CÂU VĂN QUỐC NGỮ CỔ XƯA NHẤT

BÀI GIẢNG THÁNH LỄ MỪNG 364 NĂM SINH NHẬT TRÊN TRỜI CỦA Á THÁNH ANRÊ PHÚ YÊN

KHÁNH THÀNH ĐỀN THÁNH ANRÊ PHÚ YÊN MẰNG LĂNG



(25.07.2008)

Trọng kính Đức Cha Giáo Phận

Kính thưa Cha Tổng Đại Diện, Quý Cha Hạt trưởng, Quý Cha trong và ngoài Giáo phận, quý chủng sinh, tu sĩ và toàn thể ông bà anh chị em,


Hôm nay chúng ta lại được một lần nữa long trọng mừng ngày sinh nhật trên trời của Vị Thánh Tử đạo tiên khởi Việt nam, Vị chứng nhân anh hùng của quê hương Phú Yên: Á Thánh Anrê Phú Yên, người mà cố linh mục thi sĩ Nguyễn Xuân Văn đã diễn đạt bằng những vần thơ:

Bạn là hoa của mùa xuân muôn thuở

Không bao giờ tàn úa giữa trời sương

Là nén hương thơm quý của muôn hương

Trước nhan Chúa muôn đời không tàn lụi,...


Cách đây 364 năm, vào chiều ngày 26 tháng 7 nơi Gò Xử Thành Chiêm, cái chết của người thanh niên Anrê đã quy tụ nhiều người lương, giáo, người bản xứ với kẻ ngoại kiều, để cùng với Thầy hiệp dâng lễ tế mà chính thầy là của lễ, lễ đầu mùa của Hội Thánh Việt nam. Hôm nay, cũng chính trên mảnh đất mà Chân phước Anrê đã chọn làm tên gọi, mảnh đất Phú Yên, tuyến đầu đất nước của một thời mở cõi, Vị Á Thánh trẻ nầy lại quy tụ chúng ta, đông đủ mọi thành phần trong Giáo Hội địa phương, một Giáo Hội được khai sinh từ những giọt máu đào hy tế của Thầy Anrê và bao chứng nhân anh hùng khác, để thêm một lần cùng với Thầy dâng Hy Tế tạ ơn, tạ ơn Thiên Chúa đã ân ban hồng ân tử đạo, tạ ơn Thiên Chúa đã đoái thương mời gọi dân nước Việt nam nhận biết Tin Mừng, tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho vùng đất Phú Yên-Quy Nhơn, dù trãi qua bao thăng trầm dâu bể, cấm cách bách hại, chiến tranh điêu tàn...hôm nay vẫn vàng tươi một mùa lúa mới...

Niềm vui hôm nay, cuộc quy tụ hôm nay như được nhân lên gấp bội so với bao lần gặp gỡ trước, vì hôm nay, ở giữa xứ đạo Mằng Lăng chân quê ẩn khuất, bên dòng con sông Cái vẫn còn dư âm và hình bóng của Dinh Trấn Biên, nơi Á Thánh Anrê được thanh tẩy để nên con cái Chúa, một đền thánh mang tên Ngài được khánh thành, để như một nhắc nhớ muôn đời cho các thế hệ cháu con hãy tiếp bước cùng Ngài trên lộ trình “tình yêu đáp trả tình yêu, mạng sống báo đền mạng sống”.

Vâng, mọi sự rồi có thể nhạt nhòa đi, tiêu tán đi, như Dinh Trấn Biên cho dù có chìm sâu dưới dòng sông Cái, hay đền thánh Anrê Phú Yên hôm nay có thể một ngày nào đó sẽ tiêu tan, nhưng sứ điệp tinh thần của Vị Thánh trẻ, di sản đức tin anh hùng của Anrê Phú Yên sẽ mãi mãi rạng ngời, mãi mãi được nhắc nhớ và truyền tụng, mãi mãi được đào sâu và khám phá xuyên suốt cuộc hành trình của Dân Chúa Phú Yên, Quy Nhơn, Việt nam, như gợi ý trong bài huấn dụ của Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Vị Giáo hoàng đã tôn phong Anrê Phú Yên lên bậc Á Thánh:

“Do vậy trên 350 năm qua, những người công giáo Việt Nam không bao giờ quên Nhân Chứng Tin Mừng này, Vị Tử Đạo tiên khởi của quê hương họ. Họ đã tìm thấy nơi ngài đức tin kiên định và tình yêu quảng đại cho Đức Kitô và cho Giáo Hội của Ngài. Chớ gì ngày nay họ còn tiếp tục khám phá ra trong tấm gương của một người con đất Việt sức mạnh hướng dẫn người tín hữu về ơn gọi người Kitô hữu, trong việc trung thành với Giáo Hội và quê hương họ. Chân phước Anrê Phú Yên, vì sự nhiệt thành nồng cháy của ngài mà phúc âm được rao truyền, được ăn rễ sâu và được phát triển”.

Nhưng chúng ta khám phá được gì trong một con người mà hưởng dương mới vừa tròn 19. Trong quan niệm văn hóa Đông Phương, đặc biệt theo cái nhìn của Lão giáo, chết yểu là một bất hạnh lớn. Người ta cho rằng chết non, chết yểu là một hình phạt do một tội rất nặng đã phạm ở kiếp trước. Mặt khác, chết mà không có con nối dõi tông đường sẽ chắc chắn bị phạt vào cõi trầm luân để rồi không được ai giỗ chạp lễ kính. Đây còn là tội bất hiếu vì đã cắt đứt sợi dây liên kết các thế hệ của dòng tộc và quốc gia mình.

Á Thánh Anrê Phú Yên giã từ cuộc sống khi vừa tròn 19 xuân xanh. Một cái chết non, chết yểu. Ngài có rơi vào tình trạng đáng buồn như quan niệm tín ngưỡng và đời thường đó không ?

Thưa hoàn toàn không ! Trong nhãn quan Kitô giáo, cuộc sống và nhất là cái chết của Á Thánh Anrê Phú yên hoàn toàn nêu bật một giá trị khác hẳn mà sách Khôn ngoan đã đoan chứng như chúng ta vừa nghe:

“Linh hồn người công chính ở trong tay Thiên Chúa và chẳng cực hình nào động tới được nữa. Bọn ngu si coi họ như đã chết rồi; khi họ ra đi, chúng cho là họ gặp phải điều vô phúc. Lúc họ xa rời chúng ta, chúng tưởng là họ bị tiêu diệt, nhưng thực ra, họ đang sống an bình. Người đời nghĩ rằng họ bị trừng phạt, nhưng họ vẫn chứa chan hy vọng được trường sinh bất tử”.

Và quả thật, kể từ sau cái buổi chiều loang máu nơi gò Xử Thành Chiêm 26/7/1644, đã có hàng hàng lớp lớp những chàng trai, những cô gái, những nông dân chất phác thật thà như Phaolô Hạnh, những người ông trùm họ như Anrê Kim Thông, Phêrô Lựu, những thanh niên mộng vàng tươi thắm như Tôma Thiện, Giuse Túc, những Giám Mục, linh mục đạo cao đức trọng như Cuetnot Thể, Anrê Dũng lạc, những người khoác áo nhà binh như Phan Viết Huy, Bùi Đức Thể, những người mang phẩm tước quan quyền như Hồ Đình Hy hay những người mẹ hiền với đàn con dại như Anê Lê thị Thành...tất cả đã lên đường tiếp bước Anrê Phú Yên để con đường đức tin, để “sợi chỉ đỏ Tin Mừng” được tiếp nối và tiếp nối cách vinh quang rạng rỡ.

Quả thật, “hạt lúa mì Anrê gieo vào lòng đất mẹ Việt nam”, sau 364 năm, hôm nay đã bừng lên một mùa lúa tốt. Anh đã can đảm “mở đường tử đạo” để hôm nay trên bàn thờ Hội Thánh 117 chứng nhân anh hùng hiển thánh quang vinh cùng với cộng đoàn 6 triệu người đang hân hoan nhịp bước.

Tin như thế chưa đủ. Chúng ta còn có thể khám phá nơi cuộc đời tử đạo của Á Thánh Anrê những nhân đức, những con đường gợi mở để tất cả chúng ta cùng học đòi bắt chước hầu nên thánh giữa đời. Và đây là những nẻo đường chúng ta khám phá được qua những chứng từ của những chứng nhân cận kề cuộc sống và nhất là cái chết anh dũng của Anrê Phú Yên:

- Một tình yêu trung tín với Chúa Giêsu và căn cước Kitô hữu.

- Một tình yêu can đảm đón nhận thập giá

- Một tình yêu biết ơn và đáp trả.

- Một tình khiêm hạ phục vụ

- Một tình yêu vui tươi

- Một tình yêu loan báo Tin Mừng.

Chúng ta có thể đọc thấy những chiều kích linh đạo nầy trong nhiều chứng từ đương cuộc, mà lời của chàng thủy thủ Antôniô là một bằng chứng sống động và cụ thể:

«Con thề trên Phúc Âm và hứa nói sự thật về những gì con biết. Con 20 tuổi. Năm nay, con đã xưng tội bốn lần, hai lần ở Việt Nam và hai lần ở tại Macao đây, và con đã chịu mình thánh Chúa. Con sang Đàng Trong hai lần. Con đã biết Anrê, anh ấy là một Kitô hữu đã chịu phép rửa và là giáo lý viên, và ở với cha Đắc Lộ. Anh đã bị bắt tại Hội An trong nhà của cha. Họ đã trói và hành hạ anh, và anh bị đánh đập vì anh theo đạo. Họ đã đem người tù đến Kẻ Chàm. Trước ông quan, anh đã tuyên bố công khai rằng anh có đạo. Vì lý do đó, anh bị tống ngục với một Kitô hữu khác, một ông già tên là Anrê cả. Ông Chúa của nước này đã ra lệnh cho quan phải bắt các Kitô hữu, và giết những ai truyền đạo. Chính vì thế mà người ta đã bắt Anrê, và đã xử tử anh. Những người Bồ Đào Nha chúng con không thể làm gì được cho anh. Còn anh Anrê thì đã vui vẻ đón nhận bản án ấy. Họ đã đem anh đi đến cánh đồng ngoài thị trấn với một cái gông trên lưng.

Họ đã đâm và chặt đầu anh. Trong lúc đó, Anrê vẫn tuyên xưng đức tin và Chúa Giêsu Kitô một cách kiên trì. Trước khi chết, anh nói lớn: “Em chết vì em có đạo chứ không phải vì em đã phạm một tội gì.”

Người ta đã đón lấy xác và máu của anh một cách kính cẩn, như là xác và máu của một vị tử đạo. Con vẫn còn có một xâu chuỗi của anh: con kính cẩn và quý mến giữ nó. Con chắc chắn rằng anh bị xử tử là vì người ta ghét đức tin của anh chứ không phải vì một tội nào khác mà anh đã phạm. Mọi người đều biết Anrê là một Kitô hữu tốt lành, nhiệt thành cho vinh danh Chúa. Anh giữ luật và thực thi mọi nhân đức. Vâng, anh thực sự là một vị tử đạo. Mọi người chứng kiến cái chết của anh, tại Việt Nam và tại Macao, đều biết rõ điều ấy. »

Và có lẻ không gì quí giá hơn chính bút tích của cha A. De Rhodes, người có mặt bên cạnh Anrê Phú Yên khi Ngài bị giết chết:

“Thầy bước đi giữa toán lính, người thì mang giáo, người khác mang đao; và trên đường đi, Thầy Anrê phúc lộc lên tiếng dạy dỗ họ và chỉ cho họ con đường về Quê Trời. Tới nơi xử hồng phúc, Thầy Anrê tốt lành quì ngay gối xuống; Thầy chào từ giã các tín hữu, đồng thời khuyên bảo họ hãy trung thành với Thiên Chúa và tín thác trong niềm tin, “để bảo toàn tình bạn với Chúa cho đến hơi thở cuối cùng và cho tới muôn đời”; đó cũng là những lời Thầy lập đi lập lại nhiều lần.” (Bản tường trình của Cha Đăc Lộ).

Cho dù hôm nay kỷ niệm ngày chết mà ngôn ngữ truyền thống gọi là “ngày sinh nhật trên tời”(26.7.1644), thì với Á Thánh Anrê Phú Yên, đó là là ngày vui, ngày chiến thắng, ngày vinh quang. Chính cái chất “vui tươi” được thể hiện bằng cuộc sống và nhất là qua cuộc tử đạo anh hùng, đã trở thành nguồn cảm hứng cho bao thế hệ kitô hữu hôm nay lên đường theo dấu cũ như cảm nhận của cha Cosma Hoàng Văn Đạt:

“Tôi nhớ đến anh, một người trẻ vui khi bị bắt, vui khi bị hành hình. Anh không phải là một triết gia lạnh lùng trước sự sống và cái chết. Anh có một niềm hy vọng. Khi theo đạo, anh bước theo Đức Giêsu. Khi nhập Hội Thầy Giảng, anh muốn trở thành cộng sự viên của Chúa. Khi tử đạo, anh hân hoan thấy mình nên giống Chúa trên thánh giá. Đức Kitô đã phục sinh: đó là hy vọng duy nhất của anh. Anh vui vì tìm được niềm hy vọng. Anh vui hơn vì dấn thân với niềm hy vọng. Anh vui nhất khi đạt được niềm hy vọng. Anh trở thành chứng nhân của niềm hy vọng. Những lời cuối cùng từ miệng anh, từ lòng anh, là Chúa Giêsu. Tôi hiểu hết. Đó là trái tim của anh.

Nhìn mọi sự nhạt nhòa đi, tôi thấy anh nổi bật, ít là trong lòng tôi, giữa những người trẻ đã bước theo Đức Giêsu đến cùng: Tôma Thiện, Anrê Trông, Giuse Tuân... Và cả những Luy Gonzaga, những Têrêsa Hài Đồng nữa.”. (LM. Cosma Hoàng Văn Đạt, SJ)

Trên mọi nẻo đường phục vụ hôm nay, cần thiêt biết bao những niềm vui, những nụ cười như của Á Thánh Anrê Phú Yên để xoa dịu đi bao nổi nhọc nhằn, để xóa tan đi bao nhiêu sàu oán, để đẩy lùi đi bao nhiêu ghen ghét giận hờn…Niềm vui của Đức Cố Giáo hoàng G.P., của mẹ thánh Têrêxa Calcutta, của chị Chiara Lubic... phải chăng cũng “sắp hàng” trong con đường tình yêu của Anrê Phú Yên như thế !

Sau hết, trong ngày mừng Sinh Nhật trên trời lần thứ 364 năm của Vị Á Thánh và cũng là ngày khánh thành đền thánh mang tên Ngài, điều còn lại nơi mỗi người chúng ta phải chăng là lời dốc quyết mà cha Phêrô Võ Tá Khánh đã gở gắm trong đoạn kết của khúc “Trường ca Anrê Phú Yên”:

Đường ta đi phấn khởi

Mỏ lối bởi tiền nhân

Nén hương lòng tri ân

Tấm bia lòng ghi khắc...

Xin thành tâm quyết chí

Noi gương người khiêm nhu

Yêu mến Chúa Giêsu

Đến hiến dâng đời sống


Và nhất là ghi khắc trong tim và nỗ lực thực hành chính di chúc được viết bằng máu tử đạo của Á Thánh Anrê Phú Yên, những lời sau cùng và cũng là những lời được cha Đắc Lộ ghi trực tiếp bằng chính chữ quốc ngữ, cũng là câu văn quốc ngữ cổ xưa nhất còn lưu lại trên thế giới: “giữ nghĩa cùng Đức Chúa Giêsu cho đến hết hơi, cho đến trọn đời.”.