Các Ngoắt Ngoéo của Thụ Thai Nhân Tạo

Với việc thụ thai trong ống nghiệm (IVF) ngày một trở nên phổ thông hơn, con số các trẻ em có nguy cơ tách ly khỏi người cha của chúng vì thế mỗi ngày càng gia tăng lên.

Thượng Pháp Viện Ái Nhĩ Lan mới đây phán quyết không nhìn nhận quyền làm cha của một người hiến tinh trùng để dùng cho việc thụ thai nhân tạo mà kết quả là con trai ông đã được hạ sinh. Vốn là một người đồng tính luyến ái, người cha này hiến tinh trùng của mình cho người mẹ và người phối ngẫu nữ giới của bà ta, nghĩa là cho một cặp đồng tính luyến ái nữ. Ngày 17 tháng Tư vừa qua, tờ Irish Times tường thuật rằng Chánh Án John Hedigan cho rằng cặp đồng tính luyến ái nữ phải được coi là một cặp “vợ chồng sống chung với nhau” (a de facto couple) với đầy đủ quyền lợi theo Công Ước Nhân Quyền Âu Châu.

Thành thử, vị chánh án này đã bác khước quyền giám hộ hay quyền thăm viếng của người cha theo sinh học, là người trước đó đã nạp đơn xin hưởng các đặc quyền ấy. Các tường thuật của báo chí cho hay rất có thể ông ta sẽ kháng án lên Tối Cao Pháp Viện.

Trong một tuyên bố báo chí công bố cùng ngày, Viện Iona, đặt cơ sở tại Dublin, một tổ chức phi chính phủ rất tích cực trong các vấn đề gia đình, cho hay: trẻ em có quyền được biết cha mẹ chúng, và được cha và mẹ chúng nuôi dạy. David Quinn, giám đốc Viện này, nhận định rằng: “Trong trường hợp này, sự kiện người đàn ông, có tên ‘A’, là một người hiến tinh trùng cũng không có cách chi làm giảm sự kiện ông ta là cha đứa nhỏ và do đó, đứa nhỏ có quyền được biết cha nó và có cơ hội nào đó bất cứ để tiếp xúc với cha mình. Quyền này vốn có sẵn trong đứa nhỏ và quả là ngoại thường khi người ta bỏ qua điều đó vào đúng lúc ta đang xem sét việc tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về các quyền lợi của trẻ em”.

Một trong các vấn đề liên quan đến việc không được biết cha mình đã được một bài báo ngày 19 tháng Tư đăng trên tờ Irish Independent nhấn mạnh. Câu truyện ấy kể lại việc Kirk Maxey đã làm cha một số lượng trẻ em không biết là bao nhiêu qua chương trình hiến tinh trùng trong một thời gian dài, mà ông ta ước tính lên đến khoảng từ 200 đến 400. Bây giờ tuy ông ta đã có con riêng rồi, nhưng Maxey vẫn không vui khi biết rằng trong chòm xóm gần nhà ông, rất có thể có đến 100 bé gái gần bằng tuổi con trai ông, cùng cha như con trai ông, nhưng chẳng có ý niệm gì về ông cả.

Mồ Côi

Trong một bài nhận định viết cho số báo ngày 19 tháng Tư của tờ Irish Times, Breda O’Brien ghi chú rằng trong mấy thập niên qua, nhiều trẻ em đã bị tách ly khỏi cha mẹ và đưa vào viện mồ côi khi nhà cầm quyền thấy gia đình các em không đủ khả năng chăm sóc các em. Cô cũng cho hay: mấy năm gần đây, phần lớn các trường hợp thuộc chính sách trên đã bị coi là lầm lẫn. Cô đặt câu hỏi: “Như thế, tại sao ta lại không chịu nhìn ra rằng mình đang tạo ra các bất công mới và quả đang phạm cùng những lầm lỗi trong các hoàn cảnh mới này y hệt như người ta đã phạm trong quá khứ?” O’Brien khuyến cáo “Ta cần phải tiến hành một cách hết sức thận trọng đặc biệt vì trong quá khứ, ta đã hiểu quá tệ các nhu cầu của trẻ em”.

Ái Nhĩ Lan không phải là nước duy nhất tạo ra các vấn đề như thế. Tại Anh, nhật báo Telegraph ngày 20 tháng Ba tường trình rằng mới đây có người đàn bà hạ sinh đứa con của chồng sau khi ông ta qua đời được bốn năm. Lisa Roberts cho hay người đàn bà này chắc chắn chồng bà là James hẳn chấp nhận việc hạ sinh đứa con gái của họ. Tinh trùng của người chồng đã được đông đá sau khi ông ta được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vào năm 2004. Ông qua đời cuối năm đó. Theo tờ Telegraph, một số trẻ em tại Anh đã được hạ sinh sau khi cha các em qua đời đã lâu, tiếp sau một án lệ năm 1997, khi Diane Blood khởi tố để được phép sử dụng tinh trùng của người chồng đã qua đời.

Trong khi ấy, tại tiểu bang Victoria của Úc, các đề nghị đang được thảo luận để nới lỏng các đạo luật về IVF, gồm cả các đạo luật liên quan đến việc hiến tinh trùng. Một bài báo đề ngày 16 tháng Hai đăng trên nhật báo The Australian, Myfanway Walker, một phụ nữ được sinh ra do kết quả của IVF và tinh trùng hiến tặng, đã trình bầy chi tiết các chống đối của cô đối với việc hiến tặng tinh trùng này.

Chỉ đến tuổi 20, cô mới khám phá ra sự thật về cha mẹ cô. Nhờ thế, cô đã liên lạc được với người cha theo sinh học của mình, nhưng cô cho hay dù cuối cùng trẻ em đạt được việc ấy chăng nữa, thì đó cũng không phải là một giải pháp có thể chấp nhận được.

Tìm Kiếm Vô Vọng

Dù hiện nay con số các quốc gia bãi bỏ tính nặc danh của người hiến tặng, nhờ thế, các trẻ em có cơ hội liên lạc được với cha hay mẹ sinh học khi các em đã 18 tuổi, nhưng Walker nhận xét rằng các dữ kiện đưa đến việc tiếp xúc kia thường không được các bệnh viện cập nhật hóa thỏa đáng. Mặt khác, chính các người hiến tặng thường cũng tích cực tìm cách tránh né để khỏi bị tìm ra. Như thế, khi trẻ em tới tuổi biết bắt đầu tìm kiếm cha “ruột” của mình, thì việc tìm kiếm ấy thường là không thành công. Walker nói với tờ The Australian rằng Công Ước của Liên Hiệp Quốc về Quyền Trẻ Em tuyên bố rằng trẻ em có quyền biết căn tính mình. Một quyền như thế chắc chắn bị vi phạm khi một cha mẹ là người hiến tặng, mà lại có quyền dấu tên trong những năm đầu đời của đứa trẻ.

Nhà đạo đức học Margaret Somerville trong một bài viết cho nhật báo Gia Nã Đại, The Ottawa Citizen ngày 17 tháng Chín năm ngoái xác nhận rằng quan điểm của Walker được nhiều người khác vốn cũng được sinh ra qua chương trình hiến tặng tinh trùng ủng hộ. Somerville cho hay càng ngày càng có nhiều trẻ em như thế, nay đã ở tuổi thiếu niên, đang lên tiếng mạnh mẽ chống đối phương cách chúng được sinh ra. Chúng cảm thấy mình như “những trẻ mồ côi sinh học”. Somerville cảnh cáo: ta đang có nguy cơ phân chẻ quyền làm cha mẹ thành các yếu tố vụn vặt về phương diện sinh học, nuôi nấng, xã hội và luật lệ. Việc ấy sẽ gây hại nghiêm trọng cho cả trẻ em lẫn xã hội.

Một nhật báo Gia Nã Đại khác là tờ The Globe & Mail, ngày 13 tháng 11 năm rồi, tường trình việc Liza White khám phá ra con gái Morgan của bà, được thụ thai nhờ tinh trùng hiến tặng, có đến 6 anh chị em “cùng cha” khác mẹ. Sáu gia đình và bẩy đứa trẻ này sống khắp nước Mỹ từ tiểu bang Washington tới Thủ Đô Washington. Cả bẩy đứa trẻ này cùng sinh cách nhau nửa năm, và vào lúc bài báo kia xuất hiện, chúng đều đang học lớp mẫu giáo. Theo tờ The Globe & Mail, các bà mẹ, thẩy đều đồng tính luyến ái, nên chưa biết ai là cha con cái họ và làm cách nào liên lạc với ông ta.

Khủng Hoảng Căn Tính

Kỹ thuật thụ thai trong ống nghiệm cũng đang được sử dụng để tạo ra những loại liên hệ gia đình hết sức dị kỳ. Tờ Sunday Times, ngày 10 tháng Hai vừa qua cho hay: ít nhất có đến sáu bà mẹ tại Anh đã đông đá trứng của mình để các con gái hiếm muộn của họ có thể sử dụng sau này. Những người con gái có khả năng hạ sinh các anh chị em của chính mình ấy sở dĩ thực hiện được việc đó là nhờ kỹ thuật đông đá hiện nay tiến bộ đến độ các trứng của bà mẹ có thể sống lâu đủ để chờ mấy đứa con gái kia đến tuổi trưởng thành và đem ra sử dụng.

Phê phán việc ấy, Josephine Quintavalle thuộc tờ Nhận Định Về Đạo Đức Học Sinh Sản nói với tờ Times: “Đứa trẻ chắc chắn sẽ gặp khủng hoảng căn tính, không tài nào tính ra được mối liên hệ của mình với thân nhân”.

Một trường hợp điển hình khác ở Anh đã được đài BBC tường trình vào ngày 5 tháng Mười năm ngoái. Một ông già nặc danh 72 tuổi đồng ý hiến tặng tinh trùng của mình để có “cháu nội”. Ông cụ hiến tinh trùng của mình cho con trai và nàng dâu là những người không có khả năng thụ thai qua chương trình IVF.

Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo từng lên tiếng chống lại các nguy cơ của IVF, trong đó có nhắc đến quyền một đứa trẻ được sinh ra bởi một người cha và một người mẹ, và quyền được biết họ (Số 2376). Sách này nói thêm “Đứa trẻ không phải là một đồ vật nợ nần ta, nhưng là một hồng phúc, ‘một quà phúc tối cao của hôn nhân’ (số 2378). Cho nên, bản văn viết tiếp: “Không được coi đứa trẻ như một món tài sản”. Các nguyên tắc ấy thường rất dễ bị làm ngơ, gây thiêt hại không những cho đứa trẻ mà cho cả xã hội như một toàn bộ.

Viết theo Cha John Flynn, LC, Zenit 27-04-08