Ngày lễ Chúa Ba Ngôi, ngôi Cha, Con và Thánh Thần là một mầu nhiệm trong đạo.

Nói đến mầu nhiệm thì không thể hiểu thấu bởi vì mầu nhiệm vượt quá sự hiểu biết của trí óc con người. Hiện nay cuộc sống có nhiều điều chúng ta chưa hiểu, khoa học chưa giải thích được nhưng đó không phải là mầu nhiệm. Những bí ẩn này rất có thể trong tương lai khoa học sẽ có câu giải đáp.

MẦU NHIỆM

Tôn giáo có những điều huyền diệu. Con người bó tay không giải quyết được; khoa học chào thua không biết bắt đầu từ đâu và kết thúc ra sao. Vì thế không bao giờ có câu trả lời xác đáng. Mầu nhiệm gần nhất chính là sự hiện hữu của mỗi người chúng ta. Chúa ban cho mỗi người những tài năng đặc biệt. Ta chỉ biết nhận, bảo vệ, giúp phát triển. Ngoài tình yêu ra khó mà giải thích được mầu nhiệm đời người. Định nghĩa tình yêu chưa thông nói chi đến hiểu. Chúa ban tài năng, sức sống mà không hỏi ý kiến trước khi cho. Đấng nhân lành toàn quyền ban phát ơn thiêng do lòng yêu mến.

Về phương diện tâm linh Kitô hữu cùng tin chung một Chúa Ba Ngôi, cùng bản tính nhưng mức độ tin khác biệt. Mức độ tin khác biệt đưa đến thực hành đức tin khác biệt vừa làm giầu cho niềm tin vừa tạo mâu thuẫn trong việc sống đạo và hành đạo.

Kitô hữu siêng học hỏi tìm hiểu, thực hành sống đạo. Đức tin có chiều sâu, bám rễ trong Chúa, ngay cả khi gặp khó khăn họ vẫn có bình an, cảm nhận được tình yêu, đặt tin tưởng và phó thác vào Chúa. Trái lại đức tin nông cạn, hời hợt dễ bị lung lay theo xu hướng thời đại. Khi gặp chông gai, thử thách thường tự than là bị phạt.

Mỗi người là một mầu nhiệm nên ngoài Chúa ra không phàm mhân nào có câu giải đáp. Chính vì đời là một mầu nhiệm nên Đấng sáng tạo mầu nhiệm điều khiển cuộc đời. Ngoài Đấng đó ra không ai có thể đọc được ý định của Đấng sáng tạo mầu nhiệm. Như thế những tiên đoán tương lai là đoán mò, may nhiều trúng nhiều, may ít trúng ít.

VƯỢT TẦM HIỂU BIẾT

Mầu nhiệm trong đạo, trong đời đều không thể hiểu cặn kẽ, đến nơi đến chốn. Càng cố gắng tìm hiểu càng đi sâu vào mầu nhiệm. Đi sâu vào mầu nhiệm thấy mình quá bé nhỏ. Nhỏ hơn hạt sương mai. Nhẹ hơn bọt sóng. Tương tự con thuyền ra khơi, ra xa thấy đại dương hùng vĩ, thuyền bé nhỏ, mỏng manh. Người ta có thể vượt đại dương mà không cần hiểu thấu đáo đại dương vì chỉ đi một đường trên đại dương và đi trên mặt, chưa lặn sâu đáy đại dương. Tương tự như thế càng tìm hiểu lẽ đạo càng hiểu nhiều nhưng hiểu thấu đáo thì không thể vì mầu nhiệm vượt quá giới hạn con người. Mầu nhiệm bao la hùng vĩ như đại dương, sâu thẳm như bầu trời trong xanh, hùng vĩ như thái dương hệ nên cả đời đào sâu mầu nhiệm cũng chỉ là lướt qua như lằn chỉ của cánh diều vắt vưởng trước gió giữa đất trời. Cánh diều nào so với đám mây. Sợi chỉ sao dài bằng lằn chớp. Khối óc nào hiểu thấu mầu nhiệm.

BA MỘT, MỘT BA

Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi được chính Chúa Jêsu dậy. Ngài luôn nhắc đến mối giây liên kết chặt chẽ Cha Con không phải hai mà là một.

Tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi (Gn 6,38)

Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha (Gn14,9; 12,45)

Cuộc đời rao giảng công khai Ngài luôn liên kết với Chúa Cha qua cầu nguyện. Trước giờ chịu chết Ngài xin Chúa Cha cất chén đắng nhưng đừng theo ý Con một theo ý Cha. Trên thập tự Ngài cũng lớn tiếng kêu Lậy Cha sao Cha đành bỏ Con. Ngài không chối bỏ sự hiện hữu của Chúa Cha mà chính là xác nhận sự hiện hữu của Chúa Cha. Nếu biết rõ không có Chúa Cha tất nhiên Đức Kitô đã không lên tiếng trước giờ tử nạn. Ngài lên tiếng để tái xác định cùng mọi người Chúa Cha hiện hữu. Kêu lớn tiếng chính là xác nhận sự hiện hữu của Chúa Cha nhưng lúc này đây Đức Kitô không cảm thấy Chúa Cha gần bên.

Chính Đức Kitô dậy các môn đệ Kinh Lậy Cha và xin cho nước Cha trị đến để mọi người nhận biết Chúa Cha là Thiên Chúa. Trước khi về trời Đức Kitô trao chương trình cứu độ cho các môn đệ tiếp nối qua lệnh truyền. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em. Nói xong Ngài thổi hơi vào các ông và bảo: Hãy nhận lấy Thánh Thần.

Đức Kitô làm tròn lời hứa ban Đấng Bảo Trợ đến an ủi, dậy dỗ các môn đệ. Chính lời hứa và điều Đức Kitô thực hiện cho chúng ta biết Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Ba Ngôi trong một Thiên Chúa duy nhất, đồng bản tính như nhau.

HỢP NHẤT

Ba Ngôi Thiên Chúa hợp nhất trong tình yêu. Mối tình gắn bó keo sơn này liên kết Ngôi Cha, Ngôi Con và Thánh Thần trong một Thiên Chúa duy nhất, đồng bản tính. Liên kết đến độ cả ba là một. Chính Đức Kiô xác định: Ta và Cha Ta là một (Gn 10,30)

Con không thể tự mình làm bất cứ điều gì, ngoại trừ điều Người thấy Chúa Cha làm; vì điều gì Chúa Cha làm, thì người Con cũng làm như vậy (Gn 5,19).

Tình yêu chân chính phát sinh hành động yêu thương. Con người được sinh ra từ tình yêu đó. Con người được cứu độ nhờ tình yêu đó. Con người có chung một Cha cũng nhờ tình yêu đó và con người được yêu mến và ở cùng Thiên Chúa cũng nhờ tình yêu Chúa Ba Ngôi.

TÌM BÀI CŨ:

Suy Niệm: http://www.stmarksinala.net.au/suyniem.html

Truyện ngắn: http://www.stmarksinala.net.au/truyen.html

Hình ảnh: http://www.stmarksinala.net.au/Photos.html