qua đối thọai “mà không trở thành công cụ của các chính trị gia”.

Lễ hội đã được khai mạc giữa những tranh cãi. Mạc Tư Khoa đã chỉ trích quyết định của Đức Thượng phụ Bartholomew I dẫn đầu đoàn đại biểu đến từ Tòa Thượng phụ Đại kết tham dự lễ hội ở Kiev. Những người giúp việc của Thượng phụ Aleksij II đã gây áp lực một cách vô duyên với các Giáo Hội Chính Thống khác không được đến dự các nghi lễ ở Ukraine. Tranh cãi giữa Mạc Tư Khoa và Constantinople đã diễn ra qua một số sự kiện: đầu tiên là ở Rhodes (Hy Lạp) vào năm 2007, khi Mạc Tư Khoa tuyên bố không tham dự Thượng Hội đồng Thượng phụ Chính Thống giáo Đại kết năm 2008; sau đó là ở Ravenna khi các đại diện Mạc Tư Khoa bỏ hội nghị vì họ phản đối sự có mặt của Giáo hội Chính Thống Estonia mà Mạc Tư Khoa không công nhận. Sự đối đầu bắt đầu suy giảm khi Đức Thượng phụ Aleksij II quyết định tham dự lễ hội ở Kiev.

Kể từ khi đặt chân đến Kiev hôm thứ Sáu, Đức Thượng phụ Bartholomew đã nói rằng chuyến đi của ngài không có ý định xác nhận lại “quyền tối cao” của ngài mà chỉ “góp phần liên đới với Giáo hội Ukraine… và vinh danh các gương tử đạo trong trận đói Holotovol vào năm 1932-1933, những nạn nhân cơn thịnh nộ của người vô thần”. Trong suốt thời gian có mặt ở Ukraine, Thượng phụ Bartholomew đã gặp Tổng Giám Mục Vladimir, đại diện của Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa; Thượng phụ Filaret, người đứng đầu Giáo Hội Chính Thống Ukraine (độc lập với Mạc Tư Khoa); và Đức Hồng y Lubomir Huzar, Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Byzantine (Uniate).

Trong buổi chiêu đãi do Tổng Giám Mục Vladimir tổ chức dành cho đoàn Thượng phụ Đại kết, Đức Thượng phụ Bartholomew đã bày tỏ tiếc nuối về “bàn tiệc này, các huynh đệ từ các giáo hội khác từ vùng đất Ukraine lại vắng mặt”. Ngài tái khẳng định: “Thiện ý của Mẹ Thiên Chúa của Constantinople sẽ hàn gắn những rạn nứt giữa con cái Mẹ”.

Tổng Giám Mục của Albania, một nhân vật có uy tín trong thế giới Chính Thống, lưu ý rằng thường người ta quên sự tồn tại của Kitô giáo trong vùng địa lý rộng lớn này sau sự trổi dậy của Hồi giáo và sự sụp đổ của các trung tâm thuộc về Tòa Thượng phụ cổ ở Alexandria, Giêrusalem và Antioch là do Tòa Thượng phụ Đại kết ở Constantinople.

Và hầu như chắc chắn những gì là rất tốt phải là hàng đầu, sau những con số và những quan tâm to lớn, báo chí Thổ Nhĩ Kỳ đã nhấn mạnh đến vai trò của Constantinople trong việc Kitô giáo hóa và trong nền văn minh Ukraine.

Đức Tổng Giám Mục Kyrill của Smolensk nói rằng cuộc họp mặt, nhất là sau tuyên bố của hai Thượng phụ Bartholomew và Aleksij, “mang lại bầu khí cho đời sống mới trong quan hệ giữa hai Giáo Hội”. Một trong những trợ lý thân cận của ngài xác nhận rằng “một giải pháp cho rạn nứt giữa Giáo Hội Chính Thống Ukraine độc lập (vốn bị Mạc Tư Khoa xem là ly giáo) và những người trung thành với Mạc Tư Khoa là tạm thời cho phép mỗi nhà thờ tự quyền quyết định chọn Tòa Thượng Phụ muốn gia nhập”. Điều này cho thấy rằng trong Giáo Hội Chính Thống Nga có những người không đồng tình với những hành động độc đoán của một số thành viên”.