Dân Việt Nam phải đòi lại ruộng đất

Một độc giả từ trong nước email góp ý kiến với bài viết ngày hôm qua trong mục này, nhân trong đó nói về dự án sửa đổi Luật Ðất Ðai ở Việt Nam. Ông (hay bà) độc giả mắng rằng: “Các ông ở ngoài vớ vẩn, chả biết cóc gì cả. Các bác trong Ðảng sẽ đ... bao giờ sửa xong cái Luật Ðất Ðai đâu! Sửa để làm cái... gì chứ? Cứ để nó lung tung xèng như bây giờ thì các bác ấy có cơ hội tha hồ chấm mút, chia chác với nhau. Nếu làm ra luật lệ đàng hoàng thì đám dân đen nó cứ vin vào luật nó đòi hỏi, làm sao họ còn có cơ hội chia nhau cái ‘gia tài của Bác’ để lại, truyền đời cha, đời con đời cháu mà hưởng với nhau?”

Chúng tôi xin phép không đồng ý với vị độc giả trên, mặc dù biết rằng ông (hay bà) ở tại chỗ chắc hiểu biết nhiều hơn một người sống ở nước ngoài. Vì lẽ, cứ theo những điều được loan báo về các đề nghị sửa đổi Luật Ðất Ðai, thì dù luật có được sửa đổi, “các bác” trong Câu Lạc Bộ Ba Ðình vẫn toàn quyền quyết định. Họ vẫn có cơ hội tha hồ “chấm mút và chia chác” với nhau, như mối quan tâm của vị độc giả. Ðó mới là nỗi đau đớn cho dân tộc Việt Nam.

Như ngày hôm qua đã trình bày trong mục này, câu chuyện đất đai ở nước ta từ năm 1954 đến giờ nó là một vụ ăn cướp ruộng đất của toàn dân, gom vào trong tay một đảng. Chúng ta thường tố cáo những tội ác trong vụ cải cách ruộng đất theo kế hoạch bên Tàu đưa sang, được các cố vấn Trung Cộng chỉ đạo từng chi tiết. Những cuộc đấu tố, giết người, vân vân, mối hờn oan đến bây giờ vẫn còn ám ảnh nông thôn miền Bắc sông Bến Hải. Nhưng đó cũng chỉ là mặt nổi. Nền tảng bên dưới của những cuộc đấu tố đó là hành động tập trung tài nguyên ruộng đất cả nước vào trong tay các đảng viên cộng sản, từ cấp làng xã lên đến cấp cao nhất ở trung ương. Ðó là một khí cụ mà các ông Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Lê Duẩn, sau này sử dụng để kiểm soát bao tử của người dân, kiểm soát lòng trung thành của các đảng viên thuộc hạ. Cho một đảng viên quyền chia ruộng, chia đất, là vừa giúp hắn cơ hội kiếm tiền, lại vừa cho hắn nắm quyền sinh sát trên mọi người chung quanh. Những đảng viên đó sẽ phải một lòng trung thành với cấp trên, lãnh tụ bảo sao nghe vậy.

Ðến bây giờ, kinh tế đã thay đổi, nhiều người dân có thể xoay trở kiếm ăn “ngoài guồng máy”; nhưng đảng Cộng Sản vẫn không muốn bỏ nguyên tắc quyền kiểm soát đất đai vẫn nằm trong tay họ. Vì nguyên tắc đó vẫn là một khí cụ để bọn lãnh tụ bảo vệ lòng trung thành của các cán bộ, đảng viên cấp dưới. Hơn thế nữa, trong lúc nền kinh tế đang chuyển sang công nghiệp hóa, các lãnh tụ đảng còn bám lấy khí cụ đó để làm giầu. Vì quyền quyết định việc sử dụng đất đai, chuyển từ nông nghiệp sang công nghiệp, là một thứ máy in ra tiền. Các ông lớn không bao giờ bỏ cái quyền đó; ngược lại họ còn bảo vệ quyền hành của đám thuộc hạ, tay chân để nương tựa lẫn nhau nữa.

Theo những đề nghị của Bộ Trưởng Tài Nguyên và Môi Trường Phạm Khôi Nguyên thì điều 63 (a) của đạo Luật Ðất Ðai năm 2003 sẽ được sửa lại để cho các thành phố và những khu vực đã “quy hoạch phát triển đô thị” được quyền “phân lô bán nền.” Ðất phân lô bán nền ở đây là những diện tích đất đai, có thể là ruộng, rẫy, mà chính quyền địa phương “được phép thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở.” Quý vị thử tưởng tượng trong lúc dân số Việt Nam đang tăng, dự đoán đến năm 2030 sẽ lên tới 150 triệu, riêng cái quyền cho phép ai xây nhà ở đâu, phân lô nơi nào để bán cho người ta xây nhà, quyền đó đã là một mỏ vàng rồi! Ai nắm chìa khóa cái mỏ càng đó? Chính là các đảng viên cộng sản nắm chức nắm quyền ở các địa phương được “quy hoạch” để phát triển thành đô thị!

Thời ông Nguyễn Minh Triết làm chủ tỉnh Bình Dương, đã xẩy ra vụ đem đất vườn cao su tặng cho các cán bộ, quan chức chung quanh ông. Các quan chỉ cần nhận mảnh giấy trao quyền sử dụng đất, chẳng ai cần đặt chân tới chỗ đất mình được tặng nữa. Sau đó nhà nước lại lập ra dự án biến khu đất đó thành khu công nghiệp, bèn mua lại những miếng đất đã cấp pháp. Các vị chủ nhân bèn trả lại đất, thâu tiền bỏ túi, vẫn chẳng ai cần nhìn xem miếng đất mình làm chủ nó hình thù thế nào. Chỉ mấy quyết định trên giấy tờ đó đủ biến bao nhiêu quan chức thành tỉ phú rồi. Bây giờ lại nổ lên những vụ chiếm đất ở Thủ Thiêm, vùng ngoại ô ven biên Sài Gòn, tất cả đều là những kế hoạch đất đẻ ra vàng. Mà cái đũa thần làm được phép lạ đó chính là cái quyền quyết định sử dụng đất nằm trong tay đảng Cộng Sản.

Lại đến kế hoạch mở rộng thành phố Hà Nội mà ông Nguyễn Tấn Dũng mới ban ra, trong nước nhiều người đã chỉ trích là làm bừa, làm mà không tham khảo ai, không nghiên cứu đâu hết, nhưng cứ gọi là kế hoạch. Người dân Hà Nội biết rằng một số ông lớn và họ hàng, phe đảng đã mua đất sẵn ở những vùng sắp được “đô thị hóa” trong kế hoạch mở rộng Hà Nội này rồi. Chỉ cần một chữ ký của ông Nguyễn Tấn Dũng là đất lại biến thành vàng rồi!

Trong tinh thần biến đất thành vàng này, dự án sử đổi Luật Ðất Ðai cho phép các lãnh tụ cấp tỉnh, cấp thành phố được quyết định nơi nào được “phân lô bán nền” để làm nhà ở hoặc nhà cho thuê. Ðó là các quan ở trung ương đem chia quyền biến đất thành vàng cho các thuộc hạ. Khi nắm được quyền đó trong tay, tất cả các thuộc hạ sẽ tận tụy trung thành với Ðảng! Ðó là chất keo sơn đoàn kết các cán bộ, đảng viên đang nắm quyền. Tất nhiên, có những đảng viên “ở ngoài luồng” không được ăn miếng nào nhưng chẳng ai dám nói một tiếng!

Không phải chỉ có các cán bộ đảng viên nắm guồng máy từ trung ương xuống địa phương được quyền chia ăn. Ðảng Cộng Sản cũng không quên chia phần cho quân đội và công an. Quân đội và công an đều có quyền sử dụng đất công trao cho họ quản lý, “để bảo vệ an ninh.” Cấp chỉ huy tha hồ đem đất đai trong phạm vị quyền hạn của mình mà cho thuê, ký hợp đồng vài chục năm để kiếm lời. Họ sẽ nói tiền lời nộp vào công quỹ, nhưng chắc chắn sẽ qua tay chấm mút của các ngài.

Ðất đai nằm toàn quyền trong tay một đảng, không người dân nào được quyền làm chủ, sẽ ngăn cản việc phát triển kinh tế bền vững và lâu dài. Ðó là cái giá mà cả dân tộc Việt Nam phải trả để cho đảng Cộng Sản nắm trọn quyền sử dụng đất đai.

Nhiều người Việt ở ngoài về nước đầu tư đã nếm mùi cay đắng vì luật lệ đất đai nằm hoàn toàn trong tay đảng Cộng Sản. Một nhà đầu tư được thuê hay trao quyền sử dụng đất trong một thời gian, trong mười năm, hai mươi năm, không biết chắc bao giờ họ sẽ đòi lại. Muốn họ đòi lại thì họ có đủ thứ lý do, chẳng ai cãi được bao giờ. Cho nên tốt nhất là nhà đầu tư chỉ làm những dự án có thể thu hồi vốn thật nhanh, “pay back period” thế giới vòng vài ba năm là đủ, sau đó là kiếm lời. Sau khi kiếm lời tạm đủ rồi, có thể sẽ bán lại cho người khác thuộc loại “điếc không sợ sấm!” Chỉ riêng việc sang tên quyền sử dụng đất đai từ một người sang người khác là các quan chức nắm quyền trên đất đai lại có dịp ăn hối lộ thêm lần nữa. Người kế nghiệp cũng chỉ làm sao kiếm đủ vốn lời trong vòng mấy năm rồi bỏ chạy. Cứ như thế, không biết bao giờ mới có những kế hoạch làm ăn lâu dài! Họa chăng là các nhà tư bản ngoại quốc. Vì là người ngoại quốc, họ được sứ quán của họ bảo vệ, không lo bị cướp giật! Còn người Việt Nam thì như cá nằm trên thớt, họ đành để số phận cho Ðảng quyết định, không có ai bảo vệ họ hết!

Những câu chuyện trên cho thấy đến lúc người dân Việt Nam phải đòi lấy quyền làm chủ ruộng đất. Không thể để cho một nhóm người nắm toàn quyền trên ruộng đất. Ðây không phải chỉ là quyền lợi của các cá nhân những người đang sử dụng ruộng đất, mà là quyền lợi chung của cả dân tộc, của các thế hệ con cháu sau này. Vì khi mọi người được làm chủ mảnh đất mình đang cầy cấy hay đang làm nhà ở thì những miếng đất đó không những được dùng mà còn được biến thành vốn để đầu tư nữa. Trong cuốn The Mystery of Capital (Niềm Bí Mật của Nguồn Vốn), nhà kinh tế Hernando de Soto đã nêu lên vấn đề thiếu quyền sở hữu minh bạch trên nhà đất ở các nước đang mở mang. Hàng triệu ngôi nhà ở các thành phố không có giấy tờ để người cư ngụ trong đó trở thành chủ nhân hợp pháp. Nếu được làm chủ hợp pháp, hàng triệu gia đình có thể dùng nhà, đất của mình làm vật “thế chấp” mà đi vay tiền, đầu tư. Lúc nào cũng có sẵn những ngân hàng quốc tế có tiền cho vay, nếu họ biết có tài sản làm thế chấp và nếu quyền sở hữu được luật pháp bảo đảm. Có thể huy động hàng tỷ đô la tiền vốn ở mỗi nước chậm tiến, khi người dân được làm chủ chính thức mảnh đất mình cư ngụ. Nhiều chính phủ trên thế giới đã tiếp nhận bài học của De Soto, lập chương trình hợp pháp hóa quyền sở hữu đất đai của hàng triệu người dân nước họ.

Ruộng và đất không phải chỉ là nơi cầy cấy và nơi cư ngụ. Ðó là một nguồn vốn để phát triển kinh tế. Cho nên người Việt Nam phải đòi đảng Cộng Sản trả lại quyền sở hữu đất đai cho dân. Phải sửa đổi bản hiến pháp để không cho đảng Cộng Sản toàn quyền nắm trong tay ruộng đất cả nước từ hơn nửa thế kỷ nay, biến họ thành chủ nhân ông tuyệt đối trên dân tộc Việt Nam!

(Nguồn: Ngô Nhân Dụng/ Người Việt May 23, 2008)