Giáo Xứ Nam Lỗ, GP. Thái Bình kỷ niệm Bách Chu Niên ngày thành lập giáo xứ


Lễ Vật Giáo Dân Đồng Hương
Đã trên 54 năm, tôi trở về thăm cố hương và tham dự tuần lễ kỷ niệm Bách Chu Niên thành lập giáo xứ quê hương Nam Lỗ, giáo phận Thái Bình, Bắc Việt.

Chúng tôi từ Úc Châu về Sàigòn ngày 9 tháng 6, nghỉ ngơi ở miền Nam, thăm bà con. Sáng thứ Bảy ngày 14 tháng Sáu, phái đoàn Úc Châu chúng tôi nhập chung với phái đoàn đồng hương Nam Lỗ miền Nam, tháp tùng chuyến bay từ Sàigòn ra Hà Nội, đáp phi trường Nội Bài lúc 7 giờ 30 sáng và được linh mục Dom. Nguyễn Văn Quát, quản xứ Nam Lỗ cho xe lên tận Hà Nội đón chúng tôi.

Sau khi sắp xếp hành lý và mọi người đã an vị trong chiếc xe Bus 32 chỗ. Xe chạy trực chỉ về huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, giáo xứ Nam Lỗ.

Theo bác tài xế cho biết: Hà Nội - Thái Bình quãng đường dài, khoảng 200 cây số, nhưng xe phải chạy gần 4 tiếng đồng hồ. Đường từ Hưng Yên về Thái Bình gồ ghề chật hẹp khó đi, mệt nhất là đoạn đường khoảng 20 cây số từ Thái Bình về giáo xứ Nam Lỗ, phải vượt qua những con đường làng xi măng chật hẹp, chỉ vừa một chiếc hơi nhỏ đi lọt, nên chiếc xe Bus chở 32 hành khách của chúng tôi, bác tài đã phải vất vả, khó khăn lắm mới lọt qua các trở ngại, để vào đến tận nhà thờ giáo xứ Nam Lỗ.

Thật cảm động, khi bước chân xuống xe, Cha Xứ đã chờ sẵn ở cổng nhà thờ, cầm dù ra đón tiếp phái đoàn chúng tôi. Lần đầu tiên chúng tôi được gặp Ngài trong tâm tình niềm nở, đón tiếp thân thương.

Bữa cơm trưa đã được giáo xứ dọn sẵn thết đãi chúng tôi. Sau khi xuống xe, nghỉ ngơi ăn uống xong, chúng tôi phải chuẩn bị thay quần áo để hòa nhập với bà con cố hương tham dự cuộc rước kiệu trọng thể, khai mạc tuần chầu lượt của giáo phận, do giáo xứ Nam Lỗ đảm trách.

Ngay chiều hôm đó, thứ Bảy 14/6/08, lúc 3 giờ 30 cuộc rước bắt đầu. Đoàn rước được xếp hàng theo từng họ giáo và các đoàn thể và một vài giáo xứ bạn, lần lượt thứ tự rước đi trên các con đường quê bao bọc quanh các thôn làng lương giáo lẫn lộn, qua những cánh đồng lúa trổ bông thơm ngát hương quê đồng nội. Chặng đường rước, dài khoảng trên 5 cây số. Lịch sử cuộc rước với một chặng đường dài tôi chưa từng tham dự.

Xen lẫn đoàn rước với nhiều đội kèn trống, trắc của nhiều giáo xứ tham dự trổi lên những khúc nhạc, vang dội khắp mọi nơi, trong một vùng nông thôn thanh bình, tĩnh lặng. Nhiều gia đình cán bộ và dân làng bên lương kéo nhau ra trước cổng đứng xem. Thể hiện qua các khuôn mặt ấy, với những lời bàn tán thì thầm bên nhau, tôi thấy họ có vẻ rất ngưỡng mộ đạo giáo của chúng ta.

Sau khi đoàn rước về lại đến nhà thờ giáo xứ khoảng 6 giờ chiều. Mọi người tập trung trước khán đài Đức Mẹ phía bên trái cuối nhà thờ giáo xứ, để tham dự thánh lễ khai mạc tuần chầu phiên của giáo phận do Đ/ô Tổng Đại Diện giáo phận Thái Bình chủ tế, cùng đồng tế có khoảng 10 linh mục các giáo xứ bạn, các linh mục từ miền Nam Việt Nam và Hải Ngoại gốc giáo xứ Nam Lỗ về tham dự.
Đại Lễ Kỷ Niệm 100 năm


Mở đầu Thánh Lễ, linh mục Quản Xứ giới thiệu đến mọi người, quan khách và đồng hương từ khắp mọi nơi trên đất nước và hải ngoại về quê cố hương tham dự ngày Đại Lễ, kế đến vị đại diện giáo xứ đã lược qua tiểu sử và hành trình xây dựng giáo xứ qua nhiều thời đại cho đến ngày nay, một chặng đường đã trải qua trên 100 năm, từ 1908 đến 2008.

Thánh Lể bắt đầu, khi vị Chủ tế hát kinh vinh danh, thì hàng loạt những tràng pháo bông được bắn lên trời, nổ vang dội và hàng chục chiếc lồng đèn kéo quân được thắp sáng, thả bay cao lên tít không trung, trên bầu trời đêm tối của vùng quê thân thương với những đốm lửa chập chùng. Nổi bật nhất là những cụm pháo bông đầy màu sắc sỡ rực rỡ cùng với những tiếng kèn trống trổi lên, vang dội khắp cả thôn làng, một vùng nông thôn đang chìm trong thinh lặng từ bao lâu nay, làm mọi người lương giáo nô nức kéo đến xem, thật vui vẻ.

Bài giảng trong thánh lễ được linh mục Giuse Nguyễn Thanh Liêm từ Úc Châu, quê cố hương gốc giáo họ An Thái, một họ lẻ thuộc Gx. Nam Lỗ chia sẻ về những cảm nghiệm của quê hương từ thuở thiếu thời. Sau Thánh Lễ cha Chủ sự đặt Mình Thánh Chúa khai mạc giờ chầu của tuần chầu lượt giáo phận.

-10 giờ sáng, Chúa Nhật ngày hôm sau, Thánh Lễ Đại Trào mừng kỷ niệm 100 năm thành lập giáo xứ Nam Lỗ do Đức Cha Fx. Nguyễn Văn Sang giám mục giáo phận Thái Bình chủ tế, cùng đồng tế có khoảng 20 linh mục từ nhà thờ chính tòa Thái Bình, các giáo xứ bạn, Hải Ngoại và miền Nam đến tham dự. Sau Thánh Lễ là tiệc mừng, do giáo xứ thiết đãi quan khách và đồng hương.

Nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Gx. Nam Lỗ, Cha Quản Xứ đã xin phép Đức Giám Mục Giáo Phận cho mở tuần Đại Phúc bắt đầu từ ngày 11 đến hết ngày 18 tháng Sáu năm 2008. Trước ngày Đại Lễ. Cha Quản xứ đã mời các linh mục Dòng Chúa Cứu Thế về giảng phòng, tĩnh tâm cho toàn thể giáo dân.

-Thứ Tư ngày Tư ngày 11 tháng 6, Thánh Lễ khai mạc Tuần Đại Phúc do Đức Cha Giuse Nguyễn Văn Yến nguyên giám mục GP Phát Diệm chủ tế.

-Thứ Tư ngày 18 tháng 6 năm 2008, Thánh Lễ bế mạc tuần Đại Phúc kỷ niệm bách chu niên thành lập giáo xứ Nam Lỗ do Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân giám mục giáo phận Lạng Sơn chủ tế.

Nhà Thờ Gx. Nam Lỗ
Được biết giáo xứ Nam Lỗ khởi đầu lịch sử là do các cố đạo, những vị truyền giáo người gốc Lỗ Ma Ni đến lãnh thổ huyện Tiên Hưng, tỉnh Thái Bình và Bùi Chu truyền giáo. Các Ngài đã cảm nghiệm được nỗi niềm nhớ nhung về quê hương của các Ngài, nên đã đặt tên cho giáo xứ này là giáo xứ Nam Lỗ (có nghĩa là nước Lỗ ở về phía Nam). Hiện nay giáo xứ Nam Lỗ có 10 họ giáo, gồm có các họ đạo sau đây: An Thái, Lác Làng, Lác Trại, Hoàng Nông, Y Đún, Khuốc, Ngói, Tăng, Cốc, Phạm và họ nhà xứ Đồng Mưu. Hầu hết các nhà thờ kiến trúc cổ kính được các vị tiền nhân kiến thiết theo kiểu cổ phương tây, vẫn còn đứng vững cả gần 100 năm nay, tuy có những nhà thờ đã xuống cấp trầm trọng, cần phải trùng tu, nhưng giáo dân lại qúa nghèo, không thể đóng góp ngân quỹ. Nên nhà thờ nhìn có vẻ hoang tàn.

Giáo xứ Nam Lỗ, qua bao nhiêu giai đoạn đầy cam go. Sau biến cố năm 1954, Cha Xứ và giáo dân bỏ quê di cư vào Nam, giáo xứ không có linh mục chủ chăn, giáo dân còn lại rất ít. Với khoảng thời gian dài 48 năm trống vắng không có linh mục trực tiếp điều hành, mà chỉ trông cậy vào Đức Giám Mục giáo phận và các linh mục từ tỉnh và phương xa về giúp giáo xứ. Mãi đến năm 2002 giáo phận mới chính thức bổ nhiệm linh mục Dom. Nguyễn Văn Quát về làm quản xứ, chấm dứt gần một ½ thế kỷ không có linh mục trực tiếp quản nhiệm giáo xứ.

Linh mục Dom. Nguyễn Văn Quát là một linh mục trẻ tuổi, đẹp trai, hoạt bát, tính tình dễ thương. Chỉ vỏn vẹn 6 năm về quản nhiệm giáo xứ, Ngài đã trùng tu, chỉnh trang lại hầu hết các khu vực nhà xứ và thánh đường, giờ đây đã trở nên khang trang, sạch sẽ và đẹp đẽ, với một khu nhà xứ có đầy đủ phòng tiếp khách, hội họp, có phòng ngủ dành riêng cho các tu sĩ vãng lai. Một khu nhà khách có khoảng 10 phòng, mỗi phòng kê được 4 giường, có nhà tắm, toilet riêng cho từng phòng và một toilet lớn công cộng dùng chung cho các khu. Các dãy nhà xứ, nhà khách và nhà bếp tọa lạc gối đầu với nhau theo hình chữ U ngược bằng các mái hiên, khu vực nhà xứ gồm 3 dãy nhà biệt lập, phía sau có hồ cá, ao bèo.

Chung quanh khu vực thánh đường và nhà xứ, hầu hết đã được tráng xi măng sạch sẽ, trông rất khang trang. Các cây kiểng và cây cao trồng lên rất nhiều xung quanh khu vực giáo xứ với những bóng mát xum xuê nên thơ, đẹp mắt. Giáo dân và Cha Xứ luôn gắn bó, hợp tác chặt chẽ với nhau trong mọi công tác xây dựng nhà Chúa, chia sẻ những vất vả, ngọt bùi trong tình thương yêu đùm bọc giữa chủ chăn và giáo dân.

Thật đáng khâm phục.